Phản đối một cái ý kiến của báo "Tiếng dân"

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Phản đối một cái ý kiến của báo "Tiếng dân"  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 13 (12 Avril 1935), trang 1 và Tràng An, Huế, số 14 (16 Avril 1935), trang 1.

BIỂU ĐỒNG TÌNH VỚI VIỆC CHO NGƯỜI NGOẠI QUỐC ĐẾN LẬP NGHIỆP Ở ĐÀ LẠT

VÌ VIỆC ẤY ĐỐI VỚI NGƯỜI NAM CÓ LỢI MÀ KHÔNG CÓ HẠI

I

Theo điều ước 1884 – lại điều ước 1884! – các đất Trung Kỳ, trừ những chỗ đã làm nhượng địa ra, ngoài người Pháp, không được cho người nước nào đến lập nghiệp ở đó cả, cho nên thành phố Đà Lạt từ hồi mở ra đến giờ, người các nước đến ngụ đó thì được, chớ không có quyền mua đất làm nhà.

Đà Lạt có khí hậu tốt, hợp với người phương Tây, có nhiều tay cự thương các nước Tây thích ở đó lắm, mà vì điều ước làm ngăn trở nên họ cố vận động bấy lâu. Tháng sáu năm ngoái, hội đồng thành phố Đà Lạt đã có giấy xin chánh phủ Đông Pháp và Trung Kỳ châm chước thế nào cho người ngoại quốc cũng được lập gia cư ở Đà Lạt, lấy cớ rằng làm như thế sẽ có lợi cho thành phố.

Vừa rồi nhà vua ban ra một đạo sắc, có quan Toàn quyền chuẩn y, như là xóa khoản ấy trong điều ước riêng về Đà Lạt, y theo lời thỉnh cầu của hội đồng thành phố, nghĩa là từ nay, tại Đà Lạt, người ngoại quốc cũng được đến lập gia cư.

Việc đó, báo Tiếng dân số 782 ra ngày 6 Avril có một bài phản đối. Bởi ý kiến chẳng đồng, con mắt thấy chỗ lợi hại có khác, nên hôm nay bản báo có bài này phản đối Tiếng dân. Rủi cho bản báo, trong khi phản đối một bạn đồng nghiệp lại tình cờ đứng về một phía với chánh phủ, dễ sanh ra cái hiềm nghi là làm trạng sư hộ cho đức Bảo Đại và quan Toàn quyền. Song trước mặt độc giả các ngài, chúng tôi chẳng dám tỵ hiềm về chỗ ấy, chúng tôi chỉ cầu xin các ngài đọc trọn bài này sẽ thấy báo Tràng An vì ai mà phản đối báo Tiếng dân.   

Quyền thổ địa. – Chỗ Tiếng dân lấy làm điều trọng yếu là quyền thổ địa. Báo ấy cho rằng để người ngoại quốc được ở như thế là “hại đến quyền thổ địa của người Nam”.

Chúng tôi chẳng biết người Nam chúng ta mà còn có cái quyền thổ địa gì chứ! Quyền thổ địa trên điều ước hay trên lịch sử thì có phải là cái quyền hành dụng trong tay được đâu mà cũng chưng ra? Báo Tiếng dân quê gì đến nỗi chẳng biết rằng miếng đất của cha Xoài mà cha Mít đã đến chiếm lấy thì cha Mít ở hay cho ai ở cũng được cả, thực sự, cha Xoài chẳng còn chút quyền gì trên đó hết? Huống chi chỗ Đà Lạt là chỗ đất hoang từ triều Thành Thái về trước. Chúng ta muốn hãnh diện thì cũng có thể nói được rằng người An-nam vẫn biết chỗ đất ấy rồi, bởi cái “Khai sơn quốc nghị”[1] của ông Nguyễn Thông, có điều vì nhiều việc chưa mở mang được đó thôi. Muốn hãnh diện thì hết sức cũng chỉ nói được đến thế, chớ cái sự lại tìm thấy Đà Lạt (nhớ như từ ông đốc-tơ Yersin thì phải) và mở mang Đà Lạt như ngày nay là sự ta phải quy công cho người Pháp và chánh phủ Pháp. Thế thì trên đất Đà Lạt, nếu kể theo thực sự mà đừng đem những địa đồ hữu danh vô thiệt và những điều ước giấy lộn ra làm chứng, người Nam ta nào có cái quyền thổ địa gì ở đó đâu?

