Bước tới nội dung

Nho giáo/Quyển III/Thiên III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

THIÊN III

NHO-GIÁO ĐỜI TAM-
QUỐC VÀ LỤC-TRIỀU

(220 — 590)

Tình-trạng Nho-giáo đời Tam-Quốc và Lục-Triều.— Nho-giáo truyền đến cuối đời Đông-Hán, bề ngoài thì rất thịnh mà bề trong thật là suy. Các học-giả chỉ chăm-chăm về lối chương-cú, huấn-hỗ, chia ra chi nọ phái kia. Mỗi phái học theo một lối, rồi cãi nhau về cái nghĩa từng câu từng chữ, bỏ mất cái ý-nghĩa thâm viễn hoằng đại. Sách Hán-thư Nghệ-văn-chí 漢 書 藝 文 志 nói rằng: « Có khi một câu năm chữ, mà bàn ra đến mấy vạn lời. » Sự học mà làm nát nghĩa đến như thế, thì còn gì là nghĩa-lý của thánh hiền nữa!

Sự học đã dở mà lại phải thời-đại biến loạn, trong thì triều-chính hư-hỏng, kẻ hoạn-quan chuyên quyền, ngoài thì giặc-dã nổi lên đánh phá các nơi. Những người gian-hùng giảo-quyệt nhân cơ-hội ấy mà dấy lên để mưu cái quyền-lợi riêng của mình. Trong khi ấy ai là người có thao-thủ, giữ danh-tiết, đều bị chém giết rất tàn-hại, thành ra lòng người ngơ-ngác, không biết theo về phương hướng nào.

Đến khi Tào Tháo cầm-quyền ở đất trung-nguyên, chuyên dùng những kẻ hào-hiệp, ngang-ngược, thậm chí đến những người bất-nhân bất-hiếu, những kẻ ô-danh ác-hạnh, mà có thuật trị nước dùng binh, thì cũng tái tam xuống lệnh đón rước. Thành thử phong-tục bại-hoại, nhân tâm biến đổi.

Cố Viêm-Võ 顧 炎 武 đời nhà Thanh bàn chuyện đời Hán nói rằng: « Vua Quang-võ, Minh-đế, Chương-đế, mấy đời dùng cái trị của kinh-thuật và sự phòng giữ của tiết nghĩa mà vẫn không đủ, một mình Tào Mạnh-đức biến làm cái tục hủy phong bại thường mà có thừa ». Thế mới biết gây nên sự hay rất khó, mà làm sự phá-hoại rất dễ vậy.

Những điều ấy chứng rõ ở trong sử. Khi vua Võ-đế nhà Tấn mới lên ngôi, quan Tán-kỵ thường-thị là Phó Nguyên 傅 元 dâng sớ nói rằng: « Tôi nghe đấng tiên-vương trị thiên-hạ, giáo-hóa hưng-thịnh ở trên, thanh-nghị thi-hành ra ở dưới. Vừa rồi vua Ngụy Võ chuộng pháp thuật, mà thiên-hạ quí hình danh, vua Ngụy Văn quí những người thông đạt mà rẻ sự thủ-tiết. Về sau mối-dường không có, sự phóng-đản đầy triều, khiến cho thiên-hạ mất cả thanh-nghị ». Ấy là cái sĩ phong đời Tam-Quốc là thế, và Nho-giáo đến đó lại phải một lúc mờ tối vậy.

Kế đến đời Lục-Triều là Lưỡng-Tấn và Tống, Tề, Lương, Trần, thì không những là Lão-học hưng-thịnh lên, mà Phật-học truyền sang nước Tàu từ đầu đời Đông-Hán, đến bấy giờ cũng có thế-lực rất mạnh. Phàm những kẻ sĩ muốn tìm cái tư-tưởng sâu xa, thì phi theo Lão-học tất theo Phật-học. Nho-giáo tuy vẫn là cái học phổ-thông trong nước, song ngoài những sự nhật dụng thường hành ra, Nho-giáo thủa ấy chỉ chú-trọng về mặt từ phú, vụ lấy sự văn-hoa, chứ không ai lưu-tâm đến cái nghĩa lý siêu-việt nữa. Thành thử cái trình-độ Nho-giáo chịu phần kém hơn cả.

Cái nền Nho-giáo xây đắp lên từ đời vua Hán Vũ-đế sở dĩ không đổ nát được, là nhờ chỗ dân-gian tiêm-nhiễm cái phong-hóa đã lâu, và lại có cái tính-cách thiết-thực, vừa tầm cho đại đa số của nhân chúng, cho nên bọn thượng-lưu trong xã-hội có biến-thiên thế nào mặc lòng, cái thế-lực của Nho-giáo vẫn vững bền. Bởi vậy vua chúa đời nào cũng phải lấy Nho-giáo làm cơ-sở cho sự chính-trị và phải tưởng-lệ sự học. Đó là chỗ sở-trường của Nho-giáo, dẫu có bỏ mất phần cao-minh đi nữa, nó vẫn có đủ tư-cách mà duy-trì được mãi mãi.

