Phật giáo triết học/III-II-3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

3. Bổn chất của tri thức.— Vấn đề bổn chất của tri thức trong mấy chương trên tuy không nói rõ ra, nhưng đã có đá động đến rồi. Các học phái trong triết học ấn độ luận về vấn đề nầy đều bảo rằng những cái cực vi hòa hiệp lại làm đối tượng (objet) cho tri thức. Nghĩa là lìa tri thức ra đối tượng của tri thức vẫn có thật. Như thế là chủ trương một thứ thật tại luận chất phác (réalisme grossier).

Đại thừa phật giáo về vấn đề bổn chất của tri thức, có phái duy thức luận là nói được tách bạch hơn hết.

Thuyết duy thức khác hẳn với thật tại luận chất phác đã nói trên đây. Thuyết duy thức chủ trương rằng: cái dẫn tri thức đến cho ta, chỉ là tri thức của ta biến ra mà thôi. Như thế thì cái biết của ta nằm trong cảm giác của ta, chớ không phải nằm trong thể chất của sự vật. Đều ấy nơi nói về a-lại-da thức đã tường rồi.

« Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. » Một câu ấy thật là ách yếu của đại thừa phật giào. Thức ở đây, là cái thức « tự thể », không phải cái « dụng » của thức, như nơi triết học âu tây. Thức tự thể ấy biến ra tri thức trong khi nó tác dụng.

Thức, của duy thức luận, nó như thế, cho nên ta không được nói là nó có ngang có giọc, hay có thể lượng. Nhưng mà bảo rằng nó là vô thể thì cũng không nhằm. Nó cùng chân như không rời nhau, mà không cùng là một.

Tâm, ở trong câu « tam giới duy tâm » là chỉ ý thức. Duy thức luận vẫn nói luôn: « Tam giới duy thức ».

Tóm lại, không có chi lìa thức mà có.

Trái lại, cái mà ta biết được (sở giác, sở thức) vẫn là do thức mà biến ra nó.