Nho giáo/Quyển III/Thiên VI-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

THIÊN VI

LÝ-HỌC

Xét về đường học-vấn, thì Nho-giáo đời Hán và đời Đường chỉ chú trọng ở cái học công-truyền, nói về mặt chính-trị và luân-lý mà thôi. Còn cái học tâm-truyền nói về đạo lý cao xa, thì các học-giả không ai lưu tâm mà nghiên-cứu đến chỗ uyên-thâm. Bởi vậy, cái trình-độ triết-học của Nho-giáo vẫn kém cái học-thuyết của Lão-giáo và Phật-giáo.

Lão-giáo và Phật-giáo tuy về đường thực-tế có nhiều điều mê-hoặc, nhưng về đường lý-thuyết thì có lắm cái tư-tưởng rất cao xa, cho nên những người dĩnh-đạt thường hay khuynh-hướng về những học-thuyết ấy. Lão-giáo đã thịnh ở đời Tam-Quốc, Lục-Triều, và trải qua đời Đường sang đến đời Tống vẫn còn có thế-lực. Phật-giáo thì đã thịnh từ đời Lục-Triều, rồi đến đời Đường lại thịnh hơn và có những phái đại-thặng như Thiền-tôn 禪 宗, Hoa-nghiêm-tôn 花 嚴 宗, Thiên-thai-tôn 天 台 宗, đều bàn về cái lý thiên địa vạn vật nhất thể, có lắm điều rất huyền-diệu, học-giả trong nước nhiều người rất lấy làm tôn sùng. Trong khi ấy Nho-giáo cứ bo bo giữ cái thái-độ tầm-thường, bao nhiêu tư-tưởng chỉ là là ở trên mặt đất, bó buộc người ta trong cái khuôn phép chật-hẹp. Theo cái lý đương-nhiên, thì vật cùng tắc biến, tất là phải có cái phản-động-lực, bắt Nho-giáo phải vượt qua khỏi cái khu-vực nhỏ hẹp mà xưa nay đã từng quen, để đem mình bay bổng lên cõi lý-tưởng mà ngắm cảnh biến-hóa của vũ-trụ và xem cuộc xoay-vần của trời đất.

Cái phản-động-lực ấy không phải là đến đời Tống mới bắt đầu có, nguyên cái mầm đã khởi từ khi Dương Hùng, ở cuối đời Tây-Hán, làm sách Thái-huyền nói về đạo huyền, sau lại có Vương Thông ở đời Tùy cũng muốn đem cái phần cao diệu của thánh hiền mà phát-huy ra, nhưng vì Vương Thông hưởng thọ không được bao lâu, và cái hoàn-cảnh cũng không tiện-lợi, cho nên cái mầm ấy không sinh nở ra được.

Đến đời nhà Tống, phần thì về đường chính-trị vua quan đều hết lòng tưởng-lệ Nho-học, phần thì về đường học-vấn nhờ có sự đun đẩy của Lão-học và Phật-học, các học-giả mới phấn-chấn lên, cố đem cái học tâm-truyền đã mất lâu ngày mà phát huy ra, tìm những lời vi-ngôn của thánh hiền mà suy diễn ra những ý nghĩa sâu sa, nghiên-cứu về tính và mệnh, bàn luận về lý và khí, lập thành ra mộl lối Nho-học cao-siêu, khác với các đời trước.

Có một điều ta nên chú ý, là cái tư-tưởng của Nho-giáo đời Tống có lắm chỗ phảng-phất tương đồng với Lão-giáo và Phật-giáo. Số là cái uyên-nguyên của Nho-giáo do kinh Dịch mà ra, mà kinh Dịch lại là sách bàn về lý-học, chung cả bên Lão và bên Nho. Dịch-học cho cái mối đầu của Vũ-trụ là gốc ở lý Thái-cực. Lý ấy độc nhất vô nhị ở trong Vũ-trụ, do động tĩnh mà biến thành âm dương rồi sinh ra vạn vật; vạn vật chung qui lại trở về Thái-cực. Đó là cái lý « đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự » của Khổng-tử đã nói ở thiên Hệ-từ. Lý Thái-cực ấy bên Lão-giáo gọi là Đạo 道, bên Phật-giáo gọi là 真 如 (Bhûta Tathatâ), danh hiệu tuy khác nhưng cùng đồng một thể. Bởi cái lý đồng, cho nên các học-thuyết ấy đều theo một chủ-nghĩa « thiên địa vạn vật nhất thể ». Song mỗi một học-thuyết đi ra một đường, là vì cách lập giáo và sự hành đạo khác nhau.

