Phép làm văn
Theo như bổn báo đã rao trong một số trước, bắt đầu từ kỳ nầy đăng bài nói về “Phép làm văn” rồi tiếp theo đây mỗi kỳ sẽ có một bài về mục ấy.
Đương trong lúc quốc văn mới nhóm lên, ai ai cũng có cái khuynh hướng muốn lợi dụng nó về mọi việc, mà chưa có cái thể thức nào nhứt định, chưa có cái gì làm như kim chỉ nam cho người viết văn thì cũng là một sự bất tiện lắm. Chúng tôi thấy mọi người đều ước ao rằng phải chi trong lúc nầy mà có người soạn ra những sách dạy về văn quốc ngữ thì tiện lợi cho đồng bào là dường nào !
Sự ước ao ấy vẫn chánh đáng mà cũng khí hơi cao xa. Vì một thứ chữ mới gầy dựng lên, ban đầu hết, ai cũng như nấy, cũng thấy là trong khi ứng dụng nó, khó khăn nhiều bề ; vậy thì hỏi ai có tài lực nào cho đủ mà lập ra một cái quy tắc rành rẽ, đúng đắn, hầu làm mẫu mực cho mọi người được ? Cho nên sự ước ao ấy cũng khó mà thiệt hiện ra.
Tuy vậy, chúng ta chớ nên thấy thế mà ngã lòng. Thứ chữ nào cũng vậy, mới bắt đầu gây dựng lên, chưa có thể nào hoàn toàn được, chưa có quy tắc nhứt định được, mà cần phải mỗi ngày một trưởng thành lên với thì giờ. Trong khi trải qua một khoảng thì giờ ấy, người nầy phát minh ra cái nầy, người kia sáng tạo ra cái kia, lâu ngày nhóm góp lại, cái nào được người ta công nhận, thì cái đó sẽ thành ra quy tắc. Bởi vậy, hiện lúc nầy đây, trong học giới nước ta, về phương diện văn tự, chính là lúc mà mỗi người đều có cống hiến nhiều ít cái sở đắc của mình. Bổn báo mở ra mục “Phép làm văn” chẳng qua là muốn cống hiến một vài điều sở đắc của chúng tôi mà thôi.
Độc giả đọc mục nầy, xin chớ coi như là bài học trong nhà trường dạy về khoa văn học ; song hãy coi như là cái bổn cảo của những bài học ấy còn đợi các bực cao minh chỉ chánh cho những điều lầm lỗi.
Tác giả mục nầy vốn là nhà cựu học, nhỏ lớn chưa hề được ngồi trên cái ghế của trường học kiểu kim thời. Về phép làm văn theo như khuôn phép của khoa văn học thế giới ngày nay, tác giả có sở đắc một ít, cũng chỉ nhờ công nghiên cứu lấy ở dưới bóng đèn, bên cửa sổ. Lấy cái học không gốc mà dám viết ra đây, chẳng qua là một sự đánh bạo, một sự làm thử, muốn chứa lại đây một mớ đầu đày mạt cưa để sắm sẵn cho tay thợ dựng cái lầu đài quốc văn có dùng được chút nào thì dùng.
Bởi vậy chúng tôi mong rằng sau khi đọc mục nầy trong mỗi số, độc giả có thấy chỗ nào lầm lỗi thì xin làm ơn gởi thơ đến bổn báo mà đính chánh cho. Có làm như vậy mới mong lẽ phải được tỏ bày ra, và mỗi người một ít, mỗi ngày một chút, nhờ đó mà tiếng Việt Nam sau nầy mới có mẫu mực nhứt định, theo như bây giờ chúng ta đương ao ước.
Trên đây là lời của Tòa soạn chúng tôi bày tỏ chút lòng thành thật, trong khi mở ra làm việc quan hệ nầy. Dưới đây xin tiếp theo “mấy lời nói đầu” của tác giả.
P.N.T.V.
MẤY LỜI NÓI ĐẦU
[sửa]Mới thấy ba chữ “Phép làm văn”, có người sẽ nói rằng : “Làm văn lại cần phải có phép ư ? Các bậc tiên hiền ta ngày xưa như cụ Nguyễn Du, cụ Đồ Chiểu, có hề học phép làm văn bao giờ mà các cụ cũng làm nên sách nọ sách kia, nổi danh là nhà văn học ? Khéo bày ra cho lắm trò ! Có học tập thì tự nhiên làm văn được, chớ không cần phải đặt ra phép tắc làm chi”.
Ai nói như vậy cũng có lẽ ít nhiều, chớ không phải toàn vô lý hết. Theo lối học của ta ngày xưa, thật như vậy, về sự làm văn, chưa hề có ai bày ra phương pháp để dạy ai. Cho đến bên Tàu, chừng năm bảy mươi năm về trước cũng không hề có sách dạy chuyên về phép làm văn nữa.
Ấy là theo cái cách thức người phương Đông ta, mọi sự đều nhờ ở sự sáng dạ của kẻ học, chớ còn thầy dạy, cứ dạy tràn lan cho, không nương theo phương pháp kiểu mẫu nào, việc gì cũng vậy, không phải nội một việc học chữ. Vậy mà trong rừng nho cũng có người viết văn hay, ám hiệp với phép tắc tự nhiên ; trong các nghề cũng có lắm tay thợ khéo, không kém gì nhà mỹ thuật có học hành đúng đắn.
Thật, cái hay cái khéo là nhờ ở thiên tài phần nhiều. Một người nếu không có khiếu trời cho về văn học thì dầu cả đời theo đuổi về đường ấy, hằng ngày luyện tập theo phương pháp kiểu mẫu đúng đắn, cũng chẳng hề thành ra được nhà văn hào. Đó là lẽ tất nhiên ; ngày xưa chúng ta sống là sống trong cái lẽ tất nhiên ấy mà không biết biến hóa.
Cứ phó mặc cho cái lẽ tất nhiên ấy thì một trăm người đi học may ra mới được một người có thiên tài, có khiếu làm văn, người ấy về sau sẽ thành ra nhà văn hào chắc chắn. Nhưng còn chín mươi chín người kia, có lẽ đành phải chịu dốt, hay là phải thất công gấp hai, vì đã không có khiếu, không có thiên tài, mà lại cũng không có phương pháp kiểu mẫu để cho dễ học hơn.
Nói đến đó thì đã hơi thấy mọi sự phải cần có phương pháp kiểu mẫu rồi, đã hơi thấy sự làm văn phải cần có phép rồi.
Các nước bên Âu-Mỹ, cho đến Nhựt Bổn, hay là Trung Huê ngày nay cũng vậy, về sự làm văn, họ phải dạy nhau bằng những phép tắc nhứt định, ai cũng có thể noi theo đó mà làm được.
Trong việc nầy thấy ra người các nước văn minh, về sự học vấn, họ không toàn cậy ở thiên tài mà cũng cậy ở nhân lực. Nhân lực tức là những phương pháp kiểu mẫu đó. Người ta đã nghiệm ra rằng trong nước nào mà sự giáo dục có theo phương pháp kiểu mẫu thì người có thiên tài cũng sẽ nhờ đó mà mau giỏi thêm hơn, còn những người không có thiên tài cũng sẽ nhờ đó mà không đến nỗi cả đời dốt nát. Chúng ta cũng đã nghiệm ngay trước mắt đây rồi ; những học trò tốt nghiệp ở trường tiểu học bây giờ, dầu dở đến đâu cũng viết được một bài tầm thường bằng tiếng Pháp ; còn hồi xưa học chữ Hán, có kẻ đã tốn công phu đèn sách đến mười mấy năm trời mà viết một bức thơ nhà không nổi. Ấy không phải tại chữ Hán khó hơn chữ Pháp đâu ; chỉ tại bây giờ học chữ Pháp có phương pháp kiểu mẫu mà ngày xưa học chữ Hán thì không có mà thôi vậy.
Huống chi cái quan niệm về văn học ngày nay có khác với ngày xưa. Ngày xưa duy có những người sẵn thiên tài thì mới mong làm nhà văn học, rồi những vật xuất sản của văn học cũng chỉ riêng một đám họ thưởng thức với nhau ; cái văn học ấy hình như có cái tánh chất quý tộc ở trong. Còn ngày nay văn học đã thành ra một món cần dùng cho dân chúng, hầu như hết thảy người trong xã hội cũng phải mỗi ngày sống trong văn học là mấy giờ. Cái hiện tượng ấy chẳng những thấy ra trong các nước văn minh, mà chính ở nước ta đây cũng thấy được, tức là chị hàng cá ở xó chợ, anh phu xe ở đầu đường, cũng thường mở cuốn tiểu thuyết ra mà giám thưởng trong lúc thanh nhàn.Vậy thì ta phải để riêng hạng thiên tài ra ; bây giờ đây, phải làm thế nào cho nhứt ban dân chúng đều có ít nhiều tri thức về văn học, hầu để thêm lên cái hứng vị trong khi giám thưởng, ấy là cái hứng vị của sự sống.