Sự mở-mang Nho-học. — Đời Tam-Quốc (220-265) nước Tàu chia ra làm ba nước là Ngụy, Thục, Ngô. Không kể chi những nước ở biên-địa, như nước Thục và nước Ngô, việc học không được mở-mang là mấy, nước Ngụy là đất trung-nguyên nước Tàu, nhân vật rất nhiều, cho nên Võ-vương Tào Tháo và Văn-đế Tào Phi đều mở nhà Thái-học ở Lạc-dương để dạy năm Kinh.

Nhà Tây-Tấn (265-316) thống-nhất thiên-hạ, vua Vũ-đế là Tư-mã Viêm lập nhà học, nhà hiệu ở các châu quận, dựng nhà Tích-ung, nuôi học-sinh đến hơn 7.000 người.

Nhà Đông-Tấn (317-429) bị giặc Ngũ-Hồ đánh phá, phải dời đô về đất Giang-nam, cũng lập nhà Thái-học để dạy kẻ sĩ.

Trong đời Nam-Bắc-triều, ở phía nam thì có nhà Tống (402-566), nhà Tề (479-501), nhà Lương (402-566), nhà Trần (567-588) đều mở nhà Nho-học-quán, hoặc đặt quan Quốc-tử tế-tửu, hoặc đặt quan Ngũ-kinh bác-sĩ để dạy các kinh. Ở phía bắc thì có nước Hậu-Ngụy (386-535), Bắc-Tề (552-579) và Bắc-Chu (556-582), tuy là dòng-dõi người Hồ vào ở nước Tàu, nhưng đã nhiễm cái văn-hóa của Tàu, cho nên khi lập thành nước, đều sùng-thượng Nho-giáo. Nhà Hậu-Ngụy lại có nhiều ông vua tuy sùng đạo Lão hay đạo Phật, nhưng vẫn chuộng Nho-giáo. Vua Đạo-võ-đế lập nhà Thái-học, đặt quan bác-sĩ, dạy năm Kinh, nuôi sinh-viên đến hơn 1.000 người. Vua Hiến-văn-đế lập hương-học. Lệ định quận lớn thì đặt hai bác-sĩ và bốn trợ-giáo, học-sinh 100 người. Quận vừa thì đặt bác-sĩ hai người, trợ-giáo hai người, học-sinh 80 người. Quận nhỏ thì đặt bác-sĩ một người, trợ-giáo hai người, học-sinh 60 người. Quận nhỏ hơn cả thì đặt bác-sĩ một người, trợ-giáo một người, học-sinh 40 người. Sau lại có vua Hiếu-văn-đế rất sùng Nho-giáo và rất thích giảng đạo thánh hiền.

Nhà Bắc-Tề tin đạo Phật mà bài-xích đạo Lão, nhưng vẫn đặt bác-sĩ dạy Nho-giáo.

Nhà Bắc-Chu rất thích Kinh-thuật, vua Thái-tổ thấy lối học đời nhà Tấn chỉ chuộng văn-chương phù-hoa, bắt theo cái thể điển-mô trong kinh Thư mà đổi cái lối học của kẻ sĩ. Đến đời vua Vũ-đế họp tất cả tam-giáo Nho, Lão, Phật, để Nho ngồi trên, thứ đến Lão, dưới cùng đến Phật. Được ít lâu Vũ-đế bỏ Lão-học và Phật-học, bắt những người đạo-sĩ và sa-môn phải hoàn tục làm dân.

Cách tuyển-cử. — Cánh tuyển-cử thì nhà Tào-Ngụy lập ra khoa thi Ngũ-kinh, và phép chọn người chia ra làm chín phẩm. Việc tuyển-cử là chức-vụ của quan trung-chính, đặt ra ở các châu-quận. Hễ khi nào Lại-bộ lấy người, thì cứ theo đẳng-cấp của quan trung-chính đệ lên mà lấy.

Những người làm chức trung-chính là người giỏi, có kiến-thức, ở các địa-phương. Nhưng rồi sau lâu ngày thành ra tham-nhũng, thường cứ bởi sự yêu ghét, hoặc vì thế-lực mà thiên-tư cho những nhà có quyền-thế, chứ không biết phân biệt người hiền kẻ ngu. Bởi vậy Lưu Nghị 劉 毅 đời Tây-Tấn nói rằng: « Bậc hạ-phẩm không có kẻ cao-môn, bậc thượng-phẩm không có kẻ hàn-sĩ ».

Đến đời Đông-Tấn muốn chọn được nhân-tài, bắt những người đã được tuyển-cử phải thi để lấy hiếu-liêm và tú-tài. Lệ thi, thì trước thi sách luận, sau thi kinh nghĩa. Hễ ai thi hỏng, thì người chủ việc tuyển-cử phải cách chức.

