Bước tới nội dung

Nho giáo/Quyển IV/Thiên III-5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

c) TỐNG-HỌC PHÁI

Đời nhà Thanh tuy có phái Hán-học, phái Kinh-học, song những sĩ-phu còn nhiều người vẫn tôn-sùng cái học tính-lý, và triều-đình vẫn lấy Tống-học làm chính-học và dùng về khoa-cử lấy những lời chú-thích của Tống-nho làm gốc. Bởi vậy cho nên cái thế-lực của Tống-nho không suy. Phái Tống-học thuở ấy chia ra làm hai. Một phái thiên về cái học của họ Lục họ Vương, một phái thiên về cái học của họ Trình họ Chu. Song đại-để phái nào cũng ở trong cái phạm-vi lý-học cả.

1. Lục Vương học. — Phái này có hai người trứ-danh là: Tôn Kỳ-Phùng và Hoàng Tôn-Hi. Tôn Kỳ-Phùng thì xuất nhập ở họ Chu họ Lục, mà Hoàng Tôn-Hi thì thụ-nghiệp Lưu Chấp-Sơn giữ được cái học-thống của Vương Dương-minh.

Tôn Kỳ Phùng. — Tôn Kỳ-Phùng 孫 奇 逢, tự là Khải-thái 啓 泰, hiệu là Chung-nguyên 鍾 元 (1583-1675), người đất Dung-thành, tỉnh Bác-bình, đỗ cử-nhân, có khí tiết và chuộng sự nghĩa hiệp. Ông là di-nho nhà Minh, không chịu ra làm quan với nhà Thanh.

Ông đến ở Bách-nguyên-sơn là chỗ di-chỉ của Thiệu Khang-tiết đời nhà Tống ngày xưa, nhà ông rất nghèo, chỉ có một cái dường nằm, song vẫn làm sách và dạy học-trò, thường những học-giả phương bắc đều là môn-đệ của ông cả. Ông làm sách: Lý-học tôn-truyền 理 學 宗 傳, tiêu-biểu mười một người là: Thiệu Khang-tiết, Chu Liêm-khê, Trình Minh-đạo, Trình Y-xuyên, Trương Hoành-cừ, Chu Hối-am, Lục Tượng-sơn, Tiết Kính-hiên, Vương Dương-minh, La Chỉnh-am, Cố Kinh-dương, cho là nối được cái học của Mạnh-tử. Còn những nho-giả khác thì bàn riêng ra.

Đến khi ông đã già, Hoàng Lê-châu khuyên ông xem bộ Tân-thư 薪 書 của Lưu Trấp-sơn, ông đọc song bộ sách ấy tự lấy làm hổ thẹn.

Đệ-tử của ông là Thang Bân 湯 斌, tự là Khổng-bá 孔 伯, đỗ tiến-sĩ đời Thuận-trị, làm quan đến Công-bộ thượng-thư. Cái học của Thang-Bân chủ lấy khắc-lệ thực-hành, giảng cầu thực-dụng, thành một nhà lý-học có tiếng đương thời,

Hoàng Tôn-Hi. — Hoàng Tôn-Hi 黃 宗 羲, tự là Thái-xung 太 冲. hiệu là Lê-châu 梨 州 (1609-1695), người đất Dư-diêu, tỉnh Chiết-giang. Ông là con trưởng của Hoàng Tôn-Tố 黃 尊 素, làm chức ngự-sử đời vua Hi-tôn nhà Minh. Hoàng Tôn-Tố thuộc phái Đông-lâm, bị bọn Ngụy Trung-Hiền làm hại.

Lúc nhà Thanh lấy nước Tàu, ông bôn tẩu khắp mọi nơi để lo sự khôi-phục, nhưng sau không thành công, ông trở về ẩn cư, dạy học và làm sách, không ra làm quan với nhà Thanh. Ông nghiên-cứu hết mọi cái học, làm ra rất nhiều sách, đại khái như là: Dịch học tượng-số-luận 易 學 象 數 論; — Luật-lữ-tân-nghĩa 律 呂 新 義; — Thụ-thư tùy-bút 授 書 隨 筆; — Tống-nho học-án 宋 儒 學 案 ; — Nguyên-nho học-án 元 儒 學 案; — Minh-nho học-án 明 儒 學 案, v. v.. Trong những sách ấy có bộ Minh-nho học-án rất có giá-trị. Gần đây Tiết Phương-Xương nhặt các sách của ông, in ra một bộ gọi là: Lê châu di trứ vậng tập 梨 洲 遺 著 彚 集, 20 quyển.

Phái tâm-học trước chỉ lấy tâm làm chủ, đến Vương Dương-minh mới lấy lương-tri làm chủ, rồi Lưu Trấp-sơn lại lấy cái « độc » làm chủ, cho nên cái học của Dương-minh chú trọng ở sự trí-lương-tri, mà cái học của Trấp sơn chú-trọng ở sự thận-độc. Hoàng Lê-châu là học-trò Lưu Trấp-sơn tất là phải theo cái tôn-chỉ của thầy.