Muốn được như vậy phải nhờ những người có học trong nước, mỗi người góp một ít phương pháp, kiểu mẫu về văn học, lấy ra từ sự biết của mình, đem mà cống hiến cho dân chúng, thì mới được. Khi một cái phương pháp, kiểu mẫu nào được công nhận mà thành lập rồi, ai đã biết chữ cứ theo đó mà tự học lấy, viết ra sẽ thấy là thông, đọc của ai sẽ biết hay biết dở ; như vậy không cốt để làm một nhà văn học đâu, song để bổ ích cho những giờ thuộc về cái đời văn học của họ vậy.
Nãy giờ tôi nói để tỏ ra phép làm văn là cần có ; rồi đây sắp sau mới nói đến cái phép ấy là thế nào.
Những nước nào mà văn tự đã thành thục rồi, nền văn học đã vững chãi rồi, thì trong nước họ đều có các thứ sách chuyên dạy về phép làm văn. Một người học trò đến bực trung học rồi, là tất phải thông hiểu qua các sách ấy. Còn người nào rủi mà thất học, không chịu giáo dục ở nhà trường được, thì cũng có thể nhờ các sách ấy mà tự nghiên cứu lấy. Vì đã làm người dân ở các nước văn minh, thì sự nầy coi như là thường thức, ai cũng phải biết, chẳng phải là cao xa chi. Đây xin kể đại lược về các thứ sách ấy :
1. Văn pháp (Grammaire)[1]. – Sách nầy dạy về sự tổ chức và cách kết cấu của một thứ văn tự, phải học nó thì dùng chữ mới khỏi sai và nói hay viết ra mới đúng với nguyên tắc của văn tự ấy. Các bực tiền bối ta thường kêu sách nầy bằng “sách Mẹo” ; nhớ như ông Trương Vĩnh Ký đã dùng chữ quốc ngữ mà làm sách văn pháp của chữ Pháp cho người mình dễ hiểu, kêu bằng “sách Mẹo Phan Lang Sa”.
2. Luận lý học (Logique). – Sách nầy dạy người ta về sự tác dụng của tư tưởng ; có thông hiểu nó thì mới biết dùng tư tưởng theo đường phải và tránh sự lỗi lầm. Luận lý học là sách dạy về tư tưởng, chớ không chuyên dạy về phép làm văn ; song văn chương là do tư tưởng mà ra, cho nên cần phải học.
3. Tu từ học (Rhétorique)[2]. – Sách nầy chuyên dạy về sự làm văn cho đẹp, cho hay. Cái mục đích của văn chương có ba điều, là : tín, đạt, mỹ. Tín là cho đúng ; đạt là cho thông ; mỹ là cho đẹp, cho hay. Muốn đúng và thông thì nhờ ở hai thứ sách trước ; còn muốn cho đẹp cho hay thì phải nhờ ở tu từ học.
Phép làm văn ở các nước gồm trong ba thứ sách đó ; một người học mà muốn làm được văn thì phải biết qua cả ba thứ đó mới đủ phép làm văn. Trong ba thứ sách đó, luận lý học thì nước nào cũng như nước nào, vì loài người tâm lý đã đồng nhau thì sự tác dụng của tư tưởng cũng đồng nhau. Duy có hai thứ kia, văn pháp và tu từ học thì mỗi nước khác nhau một ít, bởi tại ngôn ngữ và văn tự mỗi nước đều khác.
Ở nước ta, chữ quốc ngữ mới gây dựng lên, chưa có ba thứ sách ấy bằng tiếng ta, cho nên văn quốc ngữ không lấy đâu làm mực thước cả. Trừ ra sách luận lý học, bây giờ nếu có ai thông hiểu cái học ấy rồi, đem mà viết ra bằng tiếng ta, thì thành sách liền. Duy có hai thứ kia, phải chờ đến bao giờ tiếng ta và văn ta được thành thục rồi, những cái nguyên tắc của tiếng và văn đã tìm thấy đủ hết và được nhứt định, thì bấy giờ hai thứ sách đó mới thành được.
Vậy thì ngay bây giờ đây, là lúc chúng ta đương đi tìm những cái nguyên tắc ấy. Đã thấy có người làm sách văn pháp cho tiếng ta rồi – như ông Lê Thước ; nhưng một người không đủ. Văn pháp nước nào cũng vậy, chẳng phải do một người mà thành được, phải nhờ ở đông người mỗi người cống hiến một ít.
Những bài tôi sẽ viết trong mục Phép làm văn đây, chính là tôi muốn đem cống hiến một ít của tôi. Những bài ấy sẽ nói về sự quan hệ của văn với văn pháp, hoặc với luận lý học, hoặc với tu từ học, cốt để tìm ra những cái nguyên tắc đã nói trên kia vậy.
Theo lẽ, đã gọi là “Phép làm văn”, thì những bài trong mục ấy từ đầu đến cuối phải có thống hệ, có trật tự, cho kẻ đọc có thể cứ theo đó mà lấy làm chuẩn đích cho sự làm văn được mới phải. Song sự đó tôi nhận là rất khó, hiện ngày nay chưa có thể làm được, mà đành phải thấy đâu viết đó, cốt là không trật ra ngoài cái phạm vi ba thứ sách đã nói đó mà thôi.
Vậy nên, xin độc giả coi những bài của tôi sẽ viết đây như là bổn cảo, cốt ghi lấy những điều quan hệ về phép làm văn, và nêu ra làm vấn đề cho mọi người chú ý đến mà nghiên cứu, chớ không phải là dám đem mà dạy ai đâu.
Tuy vậy, tôi cũng trông mong rằng những điều tôi sẽ cử ra đây nếu được công nhận là những nguyên tắc của tiếng và văn nước ta, thì chắc cũng sẽ có bổ ích cho sự làm văn đương thời ít nhiều, và những sách văn pháp, tu từ của ta sau nầy cũng sẽ lượm lặt ở đây được một mớ tài liệu, ấy là chỗ nguyện vọng riêng của tôi, song đâu đã dám chắc.
Những bài nầy mỗi bài sẽ đánh số là thứ nhứt, thứ nhì v.v…. nhưng làm như vậy để cho tiện sự về sau nhắc lại, chớ không phải là có trật tự liên quán với nhau. Tiếp theo đây, bài thứ nhứt sẽ nói về cách đặt các quán từ (articles).
BÀI THỨ I - Cách đặt các quán từ
[sửa]Quán từ tức trong tiếng Pháp kêu bằng article, là những chữ dùng đặt trên danh từ (nom). Chữ “quán” nghĩa là “trùm” ; quán từ là chữ trùm trên danh từ vậy.
Bất kỳ một thứ ngôn ngữ văn tự nào, cách tổ chức và kết cấu của nó cũng đều có luật tự nhiên cả. Kêu bằng “luật tự nhiên”, vì chẳng có ai đặt ra luật ấy hết, mà chính nó còn có một cách vô hình ở trong thứ ngôn ngữ văn tự ấy.
Trong ngôn ngữ văn tự vẫn có luật, vậy thì ai đã biết thứ ngôn ngữ văn tự nào rồi, lẽ cũng biết luôn luật nữa mới phải. Nhưng vì người ta đối với cái gì đã quen quá rồi, ít hay chú ý đến, nên hoặc có người không biết mà trái luật, cho đến hoặc có người nói và viết ra trúng luật luôn luôn mà cũng không tự biết. Chúng ta đọc trong một bổn tuồng của ông Molière, thấy nói có lão Jourdain, nhờ có người bảo cho, lão mới tỉnh ngộ ra rằng mình đã làm văn xuôi luôn hơn bốn mươi năm, thì chúng ta phải tức cười nôn ruột ; song có ngờ đâu rằng chính chúng ta đây cũng có khi dật dờ như lão ! Ấy là chỉ tại ta không chú ý.
Kêu bằng sách văn pháp, chẳng phải có ông thánh nào đặt ra được sách ấy đâu, chỉ là do những người hay chú ý tìm ra được những luật tự nhiên của một thứ ngôn ngữ văn tự mà thôi. Luật tự nhiên ấy cũng gọi là những nguyên tắc. Những nguyên tắc ấy khi được công nhận rồi, thành ra sách văn pháp, dùng làm kẻ nhắc chừng cho lão Jourdain tỉnh ngộ, chớ chẳng có gì thần bí hết.
Bài nầy tôi nói về cách đặt các quán từ mà tôi lại kể lể ra xa xuôi như vậy là cốt muốn cống hiến cho độc giả một điều rất quan hệ trong sự học, ấy tức là hai chữ “chú ý”.
