Phật giáo triết học/III-I-a-3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

3. Chân như duyên khởi.— Chân như duyên khởi luận là một thứ tuyệt đối duy tâm luận. Thuyết nầy cho rằng nhứt thiết đều đo tâm tạo. Toàn thể thế giới cũng lấy tâm làm tự thân.

Tâm đây là gì? Nó là toàn thể thế giới. Về phương diện động nó là cái cửa của sanh diệt. Về phương diện tịnh, nó là cái cửa của chân như[1]. Chân như là bổn thể của thế giới, thế giới nầy tuyệt đối, thế giới nầy bình đẳng. Sanh diệt là hiện tượng, là thế giới tương đối, là thế giới sai biệt.

Nhưng sao lại cùng một tâm mà có hai mặt đối nhau, gồm chánh và phản như thế? Ấy bởi mặc dầu cái bổn thể của tâm là thường trụ bất động, mà bên ngoài bị vô minh làm duyên, khiến cho nó vọng động, làm ra vạn biệt thiên sai.

Vô minh, ở trên đã nói qua, nơi thập nhị nhân duyên luận. Bởi tại vô minh, nên đáng tịnh lại làm động, đáng bình đẳng lại làm sai biệt. Vô minh thật ra không phải là vật có thật: nó dựa nơi tâm thể mà có. Tâm thể là chân, lại sanh vô minh là vọng. Cho nên nói rằng « hốt nhiên niệm khởi gọi là vô minh.»

Vô minh sanh ra vọng niệm. Vọng niệm có chủ quan, có khách quan, có tự ngã, có phi ngã, nó phát triển vạn hữu. Nhưng vạn hữu không phải ngoài tâm mà tồn tại được.

Vậy chỉ tâm thể, gọi rằng chân như. Chân như nầy bị vô minh kích thích mà diêu động, thì gọi là cửa sanh diệt, hoặc là a-lại-da thức. A-lại da thức mở nguồn cho nhứt thiết hiện tượng. Mà ấy cũng chẳng qua là bởi tâm thể chân như động diêu mà ra.

Chân như tuy bị vô minh kích thích mà diêu động, nhưng trong động có tịnh, tịnh lại không rời động. Chân như vẫn ở trong sanh diệt, mà nó cũng ngoài sanh diệt.

Động, hay là có sanh diệt, tịnh hay là không sanh diệt, chân như gồm hai. Động, hay là có sanh diệt tức là ăn với hai đế khổ tập của nguyên thỉ phật giáo. Tịnh hay là không sanh diệt là ăn với hai đế diệt đạo. Phương diện trước là nói về nguyên nhân phát triển của hiện tượng. Phương diện sau là nói về nguyên nhân của giải thoát.

Tóm lại, thế giới ấy là tâm. (Học thuyết của Schopenhauer khác nào?)

Một cái tâm ấy hoặc nói rằng không, hoặc nói rằng có, hoặc nói rằng động, hoặc nói rằng tịnh, hoặc nói rằng hữu tướng, hoặc nói rằng vô tướng, đều là không nhằm cả. Tâm nầy không thể gọi tên là gì được cả, Chỉ nên khảo sát nó về hai phương diện động với tịnh mà thôi. Tâm thể là tịnh. Bày hiện tướng là động. Vạn tượng của thế giới đều do tâm thể hoạt động mà hiển hiện. Tâm thể cùng vạn tượng không lìa nhau, mà không cùng nhau là một. Hai ấy vốn quan hệ nhau như nước với sđng. Sóng không là nước, nước không là sóng. Hai vật nầy chẳng rời nhau, mà chẳng cùng nhau là một.

Nơi chương a-lại-da duyên khởi luận, ta thấy a-lại-da như con hát trên cái sân khấu chân như. Ở đây thì chân như tự thân làm con hát.

Trước bảo rằng có a lại-da thức mới phát khởi hiện tượng. Đây thì tự thân chân như hoạt động mà hiện tượng phát khởi.

  1. Chân như là cái chân lý thật thể, thật tánh, đời đời kiếp kiếp không biến đổi. Chân nghĩa là chân thật, rõ ràng không là hư vọng. Như nghĩa là như thường, chỉ về sự không biến đổi. Tiếng pháp gọi l'Etre.