Song muốn hiểu rõ cái nghĩa hai chữ « thận độc 慎 獨 » của Trấp-sơn và Lê-châu, thì phải biết rằng: Nho-giả thường vẫn cho là ở trong vũ-trụ chỉ có một cái khí chu-lưu khắp cả trời đất và vạn vật. Khí ấy vô-hình mà linh-diệu vô cùng, không có thủy, không có chung và thông suốt cả mọi vật. Từ khí ấy đến ngũ hành là chất, chứ không phải là khí nữa. Chất thì có hình, có thủy, có chung và không tương thông được. Vậy sự lưu-hành biến-hóa của trời đất là do ở cái khí mà ra. Cái khí ấy « mạc chi vi nhi vi giả 莫 之 爲 而 爲 者: không có làm gì mà có làm ». Nóng rét không mất cái qui-tắc, vạn vật đều có trật-tự, trị oạn doanh hư, tiêu tức thịnh suy, tuần hoàn không thôi, nhật nguyệt tinh thì, đi lẫn lộn mà không mất chừng mực, không thấy dấu tích việc làm mà tự-nhiên thành tượng, như thế không thể bảo là trong chỗ mờ-mờ ấy không có cái sở chủ được. Cái sở chủ ấy gọi là Trời, là lấy cái nghĩa làm chủ-tể mà nói. Việc của Trời thì « mạc chi trí nhi chí giả 莫 之 致 而 至 者: không tìm đến mà đến », như sự phú quí bần tiện, sinh tử họa phúc của người đời là phần nhiều không triệu nó mà nó đến, ấy là cái khí hóa bất tề, nhưng cái vận số tự có thuần tạp, người ta sinh ra trong khoảng ấy, ai cũng phải chịu cái phép, không sao tránh được. Cái phép ấy gọi là mạnh 命, là lấy cái nghĩa lưu-hành mà nói. Việc lưu-hành tuy bất-tề, nhưng vẫn có cái chủ-tể nhất định.

Nói về đạo Trời là thế, nói về đạo người thì ai đã sinh ra là bẩm thụ cái khí để làm tâm. Tâm là phần thiêng-liêng của khí. Cái tâm-thể lưu-hành luôn, mà sự lưu-hành ấy có điều-lý, tức là tính. Sự lưu-hành mà không mất trật-tự, tức là lý. Lý không thể thấy được, chỉ thấy ở khí; tính không thể thấy được, chỉ thấy ở tâm; tâm là khí vậy. Cho nên Lê-châu nói rằng: « Lý là cái tính có hình mà tính là cái lý không có hình. Lời tiên-nho nói: tính tức lý 性 卽 理 thật là đúng cái huyết mạch của nghìn bậc thánh vậy. Rút lại mà nói thì đều là có một khí làm ra cả.» Ông lại nói rằng: « Người ta tuy chỉ có một cái khí lưu-hành, nhưng trong sự lưu-hành ắt có cái chủ-tể, mà cái chủ-tể ấy không ở ngoài sự lưu-hành, chính là cái điều lý-của sự lưu-hành, xét ở sự biến của khí thì gọi là lưu-hành, xét ở sự bất-biến của khí thì gọi là chủ-tể. Dưỡng khí là khiến cái chủ-tể thường còn lại, thì cái khí huyết hóa ra làm nghĩa lý; bỏ mất cái chủ-tể, thì nghĩa lý hóa ra làm khí huyết. Cái sai lầm chỉ ở chỗ hào ly mà thôi.» Nuôi cái khí để giữ cho còn cái chủ-tể bất-biến ấy, tức là giữ cho còn cái « độc », rồi thận trọng ở cái « độc » đó, tức là « thận độc » vậy.

Lê-châu cho là tiên-nho không biết: ý giả tâm chi sở tồn 意 者 心 之 所 存, mà lại nói: ý giả tâm chi sở phát 意 者 心 之 所 發, cho nên mới có sự sai lầm. Ông nói rằng: « Sách Trung-dung nói: trí trung hòa 致 中 和. Chu Hối-am lấy tồn dưỡng làm trí-trung, tỉnh sát làm trí-hòa, tuy trung và hòa cùng đều trí cả, nhưng vẫn chưa khỏi phân động tĩnh ra làm hai đoạn, thành ra cái công-phu có hai cái dụng. Về sau Vương Long-khê theo sự cảm-ứng của nhật-dụng luân-vật để trí cái minh-sát. Âu-dương Nam-dã lấy cảm-ứng biến-hóa làm lương-tri, ấy là trí-hòa mà không trí-trung; Nhiếp Song-giang, La Niệm-am chủ ở sự qui tịch thủ tĩnh, ấy là trí-trung mà không trí-hòa. Các thuyết của chư nho không có cái thuyết nào là không nói: tiền hậu, nội ngoại, hồn-nhiên nhất thể, thế mà hoặc nhiếp cảm để qui tịch, hoặc duyên tịch để khởi cảm, rút lại vẫn có chỗ thiên-lệch, là bởi vì tôn sùng cái thuyết: ý giả tâm chi sở phát. Trí trung thì cho là cái ý không đủ làm bằng cứ, mà phải vượt qua hẳn cái ý; trí hòa thì cho cái động là cái bản-nhiên của ý, mà cố đuổi theo cho được cả trung hòa kiêm trí ở trong ý, thành ra có cái công-phu trước cái ý và cái công-phu sau cái ý, mà ý thì ngắt đôi ra. Giả sử sớm biết cái thuyết: ý giả tâm chi sở tồn, thì cái chỗ dụng công chỉ có một ý mà thôi, trừ bỏ được sự ngắt đứt ra và mới nói được: tiền hậu, nội ngoại, hồn-nhiên nhất thể.»

