Nho giáo/Quyển III/Thiên VI-5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

3. — LẠC-PHÁI

Chu Liêm-khê truyền cái học của mình cho môn-đệ là hai anh em họ Trình: Trình Hạo và Trình Di. Hai ông này mở nhà học ở đất Lạc-dương, cho nên hậu nho gọi phái của hai ông là Lạc-phái.

Trước Triệu Khang-tiết, Chu Liêm-khê và Trương Hoành-cừ đều bàn về sự biến hóa trong vũ-trụ và suy cái lý thuyết ấy mà nói đến luân-lý. Đến anh em họ Trình thì chỉ chuyên trị về mặt tâm tính và luân-lý mà thôi. Đó là cái đặc-sắc của Lạc-phái vậy.

TRÌNH HẠO

Trình Hạo 程 顥, tự là Bá-thuần 伯 淳 (1032-1085) người tỉnh Hà-nam bây giờ. Thủa 15 tuổi cùng với em là Trình Di đến học Chu Liêm-khê. Ông nói rằng: « Xưa đến thụ học Chu Mậu-thúc, thường cứ bảo tìm cái chỗ vui của đức Trọng-Ni và Nhan-tử, và vui ở việc gì. Từ lúc tái kiến Chu Mậu-thúc rồi trở về, thích ngâm phong lộng nguyệt, có cái ý « ngô dữ Điểm giã ».

Sau ông thi đỗ tiến-sĩ ra làm quan lịnh ở Tấn-thành. Tính ông rất thành thực, có đạo đức, nét mặt ôn-hòa, thuần túy. Học-trò và bầu-bạn theo ông hằng mấy mươi năm mà không ai trông thấy ông có dáng giận dữ bao giờ.

Thời bấy giờ Vương An-Thạch làm tể-tướng, đang thi-hành tân-pháp. Ông làm chức giám-sát ngự-sử, thường ngồi ung-dung nghị luận, bày tỏ những điều không tiện. Vương An-Thạch có khi nghiêm sắc mặt, tỏ ý không bằng lòng. Ông từ từ nói rằng: « Việc thiên-hạ không phải là việc bàn riêng của một nhà, xin bình khí mà nghe thì mới phải. » An-Thạch lấy làm thẹn mà chịu khuất.

Đến lúc ông mất, Văn Ngạn-bác cũng là một nhà danh-sĩ thủa ấy theo dư-luận của người đương thời mà đặt tên hiệu cho ông là Minh-đạo tiên-sinh 明 道 先 生.

Nay xem sách Ngữ-lục 語 錄 của các đệ-tử chép những điều ông đã giảng dạy, thì biết rõ cái học của ông rất thuần túy đúng với cái tinh-thần Khổng-học.

Tính. — Trình Minh-đạo đã học qua Lão-giáo và Phật-giáo, như phần nhiều nho-giả đời Tống, nhưng sau cùng lại trở về Nho-giáo. Cái học của ông sở đắc ở cái thuyết bàn về tính. Ông cùng đồng với Trương Hoành-cừ nói cái tính của thiên mệnh và cái tính của khí bẩm. Ông lấy cái nghĩa câu: « Nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giả thiện giã, thành chi giả tính giã » ở trong kinh Dịch và câu: « Thiên-mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo » ở trong sách Trung-dung mà luận chữ tính, chữ đạo và chữ giáo.

Ông cho « kế chi giả thiện » là cái tính của thiên mạnh, « thành chi giả tính » là cái tính của khí bẩm. Cái bản-nguyên của thiên tính là thiện, nhưng vì có cái tính khí bẩm, cho nên mới có thiện ác. Ông nói rằng: « Sinh ra gọi là tính, thì tính tức là khí, khí tức là tính, bởi sự sinh vậy. Người ta sinh ra, có cái khí bẩm, theo lý thì có thiện có ác. Nhưng không phải ở trong tính nguyên có hai vật tương đối mà sinh ra. Có người từ lúc trẻ đã thiện, có người từ lúc trẻ đã ác, đó là do cái khí bẩm tự-nhiên vậy. Cái thiện vốn là tính rồi, song cái ác cũng không thể không gọi là tính được. Lấy cái nghĩa sinh ra gọi là tính, thì kể từ lúc người ta sinh ra mà hãy còn tĩnh trở lên, thì không cần phải nói, đến lúc đã nói được là tính, thì không phải là tính nữa.