Người mình hay có cái tánh cẩu thả, gặp cái gì lạ, cũng bỏ qua đi, không hề chú ý ; như vậy, chẳng phải là học. Có chú ý thì mới có quan sát, có quan sát thì mới có sở đắc, ấy tức là học đó. Bằng như gặp sự gì cũng không chú ý thì đã bỏ mất cái bước đầu của sự học rồi.
Đây tôi đem trình bày những cái nguyên tắc về cách đặt các quán từ trong tiếng Việt Nam, ấy là tôi đem cống hiến cho độc giả những cái sở đắc của tôi trong sự nghiên cứu ấy. Nhưng tôi lại muốn cống hiến luôn cả cái lịch trình nghiên cứu của tôi nữa, – như vậy tôi tưởng lại còn có ích hơn – nên tôi mới lấy làm hệ trọng mà nói đến hai chữ “chú ý”.
Tôi học viết văn quốc ngữ từ hai mươi năm về trước. Khi bắt đầu, tôi đương còn ngớ nghết, một điều tôi rất lấy làm lạ, là sao trong khi nói thì thấy mình nói gì cũng xuôi, mà trong khi viết thì thấy viết gì cũng khó. Trong những cái khó, có một cái là nhiều chữ giống nhau, muốn dùng chữ nào cũng được hết, thì mình nên dùng chữ nào ?
Sau tôi mới biết ra rằng những chữ mình nói là giống nhau ấy, thật không phải giống nhau như hệt đâu. Hễ chữ đã khác thì nghĩa cũng phải khác, có điều chỉ khác một ít, tức như tiếng Pháp kêu bằng “nuance”. Có người Pháp nói rằng trong tiếng Pháp chẳng có chữ nào là dị âm đồng nghĩa. Thật thế, trong tiếng Việt Nam ta cũng thế.
Hồi đầu tôi chú ý nhứt là hai chữ trong quán từ của ta: chữ những với chữ các. Mỗi khi tôi viết cái gì, tôi cứ tự hỏi hoài câu nầy : chỗ nầy nên dùng chữ các ư ? nên dùng chữ những ư ? Đã lâu lắm mà tôi chẳng tìm ra được câu trả lời nào cho dứt khoát, đúng đắn.
Vào khoảng năm 1920, tôi ở Hà Nội, khi nói chuyện với một nhà làm văn, tôi đem hai chữ ấy mà hỏi ông ta. Tôi hỏi : “Chữ những với chữ các giống nhau hay là khác nhau ? Nếu khác nhau thì khác ở chỗ nào ? Làm văn, khi nào nên dùng chữ những ? Khi nào nên dùng chữ các ?”
Ông ấy trả lời : “Đại để hai chữ cũng giống nhau, khi nào nói các nghe xuôi thì nói các, khi nào nói những nghe xuôi thì nói những”.
Số là ông nầy mới vừa diễn thuyết ở hội quán kia. Bấy giờ như là có trời mở trí cho, tôi hỏi tiếp ông ta một câu rằng : “Sao bữa trước, khi ông diễn thuyết, ông nói : Thưa các ngài” mà không nói “Thưa những ngài”?
Ông ta đáp : Ấy, tôi đã nói : Khi nào nói các nghe xuôi thì nói các. Nói “Thưa các ngài”, nghe xuôi hơn, thì nói “Thưa các ngài” chớ sao ?
Tuy ông nói vậy chớ hình như câu hỏi của tôi cũng đã đánh thức cho ông mạnh lắm. Đã đành rằng nói các nghe xuôi hơn ; song tại làm sao chỗ ấy nói các nghe xuôi hơn, mà còn nói những lại không xuôi ?
Kẻ học đời nay có một cái bí quyết để tìm thấy chơn lý, ấy là bất kỳ gặp sự gì cũng phải hỏi : Tại làm sao ? Nếu cứ hễ nghe các xuôi viết các, nghe những xuôi viết những, thôi thì chẳng còn có thứ ngôn ngữ văn tự nào đặt ra văn pháp làm chi nữa !
Nhờ sự bàn luận tình cờ và nhứt là nhờ ở câu hỏi cuối cùng của tôi đó mà tôi nghiên cứu lần lần, tìm ra được những nguyên tắc của cách đặt quán từ. Những nguyên tắc ấy, tìm được rồi, khi tôi viết văn, chỗ nào nên dùng chữ các, chỗ nào nên dùng chữ những, tôi thấy là nhứt định, không còn lộn xộn như trước nữa.
Tôi làm sự nghiên cứu ấy theo phương pháp quy nạp. Bắt đầu hết, nhơn hai cái danh từ “các ngài” và “những ngài” đó, tôi hiểu rằng hễ khi nào có một số nhiều nhứt định (déterminé) ở trước mặt mình, như một bọn thính giả ở trước mặt người diễn thuyết, thì phải dùng chữ các, không được dùng chữ những. Rồi tôi lập ra một cái giả thuyết như vầy : Chữ các, dùng để trên một danh từ nào số nhiều mà nhứt định, hoặc đếm được, hoặc không đếm được nhưng thấy được hay là trong ý mình chỉ ra được. Còn chữ những, dùng để trên danh từ nào số nhiều mà không nhứt định, không đếm được, không thấy được, không chỉ ra được.
Lập xong cái giả thuyết ấy, tôi bèn chú ý đến trong khi đọc các sách quốc ngữ đúng đắn, coi thử những chỗ dùng chữ các và chữ những có hiệp với cái giả thuyết ấy chăng. Tôi thấy hiệp lắm ; duy có tác giả nào không hiểu luật tự nhiên, không nhận thấy sự “nghe xuôi” mà nhà làm văn nọ nói trên đó, thì mới dùng sai mà thôi. Tôi thấy trong một cuốn sách kia có chỗ dùng cả chữ những và chữ các trên một danh từ (như nói những các người v.v.), thì tôi cho là vô nghĩa quá.
Trong những sách quốc ngữ xưa, có Truyện Kiều là đúng đắn hơn hết, tôi lấy trong đó mấy cái lệ ra để làm chứng cho cái giả thuyết của tôi :
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Những điều đó tuy nói trông thấy mà không nhứt định là những điều nào, không đếm được, không chỉ ra cho hết được, cho nên dùng chữ những.
Kiều rằng : “Những đấng tài hoa,
Thác là thể phách, còn là tinh anh.
Chữ những đấng đó cũng vậy, không nhứt định là những đấng nào, không đếm được và không chỉ rõ ra được.
Trong Truyện Kiều, khi nào dùng chữ những, cũng có ý như vậy hết ; mà trái lại, khi nào dùng chữ các thì chỉ về số nhiều nhứt định :
Kíp truyền chư tướng hiến phù,
Lại đem các tích phạm đồ hậu tra.
Bọn phạm đồ ấy có số nhứt định, tức là bao nhiêu người mà Từ Hải đã sai đi bắt về, cho nên dùng chữ các để chỉ hẳn ra.
Tú Bà với Mã Giám Sanh,
Các tên tội ấy đáng tình còn sao ?
Trên câu ấy lại còn câu : “Trước là Bạc Hạnh Bạc Bà, bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh”. Vậy thì tóm lại bảy cái tên người ấy là số đếm được, thấy được, nên cũng dùng chữ các.
Nhơn khi do Truyện Kiều mà nghiên cứu chữ các và chữ những đó, thấy nhiều chỗ lại có chữ mấy, tôi cũng chú ý luôn. Đây cử ra hai câu :
Mấy người bạc ác tinh ma,
Mình làm mình chịu kêu mà ai thương ?
Mấy người hiếu nghĩa xưa nay.
Trời làm chi đến lâu ngày càng thương !
Tôi bèn tự hỏi : Sao trong hai câu nầy ông Nguyễn Du không đặt chữ những hay là chữ các mà lại đặt chữ mấy? Lấy nhiều câu có chữ mấy khác nữa làm chứng cho nhau, tôi mới hiểu rằng khi dùng chữ mấy như vậy là có ý chỉ một phần trong số nhiều, cũng tựa như chữ des (mot partitif) trong tiếng Pháp.
Thật vậy, như hai câu trên đây mà chữ mấy cắt theo nghĩa đó thì mới hiệp với phép luận lý. Bởi vì chẳng phải hết thảy người bạc ác tinh ma đều bị ác báo, mà trong đám đó cũng có kẻ lọt khỏi lưới trời ; chẳng phải hết thảy người hiếu nghĩa đều bị trời hành, mà trong đám đó cũng có kẻ cả đời hưởng được hạnh phước. Người làm văn nên xét đến cái lẽ ấy mà dùng chữ mấy để tỏ ra mình nói có dè dặt (parler avec réservé). Nếu hai câu trên đây mà không dùng chữ mấy, trở dùng chữ những, chữ các hoặc chữ mọi, thì sai với luận lý học nữa.