Báo Tiếng dân nói hay lắm, nói rằng “Theo những ý tưởng của người Nam thì quyền thổ địa ở xứ này, trừ người Pháp có quyền lập nghiệp ra, dầu Anh, Nhật, Mỹ có nhiều tiền mặc họ, người Nam không muốn bán cho họ một thẻo đất nào”.

Ồ hay, nếu người Nam còn có quyền thổ địa thì người Pháp sao lại có quyền lập nghiệp? Mà trong cái quyền thổ địa ấy đã nhận có người Pháp thì sự cho Anh, Nhật, Mỹ mua đất, người Nam sao lại không muốn được ư? Té ra báo Tiếng dân vẫn quê, vẫn ngớ nghết trong cái ca trên kia nói về cha Mít với cha Xoài!

Chúng tôi cho rằng người ở đất này chẳng còn nên đem quyền thổ địa ra mà nói, nói càng thêm hổ. Ông Huỳnh, tác giả bài báo Tiếng dân đó, có lẽ ông quên nghĩ, chứ người Nam ta quả còn quyền thổ địa thật, thì Ban-mê-thuột cũng là đất Trung Kỳ đó, ông liệu đặt chân trên đất ấy thử xem!

Sau sự hại về quyền thổ địa, Tiếng dân lo ba điều.

Thế lực ngoại quốc lan rộng trong nội địa. – Tiếng dân sợ rằng người ngoại quốc mua đất ở thành phố Đà Lạt được rồi lan rộng ra đến miền nào cũng được. Như thế, họ sẽ chiếm địa lợi ở xứ mình, làm thiệt hại cho người Pháp và người Nam.

Điều đó hoặc giả đáng lo chăng. Nhưng sự lập nghiệp đây chỉ hạn trong thành phố Đà Lạt chớ không bao hàm đến ngoài. Miễn là chánh phủ giữ giấy mực cho vững vàng, tự nhiên khỏi mắc phải cái hậu hoạn ấy.

Chiếm bao lãnh thổ. – Điều này cũng như điều trên vừa mới nói, hai điều kỳ thực có một; và chữ “chiếm bao lãnh thổ” là chữ của Tiếng dân phóng đại ra, chứ thứ mua đất cất nhà, có chi đáng gọi là lãnh thổ?

Phường ngại sự độc lập. – Tiếng dân lo xa lắm, lo đến sự ngoại quốc vào ở như thế sẽ có phường ngại cho sự độc lập của dân tộc Việt Nam sau này, lấy gương ở Phi-luật-tân vì có nhiều Nhật kiều sinh tụ làm ngăn trở việc độc lập nước ấy. Tiếng dân nói: “Người ngoại quốc đã xuất tiền mua đất xứ này, ngày sau có phương pháp gì mời họ ra được sao?”

Chúng tôi chẳng hề sợ như thế. Lo là lo mình không đủ sức độc lập, chứ khi đủ sức rồi, có trời mà làm trở ngại! Phi-luật-tân mà mắc míu lấy vấn đề Nhật kiều là chỉ tại Phi-luật-tân không đủ sức mà thôi. Đủ sức thì bất kỳ kiều dân nước nào ở đâu cũng sẽ phải vâng phục dưới pháp luật quốc tế, cứ để họ ở, việc gì đến phải mời họ ra?

Cứ như lý sự bài này, đủ thấy cho người ngoại quốc lập nghiệp ở Đà Lạt là không có hại rồi; bài sau chúng tôi sẽ nói đến sự có lợi.

