Phật giáo triết học/I-4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Phật chuyển pháp luân

Ngộ đạo rồi, Phật[1] Çâkya Muni đi qua thành Vârânasi, tức là thành Bénarès ngày nay, vào rừng Mrigavana (Lộc uyển) tìm năm người đệ-tử của Rudraka, đã từng theo Phật, cùng nhau khổ hạnh tìm đạo trong mấy năm trời ở ven sông Nairanjana, và đã bất bình vì Phật « ngã mặn » mà bỏ sang đây.

Năm người đệ tử này vật nài xin Phật thuyết pháp cho. Thấy đệ tử có lòng thành như vậy, canh năm Phật gọi năm người họ mà dạy rằng: các ngươi nên lánh hai cái cực đoan: không nên hoang dâm, cũng không nên ép xác. Con đường giải thoát phải cách xa hai cái cực đoan ấy. Con đường giải thoát có tám ngả (mârga, Tàu gọi là: bát chánh): một là chánh kiến, hai là chánh tư duy, ba là chánh ngữ, bốn là chánh nghiệp, năm là chánh mạng, sáu là chánh tinh tấn, bảy là chánh niệm, và tám là chánh định.

Sau khi đã chỉ đường bát chánh, Phật thuyết pháp lần đầu, hay là « chuyển pháp luân », nghĩa là quây cái bánh xe phép. Bánh xe phép ấy chữ phạn gọi là dharmacakra. nó có ba vòng và mười hai đoạn.

Chuyển pháp luân lần thứ nhứt nầy, ở nơi rừng Mrigavana, Phật thuyết minh « tứ diệu đế » (âryasatyâni), nghĩa là bốn cái chân lý. Đế thứ nhứt là « khổ ». Đế thứ hai là « tập », nghĩa là nguồn gốc của nỗi khổ. Đế thứ ba là « diệt » nghĩa là làm cho tiêu diệt nỗi khổ. Đế thứ tư là đạo, nghĩa là đường dẫn đến chỗ diệt khổ.

Khổ (duhkha) là gì? Là những nỗi khổ vì sanh, lão, bịnh, tử, khổ vì chia lìa với điều thích, khổ vì kết hiệp với điều không ưa. Điều ta ước vọng, điều ta tha thiết tìm tòi, mà không đoạt được, ấy cũng là khổ. Tóm lại, cái mà ngũ quan ta cảm giác là khổ, thế gian gọi nó là khổ.

Nguồn gốc của khổ là đâu? Ấy là « tập », tức là cái ước vọng không bao giờ nguôi (trisna) vẫn nối gót dục tình khoái lạc.

Diệt khổ (moksa) là làm thế nào cho nguồn gốc của khổ phải hoàn toàn tiêu tán.

Con đường nào dẫn đến chỗ diệt được khổ? Ấy là đạo, tức là con đường bát chánh (mârga), đã nói trên kia.

Lần đầu Phật chuyển pháp luân, thuyết tứ diệu đế (khổ, tập, diệt, đạo), đại khái như thế.

Trong thời kỳ hoạt động, sau khi ngộ đạo, Phật thường thuyết pháp trong hai cảnh vườn rộng, là Jetavana ở thành Savâthi (nay là thành Sahet Mahei) và vườn Veluvana, ở thành Râjagriha (nay là thàng Rajghir) Hai vườn ấy cách nhau có sáu trăm cây số.

Dường như là Phật ở vườn Jeta thường hơn, cho nên trong nhiều quyển kinh thường thấy mở đầu bằng câu: « Ta nghe như vầy: bấy giờ Phật ở tại Savâthi, trong vườn Cấp-cô-độc..»

Vườn Cấp-cô-độc là cái vườn cấp dưỡng kẻ cô độc, của một nhà thương hào, tên là Anathapindika mua của Thái-tử Jeta, để dưng cho Phật đến thuyết pháp.