Đó mới nói về số nhiều của quán từ. Nhơn đã nghiên cứu được ba chữ về số nhiều ấy, tôi cũng nghiên cứu luôn về số một nữa. Rốt lại tôi phác họa ra cái biểu về quán từ và giải thích cách đặt như sau nầy :
Quán từ | Về cách chỉ nghĩa | số một | Xác chỉ: | Cái |
Phiếm chỉ: | Một | |||
số nhiều | Xác chỉ: | Các | ||
Phiếm chỉ: | Những | |||
Về cách cử loại | số một | Đơn cử: | Mỗi | |
số nhiều | Toàn cử: | Mọi | ||
Thiên cử: | Mỗi |
Độc giả xem cái biểu in bên đây, thấy quán từ chia ra hai hạng : một hạng dùng về cách chỉ nghĩa ; một hạng dùng về cách cử loại.
Quán từ chỉ nghĩa dùng đặt trên danh từ, để tỏ ra danh từ ấy là xác định hay không xác định, thuộc về bên phẩm (qualité) của danh từ. Còn quán từ cử loại dùng đặt trên danh từ để tỏ ra bao gồm nó nhiều hay ít, thuộc về bên lượng (quantité) của danh từ.
Mỗi một hạng lại chia ra số một và số nhiều. Về cách chỉ nghĩa thì số nào cũng vậy, hễ quán từ nào chỉ ra một danh từ là xác định thì kêu là xác chỉ ; còn không xác định thì kêu là phiếm chỉ.
Về cách cử loại thì bên số một chỉ có một cách đơn cử mà thôi ; bên số nhiều cũng chia làm hai : bao gồm hết cái lượng của danh từ thì kêu là toàn cử ; một phần mà thôi thì kêu là thiên cử.
Như vậy, khi nào dùng một danh từ mà có ý xác định, nghĩa là mình muốn chỉ rõ ra : nó ở đâu, thấy khi nào, của ai… thì trên danh từ ấy phải đặt chữ cái. Như : cái đồng hồ ở trên chợ Bến Thành; cái người tôi gặp hôm qua; cái tư tưởng của Tôn Văn… (trừ ra trên danh từ về động vật thì đặt chữ con).
Vậy chữ cái là quán từ chỉ nghĩa, số một, dùng để xác chỉ.
Còn khi nào dùng một danh từ mà có ý không xác định, nghĩa là không chỉ rõ nó ở đâu, khi nào, của ai… thì trên danh từ ấy phải đặt chữ một. Như một ngày kia, một người nhà quê nọ… (Phải hiểu rằng chữ một nầy không phải thuộc về số mục, song chẳng qua là để chỉ nghĩa không xác định. Nói một người, một ngày, thế là có ý nói một người một ngày nào đó cũng được, không nhứt định người nào ngày nào).
Vậy chữ một là quán từ chỉ nghĩa, số một, dùng để phiếm chỉ.
Về số nhiều của quán từ chỉ nghĩa là chữ các chữ những, đã cắt nghĩa rất rõ trên kia rồi, đây chỉ nói tóm tắt rằng :
Chữ các là quán từ chỉ nghĩa, số nhiều, dùng để xác chỉ.
Chữ những là quán từ chỉ nghĩa, số nhiều, dùng để phiếm chỉ.
Trên đó đã giải thích xong các quán từ chỉ nghĩa ; đây sấp xuống giải thích các quán từ cử loại.
Khi nào cử ra một đơn vị (unité) thì dùng chữ mỗi, như nói : mỗi người, mỗi nhà…
Cũng có khi chữ mỗi đặt trên một số nhiều được, như nói : chia ba cái bánh cho chín người, mỗi ba người được một cái bánh. Nhưng trong khi ấy thì ba người cũng đã hiệp lại thành ra một đơn vị.
Vậy chữ mỗi là quán từ cử loại, số một, dùng để đơn cử.
Khi nào cử ra một danh từ mà ý mình muốn nói bao gồm hết cả cái lượng của danh từ ấy thì dùng chữ mọi. Như mọi người, ấy là gồm hết cả người trong loài người ; mọi sự vật, ấy là gồm hết cả sự vật trên thế giới. Như vậy là toàn cử. (Có khi trên hoặc dưới danh từ có chữ gì ngăn ra, làm cho cái phạm vi hẹp lại thì chữ mọi cũng theo mà hẹp lại. Như nói : mọi người trong nhà ấy, thì chỉ là kể nội bao nhiêu người trong nhà đó mà thôi, song cũng là toàn cử, vì không bỏ sót người nào trong nhà ấy hết).
Vậy chữ mọi là quán từ cử loại, số nhiều, dùng để toàn cử.
Chữ mấy, đã giải rõ trên kia rồi, đây nói tóm lại rằng : Chữ mấy là quán từ cử loại, số nhiều, dùng để thiên cử. (Thiên đối với toàn : toàn nghĩa là hết cả ; thiên chỉ là một phần).
Theo ý tôi, theo cái kết quả sự nghiên cứu của tôi, cái nguyên tắc của các quán từ trong tiếng ta là như vậy. Nếu nói là phải thì mấy câu dưới nầy là trái.
Mới rồi trong tờ báo kia tiêu đề rằng : “Một cái nạn xe hơi rất ghê gớm xảy ra ở Chớ Lớn chiều hôm qua”. Cái nạn xe hơi ấy đã chỉ rõ ra chỗ và thì giờ xảy ra rồi, thì sao còn dùng chữ một làm chi ? còn nếu dùng chữ một thì phải bỏ từ chữ xảy ra trở xuống.
Sắp con nít bán báo, đón những người làm việc ở trong một sở kia đi ra mà nói rằng : “Phụ nữ Tân văn, mấy thầy!” Thế là sai, phải nói các thầy mới đúng. (Tôi vẫn biết ở đây người ta kiêng chữ các thầy, vì nói lái lại, là cầy thác !)
BÀI THỨ II - Cách đặt đợi danh từ
[sửa]Đợi (hay là đại) danh từ (pronom) dùng để thay cho danh từ (nom). Trong ngôn ngữ văn tự nào cũng vậy, nếu chuyên dùng danh từ mà lặp đi lặp lại hoài là bất tiện, cho nên cần phải có đợi danh từ. Mà cho tiện hơn nữa, thì đợi danh từ phải được nhứt trí, phổ thông, nghĩa là như tiếng Pháp, ba ngôi bên số một là je, tu, il; bên số nhiều là nous, vous, ils, ai dùng mà xưng mình, xưng người đều được cả, không có những cách đặc biệt khác.
Chữ Tàu mà theo văn ngôn thì đợi danh từ cũng lôi thôi lắm. Không phải ai ai cũng tự xưng là ngã được hết, mà phải theo từng địa vị của mình ; xưng người cũng vậy, phải tùy từng bậc, nếu theo đời thượng cổ mà kêu ai cũng nhữ cả là vô phép. Nhưng ngày nay người Tàu thông hành lối văn bạch thoại, thì đợi danh từ đã được nhứt trí và phổ thông, cũng tiện như tiếng Pháp : ba ngôi bên số một là ngã, nể, tha ; còn bên số nhiều là ngã môn, nể môn, tha môn. Chỉ một sự nầy, ta đủ nhìn thấy sự tấn hóa của ngôn ngữ văn tự Trung Hoa.
Tiếng Việt Nam ta thì còn đương vào thời đợi lôi thôi như văn ngôn của Tàu. Nhứt là ngôi thứ hai, thứ ba, cả bên số một và số nhiều cũng vậy, tùy người mà kêu, đáng ông thì ông, đáng bà thì bà, đáng anh thì anh..., lại còn những ông ấy hoặc ổng, bà ấy hoặc bả, anh ấy hoặc ảnh, thật là rắc rối đủ thứ. Theo cách ấy, trong khi nói, chẳng đến nỗi trở ngại gì ; nhưng trong khi viết, thật là bất tiện trăm đường.
Tiếng ta như vậy, ta quen, không lấy gì làm lạ, song người ngoại quốc họ phải lấy làm lạ lắm. Có người đã nói với tôi rằng tiếng An Nam không có đợi danh từ. Nói thế cũng không phải là quá đáng. Chẳng phải ta không có trơn, nhưng có mà những đợi danh từ ấy không thông dụng được thì cũng như không.
Lược kể đợi danh từ của tiếng ta, ba ngôi bên số một là ta, mầy, nó ; bên số nhiều là chúng ta, chúng mầy, chúng nó. Chỉ có những chữ như vậy mới kể được là đợi danh từ ; còn những chữ ông, bà, anh, chị… đều là danh từ mà mượn làm đợi danh từ đó thôi. Thế nhưng ngoài chữ ta còn có chữ tao, chữ tôi, phải tùy lúc mà dùng ; ngoài chữ chúng mầy còn có chữ bay, ngoài chữ chúng nó còn có chữ họ, song không thông dụng được, vì chẳng có thể đem mà xưng hết thảy các hạng người.