PHAN KHÔI


II

Một quốc gia, dù có chủ quyền vững chãi, dung nạp những kiều dân bần khổ, chỉ đem lao lực đổi lấy kim tiền, thường thường là có hại nhiều hơn có lợi. Cũng một quốc gia ấy, dung nạp những kiều dân phong phú, đem kim tiền đi mua hạnh phúc, phần chắc là có lợi mà thôi.

Bởi lẽ trên cho nên nước Mỹ ngày trước có một lần đuổi Hoa công về nước, sau lại có lần eo sách[2] họ đủ điều trong khi nhập cảng. Bởi lẽ dưới cho nên bên Paris lúc nào cũng hoan nghinh người Huê Kỳ sang du lịch hay kiều cư.

Đó là một cái công lệ, tuy nó thuộc về kinh tế học, nhưng kể ra nó cũng thuộc về thường thức, chẳng khó gì lắm mà ta không hiểu thấu.

Đáng chú ý nhất là cái chủ quyền của quốc gia thế nào. Chủ quyền suy kém, yếu đuối như nước Tàu về đời Mãn Thanh, mà chứa chấp nhiều người ngoại quốc lập nghiệp trong nội địa, thật có lắm nỗi bất tiện về sau. Mấy năm nay chánh phủ Nam Kinh vận động bỏ quyền lãnh sự tài phán mà cho đến bây giờ còn chưa bỏ hết được, ấy cũng bởi sự hờ hẫng lúc ban đầu.

Chủ quyền nước ta, kể thực sự là thuộc về nước Pháp. Cái sức cầm chủ quyền của nước Pháp ở xứ này tưởng cũng mạnh như ở bên nước Pháp, đối với kiều dân nào cũng đủ quyền bó buộc họ vào pháp luật cả, thế thì nên dung nạp họ để thu lợi cho mình, miễn là đừng dung nạp hạng bần khổ mà thôi.

Người ngoại quốc mà đã muốn đến Đà Lạt mua đất cất nhà, tất là người buôn bán lớn, tư bản to, lại sang trọng phong lưu nữa, không phải hạng bần khổ rồi vậy. Vậy thì để họ đến lập nghiệp ở đất ta là có lợi cho ta hẳn. Lợi cho chánh phủ về những món thuế nhà thuế đất, không kể; kể cái lợi trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ thu về cho dân ta cũng không phải ít ỏi chi.

Kể ngay lúc họ cất cái nhà đã thấy nhân công và vật liệu của ta có chỗ dùng rồi. Từ thợ mộc, thợ nề, cu-li cho đến cây gỗ, vôi, gạch, họ có thể nào mang của xứ họ sang đây mà phải dùng của ta hết, thế là ta xẻ bớt được một ít tiền trong túi họ. Rồi khi thành cơ chỉ rồi, họ ở, bất luận lâu hay tạm, hễ ở là phải có dùng đến người của ta, đến vật liệu, lương thực của ta. Mỗi một nhà người ngoại quốc có thể thu nạp được ba, bốn người bản xứ, tức là bồi, bếp, vú em. Lúc bấy giờ chợ Đà Lạt cũng sẽ bán gà vịt, rau đậu chạy hơn trước nữa. Mà những người nuôi trồng và bán các thức ấy là ai? Thì cũng người An-nam mình chứ ai?

Chúng tôi nói thế, hẳn có người cười, cho chúng tôi có ý hèn, chỉ mong có người ngoại quốc đến đây để người mình làm đầy tớ. Song các ngài khi cười chúng tôi nên lấy mắt ngó ra thực sự: Người An-nam có ăn như các ngài là số ít, còn phần đông, làm đầy tớ mà có cái bỏ vô miệng là họ cũng đương cầu lấy mà làm. Bồi, bếp, vú em, hiện có nhiều kẻ muốn làm cái chức đó mà không có, chớ đừng tưởng bỡn!

Cái lợi đó còn là có chừng, kể được, chứ đến cái lợi dưới đây mới là vô chừng, không xiết kể.

Người Pháp là dân chinh phục, còn ta là dân bị chinh phục. Họ ở với ta, dù cho là tử tế đi nữa, cũng không khỏi coi ta như vai dưới, như người trong nhà, việc gì miễn xong thì thôi, không cần phải chu đáo. Một họ với ta thì như thế, nhưng khi có người ngoại quốc xen vào, cái hoàn cảnh sẽ trở nên khác đi, mà khác đi là có lợi cho ta vậy.