Ở Nam-triều, nhà Tống định lệ: châu thì cử người tú-tài, quận thì cử người hiếu liêm. Người chủ việc tuyển-cử mà làm xứng chức hay không, thì được thưởng hay phải phạt. Đời nhà Lương đổi lại cách đặt quan trung-chính. Ở châu thì đặt chức châu-trọng, ở quận thì đặt chức quận-sùng, ở làng thì đặt chức hương-hào, để coi việc tuyển-cử. Mỗi châu cử hai người, quận lớn cử một người. Được ít lâu lại bỏ lệ ấy mà đặt lại chức trung-chính.

Ở Bắc-triều nhà Hậu-Ngụy cũng theo cái chế-độ của nhà Tào-Ngụy và nhà Tấn, đặt quan trung-chính ở các châu quận để coi việc tuyển-cử. Sau vì có nhiều điều bậy, lại bỏ đi. Đến nhà Bắc-Tề lại lập lại, để lấy tú-tài và liêm-lương. Nhà Bắc-Chu cũng theo lối ấy: quận cử hiếu-liêm một người, châu cử tú-tài một người. Ai là người minh kinh tu hạnh, thì được hiếu-liêm, ai là người cao tài bác học, thì được tú-tài.

Từ nhà Tào-Ngụy, nhà Tấn đến các nhà trong đời Nam-Bắc-triều, cách tuyển-cử đại lược giống nhau cả. Song sự tuyển-cử như thế vẫn có nhiều điều tệ: những kẻ tham lợi lộc, không chịu học tập, chỉ tìm cách luồn-lọt vào cửa quyền-môn để chóng được cất-nhắc, thành ra sự học càng ngày càng kém.

Học phong và danh nho. — Sự Nho-học trong thời-đại Tam-Quốc và Lục-Triều vẫn theo lối huấn-hỗ đời Hán. Những học-giả có danh-tiếng đều là người làm văn giỏi, chứ không ai thật có tư-tưởng trác-lạc, có thể làm đại-biểu được cho Nho-giáo.

Trong đời Tam-Quốc chỉ có Chư-cát Lượng 諸 葛 亮 ở nước Thục là một nhà chính-trị theo được cái tôn-chỉ của Nho-giáo, xuất xử hành chỉ, đều hợp đạo nghĩa. Cho nên hậu-thế cho là sau đời Tam-Đại chỉ có một người ấy mà thôi. Còn những nhà văn-học, thì ở nước Ngụy có Vương Túc 王 肅, tự là Tử-ung 子 雍 là trứ danh hơn cả. Vương Túc soạn ra sách Khổng-tử gia ngữ 孔 子 家 語, và nối cái học của Mã Dung đời Đông-Hán mà làm ra những lời giải về kinh Thư, kinh Thi, sách Luận-ngữ, sách Tam Lễ và sách Tả-truyện. Ngoại giả những người văn-học thủa ấy mượn tiếng Kinh-học, mà kỳ thực là theo Lão-học. Như bọn Hà Yến 何 晏 chú-thích kinh Dịch, Vương Bật 王 弼 chú-thích Luận-ngữ, nhưng vẫn thích bàn về huyền-lý của Lão Trang, và chỉ chuyên về mặt từ-hoa, chứ không vụ cái danh-giáo như đời Đông-Hán nữa.

Trong đời Lưỡng-Tấn và những nhà bên Nam-triều, thì những người Kinh-học cũng khá nhiều, song chỉ có Vương Kiệm 王 儉 đời nhà Tề là có tiếng giỏi về Lễ, NhạcXuân-thu, và Hoàng Khản 皇 侃 đời nhà Lương, làm Luận-ngữ nghĩa sớ. Những người nổi tiếng về văn-học, thì ở đời nhà Tấn có Đào Tiềm, đời Tống có Tạ Linh-Vận, Nhan Diên-Chi v. v. Ngoại giả các học-giả đều khuynh-hướng về cái thuyết hư-vô của Lão Trang, khinh miệt lễ-phép. Các học-giả thích rượu chè chơi bời, đi lại bàn luận về huyền-lý, gọi là thanh-đàm 清 談. Người đời bắt-chước theo bọn ấy, làm bại-hoại mất cái phong-tục tốt đời xưa. Đối với sự thiết-thực của Kinh-học thì cái học ấy thật là trái hẳn.

Bên Bắc-triều thì theo cái học huấn-hỗ của Mã Dung và Trịnh Huyền, và không có cái học thanh-đàm, cho nên Kinh-học thịnh hơn, nhưng về đường từ-chương thì kém bên Nam-triều.

Đại để Nho-giáo ở đời Tam-Quốc Lục-Triều thường hay pha lẫn với Lão-học, và rất thịnh về mặt từ-hoa phù-khinh, mà rất suy về đường nghĩa-lý thiết-thực. Đó là một phần bởi cái tình-trạng xã-hội của nước Tàu cứ phải loạn-ly mãi, lòng người chán-nản, muốn đem cái tinh-thần tiêu-dao ở chỗ siêu-việt mà tránh cái khổ-não ở đời; một phần thì bởi cái lỗi của Hán học làm cùn-nhụt mất cái khí-phách linh-động của Nho-giáo lúc ban đầu. Trong cái cuộc suy-đồi của Nho-giáo đó, Hán nho phải chịu một phần trách-nhiệm vậy.