Bước tới nội dung

Nhà văn sĩ Henri Barbusse qua đời

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nhà văn sĩ Henri Barbusse qua đời  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng an, Huế, số 60 (24 Septembre 1935), trang 2.

Chắc trong bạn đọc Tràng an cũng có nhiều người nghe nói đến nhà văn sĩ Pháp vừa qua đời, Henri Barbusse.[1]

Henri Barbusse đứng đầu trong những nhà văn vô sản nước Pháp. Ông ta bước vào làng văn từ lúc còn nhỏ tuổi lắm. Tập thơ đầu của ông nhan đề Pleureuses,[2] xuất bản vào năm 1895. Tập thơ ấy chịu ảnh hưởng của học phái chú trọng về hình thức câu văn, phái Parnasse.[3]

Sau đó ít lâu ông cưới vợ, lấy con ông Catulle Mendès. Trong 8 năm, người ta không thấy ông viết lách gì; mãi đến năm 1903 ông mới ra quyển Les suppliants cũng là một tập thơ nữa.[4]

Từ 1903 đến lúc Âu chiến, ông bận công việc, – ông làm chủ bút tờ Je sais tout rồi đến tờ Lectures pour tout – nên chỉ xuất bản có một quyển tiểu thuyết: L’ Enfer (1908).[5]

Tám năm về sau, chính giữa lúc Âu chiến đương dữ dội, ông ra quyển Le Feu, tập nhật ký của một đội lính trận. Quyển Le Feu được phần thưởng Goncourt một cách rất vẻ vang và được công chúng hoan nghênh hết sức. Ít có sách nói về chiến tranh mà được người ta để ý và phê bình như quyển Le Feu. Từ khi mới bắt đầu in từng kỳ trong tờ báo L’ Œuvre đã gây nên giữa độc giả những cuộc biện luận rất hăng hái. Quyển Le Feu có hàng trăm vạn người đọc. Le Feu thiệt là một tác phẩm có đặc sắc. Người ta có thể không theo xu hướng chánh trị của tác giả, nhưng không thể không nhận tác giả là một nhà nghệ sĩ có tài, một người có trí quan sát rất tinh tế.

Sau quyển Le Feu, Barbusse còn ra một quyển nữa là Clarté, cũng hay nhưng thua Le Feu.[6]

Từ đó Barbusse chỉ viết những tác phẩm có tính cách tuyên truyền, ít có giá trị về nghệ thuật. Nhà cách mệnh đã lấn bước nhà nghệ sĩ. Quyển Jésus, quyển Staline đều về lối văn chỉ có tính cách cổ động, lối văn một thời.

Nhưng Le Feu thì đời đời vẫn còn và Barbusse viết được một quyển ấy cũng đã đủ lắm rồi.[7]

   




Chú thích

  1. Henri Barbusse (17. 5. 1873 – 30. 8. 1935), nhà văn Pháp.
  2. Les Pleureuses: Những người phụ nữ khóc than.
  3. Phái Parnasse: một phái các nhà thơ Pháp tập hợp chung quanh Théophile Gautiere, đối lập sáng tác thơ của mình với thơ lãng mạn và thi pháp lãng mạn mà theo họ là đã già cỗi.
  4. Catulle Mendès (1841-1909) nhà văn Pháp. Les suppliants: Những người nài van.
  5. L’ Enfer: Địa ngục.
  6. Le Feu: Khói lửa; Clarté: Ánh sáng.
  7. Bài này không ký tên; chắc hẳn là do chủ bút Phan Khôi viết.