Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang ta đến ngày nay/Cuốn 1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

NHỮNG TRẬN

o o o ĐỔ MÁU o o o
(hồi người Pháp mới sang ta)

HÌNH VUA TỰ-ĐỨC HỒI ẤY

Chuyện này chép rõ các trận từ hồi người Pháp mới sang ta đến đời vua Duy-Tân, có đủ hình các yếu-nhân Pháp, Nam.

nhât-nam thu-quan
102 HÀNG GAI HANOI, XUẤT-BẢN GIỮ BẢN-QUYỀN

Cuốn 1
Giá 3 xu
NGÔ-TẤT-TỐ SOẠN.

Tiểu-dẫn

Làm dân Việt-nam, chắc ai cũng biết rằng: từ đầu đời Tự-đức cho đến cuối đầu Duy tân, trong nước xẩy ra nhiều chuyện rối-ren, thật là thời kỳ quan-hệ trong lịch-sử. Thế nhưng cũng chỉ biết vậy, ít người rõ được ngành-ngọn, là vì sách vở hoặc thiếu-thốn, hoặc linh-tinh, không nhờ vào đâu mà kê-cứu được. Cũng bởi cái lòng « muốn biết », chúng tôi đã tốn nhiều công-phu sưu-tầm được nhiều tài liệu xác-thực. Nay đem góp-nhặt sếp-đặt, viết ra bộ này cống-hiến những ai cùng chung một tính « muốn biet » đó.

Sách này, bắt đầu từ hồi người Pháp mới sang Ta, kết-cục đến cuộc Bảo hộ thành-lập. Trong đó bao nhiêu trận đánh kịch liệt như trận Cần thơ, trận Thuận An, trận Hà nội, trận Sơn tây v.v. và những đám giặc kiệt-hiệt, như giặc Cai-vàng, giặc Tạ-văn-Phụng v. v. đều theo ngày tháng trước sau, chép thật rành-rọt. Ngoài ra những trận đánh nhỏ, những toán giặc nhỏ, những chuyện xẩy ra ở trong triều, những việc can-liên đến mấy nước bên cạnh, cùng là quan-lại hành-động những gì, dân-tình tật khổ ra sao, cũng đều theo cái « biết » của mình mà chép rất kỹ, và có hệ-thống. Độc-giả đọc hết, chắc cũng xét công khó-nhọc cho chúng tôiSOẠN GIẢ CẨN CHÍ

Pháp-Nam giao-chiến

Coi đây đủ biết ai được, ai thua!

Những trận đổ máu
hồi người Pháp mới sang ta

NGÔ-TẤT TỐ SOẠN, NHẬT-NAM XUẤT BẢN GIỮ BẢN QUYỀN,
CẤM TRÍCH LỤC VÀ IN LẠI CÁC HÌNH ẢNH TRONG SÁCH

〇◣

I. — Trái phá bắt đầu nổ trên đất Việt-nam

Sang mùa Thu, đã hơn một tháng, cửa Biển Đà-nẵng vẫn không khác gì mùa hè: ngày nào cũng nắng trang-trang từ sớm đến tối.

Mồng 5 tháng 8!

Cái ngày đáng sợ hơn mọi ngày.

Vừa mới sáng ra đã thấy oi bức lạ lùng. Mặt trời càng lên cao, khí nóng càng gắt.

Bốn phương tám mặt không động một ngọn gió nào. Mặt biển yên lặng như tờ, Mấy cái hờm đá ven biển mọi khi có sóng nhỏ vỗ vào oằm-oặp, lúc ấy cũng im phăng-phắc.

Trên làn nước mênh mông vô-cùng tận, bóng mây trắng sóa kéo suốt từ Bắc xuống Nam, khum-khum úp kín một bầu vũ-trụ. Trời biển trong vắt như chiếc nồi thủy-tinh. Thẳng chỗ chân mây sáng quắc, giáp với ngấn nước xáng lè, người ta nhìn rõ mấy đoàn buồm trắng của

HÌNH VUA HÀM-NGHI NGÀY NAY
(Kỳ sau có hình ngài mặc triều-phục hồi nhỏ)

những chiếc thuyền đánh cá, giống như đàn sếu bạch điểm rong bức tranh sơn-thủy.

Quá trưa, sức nắng càng kịch-liệt.