Lão-giáo thì cho vạn vật đều gốc ở Đạo, cuộc đời là cuộc phù-vân, hơi đâu mà để chí lo nghĩ, người ta chỉ nên cùng với Đạo mà vui chơi trong tạo-hóa, không cần chi đến nhân nghĩa lễ trí, không thiết gì đến pháp-luật chế-độ, miễn là được thanh-tĩnh vô-vi thì thôi. Phật-giáo thì cho vạn tượng là do Chân-như mà ra, sắc với không cùng là một, sự sinh sinh hóa hóa là cái vọng-niệm, chứ không phải là thực. Cái thực là Chân-như. Khác nào như trăm nghìn ngọn sóng sôi nổi ở trên mặt nước, nhưng chung qui vẫn chỉ có nước là thực. Người ta phải tìm cho thấy cái thực ấy mà quay trở về gốc cũ, để ra thoát khỏi vòng sinh tử, tức là đến nát-bàn, hết cả mọi sự khổ não. Nho-giáo thì cho sự biến-hóa ở trong Vũ-trụ là do sự nhất động nhất tĩnh của Thái-cực mà sinh ra. Vạn vật đã phát hiện ra là thực có, thì chi bằng cứ theo cái thực ấy mà hành-động mà sinh-tồn. Sự sinh-tồn của vạn vật không ra ngoài được những điều nhân, nghĩa, lễ, trí, tức là nguyên, hanh, lợi, trinh, của tạo-hóa. Vậy nên người ta ai cũng phải theo những điều ấy mà an vui trong cuộc sinh hóa. Thành thử cái gốc vốn là một, mà cái ngọn thì chia ra khác nhau. Bởi cái tư-tưởng khác nhau như thế, cho nên Lão-giáo và Phật-giáo thì theo cái chủ-nghĩa tiêu-cực, thành ra cái đạo « xuất thế ». Nho-giáo thì theo cái chủ-nghĩa tích-cực, thành ra cái đạo « nhập thế ». Sự đồng dị của ba cái học ấy là căn-nguyên ở đó vậy.

Vì chưng có cái chủ-nghĩa tích-cực, cho nên Nho-giáo rất trọng sự thực-tế, và cũng bởi thế mà các học-giả thường chỉ chú trọng ở phần hình-nhi-hạ, nghĩa là chỉ bàn về những điều nhật dụng thường hành, chứ không hay xét đến chỗ cao-siêu. Đến đời Tống các học-giả mới chú ý đến phần hình-nhi-thượng mà suy xét đến chỗ nguồn gốc của Vũ-trụ và bàn đến cái bản-thể của Thái-cực.

Nho-giáo đời Tống sở dĩ đột-nhiên vượt lên đến chỗ cao-siêu ấy, là bởi có cái ảnh-hưởng của Lão-học và Phật-học. Tuy Tống nho thường hay phản-đối hai cái học ấy, nhưng chính đó là cái bằng-chứng rõ-ràng là Tống nho đã chịu cái ảnh-hưởng ấy. Thường là bởi có chịu cái thế-lực nào, mới có sự phản-đối cái thế-lực ấy. Nho-giáo đời Tống cũng vậy, vì có cái thế-lực của Phật-giáo và Lão-giáo, cho nên mới lập ra phái lý-học để cùng nhau tương đối mà sinh-tồn ở trong xã-hội. Vả những người sáng-lập ra phái ấy phần nhiều là người đã học qua Lão-học và Phật-học cả.