Xét hai câu: ý giả tâm chi sở phátý giả tâm chi sở tồn, thì cái nghĩa không xa nhau là mấy, vì rằng tâm có phát thì ta mới biết là nó còn, chứ tâm không phát thì lấy gì mà biết là còn được? Song Lê-châu muốn để chữ « tồn» là cốt khiến học-giả chú trọng ở cái độc-thể của tâm mà không phải đuổi theo sự phát-động của tâm. Như thế thì cái công-phu chỉ ở trong hai chữ « thận độc » là đủ vậy.

Hoàng Lê-châu không những là một nhà triết-học uyên-thâm, phát-minh được cái học của Vương Dương-minh và Lưu Trấp-sơn, mà lại là một nhà khảo-cứu rất tinh-tường và phê-bình rất xác-đáng ở đời Thanh-sơ. Ông cho là từ đời Nam-Tống về sau những nhà giảng học hay đàm-luận tính mạnh, mà không bàn đến cái học huấn-hỗ; những kẻ hậu-học nói Kinh thì theo Hán-nho, mà lập thân thì theo Tống-học,

Bàn về cái học của Chu Hối-am và Lục Tượng-sơn, ông nói rằng: « Học của họ Chu thì cốt giảng sự học-vấn, bảo học phải cách-vật, cùng-lý, là cái bậc thang để người ta lên cõi thánh; nếu chỉ tự tín là mình phải, một mình suy nghĩ ở trong tâm, như thế là « sư tâm tự dụng ». Học của họ Lục thì chuộng sự tôn trọng đức-tính, bảo trước phải lập định về điều lớn; điều lớn đã đứng vững, thì không bị phải điều nhỏ đoạt đi được. Nếu cái bản-thể không rõ, mà chỉ chăm-chăm dụng công về việc ở ngoài, như thế là nước không có nguồn vậy.» Bàn về cái học cuối đời nhà Minh, ông nói rằng: « Người đời Minh giảng học, cứ nhặt những cái cám bã ở các sách Ngữ-lục, chứ không lấy sáu Kinh làm căn-bản, bó sách lại mà đi theo du-đàm cho nên mới sinh ra cái lưu tệ.» Ông bảo: « Học-giả trước hết cần phải học hết các Kinh để học theo sự kinh-thế; nhưng cứ câu-chấp một kinh-thuật, vẫn không thích hợp với sự dùng. Muốn khỏi làm kẻ vu-nho, thì phải kiêm-độc các sách sử. » Xem vậy, thì cái học của ông có phần sở-đắc hơn cả là sử-học.

Cái học của Hoàng Lê-châu tuy lấy Kinh-học và Sử-học làm chủ, nhưng vẫn lấy tâm-học làm trọng, cho nên nói rằng: « Đọc sách không nhiều thì không lấy gì chứng rõ cho sự biến-hóa của lý. Đọc sách nhiều mà không cầu ở tâm, thì lại là tục học. Bởi vậy, phàm những người theo cái học của ông, không bị cái lưu-tệ về sự giảng học.

Sách của ông mà có ảnh-hưởng đến sự tư-tưởng đời nay là bộ: Minh di đãi-phóng lục 明 夷 待 訪 錄. Trong sách ấy, ông bàn về đạo làm vua, làm tôi cùng những pháp-luật, học-hiệu, điển-chế, binh-chế, tài-kế v. v... Đại lược là ông lấy vương đạo mà giải-quyết những vấn-đề ấy. Cố Đình-lâm xem sách ấy nói rằng: « Thiên-hạ chưa tầng không có người. Cái đạo của bách vương đã hư hỏng đi, có thể lại khởi phục lên được, và cái thịnh trị của Tam-Đại, có thể dần dần lại hoàn lại được.» Sách ấy thật là bổ ích cho sự học của ta vậy,