Có lẽ đời xưa người nước ta kêu nhau bằng mầy tao hết ; cũng như đời xưa bên Tàu kêu nhau bằng nhỉ, nhữ ; nhưng từ khi trong xã hội sanh ra giai cấp, bày ra lễ giáo, mới mượn những danh từ mà xưng hô nhau cho phân biệt như ngày nay. Nếu quả vậy, té ra xã hội càng văn minh thì tiếng nói lại càng lộn xộn hay sao !
Đây nhẫn lên, tôi nói để cho thấy một chỗ khuyết điểm trong tiếng ta, cái chỗ không được tiện lợi bằng tiếng Pháp tiếng Tàu, có ý mong về sau chúng ta sẽ lập ra một mối đợi danh từ cho nhứt trí và phổ thông, thì trong khi làm văn mới được tiện lợi. Nhưng hiện nay ta ở dưới cái nền nếp cũ, ta hẵng nói chuyện trong nền nếp cũ.
Tôi có thấy một vài điều trong sự đặt đợi danh từ mà tôi tưởng là nên nói, tôi kể ra sau đây.
1. Tự xưng là ta và mình. – Có người đã viết sách mà tự xưng là ta, không xưng tôi, lấy cớ rằng tôi là tiếng tự xưng của nô lệ. Như vậy thật là một sự cải cách mạnh bạo, ai có ý kiến rộng rãi một chút thì không đến nỗi phản đối. Song phần nhiều chắc không biểu đồng tình, vì theo thói quen xưa nay, duy có người nào tự coi mình là vai lớn mới tự xưng bằng ta.
Người thường cũng có khi tự xưng ta được, là khi mình xưng với mình ; khi như vậy thì lại phải xưng bằng ta, mới đúng. Những câu trong Truyện Kiều như :
Tới đây đường sá xa xuôi,
Mà ta bất động, nữa người sanh nghi.
Thân ta ta phải lo âu,
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn nầy.
Giá chữ ta trong hai câu ấy mà đổi làm chữ tôi thì lại không được, vì khi có đối với ai mà nói thì mới xưng tôi.
Chữ mình cũng có khi dùng làm chủ ngữ (sujet) như chữ ta hay tôi, song phải có điều kiện mới được, không phải tùy ý muốn dùng lúc nào thì dùng.
Một là khi trong câu văn có ý bông đùa, hoặc để tỏ ra ý khinh đời mà chơi, tức là cái lối văn ngoạn thế bất cung của phái hoạt kê (diễu) đời xưa, khi ấy dùng chữ mình được. Mà dùng chữ mình vào đó lại càng nẩy ra cái ý bất cung, làm cho lời văn hoạt động thêm hơn.
Hai là khi xưng mình đó chẳng những chỉ vào tác giả mà thôi, dầu người nào khác cũng có thể bao hàm vào đó được, thì nên dùng chữ mình. Vậy như nói : “Hôm qua ông Giáp nhơn có ông Ất, mời tôi ăn cơm. Nghĩ vì mình không quen với ông Giáp, ổng mời mình chỉ vì nhơn có ông Ất, chớ chưa chắc có thành tâm cho nên tôi từ chối”. Hai chữ mình đó, nói được ; là vì chẳng những tác giả nghĩ như vậy mà thôi, dầu người nào khác lâm cảnh ấy cũng phải nghĩ như vậy.
Đến như kể lại chuyện mình đã trải qua, như một quyển du ký nọ, khi ngoài hai cái điều kiện ấy mà tôi thấy tác giả cũng cứ xưng mình luôn, thì nghe ra không được trang trọng mà lại như tuồng lố lăng nữa. Đã hay rằng mình thuật chuyện mình, có quyền xưng mình, chẳng ai cấm. Song phải nhớ rằng trong chữ mình có cái ý bất cung, vậy thì khi đối với độc giả, mình không tỏ ý bất cung, sao lại dùng cái chữ bất cung ? Do lẽ đó cái câu ví dụ vừa rồi nếu đổi hai chữ tôi làm chữ mình hết, nói rằng : “Hôm qua, ông Giáp nhơn có ông Ất, mời mình ăn cơm. Nghĩ vì mình không quen với ông Giáp nên mình từ chối”, - thì thật là lố lăng không nghe được.
2. Chữ nó dùng xưng sự vật - Chữ nó, trước kia ta chỉ dùng xưng hạng người mà ta lấy làm khinh hèn, chớ không mấy khi dùng mà xưng sự vật. Vậy nên khi trong câu trên có danh từ chỉ về sự vật mà câu dưới muốn nhắc lại, thật là khó lòng quá. Như trên nói con bò, thì dưới phải nhắc lại là con bò ấy ; trên nói cái tư tưởng gì đó, thì dưới phải nhắc lại là cái tư tưởng ấy. Chữ mà lôi thôi như vậy thì văn không tài nào cho gọn cho hay được.
Gần nay có nhiều người dùng chữ nó mà chỉ về sự vật. Như mấy bài của ông Trần Trọng Kim đăng trong tập báo nầy cũng có dùng một vài lần ; còn tôi thì tôi dùng luôn. Dùng như vậy, ban đầu thấy hơi lạ một chút, nhưng về sau quen đi, tiện lợn lắm. Tôi muốn, về ngôi thứ ba số một nên dùng chữ y chữ va chỉ về người, còn để riêng chữ nó chuyên chỉ về sự vật. Như vậy, về sự vật sẽ có một đợi danh từ nhất định ; và về người, dầu hạng người nào cũng khỏi bị kêu bằng tiếng nó, là tiếng nghe cộc cằn và có ý khinh bỉ quá. Trong sự tiện lợi lại có ngụ cái ý bình đẳng đôi chút.
3. Chúng ta và chúng tôi. - Giả như hết thảy người Pháp ở đây đối với hết thảy người An Nam mình mà tự xưng, thì theo tiếng Pháp, họ phải nói là nous ; nhưng đến khi họ muốn gồm chung người An Nam vào với họ nữa thì cũng lại nói là nous. Như vậy có hơi không được phân biệt một chút. Có lẽ tiếng ta hơn tiếng Pháp được chỗ ấy. Theo tiếng ta, gặp cái “ca” trước thì người Pháp phải xưng là chúng tôi, gặp cái “ca” sau mới xưng là chúng ta. Vậy mà thấy nhiều người dịch bài chữ Pháp ra, hễ cứ gặp chữ nous thì dịch là chúng ta hết. Thế là trái với nguyên tắc tiếng An Nam. Vì tiếng An Nam, khi một bọn người tự xưng, không đối với ai hết, thì xưng chúng ta ; còn khi có đối với một hoặc nhiều người khác mà tự xưng thì phải xưng chúng tôi.
Lại khi ngôi thứ nhất số một kẹp luôn ngôi thứ nhì mà tự xưng thì xưng là chúng ta. Như nói : Tôi (ngôi thứ nhứt) với ông (ngôi thứ nhì) chúng ta sẽ đi chơi. Còn khi ngôi thứ nhất kẹp luôn ngôi thứ ba mà xưng với ngôi khác thì phải xưng chúng tôi. Như nói : tôi (ngôi thứ nhứt) với ông X (ngôi thứ ba) chúng tôi sẽ đi chơi.
Sự phân biệt ấy là nhờ ở chữ tôi và chữ ta. Cho nên đối với cái ý kiến muốn bỏ chữ tôi đã nói trên kia, tôi thật không biểu đồng tình.
4. Chữ họ dùng ngôi thứ ba số nhiều. – Bên số nhiều, chữ bay dùng thay cho chúng mầy thì không được, nhưng chữ họ thay cho chúng nó thì có lẽ được. Bởi vì chữ họ có nghĩa bình thường, không ra ý khinh tiện. Khi tôi dịch Kinh thánh cho Hội Tin Lành, tôi dùng chữ họ để dịch chữ ils trong tiếng Pháp luôn luôn. Làm như vậy, tôi có ý bỏ chữ chúng nó là chữ nghe thô tục quá. Mà bất kỳ sang hay hèn, hễ một số nhiều người thì xưng là họ hết, có ý làm cho cái nghĩa bình đẳng ngụ trong ngôn ngữ văn tự nữa.
5. Với nhau và lẫn nhau. - Chữ nhau cũng là một đợi danh từ. Nhưng khi nói với nhau, khi nói lẫn nhau, là có nghĩa khác, vậy mà nhiều người không chú ý. Với nhau, chỉ nghĩa quan hệ giữa hai người hoặc nhiều người ; còn lẫn nhau cũng chỉ nghĩa quan hệ giữa hai người hoặc nhiều người, mà lại chỉ rõ rằng tên Giáp quan hệ với tên Ất, rồi tên Ất lại quan hệ với tên Giáp (Chữ lẫn nhau giống như chữ réciproquement tiếng Pháp).