Cái ví dụ sắp đem ra đây, không khỏi các ngài cho là hèn nữa, song vì nó đúng sự thực quá, chúng tôi tiếc nếu bỏ nó đi. Khi các ngài ở thường với bọn người nhà của các ngài thì thế nào cũng được; nhưng khi có quý khách đến, trước mặt quý khách, các ngài phải cho họ mặc cái áo lành lặn một chút, lại cũng gượng dẹ mà không nỡ nói họ nặng lời. Có phải không, cái tâm lý các ngài đối với người nhà như thế, thì cái tâm lý người Pháp đối với ta cũng như thế.

Mà thật, hiện nay từ Nam chí Bắc, thành phố nào có người ngoại quốc ở đông thì chỗ đó ắt là sạch sẽ nghiêm trang hơn nơi khác, và cách ăn ở giữa người thành phố với nhau cũng công bình hơn.

Nếu Đà Lạt có người ngoài lập nghiệp, chúng tôi dám chắc sự văn minh ở đó cả tinh thần lẫn vật chất sẽ tấn tới hơn bây giờ. Mà cái văn minh tấn tới đó, có phải chỉ người ngoại quốc hưởng thôi đâu, chúng ta cũng được hưởng.

Xin kể một chuyện các ngài nghe, đủ biết sự dung nạp người ngoại quốc trong một thành phố nào cũng là có lợi cả. Theo ý chúng tôi, dù đến đất Huế đây mà chánh phủ muốn chứa người ngoại quốc lại càng hay, chớ đừng nói Đà Lạt nữa.

Vào khoảng năm 1923 hay 1924 gì đó, thành phố Hà Nội đã quyết định dựng một sở trường học tại miếng đất trống chỗ Hàng Da. Miếng đất ấy để trống như thế là lợi cho dân cư Hàng Da lắm, vì rủi khi có hỏa hoạn, người ta sẽ chạy ra mà dung thân ở đó. Cất trường học thì kín hết, rồi ngộ có việc gì không đường chạy. Nhưng việc mà quan Đốc lý đã quyết làm, còn ai dám cãi.

Miếng đất trống ấy  nằm ngay trước mặt nhà Hội Tin Lành. Hội này vận động về đến bên Mỹ mà phản kháng việc cất trường, nhất định không chịu; rồi thì thành phố phải bỏ sự quyết định ấy đi. Miếng đất trống chỗ Hàng Da còn đến bây giờ, chợ đông ở đó, đôi khi dựng rạp xiếc ở đó, và nếu khi nào xóm Hàng Da có cháy to, người ta sẽ chạy trốn ở đó; cái lợi ấy ta hưởng được, ta nên nhớ ơn Hội Tin Lành. 

Người ngoại quốc đã đến ở được đất Đà Lạt, chắc là người của nước mạnh lại giàu. Nhờ cái quốc tịch tôn nghiêm của họ mà họ hưởng những quyền lợi đáng hưởng trong thành phố, rồi ta hưởng ghé theo. Tuy có hơi hèn một chút, nhưng ta hưởng là hưởng cái quyền lợi, chứ nào có phải hưởng cái hèn!

Vì các mối lợi đã bày tỏ như trên đây, chúng tôi đành phản đối bạn đồng nghiệp Tiếng dân mà biểu đồng tình với việc chánh phủ đang làm. 

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Lưu ý: Phan Khôi đã từng đề cập đến bài “Khai sơn quốc nghị” của Nguyễn Thông trong bài Tây Kỳ giàu hơn Nam Kỳ, đăng báo Thần chung (S.G., số 99, ngày 18. 5. 1929, và số 100, ngày 21. 5. 1929). Xem: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng và Trung tâm VH&NN Đông Tây, Hà Nội, 2005, tr. 675-680.
  2. eo sách: yêu sách, đòi hỏi (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sdd.)