Bàn về cái đạo làm vua, Hoàng Lê-châu nói rằng: « Lúc nhân dân sơ sinh, người nào cũng tự tư, tự lợi, trong thiên-hạ có cái công-lợi không ai hưng khởi lên; có cái công-hại không ai trừ khử đi. Đến khi có người ra đời, không lấy cái lợi của mình làm lợi, mà khiến cả thiên-hạ đều được lợi chung, không lấy sự hại của mình làm hại, mà khiến cả thiên-hạ đều được khỏi cái hại. Ấy là sự cần-lao của người ấy gấp nghìn gấp vạn sự cần-lao của người trong thiên-hạ. Chịu cái cần-lao gấp nghìn gấp vạn mà mình không được hưởng cái lợi, cái tình của người trong thiên-hạ ắt là không ai muốn ở cái địa-vị ấy. Cho nên bậc nhân-quân đời xưa bỏ đi, không muốn vào cái địa-vị ấy, như Hứa Do, Vũ Quang vậy; đã vào rồi lại muốn bỏ đi, như vua Nghiêu, vua Thuấn vậy; lúc đầu không muốn vào mà rồi không bỏ đi được, như vua Vũ vậy. Há có phải là người đời xưa khác người đời nay hay sao? Thích cái nhàn, ghét cái nhọc, nhân tình ai cũng thế cả. Bậc nhân-quân đời sau không thế, cho cái quyền lợi hại của thiên-hạ đều bởi mình mà ra, mình lấy cái lợi của thiên-hạ thu hết cả về mình, đem cái hại của thiên-hạ đổ cả cho người cũng không sao, khiến người trong thiên-hạ không ai dám tự tư tự lợi, mà lại lấy cái đại tư của mình làm cái đại công của thiên-hạ. Lúc đầu còn lấy làm thẹn, lâu rồi cũng thôi, coi cả thiên-hạ là một cái đại sản-nghiệp để truyền cho con cháu hưởng thụ vô cùng. Vua Cao-tổ nhà Hán nói rằng: « Cái nghiệp của ta làm nên, đối với các anh em thì ai nhiều? » Đó là cái tình trục lợi nó dàn ra ở lời nói vậy.

« Cổ-giả lấy thiên-hạ làm chủ, vua làm khách; vua mà phải kinh-doanh suốt đời là chỉ vì thiên-hạ vậy. Đời nay lấy vua làm chủ, thiên-hạ làm khách; trong thiên-hạ mà không có chỗ nào được yên ổn, là vì vua vậy....» (Nguyên quân). Ông cho cái hại vì có vua, là tại bọn tiểu-nho không hiểu rõ cái đạo vua tôi, gây thành cái vạ lớn cho muôn dân. Giả sử người làm vua mà biết rõ cái chức phận ông vua, như đời Đường Ngu, người nọ nhường cho người kia, thì hiểu bọn Hứa Do, Vũ Quang không phải là dứt tình với trần thế. Người làm vua mà không biết rõ cái chức phận ông vua, thì người ở thành-thị hay ở thôn-quê ai cũng muốn được, Cái đạo mà Hứa Do và Vũ Quang mở ra cho đời sau, không ai hiểu, thật lấy làm tiếc vậy.

Đạo làm vua đã không ai hiểu, đạo làm tôi cũng không ai rõ. Hoàng Lê-châu nói rằng: « Có nhân-quân, rồi lấy sự trông ở chỗ vô hình, sự nghe ở chỗ vô thanh mà thờ vua, có phải là đạo làm tôi không? — Rằng: Không. — Bỏ thân mình mà thờ vua, có thể gọi là đạo làm tôi không? — Rằng: Không. Trông ở chỗ vô hình, nghe ở chỗ vô thanh, giống như thờ cha; bỏ thân mình là cái cực tắc của sự vô tư; thế mà còn chưa đủ để đương được, thì đạo làm tôi thế nào mới phải? — Rằng: Vì thiên-hạ rộng lớn, không phải một người có thể trị nổi, bèn chia ra cho những người giỏi cùng trị, cho nên ta ra làm quan là vì thiên-hạ, chứ không phải vì vua; vì muôn dân, chứ không phải vì một họ. Ta lấy thiên-hạ và muôn dân làm cái khởi-kiến, hễ trái cái đạo, thì vua dù có lấy cái hình cái thanh mà cưỡng ta, ta cũng không dám theo, huống chi cái vô hình vô thanh hay sao? Đã trái cái đạo, thì đem mình đứng ở chỗ triều đường, ta cũng không chịu, huống chi là chịu giết bỏ cái thân mình hay sao? Trái lại, lấy một người một họ của ông vua làm cái khởi-kiến, thì ông vua có cái thị-dục vô hình vô thanh, ta theo mà trông đó, nghe đó, ấy là cái tâm của bọn hoạn-quan và cung-thiếp vậy. Ông vua vì phần riêng mình mà chết, mà mất, ta theo mà chết đó, mất đó, ấy là việc của kẻ riêng-tây vậy. Đó là sự biện-biệt việc làm tôi hay không làm tôi vậy. Kẻ làm tôi ở đời không hiểu cái nghĩa ấy, cho là vì vua vì tôi mà đặt ra đạo làm vua làm tôi. Vua chia thiên-hạ cho ta để trị, vua trao nhân-dân cho ta để chăn nuôi, coi thiên-hạ nhân-dân là cái vật riêng ở trong túi của vua. Cho việc bốn phương nhiễu loạn, dân sinh tiều-tụy, đủ làm nguy cho vua ta, ta không thể không giảng cái thuật trị dân và chăn nuôi dân. Nếu không quan-hệ đến sự còn mất của xã-tắc, thì bốn phương nhiễu loạn, dân sinh tiều tụy, tuy có người làm tôi thành-thực, song cho việc ấy là nhỏ mọn. Kẻ làm tôi ở đời cổ thế nào? Vì sự trị loạn của thiên-hạ không ở sự hưng vong của một họ, mà ở sự lo sự vui của muôn dân. Bởi thế cho nên vua Kiệt vua Trụ mất, bèn lấy làm trị, nhà Tần nhà Nguyên dấy lên, bèn lấy làm loạn, nhà Tấn nhà Tống nhà Tề nhà Lương dấy hay mất không dự gì đến việc trị loạn. Kẻ làm tôi mà khinh thị sự lầm-than của dân, thì dẫu hay giúp vua mà dấy, theo vua mà mất, đối với cái đạo làm tôi vẫn chưa tầng. không trái vậy.... » (Nguyên thần). Những lời bàn về đạo vua tôi ấy rất đúng với nghĩa câu: « Dân vi quí, xã-tắc thứ chi, quân vi khinh » của Mạnh-tử.

