Phật giáo triết học/II-5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Thập nhị nhân duyên. — Không có sanh thì không có già chết (jâramarana) thì không có khổ. Vậy thì nhân duyên của già chết là sanh (jâti) Sanh đây tức là triền chuyển trong luân hồi. Nhân duyên của sanh là hữu (bhava), tức là cái ý thức về sự có của ta. Nhân duyên của hữu là thủ (upâdâna), tức là cái tánh tự tồn, muốn làm hết phương thế để kéo dài đời mình ra. Nhân duyên của thủ là ái (trisnâ), tức là cái dục tình làm cho ta mê thiết nỗi nọ điều kia. Nhân duyên của ái là thọ (vêdâna) tức là cảm giác. Nhân duyên của thọ là xúc (sparça) tức là xúc giác do các giác quan truyền báo cho ta Nhân duyên của xúc là lục nhập (sadâyatana): nhãn nhập sắc, nhĩ nhập thanh, tỹ nhập hương, thiệt nhập vị, thân nhập xúc và ý nhập pháp. Nhân duyên của lục nhập là danh sắc (nâmarûpa), tức là cái tiếng gọi và cái sắc tướng (le nom et la forme), hoặc hiểu một cách khác là: tinh thần và vật chất. Nhân duyên của danh sắc là thức (vijnâna) tức là ý thức về bổn ngã. Nhân duyên của thức là hành (sanskâra) tức là những khái niệm làm cho ta vọng hành. Nhân duyên của hành là vô minh (avidyâ), nghĩa là không sáng suốt, không phân biệt được giả chân.

Ngược trở lại dọc nhân duyên ấy, thì là vô minh sanh hành, hành sanh thức, thức sanh danh sắc, danh sắc sanh lục nhập, lục nhập sanh xúc, xúc sanh thọ, thọ sanh ái, ái sanh thủ, thủ sanh hữu, hữu sanh ra sanh, và bởi có sanh mới có lão, tử.

Cả triết học phật giáo gom lại chỉ quanh quẩn giải thuyết thập nhị nhân duyên và tứ diệu đế. Thập nhị nhân duyên giải thuyết hai diệu đế khổ và tập. Còn hai diệu đế diệt và đạo thì giải thoát luận chuyên giải thuyết đến.