Phật giáo triết học/II-4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Tứ diệu đế. — Tư tưởng căn để của xứ Ấn độ, là tư tưởng luân hồi. Đoạn trên ta đã thấy luân hồi như thế nào. Tiểu thừa phật giáo nhận có tứ sanh và lục đạo luân hồi.

Tứ sanh (catur Yôni) là: thai sanh, tức là ở tử cung sanh ra, như loài thú có vú; noãn sanh, tức là sanh ra bằng trứng như loài chim; thấp sanh, tức là sanh ra nhờ ẩm thấp, như loài mốc (moisissure); hóa sanh, tức là sanh bằng cách cổi lốt đổi hình, như loài bướm, bởi sâu mà thành.

Lục đạo luân hồi (gati) là: thiên (dêva) tức là thánh thần; nhân (người); a-tu-la (asura) tức là một loài quỉ, ngạ quỉ (prêta); súc sanh và địa ngục.

Chưa diệt được nghiệp thì phải kiếp nầy qua kiếp khác luân chuyển trong tứ sanh lục đạo. Mà như thế là khổ. Khổ bởi kiếp sống phải gặp những nỗi khổ luôn. Trên đã có nói khổ là gì? vì đâu mà khổ? phải diệt khổ, và đạo là đường dẫn đến chỗ diệt khổ.

Có tu mới có giải thoát được. Mới khỏi luân hồi. Mới không sanh trở lại (punarjâti). Bởi vì, theo nhà Phật sanh là khổ.