Trị thiên-hạ phải có phép. Nhưng cái phép của tiên vương để lợi chung cho cả thiên-hạ, cái phép của đời sau cốt để lợi riêng cho một nhà, một họ. Hoàng Lê-châu nói rằng « Tam-Đại trở lên có phép, Tam-Đại về sau không có phép, tại làm sao? — Nhị đế tam vương biết thiên-hạ không thể không có ăn, trao cho ruộng để cày cấy; biết thiên-hạ không thể không có mặc, trao cho đất để trồng dâu trồng gai; biết thiên-hạ không thể không có dạy, đặt ra nhà học nhà hiệu đều dấy sự dạy; định ra lễ hôn-nhân để ngăn sự dâm; nuôi sĩ tốt, dùng binh khí, để phòng sự loạn. Ấy là phép của đời Tam-Đại về trước, không bao giờ vì một mình mà lập ra vậy. Bậc nhân-chủ đời sau, đã được thiên-hạ rồi, chỉ sợ cái tộ mạnh của mình không được lâu dài, con cháu không thể giữ được có mãi, lo nghĩ đến việc chưa sẩy ra mà lập làm phép. Như thế thì cái gọi là phép, là cái phép của một nhà, chứ không phải cái phép của thiên-hạ. Ấy cho nên nhà Tần biến phong-kiến làm quận huyện, vì quận huyện có thể lấy được làm của tư của ta vậy; nhà Hán đặt ra thứ-nghiệt để làm phiên bình cho ta vậy; nhà Tống giải binh của các phương trấn, vì cho là phương trấn không lợi cho ta vậy. Những phép ấy không có chút gì là cái lòng vì thiên-hạ cả, mà cũng gọi là phép được vậy ôi! Phép của đời Tam-Đại, chứa thiên-hạ ở trong thiên-hạ. Cái lợi sơn trạch bất tất phải lấy hết; cái quyền thưởng phạt không ngờ có sai sót; kẻ quí không chỉ ở triều-đình, kẻ tiện không chỉ ở chỗ thảo mãng. Người đời sau bàn phép ấy cho là rất sơ-lược, người trong thiên-hạ không thấy cái khả muốn của kẻ trên, không thấy cái khả ghét của kẻ dưới. Phép càng sơ mà cái loạn càng ít, ấy thế gọi là « vô pháp chi pháp » vậy. Phép của hậu-thế, chứa thiên-hạ vào trong rương hòm, cái lợi không muốn để rơi xuống cho kẻ dưới; cái phúc chỉ muốn giữ cho kẻ trên. Dùng một người thì nghi có tự tư; lại dùng một người nữa để hạn-chế cái tư; làm một việc, thì lo người ta lừa dối, lại đặt ra một việc nữa để phòng cái lừa dối. Người trong thiên-hạ ai cũng biết cái rương hòm ở chỗ nào, ta cứ ngay-ngáy chỉ lo ở chỗ rương hòm đó, cho nên phép không thể không chu-mật. Phép càng chu-mật, mà cái loạn của thiên-hạ, là sinh ra ở trong cái phép, ấy thế gọi là « phi pháp chi pháp » vậy,...» (Nguyên pháp).

Đại để, Hoàng Lê-châu là một nhà học-giả hiểu thấu tới chỗ sâu xa của Nho-giáo về đường chính-trị, và thấy rõ cái bệnh của những người làm vua làm quan xưa nay, chỉ biết cái tư mà không biết cái công, học một đường làm một nẻo, cho nên cái đạo của thánh hiền tuy hay mà vẫn không có hiệu-quả.

Môn-đệ của ông là Vạn Tư-Đồng 萬 斯 同, tự là Quí-dã 季 野, người đất Ngân-huyện, tỉnh Chiết-giang. Vạn Quí-dã cho từ đời nhà Đường về sau, người làm sử là quan của vua đặt ra, làm không được đúng sự thực, bèn một mình làm bộ Minh-sử. Luận-giả cho là sau Tư-mã Thiên và Ban Cố có một Quí-dã mà thôi.

Sau lại có Toàn Tổ-Vọng 全 祖 望, tự là Thiệu-y 紹 衣, người đồng huyện với Vạn Tư-Đồng, và là tư-thục Hoàng Lê-châu. Toàn Thiệu-y là người có tiếng trong đời Càn-long, phê-bình và phát-minh cái học của các danh nho trong đời Thanh-sơ.

