Phật giáo triết học/I-3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Çâkya Muni ra đời.

Trong thời đại triết học nổi lên, xã hội Ấn-độ chia ra bốn giai cấp. Bốn giai cấp ấy theo chức nghiệp mà phân biệt nhau. Một là giai cấp brahman, tức là giai cấp tăng lữ. Hai là giai cấp Ksatriya, tức là giai cấp vua chúa. Ba là giai cấp Vaiçya, tức là giai cấp nông dân. Bốn là giai cấp çûdra, tức là giai cấp của những kẻ không có giai cấp

Ở ngoài bốn giai cấp ấy còn có những hạng người paria, là hạng người không có quyền tôn giáo, chánh trị gì cả trong xã hội, mà người ta khinh thị là bọn « dơ bẩn », ai ai cũng xa lánh, không cho đụng chạm đến.

Trải qua mấy lần tranh đấu, phái brahman thắng giai cấp ksatriya, rồi mà chiếm địa vị cao trọng, được trong xã hội tôn sùng như thần thánh, Bấy giờ phái ấy mới chế ra bộ Pháp điển Manu, đặt quyền chánh trị và quyền tôn giáo hiệp làm một, còn về tôn giáo thì giữ lấy nền tảng triết học của phái vedanta.

Cốt là để bảo tồn cái chế độ chia ra bốn giai cấp, phái brahman dùng triết học mà cắt nghĩa vũ trụ, lại lấy thần thoại mà tô điểm thêm, làm thế nào cho xã hội phải tôn trọng giáo quyền của họ.

Dưới cái chế độ ấy, con người không còn sanh khí, không biết gì là hứng thú sống còn, mà chủ nghĩa chán đời một thời phong thạnh. Mê tín cũng bởi mà nảy ra. Kiếp sống nầy buồn thảm, thôi thời mong kiếp sau khoái lạc đền bù. Thuyết luân hồi mới được người ta đón rước tin theo.

Như thế, bề ngoài con người như thấy yên tịnh. Kỳ thật, bề trong, lòng người phiền muộn chẳng yên, mà bắt sanh ra hoài nghi: hoài nghi tôn giáo, hoài nghi đạo đức.

Mối hoài nghi ấy ngấm ngầm mầm mống ra chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa khoái lạc, cho đến khiến xã hội đâm vào chủ nghĩa khoái lạc về xác thịt một cách cực đoan.

Tình tệ xã hội như thế, làm cho có những nhà tôn giáo, hoặc nhà triết học, không nỡ lòng nào ngồi nhìn thời thế ngày một quấy, ngày một lạ lùng, bèn lánh mình ra ngoài vòng cương tỏa, đi sống cuộc đời tự do thanh tịnh.

Ứng với yêu cầu của thời thế, bấy giờ có Çâkya Muni ra đời.

Người họ là Gotama, tên là Siddhârtha, về sau gọi là Muni, nghĩa là người tịch mịch.

Siddhârtha ở về giai cấp ksatriya con của vua Çuddhodana, thuộc giòng Çâkya; Khu vực của giòng Çâkya gồm những châu Gorakhpur, Binayapur, Bansi và phân nữa châu Haveti bây giờ. Khu vực ấy ở về mé bắc sông Gange, vào khoảng giữa hai thành Bénarès và Patna, phía tây nam của xứ Népal và phía đông của con sông Rapti. Kinh đô của vua Çuddhodana là Kapilavastu. (Kapila, nghĩa là màu vàng; vastu, nghĩa là đô thành. Có người bảo rằng tại màu đất chỗ kinh thành ấy vàng, cho nên gọi kinh thành ấy là Kapila vastu. Lại có người bảo rằng đời thượng cổ có một vì tiên tên là Hoàng đầu-đầu vàng-tu ở đấy, cho nên đô thành lấy tên như thế)

Tương truyền mẹ của Thái tử Siddhârtha là bà Mâyâ, một hôm dạo vườn Lumbini, ở cạnh đô-thành Kapilavastu, sanh người ở đó. Sanh người ra được bảy ngày, thì bà Mâyâ mất, để người lại, nhờ em bà, là Mahâprajâpati cho bú mớm chăm nom.