Vậy như nói : Hai người nói chuyện với nhau, thế là chỉ nghĩa một người nói, còn người kia nghe cũng được. Còn như nói : Hai người giúp đỡ lẫn nhau, thế là chỉ rõ ra rằng người nầy giúp đỡ người kia, người kia lại giúp đỡ người nầy.
BÀI THỨ III - Cách đặt động từ
[sửa]Động từ (verbe) của tiếng ta, theo tự nhiên, không có chia ra cách (mode) và thì (temps), ấy là một sự giản tiện dễ chịu lắm. Tuy vậy, ngôn ngữ là biểu hiệu của tư tưởng, trong tư tưởng đã có phân biệt sự hành động ra nhiều cách và không phải đồng một lúc, thì nói ra nơi miệng, cái ngữ khí cũng phải nhơn đó mà thay đổi. Sự phân biệt và thay đổi ấy, tiếng Pháp thì ở tại cách và thì của động từ ; còn tiếng ta, động từ không có hai cái đó, cho nên phải nhờ trợ động từ (adverbe) mà phân biệt. Điều nầy quan hệ lắm, sẽ nói riêng ở bài về trợ động từ. Đây chỉ nói một vài điều nên biết về cách đặt động từ mà thôi.
1. Động từ kép. - Động từ có đơn và kép : Đơn là một tiếng ; kép là hai tiếng. Thường thường động từ kép là bởi đơn mà sanh ra. Như ăn sanh ra ăn tham, ăn gian, ăn lời, ăn cắp v.v…; đi sanh ra đi qua, đi lại, đi theo, đi đày, v.v...
Ấy là do sự nẩy nở của văn tự bằng một cách cực chẳng đã. Bởi vì những sự hành động nào có ý giống nhau, không hơi đâu đặt thêm tiếng mới, thì người ta lấy một tiếng cũ làm cốt, rồi thêm một tiếng khác nữa thành ra động từ kép, để chỉ nghĩa cho sự hành động ấy. Vậy những động từ ấy có nghĩa khác nhau là tại cái tiếng thêm vào, mà có ý giống nhau là tại cái tiếng làm cốt.
Lấy một chữ bắt làm thí dụ : Chữ bắt có nhiều nghĩa, nhưng đại ý của nó là cưỡng bách kẻ khác theo ý mình. Do đó mà sanh ra bắt bớ, bắt buộc. Bắt bớ (arrêter), bắt buộc (obliger) có nghĩa khác nhau, nhưng cũng đều có ý cưỡng bách kẻ khác theo ý mình cả.
Tôi nói đến chỗ gốc của động từ như vậy, cốt muốn người ta nhìn thấy chỗ đó, thì trong khi dùng động từ, sẽ phân minh cái nghĩa và cái ý của nó, mà không đến nỗi lầm lộn. Vì thấy nhiều người dùng chữ bắt buộc cũng như chữ bắt bớ, tôi biết rằng tại họ chưa hiểu đến gốc.
Khi nào mình dùng một động từ mà nhân quả nó là động từ kép thì thế nào cũng phải cho một cái ngang nối (trait d’union) giữa hai tiếng. Nếu không có ngang nối thì nhiều khi có thể lầm được là hai động từ[3]. Vả lại những động từ kép ấy tuy hai tiếng mà kỳ thiệt có một mà thôi. Thử dịch những động từ ấy ra tiếng Pháp thì biết. Như đi lại tức là fréquenter và repasser ; ăn cắp tức là voler.
2. Động từ kép có khi không liền nhau - Những động từ kép như là lấy làm, cho là, làm ra, có khi không liền nhau, là khi lọt một danh từ vào giữa động từ ấy. Như nói : Tôi lấy nghề vẽ làm thích lắm ; nó cho việc ấy là khó ; người nầy làm mình ra thông thái.
Gặp khi ấy, không được kể nội chữ lấy, chữ cho, chữ làm là động từ, mà phải kể luôn cả chữ lấy làm, chữ cho là, chữ làm ra là động từ kép. Bởi vì cũng có khi dùng được động từ ấy liền nhau như vầy : Tôi lấy làm thích lắm nên không biết chán ; nó cho là quan hệ nên phải nói với anh ; người nầy làm ra thông thái mà kỳ thiệt là dốt nát. Những khi nói như vậy, phải hiểu ngầm rằng trong mỗi một động từ đó có ẩn một danh từ hoặc đại danh từ. Như nói tôi lấy làm thích lắm, tức có ý là : tôi lấy sự gì đó làm thích lắm.
Tôi cắt nghĩa điều trên đây vì thấy nhiều người dùng những chữ ấy vào nhiều chỗ không đáng dùng, nhứt là chữ lấy làm. Nhiều khi đáng nói tôi vui mừng lắm, mà họ lại nói tôi lấy làm vui mừng lắm. Như vậy, tỏ ra rằng họ không nhận thấy chữ lấy làm là một động từ. Nói tôi lấy làm vui mừng, chỉ nghĩa là mình nghĩ trong ý mà thấy là đáng vui mừng ; còn nói tôi vui mừng, nghĩa là vui mừng tỏ ra sắc mặt.
3. Sự bớt chủ ngữ trên động từ. – Theo văn pháp thì một câu (phrase) có khi chỉ một mạng đề (proposition), mà cũng có khi gồm nhiều mạng đề. Mỗi một mạng đề có ba phần, là : chủ ngữ (sujet), động từ (verbe), và tân ngữ (attribut). Nhưng trong khi đặt câu mà cứ mỗi một mạng đề phải có một chủ ngữ, thì thành ra lặp đi lặp lại, nhiều quá, nên có nhiều mạng đề người ta bớt chủ ngữ đi.
Cái sự bớt chủ ngữ ấy quan hệ lắm ; nếu bớt không trúng phép thì hóa ra hỏng cả câu. Đại phàm câu nào có nhiều mạng đề thì trong đó phải có mạng đề chánh (proposition principale) và mạng đề phụ (proposition subordonnée). Muốn bớt chủ ngữ thì nên bớt trong mạng đề phụ, chớ trong mạng đề chánh thì không được bớt. Vả lại, có nhiều mạng đề phụ cần phải bớt chủ ngữ đi, bằng không thì cái ý trong câu tràn lan ra, không quy trọng lại cái chỗ đáng quy trọng. Cho nên, bớt chủ ngữ trong những mạng đề phụ, chẳng những vì tránh sự lặp đi lặp lại thôi đâu, mà cũng làm cho cái ý cốt của mình đọng lại và nẩy ra trong mạng đề chánh.
Ví dụ nói : Khi tôi đi ngang qua nhà ông ấy, tôi thấy ổng ở trong nhà đi ra ; hay là nói : tôi có vào nhà ông ấy mà tôi không thấy ổng ở nhà. Thế thì nên bớt đi một chữ tôi (chủ ngữ) trong mỗi câu mà nói rằng : Khi đi ngang qua nhà ông ấy, tôi thấy ổng ở trong nhà đi ra ; và nói : Tôi có vào nhà ông ấy mà không thấy ổng ở nhà.
Đó, trong câu thứ nhứt, cái mạng đề phụ ở trước mà cái chánh ở sau, cho nên phải bớt chữ tôi trong mạng đề trước ; còn trong câu thứ nhì, cái mạng đề chánh ở trước mà cái phụ ở sau, cho nên phải bớt chữ tôi trong mạng đề sau. Nếu trái lại, bớt chữ tôi sau trong câu thứ nhất và chữ tôi trước trong câu thứ nhì, thì cả hai đều hỏng.
Bởi vì, câu thứ nhứt, mạng đề sau là mạng đề chánh, ý mình muốn tỏ ra sự có gặp ông ấy, ý ấy là ý cốt ; còn cái mạng đề trước chẳng qua là đới thuyết, để tỏ thêm cho biết gặp lúc nào chỗ nào mà thôi. Nếu để cả hai cái chủ ngữ trong hai mạng đề thì thành ra hai cái công dụng (actions) bằng nhau, không có bên khinh bên trọng, không tài nào nẩy ra cái ý chánh được. Mà còn nhè bớt cái chủ ngữ trong mạng đề chánh, thì lại thành ra giảm mất cái công dụng của nó, trái với ý cốt của mình, hóa nên hỏng câu.
Hiểu câu thí dụ thứ nhất rồi, chắc hiểu câu thứ nhì. Trong câu nầy cốt phân chứng cho người ta biết mình có vào nhà ông ấy, ý ấy là ý cốt, mạng đề ấy là mạng đề chánh, nên không thể bớt chủ ngữ của nó được.