Vào khoảng năm 480 trước chúa Jésus giáng sanh, bấy giờ Phật già tám mươi tuổi, ngài lìa thành Râjagriha, đi lên phía bắc, vượt qua sông Gange, gần lối thành Patna ngày nay, ở phía tây thành Bénarès. Năm ấy đương ở Beluva ngài nhuốm bịnh, ngài bèn sang thành Kusinârâ mà chết ở giữa hai cây çala.

(Bổn Thảo Cương Mục nói là cây bông vải; mộc miên), trong một đám rừng ở mé sông Hiranyavati.

Người nước Xiêm truyền rằng Phật diệt năm 543 trước chúa Jésus ra đời, và, cho nên, họ lấy năm ấy làm kỷ nguyên.

Ít tháng sau khi Phật nhập diệt, năm trăm đệ tử hội nhau lại tại thành Râjagriha, hiệp tung qui luật của Phật đã thuyết pháp lúc còn tại thế. Các giáo đoàn ở các địa phương suy tôn những vị trưởng lão, mời lên ngồi ở thượng toà (sthavira) tức là ngồi chủ tịch, như ta gọi theo danh từ mới.

Một trăm năm sau, nhân trí có tấn bộ, tập tục có đổi dời, lại các đệ tử gần của Phật đã qua đời hết rồi, phép Phật truyền lại bởi mà sai lạc, mỗi giáo đoàn mỗi giải thích khác nhau. Cho đến đỗi về giới luật cũng phân ra khoan và nghiêm, hai phái. Các vị trưởng lão muốn cổi sự dị nghị ấy, bèn triệu tập bảy trăm tăng lữ, hội lại thành Vesali để thảo luận dưới quyền chủ tịch của Yaça. Kết cuộc quyết nghị rằng: lấy khoan dung mà giải thích giới luật của Phật là vi bội Phật pháp. Song mà phần đông tăng lữ không chịu nghe theo như vậy, mới khai hội nghị riêng, chủ trương khoan đại. Từ đó Phật giáo bị chia ra Thượng toà và Đại chúng hai phái, tức là phái chánh thống (orthodoxe) và phái không chánh thống (hérétique). Phái sau tự do, phái trước bảo thủ vậy

Thuở Çâkya Muni còn tại thế, ở xứ Ấn độ những nước lớn nước nhỏ chia ra thật nhiều. Đến khi vua Ajâtaçatru nước Magadha lên ngôi, người có tài hùng vĩ nắm được trung ương bá quyền, gồm thâu Savathi ở bắc, Magadha ở nam. Nhưng năm 327 trước chúa Jésus ra đời Alexandre le Grand xâm nhập xứ Ấn độ. Tư-tưởng hy-lạp từ đó truyền sang, đã làm cho xã hội ấn độ đổi thay, lại trong nước bạn loạn thừa thời nổi dậy, xã hội ấn độ trải qua một cơn đại biến.

Vào lối năm 315 trước chúa Jésus ra đời, nhà Maurya thống nhứt được toàn xứ Ấn-độ. Đến năm 260 trước chúa Jésus ra đời có vua Açoka nhà Maurya, là kẻ rất sùng đạo Phật làm cho nó được hưng vượng lên lạ thường. Quan niệm yếm thế mới tiêu lần, mà lòng người khuynh hướng về hiện thật. Năm Açoka thứ mười tám vua hội Thượng toà trưởng lão hơn ngàn người, phí hết chín tháng trời để chỉnh lý ghi chép bảy bộ kinh điển. Từ đây phật giáo mới có kinh điển thành văn, không còn lối hiệp tụng khẩu truyền như trước kia. Vua Açoka lại sai người đi truyền đạo các nơi. Phật giáo khi ấy được một thời long thạnh.

Đến sau, vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhứt sau chúa Jésus giáng sanh có vua Kanishka cũng sùng tu Phật đạo. Vua sai trăm vị arhat (la hán) triệu tập một cái hội nghị lớn.

Cuộc hội nghị nầy là chót về, sau trong sangha (tăng già) không còn có cuộc hội nghị nào nữa.

  1. Từ đây ta gọi là Phật hay Çâkya Muni, chớ không gọi là Thái-tử Siddhârtha nữa.