Bước tới nội dung

Phật giáo triết học/III-I-a-5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

5. Lục đại duyên khởi. — Lục đại (mahâbhûtas, les six éléments) là: địa, thủy, hỏa, phong, không, thức. Ở đây lấy địa, thủy, hỏa, phong, tứ đại, mà thêm vào không (tức là không gian) và thức (tức là ý thức, tức là tâm).

Thân ta do tứ đại mà có, không thức do tâm của ta mà có. Vũ trụ bổn thể cũng không ngoài lục đại. Đại, là tiếng của người Tàu dịch tắt chữ mahâbhûta trong tiếng phạn: mahâ là đại (grand), bhûta là vật (être, créature).

Địa, thủy, hỏa, phong, tứ đại, là vật. Không, thức tức là tâm. Thuyết lục đại duyên khởi hiển nhiên là thuyết vật tâm nhị nguyên luận

Vật tâm nhị nguyên là tại tri giác của ta phân biệt ra như thế. Chớ bổn thể của thật tại vẫn có một, vẫn tuyệt đối.

Vật là hình tướng, tâm có lực hoạt động. Lực không lìa được hình. Lìa hình thì lực chẳng tồn tại được. Còn hình nếu không nhờ lực thì không phát hiện được. Bởi cho nên hai cái vật và tâm là hai phương diện của bổn thể. Vật, hay là hình tướng, chỉ về hiện tượng. Tâm, hay là lực hoạt động, chỉ về thật tại.

Theo thuyết nầy thật tại là hoạt động lực mà hoạt động lực là bổn thể của tâm. Cuối cùng, thuyết lục đại duyên khởi có khuynh hướng về duy tâm luận.

Nhưng mà vật đối với tâm, như sóng đối với nước. Sóng nước không lìa nhau. Sóng tức cũng là nước. Vật tâm cũng không lìa nhau. Vật cũng là một phương diện của thật tại, như tâm là một phương diện của thật tại. Hai cái vật và tâm cùng là biểu hiệu thật tại, nên gọi chung là nhứt như.

Tóm lại mà nói: ta đây là do lục đại kết hiệp mà có. Lục đại ly tán thì ta không còn. Còn, mất, chẳng qua là một cuộc đổi thay của lục đại mà thôi.

Lục đại kết hiệp lại cùng tán ly ra, làm thành vũ trụ hoạt động. Lìa lục đại không có vũ trụ, tức là không có hoạt động. Chân như là cái tự thân (chose en soi) của lục đại, mà lý tánh của ta trừu tượng ra.

Ngoài sự vật mới tìm được chân như, ngoài hiện tượng mới tìm được thật thể. Nhưng lìa vật không có lý được, lìa hiện tượng không có thật thể được.

Thánh, phàm khác nhau, thiện, ác khác nhau, ở nơi biết hay là không biết phân biệt chân như với hiện tướng.

Xem thế thì lục đại duyên khởi luận với pháp giới duyên khởi luận chẳng khác gì nhau về nội dung, chỉ khác nhau ở nơi luận pháp mà thôi. Pháp giới duyên khởi luận lấy lý tánh mà suy diễn chân như. Lục đại duyên khởi luận do kinh nghiệm mà qui nạp chân như.