2• Trình Chu học.— Phái này lấy lý-học của Tống-nho làm tôn-chỉ. Song tựu trung có người như Vương Phu-Chi thì theo cái học của Trương-tử; như Lục Lũng-Kỳ thì biểu-chương Trình Chu. Hai người đều hết sức công-kích Vương Dương-minh. Còn các học-giả khác thì xuất nhập ở các học-phái đời Tống.

Vương Phu-Chi. — Vương Phu-Chi 王 夫 之, tự là Nhi-nông 而 農, hiệu là Thuyền-sơn 船 山 (1627-1679), người đất Hành-dương, tỉnh Hồ-nam. Lúc nhà Minh mất nước rồi, ông giấu tông tích, vào ở trong núi, không giao-thiệp với bọn sĩ-phu, cho nên đương thời không ai biết. Ông học riêng một mình, không theo tôn-phái nào cả, và làm sách rất nhiều. Năm Đồng-trị (1862-1874) ở Kim-lăng khắc ra 288 quyển mà chưa được một nửa những sách của ông.

Cái học của Vương Thuyền-sơn rất rộng. suốt cả Nho-học, Lão-học và Phật-học. Những sách của ông làm về Nho-giáo thì có Độc thông-giám luận 讀 通 鑑 論; — Tống-luận 宋 論; — Trương-tử Chính-mông chú 張 子 正 蒙 註, đều là sách cận đại có nhiều người đọc; về Lão-giáo thì có Lão-tử-diễn 老 子 衍: — Trang-tử-giải 莊 子 解, đều là sách rất tinh về đường triết-học. Ông lại còn làm những sách nói về Phật-giáo, v. v.

Vương Thuyền-sơn thấy cái tệ của sự học cuối đời nhà Minh, cho nên muốn đem trở lại Tống-học, và hết sức công-kích cái học của phái Diêu-giang. Ông nói rằng: « Khinh nhờn lời nói của thánh-nhân là cái đại ác của bọn tiểu-nhân.., Cái học của phái Diêu-giang góp nhặt những điều gần giống như lời nói của thánh-nhân, trích ra một câu, một chữ, để làm yếu-diệu, lẩn vào Thiền-tôn, lại càng là vô kị-đạn lắm nữa.»

Ông không theo cái tập-khí và không giữ cái học-thuyết của một thầy dậy, và thường nói rằng: « Cái vật lý của thiên-hạ vô cùng, cái đã tinh mà lại còn có cái tinh nữa, tùy thời để biến, mà đều không mất cái chính. Song tin ở mình mà cố-chấp, thì sao cho đáng được, huống chi cái mà mình tin ở mình lại hoặc là do cái tập-khí, hoặc là do sự giữ lời nói của thầy, rồi tiềm-tứ thành ra tâm của mình thì sao? » Ông lại nói ở sách Trương-tử Chính-mông-chú rằng: « Thiên-lý tức ở trong nhân-dục; không có nhân-dục, thì thiên-lý ở đâu mà phát hiện ra.»

Về sau bọn Đái Chấn và Đàm Tự-Đồng đều chịu cái ảnh-hưởng cái học của ông vậy.

Lục Lũng-Kỳ. — Lục Lũng-Kỳ 陸 隴 其, tự là Giá-thư 稼 書 (1630-1693), người đất Bình-hồ, tỉnh Chiết-giang, đỗ tiến-sĩ đời Khang-hi, làm quan đến chức ngự-sử thì về hưu. Hiện nay có sách Tam-ngư-đường toàn tập 三 魚 堂 全 集 truyền ở đời.

Cái học của ông lấy sự kính để lập bản, lấy cùng-lý để trí-tri, tức là theo đúng cái học của Chu-tử. Ông cho là ngoài cái học của Chu-tử ra không có cái học nào nên học nữa, cho nên ông thường nói rằng: « Từ vua Nghiêu vua Thuấn về sau, quần thánh bối xuất, mà tập cái đại-thành của quần thánh là Khổng-tử; từ đời Tần đời Hán đến nay, chư nho bối xuất, mà người tập cái đại thành của nho là Chu-tử.» Ông nói ở bài Đạo-thống rằng: « Không có Chu, Trình, Trương, Thiệu, thì cái học của Thù Tứ không sáng; không có Chu-tử, thì cái học của Chu, Trình, Trương, Thiệu không sáng. Người ở đời Hán nên tôn Khổng-tử, người ở đời nay nên tôn Chu-tử. Có Chu-tử thì Chu, Trình, Trương, Thiệu mới phát-minh ra mà cái đạo của Khổng-tử mới truyền vậy. Tôn Chu-tử tức là để tôn Chu, Trình, Trương, Thiệu, tức là tôn Khổng-tử. Tôn Khổng-tử, thì cái gì không phải là cái thuật của Khổng-tử là tuyệt đi không để cùng tịnh tiến; tôn Chu-tử, thì cái gì không phải là cái thuyết của Chu-tử là tuyệt đi không để cùng tịnh tiến. Những lời chú-thích trong Tứ-Thư, Ngũ-Kinh là học-giả phải theo để làm qui-thức, không được trái.» Ấy là ông nhất quyết chỉ nhận cái học của Chu-tử là chính-thống.

