Phật giáo triết học/III-I-a-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

2. A lại da duyên khởi. — Nghiệp cảm duyên khởi luận, là chủ trương của tiểu thừa phật giáo. Trong nghiệp cảm duyên khởi luận có sanh khởi gián đoạn, có sanh diệt vô thường. Như thế cho rằng ta cũng như thẩn lâu hải thị, hốt nhiên tập khởi, rồi cùng như mộng, huyển, bào, ảnh, tu du ly tán. Thời nghiệp dầu còn, mà lấy gì giữ gìn cái nghiệp quả, khiến cho nó triển chuyển trong thời gian dài dặc mà không dứt?

Cái nghiệp lực ấy quá trừu tượng, mà nó lại tập hiệp ngũ uẩn, ngũ uẩn ấy lại làm cho ta cảm sanh vạn hữu. Thuyết như thế, chẳng phải thường thức hiểu nổi được

Đại thừa phật giáo, bổ khuyết vào chỗ ấy, chủ trương a-lại-da duyên khởi.

Nguyên trong tiểu thừa phật giáo chỉ nói có lục thức (sáu đường nhận thức) là: nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý. Nhãn nhập sắc, nhĩ nhập thanh, tỹ nhập hương, thiệt nhập vị, thân nhập xúc, ý nhập pháp. Đại thừa phật giáo thêm vào đó hai thức nữa, là bát thức. Hai thức thêm vào là mạt-na và a-lại-da. Mạt-na (mâna) nghĩa là cầm bắt lấy chỗ thấy biết, tức có lẽ cũng như trong tâm lý học gọi là aperception, hay conscience de soi-même. A-lại-da, (âlaya)[1] nghĩa là bao tàng (gồm chứa), tức là gồm chứa lấy pháp.

Đại Thừa Khởi Tín Luận nói rằng a-lại-da-thức là chỗ hòa hiệp mà không thành một cũng không khác nhau của sự bất sanh bất diệt với sự sanh diệt. A-lại-da-thức có hai nghĩa: một là triếp nhứt thiết pháp, hai là sanh nhứt thiết pháp. A-lại-da-thức, cũng gọi là vô cấu thức (vô cấu, amala, là không bụi nhơ.)

Thức thứ tám nầy không phải vô thường như ngũ uẩn, mà nó hằng khởi thường tại. Nó bao hàm hết thảy những chủng-tử của chư pháp[2]. Như thế tức nó phát hiện được hết năng lực vô hạn của vạn tượng. Cho nên căn thân của ta vừa phát sanh là nó bao hàm khách quan giới (tức là vạn vật). Khách quan giới thiên sai vạn biệt là do trong chủ quan giới có ý thức tác dụng mà ra. Nếu ta không có tri giác, thì vạn tượng cũng không có.

Xem đó thì vũ trụ duyên khởi luận của Phật giáo, thật ra chỉ là nhận thức duyên khởi luận. Bỏ nhận thức, không còn vũ trụ

Nhưng mà nói thế không phải nói rằng vạn vật mà ta cảm giác được không có bổn chất. Vạn vật của ta cảm giác vẫn có thật tại, vẫn có khách quan. Mà cái bổn chất của thật tại ấy không ngoài những cái chũng tử của a-lại-da thức. Bảy cái thức kia phân biệt khách quan hiện tượng, mà tập thành chũng tử để chứa vào a-lại-da-thức.

Một khi chũng tử đã gieo vào a-lại-da thức rồi, nó sẽ triển chuyển vô cùng.

Bao những nỗi động tác của ta hữu tâm làm ra, bao những sự tác dụng của chủ quan, đều là bóng vang của khách quan. Bóng vang ấy rồi lại dẫn khởi bao nhiêu thứ động tác khác, làm thành sanh tử luân hồi, chẳng bao giờ dừng.

Ấy tức là « hữu lậu chũng tử », cùng hai đế khổ tập trong tiểu thừa phật giáo có chỗ đồng.

Đối với hữu lậu chũng tử, là « vô lâu chũng tử ». Chũng tử nầy đối với ngoại giới biết có hư vọng, cho nên không để cho tâm vọng động. Ấy là nguyên nhân của giải thoát luận, cùng với hai đế diệt đạo trong tiểu thừa phật giáo có chỗ đồng.

Tóm lại, a-lại-da thức là cái căn bổn của hiện tượng giới. Từ vô thỉ a-lại-da thức đã bao tàng chũng tử. Hiện tượng giới do chũng tử nầy mà phát hiện. Hiện tượng đã phát hiện thì lại kích thích, tự thức, khiến cho phát sanh duyên mới, dẫn đến chỗ tác dụng— Như thế, chũng tử cùng hiện tượng nhân quả nhau mãi, mà làm cho hiển hiện vạn hữu.

  1. Núi Himâlaya lấy tên ấy vì nó cao quá nên có tuyết luôn: tiếng phạn hima nghĩa là tuyết, alaya là chứa.
  2. Sánh với théorie de l'emboitement trong triết học Âu Châu.