Phật giáo triết học/III-II-2
2. Giới hạn và hiệu lực của tri thức.— Tri thức biết được gì, và biết đến đâu? Một câu hỏi ấy triết học thời nào cũng phát ra. Nhưng giải đáp không bao giờ đồng nhau. Triết học Âu châu có những phái độc đoán, phái hoài nghi, phái phê bình, giải đáp mỗi thiên chấp.
Phật giáo không đồng với triết học nào cả về vấn đề nầy.
Trên kia đã nói: tri thức chỉ do hiện lượng và tỹ lượng mà có. Nhưng có tri thức như thế đã có được gì? Có biết được bổn thể không?
Trần Na bảo rằng: hiện lượng và tỹ lượng đều không từng được vật (nghĩa là không từng nắm được vật tự thân, (la chose en soi). Mắt trông thấy cái bình, là thấy cái sắc tướng của nó, chớ không phải là thấy bình tự thân. Nói về một tri căn (buddhindriya) như thế. Nói về các tri căn khác cũng thế. Như mũi biết được mùi của vật, không biết được vật tự thân. Vậy các tri thức thuộc về một vật, góp lại cũng chỉ biết được sắc tướng của nó, không thể biết được thật thể của nó.
Nói về hiện lượng như thế. Còn tỹ lượng thì dựa vào hiện lượng mà xem nghĩa, cũng không biết được thật thể. Như hiện lượng thấy màu, tỹ lượng dựa vào đó mà biết cái nghĩa của màu, không sao biết được cái thể của màu, tức là không sao biết được cái thể của vật có màu ấy.
Biết được thể, chỉ nhờ ở nơi « phi lượng ». Cái thể vốn siêu quá nhận thức. Lý không biết được nó. Chỉ tình là bảo rằng thể phải có mà thôi. Bởi lý không biết, mà tình rằng có, nên gọi là phi lượng. Phi lượng hàm ý nghĩa phi tri thức.
Mắt ta trông thấy màu trắng. Ta có cái cảm giác, rồi có cái tri giác về màu trắng đó (perception du blanc). Ta hiểu được nghĩa của màu trắng. Nhưng còn cái thật thể của màu trắng (la blanchéité) chỉ có phi lượng là hiểu nó thôi.
Tri thức của ta phải dựa vào cảm giác mà mới có. Cho nên tri thức bị cảm giác làm giới hạn cho nó. Nhưng cảm giác không phải là tri thức. Cho nên tri thức ngoài cảm giác.
Dựa vào cảm giác, cho nên tri thức lấy giới hạn nơi cảm giác. Ngoài cảm giác, cho nên tri thức lại không có giới hạn.
Như thế phật giáo chủ trương không giống các học thuyết khác. Trong giới hạn vẫn có tri thức, mà ngoài giới hạn tri thức vẫn còn. Trong giới hạn thì hiện lượng và tỹ lượng biết được. Ngoài giới hạn thì phi lượng đem tri thức lại cho ta. Nhưng tri thức không thể cho biết cái mà ta biết bằng phi lượng, tức là cái bổn thể. Cho nên nói: phi lượng hàm ý nghĩa phi tri thức.