Cát trên bờ biển bị ánh « lửa trời » thiêu đốt, đều thành những hột cát rang. Khí nóng bốc lên, khắp bờ biển y như lò hầm.

Hai mươi đội thủy-binh trong đồn Đà-nẵng cũng chung hoàn-cảnh với những hột cát kia, trừ ra ít kẻ quạt hầu thày đội, thày cai, họ đều tản-mác tìm chỗ bóng cây mà ẩn.

Mặt trời xế bóng, ánh nắng quáng lòa lúc nẫy, biến ra đỏ bừng bừng. Xa tít ngoài khơi, lù lù hiện ra cái bóng đen đen, hình như một ngọn cù-lao mới mọc, mà hình như ngọn cù-lao ấy vẫn đương đi mãi vào mạn bờ-biển, càng nhìn càng rõ thêm.

Lấy làm lạ, bọn lính canh ngày, vội trình với viên Thủy-binh Đề-đốc,

Trong trại trung quân, một người sức béo lăm-lẳm, đầu trọc và trắng như bông hoa vậy, trùng trục khoác mảnh quần lá-đắp nằm tréo góc dường nọ sang góc dường kia, hai bên hai tên lính cầm đôi quạt lông phe-phẩy quạt vào, Thủy-binh Đề-đốc Nguyễn-văn-trọng đương chội-luộc về hơi nắng.

Thấy trình, viên tướng già đó lập tức ngồi giậy giật chiếc quạt lông của tên lính hầu che đầu lên trời, hiếng một con mắt ngóng ra ngoài khơi.

— Cái bóng đen đen vẫn lù lù tiến vào.

— Có lẽ « cá ông, « cá voi » chăng? Phải, mấy bữa nay nóng quá, « người » ở dưới nước không yên, nên phải nổi lên chứ gì. Thôi, lạy « người » nếu có phải đến ngày tận-số, thì xin « người » hãy đi phương khác, đừng « lụy » ở đây, chúng tôi lại phải cúng tế lôi thôi.

Quan tướng thủy-binh còn đương lẩm-bẩm một mình, thì con cá ông trong trí tưởng tượng của ngài đã hoá ra một chiếc tàu lớn, xăm xăm thẳng nẻo cửa biển chạy vào!

— À ra chiếc tầu-ô! Ừ phải, nó có chiếc cột phun khói thế kia chắc là tầu ô của người Tây-dương. Làm sao họ vào hải-phận nước ta mà không xin phép? hay định sinh-sự gì chăng?

Nghĩ vậy, Nguyễn-văn-Trọng lật-đật xuống trại, một mặt sai người thảo sớ tâu Vua, một mặt truyền lệnh mấy viên lính-binh, đốc dẫn vài đội chiến thuyền và mấy trăm bộ-binh kéo ra cửa biển án-ngữ.

Chiếc tầu ô bỗng đứng dừng lại.

Tù-và thổi vang, trống ngũ-liên khua không dứt tiếng, mấy chục chiếc chiến-thuyền trèo-lái tấp-nập, phất-phới bơi ra ngoài khơi. Mấy trăm gươm giáo sáng choang đều chiã vào chiếc tầu kia, chỉ chực khi gần giáp nhau, ai nấy nhảy lên mà phá.

Tuu! Tuu! Tuu!!

Còi hét lên mui tàu nghe rất kinh-khủng, tiếp đến tiếng kêu sình-sịch, khói tầu phùn-phụt bốc lên, chiếc tầu kia rẽ nước xấn vào, đuôi tầu bọt nước tung lên chắng soá như đàn cá chồm hai bên mạn tầu nổi cồn-cộn, mấy chục chiếc-thuyền của quân ta đều phải lùi lại hàng trượng. Những quân lính vẫn hăng hái chèo lên

Trong tầu bỗng thấy kèn thúc inh-ỏi, rồi thì súng nổ đùng đùng, mặt bể khói tỏa mù-mịt đạn như mưa rào tua tủa bắn sang quân ta.

Chỉ trong giây lát, mấy chục chiến thuyền đều bị tan tành, quân lính nhào cả xuống biển, ván thuyền và xác chết nổi trên mặt nước lềnh-bềnh.

Trên tầu kèn vẫn dục, súng vẫn nổ, còi vẫn gầm hét ngang trời, mũi tầu vẫn săm săm xông vào như muốn húc tan bờ-biển!