Ông đã nhất tâm tôn sùng Trình Chu, tất là ông cực lực công-kích Vương Dương-minh. Trong những thư ông viết cho những người đồng chí lúc bấy giờ, ông rất chú-ý về chỗ ấy và ông làm ba bài Học-thuật-biện 學 術 辨, đại lược nói rằng: «Dương-minh-thị xướng lên cái thuyết lương-tri, lấy cái thực của Thiền mà thác cái danh của Nho, gây thành cái lưu-hại không thể nói hết được.» Ông cho cái bệnh của Dương-minh là ở sự nhận tâm làm tính và nhận cái bản-thể của tâm không có thiện không có ác. Ông lại nói ở cuối bài Học-thuật-biện thứ hai rằng: « Kẻ học-giả trong thiên-hạ sở dĩ theo Dương-minh là có hai lẽ. Một là ai học theo cái học ấy thì « túng tứ tự thích 縱 肆 自 適 », không như cái học của Trình Chu phải « lý thằng đạo củ 履 繩 𨂻 矩 » không thể giả tá được. Hai là cái học ấy chuyên lấy tri-giác làm chủ, bảo rằng thân của người ta có sinh tử, mà cái tri-giác không có sinh tử, cho nên coi cả thảy trong thiên-hạ đều là ảo cả, duy có cái tri-giác là thật, bởi vậy kẻ bất hiền vui về cái túng-tứ, mà kẻ hiền-giả lại lo tìm cái vô sinh-tử, vậy nên mới đua nhau mà theo. Hỡi ôi! Sự túng-tứ không thể dễ sáng rõ được, còn như cái thuyết vô sinh-tử là cái lầm của Thiền-gia vậy. Kẻ học-giả lấy cái luận của Trình Chu về âm dương thân khuất vãng lai mà tiềm tâm thục ngoạn, thì cái lý rõ rệt, sao không học cái học ấy lại học cái lầm kia? »

Đối với cái thuyết sinh tử, thì lời ông nói đó tức là lời của các nho-giả vẫn nói xưa nay. Song trong cái âm-dương thân khuất lại không có cái minh-linh không bao giờ biến đổi hay sao? Bởi ông không thấy rõ cái minh-linh ấy, cho nên ông không hiểu được cái học như của Dương-minh. Vì vậy những lời phán-đoán của ông về cái toàn-thể sự học của Dương-minh, có lắm điều cố-chấp và thiên quá. Xem cái cách nghị-luận của ông thì tỏ ra là ông chỉ nói lấy phải cho ông, chứ không xét đến hết các lẽ. Ông vin lấy câu: « bản-thể của tâm không có thiện không có ác » mà bảo là Thiền-học, nhưng ông không biết rằng đó là chỗ cao của cái học Dương-minh. Phàm cái học nào mà không đạt tới cái lý hình-nhi-thượng trên sự biến hóa sinh tử, là cái học thấp và hẹp. Dương-minh nói không thiện không ác, chính là nói cái bản-thể của cái lý nguyên-thủy vị phát. Khi cái tư-tưởng đã lên đến chỗ cùng tột ấy, thì dù là Nho, là Lão, hay là Phật, bất luận học thuyết nào cũng gặp nhau ở một chỗ đó cả, tức là cái nghĩa « đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự » của Khổng-tử. Song mỗi một học-thuyết có một cách hành-đạo riêng, khác nhau ở chỗ thiết-thực hay không thiết-thực. Về cái phương-diện này, ai đã biết rõ cái học của Dương-minh, thì không thể nói là cái học ấy không có phần thiết-thực được. Về sau các lưu-phái của cái học ấy có chỗ sai lầm: phái thì chuyên theo phần cao quá, phái thì chuyên theo phần thấp quá, đó là cái thông-bệnh của các học-thuyết từ xưa đến nay, chẳng phải riêng gì một cái học Dương-minh. Lục Lũng-Kỳ vội cho cái thuyết của mình là phải, không xét đến nơi đến chốn, thành ra chỗ ông chê Vương-học và khen Chu-học lại chính là chỗ hay của họ Vương và chỗ dở của họ Chu. Vương-học vị tất đã không có hà tì, nhưng hãy được túng tứ tự thích, cho nên cái tư-tưởng mới được ung dung tự ngoạn, theo được thiên-lý mà lưu-hành. Chu-học không phải là dở cả, nhưng vì trói buộc phải theo thằng mặc qui củ nhất-định, cho nên cái tư-tưởng cứ bị câu-thúc, trái với cái nghĩa « ngô dữ Điểm » của Khổng-học, thành ra không lưu-hành mà biến hóa được, hại cho tâm trí của người ta biết dường nào! cũng vì sự thực-hành của Chu-học hẹp-hòi bó-buộc quá, cho nên cái tinh-thần của Nho-giáo ngày một khô-khan và suy hèn đi. Ta vẫn biết Chu-tử là một bậc đại-hiền có nhiều cái tư-tưởng rất cao, chỉ vì cái học của ông quá thiên về sự câu-nệ, cho nên mới gây thành cái bệnh cho Nho-giáo. Cái bệnh ấy có lẽ Lục Lũng-Kỳ không biết, nhưng ngày nay ta không thể nói là không biết được. Chỗ lầm của Lục Lũng-Kỳ là chỗ lầm chung của phần nhiều những người nho-học, cho nên cái bệnh của Nho-giáo càng ngày càng to lên, đến bây giờ vẫn chưa khỏi vậy.

