Bước tới nội dung

Phật giáo triết học/III-IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

IV Luân lý trong phật giáo.

Căn bổn của triết học phật giáo là ở nơi phiếm thần quan. Theo quan niệm nầy thì vạn vật là nhứt như, là bình đẳng. Tuy vạn hữu có thiên sai vạn biệt, mà thật ra nguồn gốc nó là một, nơi thật tại, không có thiện có ác gì.

Không thiện không ác, tà chánh nhứt như, cái tư tưởng ấy đã nảy ra, thì căn bổn của luân lý đạo đức không cầu đâu mà được. Song le đó là về phương diện phiếm thần quan, chớ nếu xét về phương diện sai biệt thì lại phát sanh ý nghĩa đạo đức.

Vạn hữu có thiên sai vạn biệt, có sanh diệt chuyển biến, ấy là cái tướng của sự mê vọng. Trong cảnh giới mê vọng ấy, không có được thật ngã. Như thế tất phải cần giải thoát.

Cảnh giới mê vọng có được, là tại ta lầm tạo nghiệp. Cho nên muốn giải thoát phải phá lầm, phải diệt nghiệp. Do tư tưởng như thế phát sanh chủ nghĩa cấm dục.

Luân lý của tiểu thừa phật giáo không ngoài cái khuôn khổ cấm dục đó. Tức là một chủ nghĩa tiêu cực.

Đại thừa phật giáo, trái lại, không cho hiện tượng là mê vọng, mà cho hiện tượng cùng thật tại là nhứt như. Nghĩa là vạn hữu vẫn là nhứt như. Thân tâm ta cũng là hiện tượng, nó cũng là nhứt như. Ta không được tưởng tượng có thật ngã đứng riêng biệt. Như thế đại thừa phật giáo chủ trương vô ngã. Nhưng cái vô ngã ấy vẫn lẩn trong đại ngã (paramâtman)

Tư tưởng ấy dẫn phái đại thừa vào đường luân lý: đối với tự kỷ thì khắc kỷ, mà đối với kẻ khác thì giữ chủ nghĩa lợi tha, chủ nghĩa đại bi, bởi xem kẻ khác cùng mình là đồng thể nhứt như. Do đó đại thừa phật giáo theo chủ nghĩa tích cực mà hoạt động: tự giác nhi giác tha.

Chủ nghĩa khắc kỷ của đại thừa giáo không phải là chủ nghĩa cấm dục của tiểu thừa giáo, mà là chủ nghĩa tôn trọng chủ quan, chủ nghĩa nghiêm túc, để đạt đến viên mãn phật tánh mà vào cõi thường lạc, hay tịnh thổ.

Tiểu thừa giáo theo giới luật cấm dục. Đại thừa giáo thì không ra ngoài sáu cái « ba la mật » (pâramitâ): một là bố thí (dâna, tàu dịch âm đàn-na); hai là trì giới (çîla) tức là ngăn đều ác để được đều thiện; ba là nhẫn nhục (ksânti); bốn là tinh tấn (virya); năm là thiền định (dhyâna); sáu là trí tuệ (prajna). Sáu ba-la-mật ấy tức là đối với tự kỷ thì khắc kỷ, đối kẻ khác thì bác ái.

Tiểu thừa giáo lấy cái kết quả của hành vi mà phân biệt thiện ác. Đại thừa giáo không dựa nơi kết quả luận như thế, mà dựa nơi tâm pháp giới thể, bảo rằng: « nhứt niệm khởi, thiện ác dĩ phân ». Tức là đại thừa giáo dựa nơi động cơ luận, mà khắc kỷ, bác ái.