Phật giáo triết học/III-II-4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

4. Nhân minh luận. — Ở xứ Ấn Độ, những học phái nào phát triển cũng đều có nhân minh luận. Nhưng sáng thiết ra nhân minh luận là phái Nyâya (nghĩa là phái chánh lý). Truyền rằng thỉ tổ của phái nầy là Gotama (trùng tên với Phật Thích già) cũng gọi là Aksapada. Người Tàu dịch nghĩa chữ Aksapada là Túc Mục. Lịch sử của Túc Mục thất truyền. Người đời duy biết được học thuyết của nhà luận-lý-học nầy mà thôi.

Nhưng các nhà học giả khảo hạch quyển kinh Nyâya, (mà cựu truyền cho rằng của Túc Mục viết) quyết đoán rằng: cứ thể tài và lập thuyết trong kinh ấy, thì không phải là kinh nầy do một tay hay một thời đại tạo ra, và có lẽ nó xuất hiện lối thế kỷ thứ ba trước tây nguyên. Nó được hoàn chỉnh là về lối thế kỷ thứ tư hay thứ năm sau tây nguyên.

Đây không thuật lại nhân minh luận của phái Nyâya, chỉ thuật nhân minh luận của Trần Na (Jina Bôdhisattva) đã cải cách.

Trần Na có quyển luận gọi là Nyâya Pravêça Târaka Çâstra (Nhân minh bát chánh lý luận). Đại lược Trần Na chủ trương rằng: để tự ngộ chỉ có hiện lượng và tỹ lượng. Đã tự ngộ rồi, muốn làm cho người khác cùng ngộ (ngộ tha) Trần Na dùng phép « tam chi ». Nguyên phái Nyâya đặt ra « ngũ chi » Thí dụ:

1. Tông. — Trên núi kia có lửa.

2. Nhân. — Bởi vì có khói.

3. Dụ. — Phàm chỗ có khói tất có lửa, như ở bếp kia.

4. Hiệp. — Trên núi kia có khói.

5. Kết. — Cho nên biết là có lửa.

Trần Na giảm hai chi sau, chỉ còn giữ có ba chi: tông, nhân, dụ. Tam chi ấy không khác nào tam đoạn luận, mà lật ngược lại. Tông, tức là chỉ cái tông nghĩa (nghĩa gốc), đã thành, đã phân biệt rồi.