Phật giáo triết học/III-I-b-3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

3. Lý tưởng thật tại luận. — Thuyết nầy đứng về phương diện giả định mà đặt ra. Nói rằng thật tại là chung cuộc của sự giải thoát.

Gọi nó bằng lý tưởng thật tại luận là thủ cái nghĩa con người ở trong cõi hiện tượng, lấy lý tưởng mà nghĩ ra nó.

Lý tưởng thật tại luận phân ra hai thuyết. Một thuyết tiêu cực, một thuyết tích cực.

Thuyết tiêu cực là chủ trương của tiểu thừa giáo. Giáo phái nầy bảo rằng: « chư hành vô thường. » Nghĩa là vạn hữu có sanh có diệt, chuyển biến, chớ không phải thường trụ. Thoát cho được cái cảnh giới sanh diệt chuyển biến vô thường, mà đến cảnh giới thường tịch, không chuyển biến sanh diệt, là đến niết bàn. Thuyết như thế là hình dung cái trạng thái của tâm được nhứt trí với thật tại Nhưng mà hình dung một cách tiêu cực.

Tiểu thừa giáo lại bảo rằng: « chư pháp vô ngã. » Nghĩa là bảo rằng: tâm thân của ta chuyển động không định; già chết chẳng lường. Lìa cho được chỗ chấp trước của cái bất định đó, mà diệt thân diệt trí, thì đến được cảnh giới vô . Cảnh giới nầy gọi là Arhat (a la hán, hay là la hán, nghĩa là vô học; bởi đến đó thì là vô pháp khả học.) Thuyết như thế cũng lại là một thuyết tiêu cực. Thuyết trên hình dung cái trạng thái của tâm được cùng với thật tại nhứt tri. Thuyết dưới thì hình dung cái trạng thái của thân được cùng với thật tại nhứt trí.

Hai thuyết cũng đều là phủ định cái hiện tượng giới, mà ra ngoài hiện tượng giới, để, một đàng tìm thật tại ở nơi cảnh giới không tịch, một đàng tìm thật tại ở nơi cảnh giới vô vi.

Đối lại hai thuyết tiêu cực trên đây của tiểu thừa phật giáo, có thuyết tích cực bảo rằng ngoài hiện tượng giới có viên mãn thật tại giới. Thật tại giới nầy khác với thật tại giới ở trong hiện tượng giới. Ấy gọi là Phật, hay Tịnh thổ.