Nho giáo/Quyển IV/Thiên II-15

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

ẢNH HƯỞNG TÂY-HỌC

Phái Đông-lâm lúc đầu chỉ là một bọn có mấy người học với nhau trong một quận, ở đất Giang-tô mà thôi. Về sau vì việc chính trị. cho nên bọn sĩ-phu ở các nơi đến phụ họa vào, thành ra phái Đông-lâm mới có tiếng lớn. Những người gọi là thuộc về phái Đông-lâm lúc ấy rất là bác-tạp: người thì thuộc về chi-phái Hà-đông. người thì thuộc về chi-phái Diêu-giang. song ai nấy đều theo cái tôn-chỉ của Nho-giáo, bàn về đạo-lý và chính-trị, cốt muốn giữ cái học khí-tiết, lấy liêm-sỉ làm đầu. Vậy cái học-thuyết của phái Đông-lâm đại-để không ra ngoài cái phạm-vi của phái lý-học, nghĩa là thường cứ xuất nhập ở cái học của họ Trình, họ Chu, hay là ở cái học của họ Lục, họ Vương. Song có một điều ta nên chú ý, là những học-giả trong phái Đông-lâm có nhiều người khởi đầu chịu cái ảnh-hưởng của Tây-học,

Số là vào quãng năm Vạn-lịch đời vua Thần-tôn, tức là vào cuối thế-kỷ thứ XVI, nhân có người Âu-tây vào buôn bán ở vùng Quảng-đông và Phúc-kiến, các giáo-sĩ đạo Gia-tô dần dần sang truyền đạo ở chỗ dân gian. Lúc đầu có những giáo-sĩ thuộc về Gia-tô giáo-hội (Société des Jésuites) sang ở vùng Quảng-đông học tập tiếng Tàu và chữ Nho. Trong những giáo-sĩ ấy, có Lợi-Mã-Đậu 利 瑪 竇 (Mathieu Ricici), người nước Ý-đại-lợi, học giỏi chữ Tàu, mặc lối nho-phục, lên ở vùng Nam-kinh thường giao-du với bọn sĩ-phu trong phái Đông-lâm-

Năm Vạn-lịch thứ 28 (1600) đời vua Thần-tôn nhà Minh, Lợi-Mã-Đậu cùng với giáo-sĩ Bàng-Dịch-Ngã (?) lên Bắc-kinh. Bấy giờ trong phái Đông-lâm có bọn Léon Lý Chi-Tháo 李 之 藻 và Paul Từ Quang-Khải 徐 光 啓 đã theo đạo Gia-tô, làm quan tại triều, đều ra sức điều-hộ, cho nên vua Thần-tôn cho giáo-sĩ được phép mở nhà giáo-đường để truyền đạo. Giáo-sĩ Lợi-Mã-Đậu hiểu rõ tâm tính người Tàu và thường giao-thiệp với bọn nho-học, ông dùng cái phương-pháp rất khôn khéo, lấy cái học của Nho-giáo mà khiến người Tàu theo Gia-tô-giáo, dùng một nghĩa trong những nghĩa của chữ « thiên » và chữ « đế » cho đúng cái thuyết của Gia-tô-giáo, rồi lấy cái nghĩa sách của Nho-giáo mà điều-hòa với tập-tục của nhân dân, và để cho những người theo đạo-mới được thờ cúng tổ tiên như thường. Bởi vậy trong bọn sĩ-phu có nhiều người tin theo.

Năm Vạn-lịch thứ 38 (1610) giáo-sĩ Lợi-Mã-Đậu mất, những giáo-sĩ ở Bắc-kinh là: Hùng-Tam-Bạt 熊 三 拔 (Sabbatins de Ursis), Đặng-Ngọc-Hàm 鄧 玉 (Jean Terreng), La-Nhã-Cốc 羅 雅 谷 (Jacques Rho), Long-Hoa-Dân 龍 華 民 (Nicolas Longobardi), Mục-Ni-Các 穆 尼 各 (Smogolenski), Thang-Nhược-Vọng 湯 若 望 (AdamSchall), đều là người trong hội Gia-tô-giáo (Société des Jé-suites), giỏi thiên-văn, lịch-pháp và toán-pháp và lại am hiểu nho-học. Vua nhà Minh dùng những giáo-sĩ ấy coi việc Khâm-thiên-giám để sửa lại phép làm lịch.