Cách bớt chủ ngữ nầy là hay lắm, đã làm cho gọn câu, lại làm cho rõ ý nữa. Trong khi viết, mình nên có ý nhắm chỗ nào đáng dùng cách ấy thì dùng. Chỗ nào đáng dùng cách ấy mà không dùng, thật là uổng.
Theo như tiếng Pháp, thì cách đặt nầy tức là về “mode participe” gồm cả “temps présent ou passé”. Tôi thấy hình như trong ngôn ngữ ta từ xưa không quen lối nói như vậy. Hễ kể chuyện thì kể từ đầu đến cuối suôn đuồn đuột, cho nên câu văn cứ phẳng lì mà ít có biến hóa, nhiều khi lại không nẩy được ý nữa. Ví như nói : Tôi đương đi giữa đường, tôi gặp lính hỏi giấy thuế ; hay là : Tôi ăn cơm rồi, tôi sẽ đi chơi. Ấy là kiểu nói của ta đó. Tôi tưởng cái lối nói ấy vụng về lắm, ta nên bỏ đi ; gặp khi như vậy, nên bắt chước lối nói của tiếng Pháp : câu trên dùng participe présent, nói : Đương đi giữa đường, tôi gặp lính hỏi giấy thuế ; câu dưới dùng participe passé, nói : Sau khi ăn cơm, tôi sẽ đi chơi.
4. Bị động từ có hai thế đặt. - Bị động từ (verbe passif) trong tiếng ta có hai thế đặt, tùy ở điều xảy tới có vừa lòng hay không vừa lòng cho kẻ nhận lấy. Vừa lòng thì dùng chữ được ; không vừa lòng thì dùng chữ bị. Như nói : Tôi được khen ; thằng nhỏ nầy bị đánh. Được khen là sự vừa lòng ; bị đánh là sự không vừa lòng.
Sự nầy hình như cũng là một cái dấu đặc biệt của tiếng Việt Nam. Lạ lắm ! nếu vậy chẳng là đem tâm lý học mà lập ra luật bắt văn pháp phải nhận ? Mà thật vậy. Người ta nói được quan Thống đốc mời tới dinh ngài, chớ không hề nói bị mời bao giờ ; nói bị tòa án đòi, chớ không hề nói được đòi bao giờ. Như vậy, tỏ ra rằng trong tiếng Việt Nam cũng nhìn cho sự quan Thống đốc mời là sự danh dự, sự vừa lòng ; còn sự tòa án đòi là sự bất danh dự, sự không vừa lòng !
Trong văn có dùng bị động từ là sự ích lợi lắm. Vì nó đã làm cho thay đổi cách nói đi, lại gặp chỗ đáng kín ý thì nó cũng làm cho kín ý được nữa. Song lối nói của ta xưa nay cũng ít dùng bị động từ, mà hầu như cứ dùng tha động từ (verbe actif) luôn luôn. Ai không tin, hãy đem những bài bằng tiếng Pháp đã dịch ra tiếng ta mà soát lại, sẽ thấy những chỗ trong nguyên bổn dùng bị động từ thì dịch bổn đổi làm tha tha động từ. Ấy vì trong tiếng ta không quen dùng bị động từ, dịch giả lấy làm ngượng miệng mà đổi đi.
Ta nên bắt chước tiếng Pháp mà dùng bị động từ thì được tiện lợi nhiều bề. Như tiếng Pháp nói rằng : Bị áp chế, thợ nổi lên phản kháng ; ấy là gặp chỗ muốn kín ý, chỉ nói thợ bị áp chế mà thôi, chớ không nói ai áp chế. Song theo tiếng ta thì sẽ nói : Chủ áp chế thợ, thợ nổi lên phản kháng. Như vậy thì thành ra lời văn thật thà trống trải quá. Cái chỗ sở đoản của văn ta là tại chỉ dùng tha động từ mà không biết dùng bị động từ, ta nên biết mà cải lương đi.
BÀI THỨ IV – Dùng lời quả quyết và lời hồ nghi
[sửa]Ba bài trước tôi nói ròng những điều quan hệ với văn pháp. Sợ nói luôn về một mặt đó, làm cho độc giả phát chán đi, nên bài nầy nói về điều quan hệ với luận lý học, ví cũng như món ăn trở bữa.
Trong khi làm văn, có chỗ thì dùng lời quả quyết, có chỗ thì dùng lời hồ nghi, ấy là sự thường. Như nói : Sắt thuộc về loài kim ; người ta không phải là cầm thú ; ngày mai tôi đi Huế…ấy là lời quả quyết. Có khi nói như vậy, e còn chưa đủ cho người khác tin, lại dùng những cách khác cho quả quyết hơn nữa như nói : Sắt không thuộc về loài kim, thì thuộc về loài gì ? Người ta có phải là cầm thú đâu ? Ngày mai thế nào tôi cũng đi Huế. Còn khi muốn tỏ ý hồ nghi thì dùng những chữ : hoặc giả ; có lẽ ; chưa biết chừng v.v. . .
Truy nguyên ra, loài người mà có cách nói như vậy, là tại sự tri thức của mình chưa đến nơi. Người ta, dầu là một bậc thánh triết đi nữa, có điều biết chắc, cũng còn có điều chưa biết chắc. Hễ biết chắc thì nói cách quả quyết, biết chưa chắc thì nói cách hồ nghi, có vậy rồi những điều chưa biết chắc đó mới có ngày biết chắc. Khổng Tử nói rằng : “Hễ biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, ấy là biết vậy”. Ngài lại còn dạy người ta nghe cho nhiều mà phải để thiếu những chỗ nghi ngờ (đa văn khuyết nghi), tức là ý ấy.
Thuở nay tôi thấy có Jésus-Christ nói tinh một cách quả quyết mà thôi ; đố ai tìm ra được một lời nào của ngài mà đã dùng cách hồ nghi. Chẳng những dùng cách quả quyết tầm thường, mà mỗi một câu một lời của ngài, hình như ngài lại còn dùng đinh mà đóng, dùng dây mà cột cho càng thêm chắc nữa. Giảng dạy cho môn đồ, ngài hay dùng luôn câu mép nầy : “Quả thật, ta nói cùng ngươi” (En vérité, je vous le dis) ; có chỗ ngài còn lặp đi lặp lại, dùng đến hai lần “Quả thật”.
Jésus-Christ mà nói như vậy là phải, không ai có thể chiếu theo luật của luận lý học mà kiện ngài được. Bởi vì ngài đã chưng cái bằng cấp Con Đức Chúa Trời ra, chính mình Đức Chúa Trời toàn tri toàn năng, đã hóa thân ra ngài, ngài tức là ánh sáng, tức là chơn lý, thì thôi, còn hồ nghi gì nữa ? Trừ Jésus-Christ ra, hễ là người ta thì nói ra có lời quả quyết mà cũng có lời hồ nghi, vì người ta ai nấy đương còn đi tìm chơn lý mà tìm chưa ra, thì hồ nghi là lẽ tất nhiên.
Do đó mà luận lý học mới lập ra cái nguyên tắc dị đồng (les principes d’indentité et de différence). Cái nguyên tắc ấy gồm có ba luật, là luật tự đồng, luật mâu thuẫn, luật cự tam, mà tôi mới vừa giải rõ ra trong một bài đăng ở Phụ nữ tân văn số 75. Trong khi đọc bài nầy của tôi, xin độc giả chịu khó đem bài ấy - đầu đề của nó là Phản cái thuyết của ông Võ Xuân Lâm – ra mà nghiền ngẫm lại lần nữa. Trong bài ấy, tôi đã nói rằng : “Luật tự đồng làm nền cho mạng đề khẳng định (própositions affirmatives), hết thảy mạng đề khẳng định đều lập lên trên nó ; luật mâu thuẫn làm nền cho mạng đề phủ định (propositions négatives), hết thảy mạng đề phủ định đều lập lên trên nó ; luật cự tam làm nền cho mạng đề tuyển ngôn (propositions disjonctives)[4], hết thảy mạng đề tuyển ngôn đều lập lên trên nó”. Nay tôi lại nói thêm ở đây rằng : Hết thảy những mạng đề khẳng định và phủ định đứng trên luật tự đồng và luật mâu thuẫn đó là thuộc về cách nói quả quyết ; còn hết thảy những mạng đề tuyển ngôn đứng trên luật cự tam đó là thuộc về cách nói hồ nghi.