Nguyễn-văn-trọng đốc dẫn mấy đội bộ binh xông lên cách bến bể độ 50 trượng.

Chiếc tầu kia thình-lình đứng lại.

Đoành!

Tiếng nổ kinh-thiên động-địa tự nẻo đầu tầu phát ra. Theo tới tiếng nổ ấy, một vật trùng-trục ấy cũng tự đầu tầu đưa vào. Đánh « huỵch » một cái, vật trùng-trục ấy đã hềnh-hệnh nằm trên đống cát, coi giống như hình bắp chuối.

Tưởng là họ bắn súng thần-công, bên ta cũng hăm-hở nạp đạn đại-bác. Một tiếng « đoàng » nữa.

Lại một vật trùng trục ném vào mỏm đá ven bể, chỉ cách mặt trận quân ta độ ba chục trượng.

Tức thời lại thấy tiếng nổ cực kỳ dữ- dội, khói thuốc mù-mịt, đất sỏi bắn lên tứ tung, quanh chỗ mỏm đá chũng xuống thành một cái hố rất lớn.

Một sạp luôn mấy chục phát nổ kinh-thiên động-địa như thế. Nhưng vật trùng-trục dần dần đưa thăng tới trận quân Ta.

Lính-tráng bên Ta bắn không kịp, chạy không kịp. Cái vật trùng-trục rơi xuống đám quân nào, thì đám quân ấy tan-nát.

Những mảnh đầu-lâu dính tóc tung lên lưng trời, bóng tóc vẫn bay phấp-phới.

Những khúc ruột non ruột già sổ ra luê-thuê như những ruột-tượng mầu điều. Những đoạn chân gẫy tay cụt bắn đi mỗi thứ mỗi nơi, tan tành như mảnh sác pháo!

Máu đỏ phun trên cát trắng, đầm-đìa thành những vũng phẩm hồng.

Gươm, mác, súng, ống, cái gẫy, cái dập, ngổn-ngang khắp trên vũng máu.

Mặt trời sắp lặn, tiếng nổ trên tầu vẫn đoành đoành chưa thôi.

Nguyễn-văn-trọng thu nhặt quân tàn rút vào trong đồn, hỏa-tốc sai người về kinh cáo-cấp. Bấy giờ là năm Bính-thìn, hiệu Tự-đức thứ 9 (1856).

Đêm ấy quan lính trong đồn Đà-nẵng, nghĩ đến cuộc ác-chiến ban ngày, ai nấy đều phải phanh-phách giật mình; không biết tầu của nước nào, họ bắn cái chi mà mạnh làm vậy!

Giả như chúng ta sinh ở nước Nam hồi đó, có lẽ cũng đến mơ-hồ như ai. May mà đẻ vào ngày nay, nhờ có sử sách chép lại, thì đối với việc đã qua ấy, chúng ta chép lại, biết được rõ lắm:

Cái tầu phá cửa Đà-nẵng năm ấy là tầu Cát-tin-na (Catinat), một chiếc chiến-hạm của nước Pháp mà người đời ấy vẫn quen gọi là nước: « Phú-lãng-Sa »

Với nước Phú-lãng-sa, trước kia Triều-Nguyễn vẫn coi là bực hữu bang, vì họ có công giúp Vua Gia-long đánh nhà Tây-Sơn. Nhưng từ khi bên ta có việc cấm đạo Gia-tô, thì ở giữa hai nước đã sinh nhiều chuyện rắc-rối. Trước đây 9 năm tức là năm thứ 7 Thiệu-trị, cũng vì vấn-đề truyền đạo ấy, thành lũy trong đồn Đà-nẵng đã bị quân Phú-Lãng-sa tàn-phá một lần. Nhưng cứ nhiều người nói lại, thì khi ấy họ mới phá bằng súng tay, chưa dùng tạc-đạn, cho nên sự thiệt-hại của ta cũng chưa thảm như lần này. Mà mối cảm-tình của hai nước, cũng chưa đến nỗi quyết-liệt. Mới tự 4 năm lại đây, sau khi nhà Vua đã ban ra đạo chỉ-dụ « cấm đạo » lần thứ hai, tín-đồ Gia-tô bị giết nhiều lắm.