« Phàm người ta nói tính là chỉ nói « kế chi thiện giã ». Ấy là Mạnh-tử nói tính thiện vậy. Sở vị rằng: « Kế chi giả thiện » là như nước chảy xuống chỗ thấp vậy. Cùng là nước cả, mà có nước chảy ra đến biển vẫn không bẩn, có nước chưa chảy xa bao nhiêu mà đã hơi đục, có nước chảy rất xa rồi mới đục, có nước đục nhiều, có nước đục ít. Trong đục tuy không đồng, nhưng không thể cho cái nước đục không phải là nước được. Nước đục, thì người ta phải dùng công mà làm cho trong. Dùng công nhiều thì mau trong, dùng công ít thì lâu trong. Đến khi đã trong, thì nước ấy với nước lúc đầu vẫn là một nước, chứ không phải là đem thứ nước trong khác thay thứ nước đục ấy, cũng không phải lấy thứ nước đục ấy đem bỏ ra một chỗ. Nước trong là như tính thiện vậy. Cho nên thiện và ác không phải là hai vật tương đối ở sẵn trong tính mà ra. Lẽ ấy là mệnh trời, thuận mà theo là đạo, theo mà sửa đạo ấy cho phần nào ra phần ấy là giáo vậy. Tự thiên mệnh cho đến giáo, ta không có thêm bớt gì nữa. »

Ý Trình Minh-đạo cho là tính của thiên mệnh bản-nhiên chí tĩnh thì thiện, đến khi đã có cái khí bẩm, thì tuy không bảo được là không phải tính, nhưng không phải là cái bản-nguyên như từ lúc người sinh ra mà hãy còn tĩnh nữa. Nếu luận cái bản-nguyên, thì như kinh Dịch bảo là « kế thiện » mà Mạnh-tử bảo là tính thiện. Ấy là bởi mệnh Trời khiến như thế, lẽ nào lại có cái ác mà tương đối hay sao? Có cái « kế thiện », thì tất có cái « thành tính », cũng như nước có nguồn, thì tất có dòng chảy. Dòng chảy mà có trong đục, cũng như khí bẩm có thiện ác. Cái bản-nhiên của nước là trong, chứ không có trong đục tương đối nhau, cái bản-nhiên của tính là thiện, chứ không có thiện ác tương đối nhau vậy.

Thiện và ác. — Bởi có cái tính khí bẩm cho nên mới có thiện và ác. Thế nào là thiện, là ác? Trình Minh-đạo nói rằng: « Thiện ác giai thiên lý 善 惡 皆 天 理: Thiện ác đều là thiên lý cả. » Nghĩa là cái gọi là ác, không phải là ác, chỉ bởi sự quá và bất cập mà thôi. Như nói rằng: Trắc-ẩn là thiện, song khi không nên trắc-ẩn mà trắc-ẩn là ác; cương-đoán là thiện, song khi không nên cương-đoán mà cương-đoán là ác. Tuy là ác nhưng nếu cái nguyên đầu mà không có ác, thì làm thế nào mà ác được? Cái gốc là ở thiên-lý, chỉ vì nhân-dục biến đổi đi, cho nên thành ra dùng không đúng thiên-lý mà làm ra ác vậy.