Thái tử Siddhârtha sanh vào năm nào, thì không có sử sách gì ghi chép đích xác. Người Tàu cho rằng người sanh nhằm đời Châu Linh Vương bên Tàu, vào năm 557 trước chúa Jésus ra đời, tức là lớn hơn Khổng-tử sáu tuổi.

Năm Thái tử mười bảy tuổi, lấy vợ là công-nương Yaçôdharâ, cũng gọi là Gôpâ. Người nước Xiêm truyền rằng công nương là em cô cậu với Thái tử, con của b Amita và của vương tước Suprabuddha.

Thái-tử Siddhârtha, mặc dầu là con của một ông vua nước nhỏ, cũng là đường đường một vị Thái-tử, giàu có, tôn vinh. Nhưng Thái tử ở trong giai cấp ksatriya. Giai-cấp nầy, trên kia đã nói, phải nằm dưới ách áp-chế của giai cấp brahman. Lại nữa, thói đời đã quay về chủ nghĩa vật chất, người người đua nhau tìm khoái lạc xác thịt. Nội chánh hủ bại. Xa hoa du siểm thạnh hành Thái-tử sống trong hoàn cảnh đó, sanh ra buồn nản, lo âu. Cho nên, tuy tuổi còn nhỏ mà chí xuất gia đã mạnh mẽ, chẳng cam nào giam mình trong không khí âm độc để hưởng thú vinh hoa.

Việc Thái tử bốn lượt dạo chơi ra bốn cửa thành, là việc có hay là không, thì nào có bằng cứ gì đích xác. Nhưng tục truyền có việc dạo chơi như thế, nhắc lại cũng có cái lợi, là làm cho thấy rõ tư tưởng xuất gia của Thái-tử Siddhârtha

Thấy con sớm có tư tưởng chán đời, không muốn cho con trông thấy cảnh tượng khốn khổ của nhân dân, vua Çuddhodana giữ mãi Thái tử trong cung điện, ngày ngày cho vào ra trong những đám vườn minh-mông bao bọc quanh đó. Nhưng mà cảnh vườn dầu có đẹp cũng không làm khuây được ưu lự, ở mãi trong đó cũng chán, cho nên Thái-tử lẻn ra dạo chơi.

Lần đầu dạo chơi ra cửa thành phía đông, Thái tử trông thấy một cụ già, râu tóc bạc phơ, chỉ còn da nhăn-nheo bọc lấy xương, ho lặn-khoặn, đi lụm-cụm. Thấy người mà ngẫm đến ta: trai-trẻ rồi sau cũng có lúc già nua như thế. Thái-tử bùi ngùi trở về cung, trầm ngâm nghĩ ngợi mãi.

Lần khác dạo chơi ra cửa thành phía nam, Thái tử gặp một người bịnh nằm rên la thảm thiết. Thái tử cũng lại bùi ngùi trở về cung, nghĩ ngợi đến cái khổ tật bịnh ở đời gió bụi

Lần thứ ba dạo chơi ra cửa thành phía tây, gặp một đám táng, tang gia theo khóc kể não nuột. Thái tử cũng lại lui vào cung, chuyến nầy cảm xúc vô hạn, ăn ngủ không yên.

Lần thứ tư dạo chơi ra cửa thành phía bắc, Thái tử gặp một người mặc áo vàng, đầu trọc, khoan thai bước đi, ra chiều vô vô tư lự, Ấy là một nhà tu hành. Thái tử nhân đó mà ngụ ý: xuất gia tầm đạo chắc là thoát được những khổ não già, bịnh, chết.

Về sau đắc đạo rồi, Çâkya Muni thuật lại cho đệ tử rõ cách nào người giác ngộ.