Những giáo-sĩ ấy lại cùng với bọn người Tàu là Lý Chi-Tháo và Từ Quang-Khải làm ra nhiều sách khoa-học bằng chữ nho, đại khái như sách: Kinh-thiên cai 經 天 該; — Giản-bình nghi thuyết 簡 平 儀 說;Kỷ-hà bản-nguyên 幾 何 本 原;Tân-pháp toán-thư 新 法 算 書, v. v.[1] Đó là cái khởi điểm khoa-học của Âu-tây truyền sang nước Tàu. Sự nho-học cuối đời nhà Minh và đầu đời nhà Thanh cũng nhân đó mà thành ra có cái phương-pháp khác đời trước vậy.

Lúc giáo-sĩ Lợi-Mã-Đậu lên Nam-kinh thì phái Đông-lâm đã thành-lập rồi, ông thường đi lại bàn về nho-học. Ông thấy trong nguyên-văn của các Kinh Truyện chỉ nói chữ « thiên » và chữ « đế », chứ không dùng chữ « lý » để nói cái nghĩa huyền-bí của trời đất như cái học của Tống-nho, ông bèn bảo bọn sĩ-phu trong phái ấy nên theo cái ý-nghĩa của nguyên văn trong Kinh Truyện cũ mà học, chứ đừng theo những lời chú-thích của Trình Chu. Bọn sĩ-phu bấy giờ có nhiều người không theo cái ý-kiến ấy, vì họ đang sùng-thượng cái học của Tống-nho. Nhân đó mà thành ra có sự nghị luận đồng dị.

Sau khi giáo-sĩ Lợi-Mã-Đậu mất rồi, giáo-sĩ Long-Hoa-Dân (Nicolas Longobardi) làm bài luận nói rằng: Học-giả nên theo lời chú-thích của Tống-nho cũng không sai nghĩa nguyên-văn. Giáo-sĩ Long-Hoa-Dân có cái ý-kiến trái lại như thế, là vì muốn chiều ý bọn sĩ-phu để cho tiện sự truyền đạo. Dẫu thế nào mặc lòng, vì có cái ý-kiến của giáo-sĩ Lợi-Mã-Đậu mà gây thành cái tiên-thanh cho phái Khảo-chứng-học ở đời nhà Thanh vậy.

Xét ra nho-hoc đời nhà Minh không ra ngoài cái phạm-vi Tống-học. Dù có phái Diêu-giang chuyên chủ về mặt tâm-học, hay là phái Hà-đông tôn sùng cái học của Trình Chu mặc lòng, phái nào cũng thuộc về lý-học cả. Cái học ấy tuy chia ra chi nọ phái kia, nhưng kết cục vẫn theo cái tôn-chỉ thiên địa vạn vật nhất-thể và về đường thiết-thực vẫn cố giữ cái khí-tiết của học-giả. Xem như trong đời nhà Minh, các vua phần nhiều rất là tầm thường, thế mà không triều nào là không có đầy những trung-thần nghĩa-sĩ, bỏ mình vì việc nước. Về sau vua Thần-tôn nhu nhược lười biếng làm loạn mất kỷ cương, rồi đến vua Hi-tôn hôn ám quá độ, để cho một tay Ngụy Trung-Hiền giết sạch những người trung lương. Tuy vậy, đến khi vua Trang-liệt chết, nước Tàu mất, hãy còn có người như Sử Khả-Pháp 史 可 法 tận trung báo quốc. Đó thật là không xấu cái tiếng những người chân chính nho-học vậy.

  1. Xem trong sách « La Chine à travers les âges của R. P. Wiéger.