Phật giáo triết học/III-II-1
1. Bổn nguyên của tri thức.— Triết học phương tây luận về bổn nguyên của tri thức, phân ra hai phái. Một cho rằng bổn nguyên của tri thức là ở nơi tiên thiên (apriorisme), một cho rằng bổn nguyên của tri thức là ở nơi kinh nghiệm (empirisme).
Cũng luận về bổn nguyên của tri thức, triết học ấn-độ gọi là tri lượng. Ở đây cũng cho tri thức là do hai nguồn mà ra. Một là thánh giáo lượng, một là hiện lượng với tỹ lượng. Thánh giáo lượng là nguồn tri thức của thần linh mách cho, (như kinh Veda). Thuyết nầy tức là một loại với thuyết tiên thiên. Hiện lượng, hay là chứng lượng, là chỉ tri thức do giác quan thân chứng mà phát sanh. Tỹ lượng, là chỉ tri thức do lý trí ta tỹ giảo mà phát sanh. Sánh với triết học phương tây, thuyết hiện lượng và tỹ lượng giống như thuyết kinh nghiệm.
Phải mimansa chủ trương lục lượng. Một là hiện lượng (pratiyaksâta), tức như évidence trong triết học tây phương. Hai là tỹ lượng (anumana). Ba là thí dụ lượng (upamâna), tức là analogie, như muốn biết con bò rừng ra sao, lấy con bò nhà mà thí dụ. Bốn là nghĩa chuẩn lượng (arthapatti) tức là signification, như nói: pháp vô ngã, thì chuẩn định mà biết rằng: pháp vô thường. Năm là thánh giáo lượng (sabda). Sáu là vô thể lượng (abhâva): chữ abhâva nghĩa là vắng mặt (absence). Như thấy trời không mây, đoán biết là đất ruộng phải khô.
Phật giáo nối dõi theo triết học trước nó, cũng luận về bổn nguyên của nhận thức. Nhưng nó lược lại, chỉ giữ hai cái hiện lượng và tỹ lượng mà thôi. Trong hai cái lượng nầy, lại cho hiện lượng là hơn hết. Xem như Thế Thân bảo rằng: « Chứng lượng bất thành, tỹ dụ, thánh ngôn giai thất.» Chứng lượng tức là hiện lượng. Cho biết một câu nói ấy có cái khí vị vô thần luận, phá tan thánh giáo lượng của bà la môn giáo.
Chủ trương hiện lượng và tỹ lượng là hai cái bổn nguyên của nhận thức, do nơi Trần Na (Jina bôdhisattva) mà người ta gọi là khai tổ của tân-luận-lý ở xứ Ấn Độ.
Trần Na, sanh vào khoảng một ngàn năm sau khi Phật nhập diệt, tức là vào lối thế kỷ thứ sáu của tây nguyên. Người chủ trương rằng: để tự ngộ chỉ có hiện lượng và tỹ lượng.
Hiện lượng gồm cảm giác (sensation) và tri giác (perception). Ta có quan niệm rõ rệt về một vật gì, tức phải có cảm giác về vật ấy, như là phải thấy màu nó, phải nghe mùi nó, phải biết vị nó, vân vân. Nhưng mà có cảm giác rồi, phải ra ngoài những cảm giác mới tìm được tri giác. Không có cảm giác thì không có tri giác. Mà không có tri giác, thì cũng chưa có quan niệm (conception) được, nghĩa là hiện lượng chưa thành.
Tỹ lượng gồm phán đoán (jugement) và suy lý (raisonnement). Chỉ sau khi có hiện lượng thì mới có thể có tỹ lượng được Cho được có tỹ lượng phải biết phân biệt. Tỹ phải có ít nữa là hai vật. Trong hai vật ấy phải phân biệt được chỗ đồng, chỗ dị, mới tỹ được. Chỗ đồng, trong phật giáo gọi là cọng tướng, chỗ dị gọi là tự tướng. Lấy một thí dụ: như ngũ uẩn. Ta vẫn biết ngũ uẩn là vô thường. Vô thường ấy là cọng tướng của ngũ uẩn. Còn ngũ uẩn là tự tướng. Trong ngũ uẩn lại lấy sắc uẩn mà nói, thì sắc uẩn là cọng tướng, còn sắc xứ là tự tướng. Trong sắc xứ lấy màu xanh mà nói, thì màu xanh là tự tướng mà sắc xứ là cọng tướng. Trong những màu xanh, lấy một cái hoa thêu trong một cái áo mà nói, thì màu xanh ấy là tự tướng mà cái hoa thêu trong áo là cọng tướng. Trong cái hoa thêu ấy, lấy một phần thật nhỏ mà nói, thì phần thật nhỏ nầy là tự tướng, còn cái hoa kia là cọng tướng. Cứ như thế mà thâu hẹp lại mãi, cho đến chỗ ly ngôn (không còn lời gì nói được), thì chỗ ly ngôn ấy là tự tướng, còn phần thật nhỏ kia là cọng tướng. Trong chỗ ly ngôn thì thánh trí ngầm hiểu bổn chân, thánh trí ấy là tự tướng mà cái gọi là ly ngôn kia là cọng tướng.
Cọng tướng vốn là giả hữu, bởi giả trí ta tìm thấy. Tự tướng vốn là khả chân, thì hiện lượng dựa vào đó, và thánh trí chứng lượng được nó.
Cọng tướng như sợi dây trong một tràng hoa, tự tướng như mỗi cái hoa trong tràng hoa ấy.
Tỹ lượng dựa vào cái tướng mà xem cái nghĩa. Cái nghĩa ấy nó « tự chứng ly ngôn ».
Ngược lại, một khi nghĩa đã thấy rồi, thì tướng cũng thấy rõ.
Ngoài cái « tự chứng ly ngôn », nghĩa là ngoài cái tự tướng, mà hiện lượng thấy được, thì có cái gì không phải là cọng tướng.
Cọng tướng. duy có tỹ lượng là thấy được.
Cho nên nhứt thiết không có cái gì là không nhờ tỹ lượng mà biết được.
Sau khi tạ tỹ lượng, thì ta thấy được cái nghĩa. Nghĩa do tỹ lượng mà có. Trước khi ta tỹ lượng, ta phải dựa vào cọng tướng. Nhưng mà cọng tướng cũng do tỹ lượng mà có.
Tóm lại, hiện lượng, hay là chứng lượng, cho ta biết tự tướng của sự vật. Tỹ lượng, cho ta biết cọng tướng của sự vật. Cho nên Trần Na bảo rằng: « Vị tự khai ngộ, duy hữu hiện lượng cập dữ tỹ lượng. »