Tin đó truyền sang nước Pháp, báo-quán của họ luôn luôn kể những thảm-trạng của tụi giáo-sĩ truyền-giáo ở Ta, làm cho dư-luận sôi-nổi luôn mấy năm, họ khuyên Chính-phủ của họ phải tìm cách đối phó. Chiều ý dân chúng, Vua Pháp mới sai Leheur de Ville-sur-art đem chiến-hạm Catinat sang đây, một là dọa-nạt nước ta để điều-đình về việc truyền-giáo hai là dò xem tình-thế nước ta ra sao, nếu có thể lấy được, thì sẽ lấy luôn làm xứ thuộc-địa.

Vượt biển giòng-giã hơn hai tháng, chiến-hạm Cát-ti-na vào gần cửa biển đà-nẵng, vừa gập quân lính nước ta đô ra chống-cự.

Một dịp tốt cho họ thị oai. Le heur de Ville-sur-art bắn tạc-đạn vào, phá tan mấy đội quân ấy.

Dân ta từ trước chưa biết tạc-đạn là cái gì, thấy nó giống như trái cây, mà có sức phá-hoại rất mạnh, mới gọi tên là « trái-phá ».

Ấy là lần thứ nhất mà dân Việt-nam được nghe tiếng trái-phá, ấy là lần thứ nhất, mà trái-phá nổ ở đất Việt-nam. Trong mắt những người đương-thời đời ấy, mấy phát trái-phá đó chỉ là vật bắt đầu tàn-phá nước Nam Nhưng đối với bộ óc mấy kẻ thức-thời, thì những phát trái-phá này, chưa phải là vật tai hại nước Nam, chính là tiếng chuông « báo-thức » dục người Nam phải mau mở mắt nhìn ra cục-diện thế-giới, chớ không mơ-mộng được nữa.

Phải! Thế-giới hồi đó chẳng phải là cái thế-giới trong mấy trăm năm trước kia. Máy-móc chế ra cực nhiều, công-nghệ cải-cách rất chóng, chủ-nghĩa tư-bản nổi lên khắp cả các nước Âu-tây, xưởng thợ, nhà máy rựng lên như rừng, hóa-phẩm chế ra hàng núi.

Cái việc tìm-kiếm, thị-trường tiêu-thụ hàng-hoá, và cái việc đánh chiếm thuộc-địa thu-vét nguyên-liệu, đã thành vấn-đề sống chết của mấy nước kia.

Cho được đạt tới hai mục-đích ấy, người ta phải trú-trọng về mặt võ-lực. Những đồ giết người của họ ngày càng tinh và càng nhiều.

Chiến-thuyền đốt củi đã hoá chiến-hạm đốt than. Những thứ thần-công, đại-bác chỉ bắn « đạn một » đã biến ra súng bắn tạc-đạn dài như bắp chuối. Cái kiểu súng tay tọng thuốc nhồi đạn, châm lửa vào bông-mai đã trở nên kiểu súng khai-phúc, bắn bằng cò máy đá lửa.

Với những binh-khí ấy, họ đánh đâu mà không tan!

Hai cái đại-lục Mỹ-châu, Phi-châu, và quần-đảo Úc-châu, lại cả nước Ấn-độ, lần-lượt làm đất thực-dân của họ. Người Anh, người Mỹ, người Đức, người Pháp, người Hà-lan, mỗi nước cấu xé mỗi mảnh, đất trên thế-giới hầu thành những miếng thịt trâu toi, ai nhanh tay thì mới cướp được.

Trong lúc chủ-nghiã « đế-quốc » lan-tràn một cách dữ-t, dội như vậy, một nửa Á-châu, Ta cũng như Tầu, đất tốt, mỏ nhiều, công-nghệ chưa phát-đạt binh-khí còn theo lối cổ-xưa, chẳng qua như cá nằm trên thớt, lấy lúc nào được lúc ấy, chỉ vì xa quá, người ta chưa kịp ngó đến mà thôi.

Thế nhưng mình có biết đâu, cái thói « đóng cửa cài then » — Ta cũng như Tầu — đã làm cho mình không thèm nhìn ra nước khác.
Ngày nay nhắc đến tình-hình nước ta hồi đó, dẫu đau lòng cũng phải phì cười.