Các đệ tử ơi! Ta thủơ bé giàu có như thế. Ta sống trong cảnh huy hoàng như thế. Mà tư tưởng ta lại nảy ra như thế nầy: người thường tục ngu muội, mặc dầu biết phải có lúc già nua, và không thoát được khỏi năng lực của sự già nua, lại ghét, lại gớm nhờm chán ngán, khi trông thấy một kẻ khác già nua. Rồi lòng ghét ấy quay trở về mình. Còn ta, ta cũng phải già, không thoát được già. Vậy, đã mà cũng phải già, không thoát được già, ta có nên ghét, nên gớm, nên chán, khi ta trông thấy một người khác già hay không? Không có lẽ ta như thế. Rồi trong khi ta ngẫm nghĩ như thế riêng cho ta, thì, các đệ tử ơi! bao nhiêu những cái vui của tuổi thanh niên; không lìa tuổi thanh niên, bao nhiêu những cái vui ấy lại tiêu tan hết ở nơi ta.

Một người thường tục, ngu muội, mặc dầu biết mình phải có lúc chịu bịnh, lại ghét, lại gớm nhờm chán ngán, khi trông thấy một kẻ khác bị tật bịnh giày vò. Rồi lòng ghét ấy quay trở về mình. Còn ta, ta cũng phải có lúc chịu bịnh và không thoát khỏi năng lực của tật bịnh. Vậy, đã mà phải có lúc chịu tật bịnh, không thoát được khỏi năng lực của tật bịnh, ta có nên ghét, nên gớm, nên chán. khi ta trông thấy một người khác bị tật bịnh giày vò hay không? Không có lẽ ta như thế. Rồi trong khi ta ngẫm nghĩ như thế riêng cho ta, thì, các đệ tử ơi! bao nhiêu những cái vui của sự mạnh khỏe, không rời sự mạnh khỏe, bao nhiêu những cái vui ấy lại tiêu tan hết ở nơi ta.

Một người thường tục, ngu muội, mặc dầu biết mình phải có lúc chết và không thoát được khỏi năng lực của sự chết, lại ghét, lại gớm nhờm chán ngán, khi trông thấy một kẻ khác bị làm vật hy sanh cho sự chết. Rồi lòng ghét ấy quay trở về mình. Còn ta, ta cũng phải có lúc chết, không thoát được khỏi năng lực của sự chết. Vậy, đã mà phải có lúc chết, không thoát được khỏi năng lực của sự chết, ta có nên ghét, nên gớm, nên chán, khi ta trông thấy một người khác bị làm hy sanh cho sự chết hay không? Không có lẽ ta như thế. Rồi trong khi ta ngẫm nghĩ như thế, thì, các đệ tử ơi! bao nhiêu những cái vui của đời sống, không lìa đời sống, bao nhiêu những cái vui ấy lại tiêu tan hết ở nơi ta[1]. »

Khổ vì hoàn cảnh xã hội, như trên kia đã nói, lại nghĩ ngợi như thế ấy, Thái tử Siddhârtha quyết xuất gia, tìm đường giải thoát cho mình.

Truyền rằng sau khi dạo chơi lần thứ tư, gặp nhà tu hành, Thái tử trở về cung thì quân hầu báo tin bà Yaçôdharâ mới sanh một đứa con trai. Thái tử không mừng, lại chép miệng than: Là một dây xích cho ta đó! Bèn đặt tên con là Râhula: có người bảo rằng tên ấy thủ nghĩa ở chữ râhu, nghĩa là choán đoạt, cầm bắt, trói buộc.

Rồi đương đêm, Thái tử ruổi con ngựa Kanthaka mà thoát ra cửa thành phía bắc[2] theo sau có chàng Chandaka, vốn là kẻ hầu giữ ngựa.

Đi suốt một đêm ấy, rồi Thái tử bảo Chandaka phải trở về, để cho Thái tử một mình yên tịnh.

Bấy giờ Thái tử mười chín tuổi. Có thuyết lại nói bấy giờ Thái tử hai mươi chín tuổi.

Từ đó, những bảy năm trời khổ hạnh, tìm thầy, tìm đạo, vơ vẩn, lang thang, hết rừng nọ đến rừng kia, nhưng vẫn cứ lẫn quất theo lưu vực sông Gange mà thôi.

