Bước tới nội dung

Phật giáo triết học/III-I-c

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

c. Quan hệ giữa hiện tượng và thật tại.—

Ở trên đây đã nhiều nơi nói đi nói lại chỗ quan hệ giữa hiện tượng và thật tại. Tưởng không cần phải có một chương riêng để lặp lại làm gì. Nhưng xin nhóm ít lời để cho dễ rõ hơn.

Tiểu thừa thuyết. — Cứ kể ra thì tiểu thừa giáo không đặt rõ vấn đề thật tại. Chỉ lúc giáo phái nầy toàn thạnh là có phân ra hai phương diện hiện tượng và thật tại, và bảo rằng thật tại là thường trụ, còn hiện tượng là vô thường: thật tại với hiện tượng quan hệ nhau như nguyên tử với vật đã hóa thành (atome et corps).

Pháp tướng thuyết. — Pháp tướng tông bảo rằng thật tại là cái lý thể vô vi, hiện tượng là hữu vi. Hai cái quan hệ nhau, là do nơi thật tại hoạt động mà sanh ra hiện tướng.

Nhứt tâm nhị môn thuyết.— Đại Thừa khởi Tín Luận bảo rằng tâm là toàn thể vũ trụ.

Một tâm ấy có hai mặt cùng biểu lý nhau, là hiện tượng và thật tại. Giữa hai giới hiện tượng và thật tại có vô minh làm môi giới. Vô minh là gì, thì ở nơi tiết « chân như duyên khởi » đã nói rõ.

Thể tượng dung hiệp thuyết. — Thuyết nầy, như Thiên Thai tông, bảo rằng thật tại là hiện tượng, hiện tượng là thật tại. Hai cái không lìa nhau, như sóng với nước. (Tâm tức pháp, pháp tức tâm.)

Kết luận.— Nguyên thỉ phật giáo về chỗ quan hệ giữa thật tại và hiện tượng chủ trương rằng pháp thể là hằng hữu, còn hiện tượng là do pháp thể tích tập mà ra Đến khi nguyên thỉ phật giáo phân ra thượng tòa và đại chúng hai bộ, thì đại chúng bộ phân tích pháp thể ra, bảo rằng cuối cùng pháp thể là không. Về sau đại thừa giáo bảo rằng hiện tượng giới là mê vọng, mới phản động lại tư tưởng đó, nghĩ ra chân như mỹ thiện, tức là chỉ thật tại. Nhưng chân như với hiện tượng quan hệ nhau như thế nào thì không nói rõ. Lần lần tư tưởng khai phát mới có những thuyết bảo rằng hai giới ấy quan hệ nhau như biểu lý, như thể tướng. Tư tưởng nầy là tư tưởng nhứt như.

Đến như đứng về phương diện tôn giáo, luận về giải thoát thì có những thuyết niết bàn, a la hán, phật đà, tịnh thổ, cho rằng những cảnh giới ấy là thường lạc, đối với hiện tượng giới.