Thuở ấy còn có những người như Lý Quang-Địa, Chu Di-Tôn và Phương Bào v. v. đều theo cái học của Trình Chu và đều là người có tiếng lớn trong khoảng sơ-diệp nhà Thanh.

Lý Quang-Địa.— Lý Quang Địa 李 光 地, người đất An-khê, tỉnh Phúc-kiến đỗ tiến-sĩ năm 1660 đời Khang-hi, làm quan đến chức Văn-uyên-các đại-học-sĩ. Ông học rất rộng và rất đốc tín cái học của Trình Chu. Ông tham dự vào việc làm sách Chu-tử toàn-thư 朱 子 全 書, sách Tính-lý 性 理, v. v.

Chu Di-Tôn.— Chu Di-Tôn 朱 彞 , tự là Tích-xưởng 錫 鬯, người đất Tứ-thủy, đỗ bác-sĩ hồng-từ năm 1679 đời Khang-hi và mất năm 1709. Ông học rộng và nổi tiếng là người làm văn giỏi. Sách của ông có bộ: Minh thi tổng 明 詩 綜; — Kinh-nghĩa-khảo 經 義 考, v. v.

Phương Bào. — Phương Bào 方 苞, tự là Linh-cao 靈 皋, người đất Đồng-thành, tỉnh An-huy, đỗ tiến-sĩ năm 1706 đời Khang-hi, mất năm 1749. Ông lấy cái học của Tống-nho làm tôn-chỉ, và nổi tiếng là người làm văn giỏi, lập ra phái văn-học gọi là Đồng-thành-phái 桐 城 派.

Phái Tống-học truyền đến cuối trung-diệp nhà Thanh, có hai người là La Trạch-Nam và Tăng Quốc-Phiên, đem cái thực học thi thố ra ở sự-nghiệp lớn lao, làm đại-biểu chân chính cho phái ấy.

La Trạch-Nam. — La Trạch-Nam 羅 澤 南, tự là Trọng-nhạc 仲 嶽, hiệu là La-sơn 羅 山, người đất Tương-hương, tỉnh Hồ-nam. Thuở nhỏ ông đốc chí về chính-học, rất ham đọc sách Tính-lý. Khi giặc Thái-bình nổi lên, ông mộ quân hương-dũng đi đánh, lập được nhiều công. Sau ông làm chức bố-chính-sứ đi đánh giặc bị đạn, mất năm Hàm-phong thứ 5 (1856).

Ông thường nói rằng: « Binh-pháp chỉ ở câu: « Tri chỉ nhi hậu định » ở trong sách Đại-học ». Cái học của ông vụ lấy đốc thực, cho nên lâm sự ông ứng biến rất giỏi.

Tăng Quốc-Phiên. — Tăng Quốc-Phiên 曾 國 蕃, tự là Điều-sinh 滌 笙, hiệu là Bá-hàm 伯 涵 (1811-1872), người đất Tương-hương, tỉnh Hồ-nam, đỗ tiến-sĩ năm Đạo-quang. Lúc ông đang làm chức thị-lang thì cha mất, về đinh ưu. Ông ở quê thấy quân Thái-bình đánh khắp mọi nơi, ông bèn mộ quân hương-dũng, luyện tập thành quân đội rồi đem đi đánh giặc. Ông đánh đâu được đấy, chẳng bao lâu mà giặc tan. Bởi có công lớn ấy mới được phong là Nghị-dũng-hầu 毅 勇 候, làm đến chức Đại-học-sĩ, tổng-đốc đất Lưỡng-giang.

Ông là người nho-tướng dùng binh rất giỏi, người ta thường cho là sau Vương Dương-minh, chỉ có một mình ông vậy. Ông thuộc về phái lý-học nhưng không cố-chấp một học-thuyết nào. Ông bàn sự học thường nói rằng: « Nghĩa-lý, khảo-cứu, từ-chương, ba điều ấy mà thiếu đi một, không được. » Ông lại giỏi nghề làm cổ văn, nổi tiếng là một nhà văn-học trong đời. Sách của ông có bộ Khuyết-trai-tập 闕 齋 集.

Phál lý-học đời nhà Thanh tuy không thịnh bằng phái Hán-học, nhưng cái thế vẫn mạnh, là vì chính-phủ dùng cái học ấy để thi-cử, cho nên ở chỗ dân gian đâu đâu cũng học. Song người đời ai cũng vụ lấy học lối từ-chương để cầu danh lợi, làm thành một cái học hư-văn, không có cái thực dụng. Lý-học cũng bởi đó mà suy vậy.