Nhân. — Tính bản-nhiên là thiện, mà thiện là hợp với cái đức sinh sinh của trời đất, tức là nhân. Nhân là hồn-nhiên đồng một thể với vạn vật. Trong khoảng trời đất tuy có chia ra vạn vật, nhưng vật nào cũng như tứ chi bách thể của mình cả. Đã là tứ chi bách thể của mình, thì lòng yêu của mình phải đều khắp cả mọi vật. Vậy nên nói rằng: « Chí nhân tắc thiên địa vi nhất thân 至 仁 則 天 地 爲 一 身: Nhân đến rất mực, thì trời đất là một thân-thể. » Đã lấy thiên địa vạn vật làm một thể, thì nhân là phải công. Công là vật với ngã đều rõ cả, cho nên có nhân rồi mới có thứ 恕 và có ái 愛. Thứ là sự thi-thố của nhân, ái là sự tác-dụng của nhân vậy.

Thành và kính. — Trình Minh-đạo thường nói rằng: « Kẻ học-giả phải biết nhân. Nhân giả là hồn-nhiên cùng với vật đồng thể. Biết được lẽ ấy thì lấy thành và kính để giữ lấy mà thôi. » Thành là vô vọng, tức là chân thực, không lầm, không dối, gồm cả những điều mình tự đắc ở trong bụng với muôn vật ở ngoài. Đã thành thì không điều gì là không kính.

Minh-đạo nói kính không phải là bảo kiểm thúc cái thân, nhưng bảo phải hàm-dưỡng cái tâm. Bất cứ điều gì cũng lấy tâm làm chủ, tức là phải kính cái tâm. Kính cái tâm là chỉ nghe điều thiện, làm điều thiện, lấy điều thiện làm gốc cho muôn việc, ngoại điều thiện ra không nghe cái gì, không trông cái gì nữa, mà dẫu có nghe cũng không hiểu, có trông cũng không thấy. Ở trong đã có cái sở chủ, thì ở ngoài thất kính sao được.

Kính thì phải có lễ. Lễ là phải công-nhiên theo thiên-lý, không có cái gì là cái tư-kỷ cả. Vậy nên nói rằng: « Chủ nhất vô thích, kính dĩ trực nội, tiện hữu hạo-nhiên chi khí 主 一 無 適,敬 以 直 內,便 有 浩 然 之 氣: Chủ ở cái một mà không sai, kính để làm cho thẳng ở trong, rồi là có cái khí hạo-nhiên vậy ».

