Những tiếng đệm bằng ang và ac

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Những tiếng đệm bằng ang và ac  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 4 (22 Août 1936), trang 3, mục "Quốc văn nghiên cứu".

Trong quốc ngữ có một thứ tiếng gọi là tiếng đệm. Tiếng đệm không có nghĩa, thường là hợp với tiếng đi trước nó mà có nghĩa.

Những tiếng đệm ráp với bất kỳ vần gì đều được cả, như đường sá với a, chợ búa với ua, lăn lóc với óc, khó khăn với ăn, chán chường với ương... không phải có hạn định với một vần nào.

Nhưng người ta đã nhận thấy một điều đáng chú ý là những tiếng đệm phần nhiều hay ráp với ang, thứ nữa với ac.

Angac cùng một âm hệ, cùng một lối mở miệng trong lúc phát âm. Thế thì dùng nó làm tiếng đệm, tất nhiên phải có cớ làm sao đó mà ta chưa tìm ra được.

Cái lý do của sự thực tuy chưa tìm ra được, chớ chính cái sự thực ấy thì đã lồ lộ ra. Vậy tôi thử nêu lên đây để chờ sự nghiên cứu của lần sau, không thì của kẻ khác.

Tiếng đệm thuộc về danh từ ráp với ang như những tiếng nầy:

Bống bang Nhịp nhàng
Đĩ đàng  Vị vàng
Điếm đàng  Xừ xang
Họ hàng

Tiếng đệm thuộc về động từ ráp với ang như những tiếng nầy:

Đảm đang  Nể nang
Khoe khoang  Phụ phàng
Mê mang  Phũ phàng
Mơ màng  Sờ soạng
Mở mang  Sửa sang

Duy có những tiếng đệm thuộc về hình dung từ hay trợ động từ ráp với ang là nhiều hơn hết, như những tiếng nầy:

Bỉ bàng  Chểnh mảng
Bẽ bàng Chững chàng
Bỗng chãng  Dễ dàng
Cũ càng  Dở dang
Kỹ càng  Dịu dàng
Kềnh càng  Đàng hoàng
Chang bang  Đểnh đoảng
Chàng ràng  Gọn gàng
Cháng váng  Hoang toàng
Chệnh choạng  Hoang đàng
Lang thang Nhộn nhàng
Lai láng  Rảnh rang
Lẹ làng  Rình rang
Lảng vảng  Rộn ràng
Lênh lang  Rõ ràng
Mịn màng  Rỡ ràng
Mênh mang  Sỗ sàng
Mông mang  Sẵn sàng
Muộn màng  Thinh thang
Nở nang  Thảng mảng
Ngang tàng  Vẻ vang
Nghênh ngang  Vênh vang
Ngổn ngang  Vội vàng
Ngỡ ngàng  Xốn xang
Nhẹ nhàng  Xổn xảng

Lại có tiếng đệm đến bốn chữ cũng ráp với ang, như tiếng:

Lịch sự lịch sàng

Nhưng mà ít lắm.

Thứ đến những tiếng đệm ráp với ac. Theo như tôi nhớ mà kể ra dưới đây, những tiếng ấy thuộc về động từ hầu như không có, và thuộc về danh từ rất ít, cũng duy có hình dung từ là nhiều hơn.

Về danh từ chỉ có hai tiếng:

Họ mạc  Làng mạc

Về hình dung từ hoặc trợ động từ có những tiếng nầy:

Ầm ạc  Phờ phạc
Chững chạc  Quạch quạc
Dớn dác Rân rác
Đĩnh đạc  Rột rạc
Hốc hác  Rời rạc
Hụt chạc  Sục sạc
Lác đác  Tan tác
Lệch lạc  Tản mác
Loạn lạc  Tao tác
Man mác  Tráo chác
Mộc mạc  Vụt chạc
Nục nạc  Xài xạc
Ngơ ngác  Xệch xạc
Xơ xác

Bài nghiên cứu này thật chẳng có công phu gì cả. Chỉ có ra sức cóp nhặt một mớ chữ sau khi biết chú ý đến một điều đáng chú ý. Ngần ấy chữ đệm mà cuối cùng ghép với ang hay ac, tôi chẳng biết đã thu thái hết chưa. Tôi chỉ mong có ai thấy sót chữ gì thì bổ vào để về sau làm tài liệu cho các nhà âm ngữ học và văn pháp học.

P. K.