Nghe tin ở Veçâli có hai vị Arâda và Kâmâla đắc đạo, Thái tử tìm đến, không thấy có giáo lý gì mầu nhiệm, thời lại bỏ đi sang Râjagriha, kinh thành nước Magadha. Vua Bimbisâra, trị vì nước nầy lấy làm hâm mộ đạo hạnh của Thái tử mới cho người theo hầu. Đến núi Pândava Thái tử dừng lại đó. Nghe có ông Rudraka học đạo cao huyền. Thái tử tìm đến, cũng chẳng thấy có gì đáng học, bèn bỏ đi sang thành Uruvelâ. Khi ấy có năm người đệ tử của Rudraka, bỏ thầy, đi theo Thái-tử. Trong bọn năm người có Kaundinya là trứ danh.

Nơi thành Uruvelâ có con sông Nairanjanâ, cảnh trí hữu tình. Thái tử ở lại đó tu sáu năm trời, trường trai khổ hạnh. Kinh Lalitavastara thuật rằng: Thái tử ép xác cho đến đổi gầy guộc quá lẽ. Sau có nàng Sujatâ, là con gái của Nandika, chưởng binh thành Uruvelâ, thấy Thái tử sức đã kiệt rồi, thì khuấy sữa với mật ong cho uống. Thái tử khỏe lại, và từ đó ăn uống đầy đủ, rồi lần lần da thịt nở nang ra.

Năm người đệ tử của Rudraka đã bỏ thầy theo Thái tử Siddhârtha, bấy giờ thấy Thái tử « ngã mặn » như thế, lấy làm bất bình, bèn bỏ đi sang thành Bénarès, ẩn trong rừng Mrigavana, (Tàu dịch là Lộc Uyển: Mriga: lộc, nai; vana: uyển, vườn, hoặc rừng.)

Khi đã lấy sức lại, Thái tử Siddhârtha đến gốc một cây pippala, ngồi định thiền ở đó, rồi ngộ đạo. Bởi thế cho nên cây pippala ấy về sau người ta gọi là Bôdhidruma, nghĩa là: cây giác ngộ (Bôdhi, ta đọc là bồ đề, nghĩa là giác ngộ; Druma, nghĩa là cây). Còn chỗ đất ấy gọi là Bôdhimanda, nghĩa là: trường giác ngộ.

Năm 632 sau chúa Jésus giáng sanh, thầy Huyền Trang qua Ấn-độ có tả cảnh cây Bôdhidruma ấy như vầy: « Cây bồ-đề nầy ở gần con sông Nairanjanâ. Đứng trong thành Râjagriha trông thấy nó ở mười lăm dặm ngoài xa. Cội cây trắng mốc, lá xanh mà ngời ».

Trong khoảng tiền bán thế kỷ thứ XIX một người Anglais tên là Cunningham có đến xem cây bồ-đề ấy, bảo rằng: « Cây bôdhi trứ danh ấy hiện nay vẫn còn, mà nó xơ xác rất mực: một cội to còn xanh tươi, có ba cành quay về hướng tây, còn mấy cành kia đã tróc sạch vỏ và mục rồi. Cây ấy có lẽ đã thường đổi thay, trồng đi trồng lại nhiều lần, bởi vì cây pippala hiện nay đứng trên một cái đàn cao ít nữa là ba-mươi pieds trên cuộc đất chung quanh ».

Ông Oldenberg, người Allemand, tác giả một quyển lịch sử của Phật, bảo rằng năm 1876 cây Bôdhidruma ấy bị bão, trốc gốc mất.

  1. Rút trong Sutrapitaka, phần thứ tư: Angottaranikâyo, do Oldenberg dẫn ra, và Foucher dịch chữ ra pháp, tr. 105.
  2. Nhắc lại, lần dạo chơi thứ tư, Siddhârtha ra cửa bắc, gặp nhà tu hành. Giờ xuất gia, cũng ra theo cửa ấy.