Cách tu dưỡng. — Cái một ở đây là nói cái tâm. Muốn lấy tâm làm chủ, thì phải giữ tính cho định, phải quên cả trong ngoài. Nhân có Trương Hoành-cừ hỏi rằng: « Định tính mà chưa thể không động, còn bị ngoại vật làm lụy, thì làm thế nào? » Minh-đạo viết thư trả lời rằng: « Cái gọi là định, thì lúc động cũng định, lúc tĩnh cũng định, không có tương nghịnh,[1] không chia ra trong ngoài. Nếu cho ngoại vật là ở ngoài, buộc mình mà theo, thế là cho tính của mình có nội có ngoại rồi. Vả cho tính theo vật ở ngoài, thì đương lúc tính ở ngoài, cái gì ở trong? Như thế mới có ý mong tuyệt khỏi ngoại-dụ, mà kỳ thực không biết tính không có nội ngoại bao giờ. Nếu đã chia nội và ngoại ra làm hai mặt, thì còn nói thế nào là định được nữa. Phàm cái đạo thường của trời đất, là lấy tâm phổ-cập muôn vật mà vẫn không có tư-tâm; đạo thường của thánh-nhân là lấy tình thuận muôn sự mà vẫn không có tư tình. Cho nên cái học của người quân-tử không gì bằng cứ khuếch-nhiên thái-công, ngoại vật đến thì thuận mà ứng. Kinh Dịch nói rằng: « Trinh cát, hối vong, đồng đồng vãng lai, bằng tòng nhĩ tư 貞 吉,悔 亡,憧 憧 往 來, 朋 從 爾 思: Trinh cát, hối vong, đi đi lại lại vơ-vẩn, đều bởi bụng nghĩ của người mà sinh ra. » Nếu cứ chăm chăm mong trừ khỏi ngoại-dụ, thì sẽ thấy ngoại-dụ diệt được ở bên đông lại sinh ra ở bên tây. Không những là không có ngày giờ để trừ cho hết được ngoại-dụ, mà lại thấy cái manh mối vô cùng không thể nào trừ được. Cái tình của người ta, mỗi người bị yếm tế một cách, cho nên mới không tới được đến cái đạo. Phần nhiều là lỗi tại cái bụng tự-tư 自 私 và sự dụng-trí 用 智. Có bụng tự-tư, thì không thể lấy sự hữu vi 有 爲 để ưng tiếp với ngoại vật; có sự dụng-trí thì không thể lấy cái minh giác 明 覺 làm tự-nhiên. Thí-dụ như nay lấy cái tâm ghét ngoại vật mà soi vào cái chỗ không có ngoại vật, thì khác gì như quay lưng mặt gương lại mà muốn nó soi sáng vậy. Kinh Dịch nói rằng: « Vững ở đằng sau lưng mà không bó buộc thân mình, đi ở ngoài sân mà trước mặt hình như không thấy người »; Mạnh-tử nói rằng: « Sở ố những kẻ dùng trí, là vì những kẻ ấy xuyên-tạc vậy », cùng với cái lẽ cho ngoài là trái, trong là phải, thì chi bằng quên cả trong ngoài là hơn. Quên cả hai bên, thì thật là trừng-nhiên vô sự vậy. Vô sự thì định, định thì sáng, sáng thì còn có sự ứng vật nào làm lụy được nữa. Sự mừng của thánh-nhân là bởi vật đáng mừng mà mừng, sự giận của thánh-nhân là bởi vật đáng giận mà giận, thế là sự mừng sự giận của thánh-nhân không hệ ở tâm mà hệ ở vật vậy. Xem như thế thì thánh-nhân há lại không lấy vật làm gốc hay sao? Vậy thì sao lại cứ cho theo cái ở ngoài là trái, mà tìm cái ở trong là phải? Nay lấy cái mừng cái giận của sự tự-tư và dụng-trí mà so với cái mừng giận chính-đáng của thánh-nhân, thì biết nó khác nhau thế nào. Trong thất tình của người ta, thì có cái giận là dễ phát ra mà khó chế hơn cả. Nếu đang cơn giận mà có thể quên ngay được cái giận để xem cho rõ lẽ phải trái, thì cũng đủ hiểu rằng cái ngoại-dụ không đáng ghét, mà về phần đạo-lý cũng có thể nghĩ thấu được quá nửa vậy. »

Trình Minh-đạo nối được cái học của Chu Liêm-khê, rất ung-dung và có cái thú vui về đạo. Ông thấy rõ cái tôn-chỉ thiên-địa-vạn-vật-nhất-thể của Nho-giáo, lấy nhân làm gốc, lấy thành và kính mà giữ cái tâm. Nhân thì tự-nhiên có cái minh-giác để đối phó với mọi sự vật không sai lầm được, thành thì biết được tính và thiên-đạo, mà kính thì giữ được lúc nào cũng chuyên nhất. Ông lại sở đắc về cái học của Mạnh-tử chủ ở cái thuyết tính thiện và vụ lấy sự hành-vi cho hợp thiên-đạo. Ông cho là người ta cốt giữ cái tâm hư tĩnh để đối với vạn sự cứ trừng-nhiên có việc đến, thì làm mà không mong chóng có thành hiệu. Đó là theo cái ý câu: « Tất hữu sự yên, vật chính, tâm vật vong, vật trợ trưởng » của Mạnh-tử, để giữ cái tâm cho định. Cái học ấy cốt ở sự tự đắc, nghĩa là tự mình ý hội lấy, chứ không cần phải có an-bài bố-trí gì cả. Phàm những sự an-bài bố-trí là không phải tự đắc nữa. Bởi cái học ấy mà sau thành ra cái tâm-học của Lục Cửu-Uyên vậy.

  1. Tương 將 là trong lòng tính trước sẽ làm như thế này hay thế kia, Nghịnh 迎 là tính phỏng trước nếu có việc xẩy đến ta nên ứng tiếp thế nào.