Sau khi vua Gia-long đánh được nhà Tây-sơn, tron nước tuy được tạm yên ít năm, nhưng từ khi công-thần củ ngài nhiều kẻ chết oan, thì giặc-giã lại theo nhau mà giậy. Từ-khi vua Gia-long tạ-thế trải qua hai triều Minh-mệnh, Thiệu-trị sang đến đầu đời Tự-đức giòng-giã mấy chục năm, nhà nước không lúc nào yên, Trong Nam thì Lê-văn-khôi, ngoài Bắc thì Phan-bá-vành, Lê-duy-lương, đều là đảng giặc kiệt-hiệt, chống lại triều-đình hàng chín mười năm trở ra. Mỗi toán giặc đó nhà Vua phải hao hàng vạn quân mới đánh nổi họ, ấy là chưa kể những đám giặc nhỏ như Nông-văn-vân ở mặt Tuyên-quang, Lê-duy-cự ở mặt Sơn-tây, Khách-tam-đường ở mặt Thái-nguyên...

Tóm lại, cái thời-kỳ năm chục năm đó, tiếng rằng thống-nhất, kỳ-thực vẫn là thời-kỳ nội loạn,

Sống trong những cuộc lửa-binh ngùn-ngụt, nhân-dân cực khổ biết chừng nào!

Lại thêm tai trời vạ đất xẩy ra luôn luôn, ở Trung-kỳ, hàng năm bão biển thổi vào, dân quê, nhà đổ, người chết thuyền-bè tan-tành, thảm-trạng không thể nói xiết; Bắc-kỳ thì riêng đê Văn-Giang vỡ liền đến 18 năm, mấy tỉnh miền Đông, suốt năm ấy sang năm khác, chỉ là cái biển chứa nước!

Mùa-màng mất, giặc cướp nhiều, đường giao-thông bị nghẽn, sự buôn-bán không thông, đẻ nhằm đời ấy, tên dân lưng-vốn không sẵn, phỏng còn kiếm sao cho được miếng cơm ăn. Mỗi năm ma-đói bắt đi, ít nhất-cũng có một vạn nhân-mạng!

Triều-đình vẫn coi là thường. Các ngài còn dùng mãi văn-thơ réo-rắt, để ca-tụng và tô-điểm cho cái cuộc « Thái-bình khốn-nạn » ấy. Chẳng những không thiết gì đến dân-tình, mà cả chính-trị trong nước, các ngài cũng không chú-ý cho lắm.

Nói về võ-bị thì cách tổ-chức cực-kỳ sơ-sài. Số lính cả nước hồi đó, ngày nay chưa rõ là bao nhiêu, nhưng cái chế-độ binh-lính thì còn có thể khảo được.

Đại-khái trong nước có năm thứ lính: bộ-binh, thủy-binh, tượng-binh (lính theo voi) kỵ-binh (lính cưỡi ngựa) và pháo-thủ-binh (lính bắn súng)

Trong năm thứ lính đó, nhiều nhất là bộ-binh, hoặc ở kinh-thành, hoặc đi đóng giữ các tỉnh. Số lính này chia ra từng « doanh », từng « vệ », từng « đội », do các võ-quan như Thống-chế, Đề-đốc, Lĩnh-binh và Cai, Đội. Cai-quản. Lính thì mỗi đội có 50 người, mỗi vệ là 10 đội, mỗi doanh là 5 vệ. Thế là một vệ có 500 lính, đồ binh chỉ có 21 ngọn cờ, 200 khẩu tiểu-sang và 2 khẩu súng thần-công,

Theo luật bản-triều, cái tuớc công-hầu là bực rất quý, công-thần ít người được phong. Vậy mà súng thần-công nhiều cái phong chức tướng-quân, voi trận nhiều con phong tước quận-công..

Chẳng nói chi nhiều, chỉ một chỗ đó đủ thấy võ-bị của Ta lúc đó là thế nào rồi.

Nói về học-thuật càng chán ngắc. Tiếng rằng theo đạo Khổng-tử, nhưng cái chân-tướng của Khổng-giáo đã bị chế-độ khoa-cử che lấp đi từ lâu rồi.

Ba năm một lần thi-hương, kén lấy Cử-nhân Tú-tài, ba năm một kỳ thi-hội, kén lấy Tiến-sĩ Phó-bảng.

Phép thi thì có chiếu, biểu, sách, luận, thơ, phú, kinh-nghĩa. Các thứ văn đó thể-lệ tuy khác nhau, rút lại, chỉ là những bài theo ý cổ-nhân bên Tầu mà nặn cho dài ra. Người nào thơ hay, phú giỏi, kinh-nghĩa, văn-sách dống với ý của cổ-nhân bên Tầu, thì người ấy nhẩy tên địa-vị ông Cử ông Nghè, dần dần làm giường làm cột cho nhà nước. Rồi đến đem quân ra trận, đốc phu đắp đê, cũng dùng đến những ông này.