Theo luận lý học, khi nào đáng nói cách quả quyết mà lại dùng lời hồ nghi hay là đáng hồ nghi mà lại nói cách quả quyết, đều là không được cả. Bởi vì, điều gì mà sự đồng dị của nó đã phân minh rồi, thì mình chỉ có việc khẳng định hay phủ định mà thôi, khi ấy nên dùng lời quả quyết để tỏ ra sự tri thức của mình là chơn xác. Nhưng điều gì mình chưa rõ được sự đồng dị, chưa biết khẳng định phải hay phủ định phải, thì nên dùng lời hồ nghi để tỏ ra ý cẩn thận. Nhờ sự hồ nghi hay là sự cẩn thận đó, như mình làm dấu cho nhớ, mà rồi có ngày tìm ra sự đồng dị của nó mà khẳng định hay phủ định.
Đáng quả quyết mà lại hồ nghi hay đáng hồ nghi mà lại quả quyết, cái đó có phần ít bởi tri thức mà phần nhiều bởi tư tâm. Như : hút thuốc phiện lâu ngày thì phải ghiền, ấy là do sự kinh nghiệm từ trước đến nay, bao nhiêu người hút đều ghiền cả. Đó là theo luật tự đồng, sự hút và sự ghiền đồng nhứt với nhau, thế nào mình cũng phải khẳng định. Song nếu có kẻ nói rằng : “Hút chưa chắc ghiền” ; hay là nói : “Có lẽ hút mà không ghiền” ; - ấy là đáng quả quyết mà lại dùng lời hồ nghi. Hồ nghi như vậy, chẳng phải bởi người ấy không có cái kinh nghiệm về việc đó, nhưng bởi cái tư tâm của va muốn nói thế đặng tiện cho mình hút hay là cho kẻ khác cũng hút như mình. Lấy một cái thí dụ đó mà suy ra cái khác, sẽ thấy sự đáng hồ nghi mà quả quyết cũng sai lầm như nhau.
Ta nên chú ý nhứt là những lời như là hồ nghi, mà không phải hồ nghi ; khi viết một bài văn đứng đắn, không nên dùng những lời ấy. Trong chữ Hán, người ta kêu nó là lời thiểm thước (thiểm thước chi từ). Thiểm thước nghĩa là cái nháng sáng của chớp, lòe một cái rồi mất liền, như có mà cũng như không. Thầy kiện cãi lẽ ở tòa án cùng nhà báo bút chiến với nhau, hay dùng những lời ấy mà che khuất sự thiệt.
Ở đây tôi đem một lời của ông Trần Trọng Kim ra làm chứng. Làm như vậy vì có hai điều tiện : một là việc mới xảy ra ở trong tập báo nầy, dễ nhớ ; hai là nhơn thể tôi giải quyết được một điều biện nạn trong cuộc luận chiến vừa rồi ; điều ấy bữa sau tôi sẽ khỏi trả lời cho ông Trần.
Bài trả lời cho tôi lần thứ nhứt, trong số 60, ông Trần viết rằng : “Còn như nói rằng Khổng Tử chỉ nói thái cực chớ không nói đến vô cực, thì quả thật như vậy… Song biết đâu Khổng Tử đã đi học Lão Tử lại không nghĩ đến vô cực ?. . .”
Cho được bác lại đoạn ấy, bài của tôi ở số 64 có nói rằng : ... “Theo phương pháp khoa học, cái gì chắc hãy nói, không chắc thì thôi, tôi xin tiên sanh đừng dùng hai chữ biết đâu . . . “
Trong bài ở số 74, ông Trần dùng chữ biết đâu lần nữa, rồi lại nói rằng : “Tôi vừa mới viết chữ biết đâu, chắc là Phan tiên sanh đã lắc đầu rồi. Đó chẳng qua là tôi theo cái cách tư tưởng của tôi trong khi nghị luận. Hễ điều gì tôi biết chắc chắn thì tôi nói quả quyết, điều gì tôi biết chưa được rõ lắm, hay là không chắc, thì tôi dùng chữ biết đâu, để tỏ cái thái độ hồ nghi của tôi. Có lẽ, tôi với Phan tiên sanh khác nhau ở chỗ đó. Tiên sanh nói điều gì là nói quả quyết, mà tôi thì tùy có điều quả quyết, có điều không quả quyết được, cho nên phải hồ nghi ...”
Coi đó thấy ông Trần nhận cho chữ biết đâu là cách nói hồ nghi. Không phải. Biết đâu là lời giống như hồ nghi chớ không phải hồ nghi, chính nó là lời thiểm thước.
Có thể theo phương thức toán học mà đặt ra như vầy cho dễ cắt nghĩa :
Biết đâu không = Có.
Như vậy, biết đâu không tức là có. Nói biết đâu không chẳng khác nào nói có. Muốn nói có nhưng chẳng nói có, lại nói biết đâu không, vì lời nầy có hơi lơ lửng hàm hồ, cũng khẳng định mà không có ý chằm bẳm như chữ có, lợi cho khi mình muốn khẳng định điều gì một cách lơ lửng hàm hồ. Ông Trần lẽ nào lại không biết rằng “Khổng Tử sang nhà Châu hỏi lễ nơi Lão Tử” mà thôi ? Ông biết vậy mà ông lại muốn viện cái chứng ấy để bẻ lại tôi, nên ông đã đổi chữ hỏi lễ làm chữ học, rồi dùng chữ biết đâu tiếp theo để lập chứng thì cái chứng ấy chẳng những là mong manh mà lại là ngang trái nữa.
Tôi vẫn thừa nhận rằng trong lời nói loài người phải có cách hồ nghi. Nhưng về chỗ lập chứng như vậy thì bao giờ cũng phải dùng lời quả quyết mà không dùng lời hồ nghi được ; đó là một điều trong phương pháp khoa học, cho nên tôi nói rằng “theo phương pháp khoa học”. Thế mà ông Trần lại cho chữ biết đâu ông dùng đó để tỏ ý mình biết chưa chắc, rồi ông cho tôi là “nói điều gì cũng nói quả quyết”, thì thật là rất oan cho tôi. Xin độc giả soát lại những bài của tôi mà coi, tôi dùng lời hồ nghi luôn luôn ; duy tôi không hề lập chứng để phản đối ai mà lại dùng lời hồ nghi bao giờ.
Nay chúng ta muốn phân biệt những lời hồ nghi với lời thiểm thước, hầu cho khỏi phạm điều giả dối trong khi làm văn cùng khỏi bị lừa gạt trong khi xem văn thì trước hết phải hiểu mấy điều nầy.
Trong khi nói hay viết, có hai cái ngữ điệu là thẳng và không thẳng. Như nói : Tôi nghi ngờ ; ấy là thẳng. Còn nói : Tôi không thể không nghi ngờ ; hay là : Tôi lẽ nào chẳng nghi ngờ được ư ? ấy là không thẳng.
Tóm lại, cái ngữ điệu không thẳng gồm trong hai cách đặt : Một là hai chữ tiêu cực cũng thành ra tích cực. Như nói : Không thể không làm, tức là làm ; chẳng ai chẳng có, tức là ai cũng có ; không nơi nào không đi, tức là nơi nào cũng đi. Hai là một chữ tiêu cực với một nạn từ (terme interrogatif)[5] cũng thành ra tích cực. Như nói : Sao tôi không làm ? tức là tôi làm ; ai lại chẳng có ư ? tức là ai cũng có ; nơi nào là nơi chẳng đi ? tức là nơi nào cũng đi.
Đó, những cái ngữ điệu không thẳng ấy nhiều khi dễ thành ra lời thiểm thước lắm. Tức như chữ biết đâu không ông Trần dùng là thuộc vào hạng không thẳng thứ hai. Cho nên chữ biết đâu không là thuộc về ngữ điệu không thẳng, chớ không phải là lời hồ nghi như ông Trần đã nói.
Ta lại phải biết rằng theo tu từ học (rhétorique) thì những lời không thẳng ấy ta không thể không dùng được, vì nhờ nó làm cho câu văn có vẻ đẹp uyển chuyển khỏi cái bịnh thô hào. Song le, phải tùy chỗ mà dùng, nhứt là vào những chỗ lập chứng, thì thế nào cũng phải dùng ngữ điệu thẳng mới được. Có thì nói có, không thì nói không, ấy là đúng phép hơn.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Văn pháp (grammaire) : nay thường dùng từ “ngữ pháp”
- ▲ Tu từ học (rléterique) : nay thường thay bằng các từ “phong cách học”, “từ chương học”
- ▲ Cách dùng gạch nối để làm rõ từ kép (gồm hai tiếng trở lên) là quy tắc được tuân thủ trong viết và in sách báo ở Việt Nam cho đến những năm 1960 ; sau đó người ta bỏ dần dần và nay đã bỏ hẳn
- ▲ Propositions disjonctives (Pháp), disjunctive proposition (Anh) nay được hiểu là (các) mệnh đề tách biệt, mệnh đề ly tiếp
- ▲ Terme interrogatif : từ nghi vấn