Phái lý-học đã thành lập rồi, có người thấy nhiều cái tư-tưởng tương tượng như Lão-học và Phật-học, mới chê rằng Tống nho hiểu lầm mất cái tôn-chỉ của Nho-giáo, chứ không biết rằng đó chính là chỗ Tống nho đã hiểu rõ cái đạo của thánh hiền. Muốn biết cái học của Tống nho thật không trái với cái học Khổng Mạnh, thì cứ xem các lý-thuyết của những học-giả thời bấy giờ đều uyên-nguyên cả ở trong các Kinh, Truyện, chứ không có điều gì là bịa đặt ra cả. Nếu về phần hình-nhi-thượng mà có chỗ thấy Tống nho khác với Khổng-học nữa, thì cũng chỉ khác ở trong khoảng hào ly mà thôi, chứ không đến nỗi sai lầm hẳn. Chỉ có chỗ sai lầm quan-hệ hơn cả là chỗ hình-nhi-hạ. Vì cái cách hành đạo của Tống nho có nhiều chỗ không đúng với cái tinh-thần của Khổng-học. Đó là bởi cái học thượng-lễ của Trương Hoành-cừ, Trình Y-xuyên và Chu Hối-am mà thành ra vậy. Song xét cái đại-cương, thì về đường học-vấn, Tống nho thật đã đạt tới cái phần uyên-thâm của Nho-giáo, và đã có công làm cho sáng rõ phần ấy ra. Như thế, thì nói rằng Tống nho nối được đạo thống của Khổng Mạnh, tưởng không phải là lầm vậy.

Phái lý-học đời nhà Tống theo cái tôn-chỉ của Nho-giáo, lấy cái tính bản-nhiên của trời đất làm cái thể của vạn vật, tức là theo cái thuyết « thiên địa vạn vật nhất thể » làm cái đạo nhất-quán. Phái ấy đem lý Thái-cực vào trong lòng người ta mà mở rộng ra, để bao-quát được cả Vũ-trụ. Cái lý-thuyết ấy tuy trước Dương Hùng đã nói ở sách Thái-huyền, nhưng đến Tống nho mới phát-minh ra rõ-ràng, và lại giải được rõ cái nghĩa « dự thiên địa tham » nói ở sách Trung-dung. Người là một giống nhỏ mọn, nhưng vì cùng bẩm-thụ một cái lý Thái-cực như trời đất, hễ ai biết lấy sự thành 誠 mà theo cái đạo trung-hòa của trời đất, thì có thể ngang với trời đất được. Đó là phần trọng-yếu trong cái học-thuyết của phái lý-học, mà thật không sai với cái tôn-chỉ của Nho-giáo.

Đã nói rằng phái lý-học có chịu cái ảnh-hưởng của Lão-học, mà thật thế, người gây thành cái tiên-thanh cho phái ấy chính là một nhà Lão-học, trứ danh về thuật-số-học. Người ấy là Trần Đoàn 陳 摶, tự là Đồ-nam 圖 南, hiệu là Hi-di 希 夷, ở vào lúc Tống sơ, quãng thế-kỷ thứ X. Trần Đoàn rất tinh thâm Dịch-lý, thường lấy cái học ấy mà xét vận mệnh của trời đất. Từ đó có nhiều người chú ý về Dịch-học. Đến thế-kỷ thứ XI, đời vua Nhân-tôn nhà Tống mới có Thiệu Ung và Chu Đôn-Di theo lý-thuyết trong kinh Dịch mà xướng lên cái thuyết lý-học.

Thoạt kỳ thủy, phái lý-học có hai thuyết. Một thuyết thì lấy tượng số mà xét vận mệnh của trời đất, rồi suy diễn ra sự hành-động của vạn vật. Một thuyết thì lấy thuần túy triết-học mà bàn về đạo-lý và tâm tính. Thuyết thứ hai này sau lại phân ra thành một thuyết nữa, lấy tâm-học làm yếu-lĩnh. Gồm cả lại mà nói, thì phái lý-học đời nhà Tống có tất cả là ba thuyết, cùng một gốc mà khác ngọn.

Thuyết thứ nhất có Thiệu Ung làm đại-biểu, nhưng về sau không thịnh-hành được, là vì học theo thuyết ấy cần phải có người tinh thâm thuật-số mới học được. Thuyết thứ hai có Chu Đôn-Di làm đại-biểu, rồi có Trương Tái, Trình Hạo và Trình Di mở rộng thêm ra. Sau đến đời Nam-Tống có Chu Hi tập đại thành mà lập ra một học-thuyết nói về sự vấn-học. Cái học của Chu Hi chuyên trị về mặt công truyền, rất thịnh hành ở đời Minh và đời Thanh. Thuyết thứ ba có Lục Cửu-Uyên, cùng đồng thời với Chu Hi, theo cái tâm học của Mạnh-tử chuyên trị về sự tôn đức-tính. Thuyết này đến đời nhà Minh có Vương Thủ-Nhân mở rộng thêm ra và lập thành một phái tâm-học có tinh-thần rất mạnh. Vậy nay ta theo các học-thuyết của phái lý-học mà chia ra làm tượng-số-học, đạo-học và tâm-học.