Cái phải học thì không dùng được, cái cần-dùng thì chẳng học đến bao giờ, lối dụng-nhân như vậy phỏng còn làm được trò gì

Sự học đã sai đường thì vô-số những bực thông-minh. tài-tuấn đều thành ra người « bỏ đi ».

Nói đến chính-sách ngoại-giao lại càng tức cười nữa Từ đời Gia-long thỉnh-thoảng vẫn có người mình sang tận bên Pháp, mở mắt mà trông sự tiến-bộ của họ rồi, song mà mình vẫn không hề coi họ vào đâu. Hình như suốt cả trong nước đều chỉ tưởng rằng: Dưới gầm trời này, trừ nước Tầu ra, duy có nước Nam là hay hơn hết, vì mình cũng như Tầu, mấy nghìn năm đọc sách thánh-hiền, đã trở nên một nước « Y-quan văn-vật », còn ngoại giả đều mọi-rợ ráo.

Đứng trong đời muôn nước thông-đồng trên lục địa hầu như cửa chợ, cả nước mình chỉ biết có một nước Tầu mà thôi, vua-quan của mình cũng chỉ giao-thiệp với một nước Tầu mà thôi, ngoài nước Tầu ra, ai xin thông-thương mặc kệ, ai xin truyền giáo mặc kệ, cưa biển cứ giữ cho chặt, cửa ải cứ khép cho chặt, không thèm chơi với nước nào. Thậm-chí có kẻ xin cho người đi du-học Triều-đình cũng bác đi luôn. « Tứ-thư, Ngũ-kinh, hai mươi bốn cuốn Bắc-sử, đủ làm cho nước giầu dân mạnh rồi mà. Cần gì phải học đâu nữa)), Ấy là tư-tưởng chung của những kẻ cầm quyền đời ấy. Cái tư-tưởng ấy đã dam-hãm mười mấy triệu người đều hóa ra kẻ ngồi trong trum!

Nào phải chỉ thế mà thôi. Lại còn hình-phạt cực-kỳ ác, động một tý là giết cả họ, triệt cả làng, quan-lại cực-kỳ tàn, Tổng-đốc trở lên đều có quyền chém người như chém chuối. Vì vậy mà dân đối với quan không khác gì đối với giặc, chỉ mong tránh cho thật xa, không còn ân-tình gì nữa.

Đó, thế nước là vậy, tình dân là vậy, nội-trị, ngoại-giao văn-sự, võ bị là vậy, bấy nhiêu nguyên-nhân góp lại, đúc thành một nước Annam, cái nước sắp-sửa đến ngày mạt vận. Tuy vậy, đầu đời Tự-đức, cái hồi chiếc tầu Cát--na bắn vào Đà-nẵng, mới là buổi bắt đầu vào cuộc nguy tai. Nếu mà triều-đình sớm biết sét mình sét người chưa hết cái thói tự-đại, tự-tôn, liệu bề cải-cách các việc thì cũng chưa đến nỗi gì. Chết vì giấc ngủ mấy ngàn năm đã làm cho tinh-thần mê-mệt. Dù cho trái-phá của Leheur de Ville-sur-art đoành đoành bắn bên tai, cũng không thể nào tỉnh được.

Những trận đổ máu sau này dù là giao-chiến với ngoại-quốc, dù là trong nước chém giết lẫn nhau, đều bởi sự mê-muội ấy mà ra. Độc-giả không tin, hãy xem cách của triều-đình bấy giờ đối-phó với mấy phát trái phá ấy và các việc khác.

II. — Trận đại chiến ở Cần-thơ

Mồng 7 tháng 8, trời vừa bình-minh. Trước điện Cần-chánh, mặt trời vừa hé trên ngọn cây, ánh nắng lấp-lánh chiếu qua mấy con rồng-phượng sơn son thiếp vàng, làm cho vẻ điện càng thêm rực rỡ.
(Còn nữa rất hay) kỳ sau sẽ có hình Vua Hàm-Nghi mặc triều-phục hồi còn nhỏ.

Nhà in Nhật-Nam Hanoi, in bán