Bước tới nội dung

Phật giáo triết học/IV-6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Thiên Thai tông.

Thiên Thai tông lấy kinh Pháp Hoa làm gốc, cho nên cũng gọi là Kinh Tông. Tông nầy gây dựng ở nước Tàu, thời Trần Tùy (thế kỷ thứ sáu) bởi Tuệ Văn thiền sư. (Xem ở phần trên).

Tuệ Văn đọc Trung Luận có những câu phẩm kệ rằng:

« Nhân duyên sở sanh pháp,
« Ngã thuyết tức thị không.
« Diệc danh vi giả danh.
« Diệc thị trung đạo nghĩa.»

Theo cái lý trung đạo đó, Tuệ văn lập ra nhứt tâm tam quan: không quan, giả quan, trung quan.

Thế giới quan.— Sánh với các tông đại thừa giáo khác, thì Thiên Thai tông là độc đoán (dogmatique), là diễn dịch,

Nhứt tâm tam quan, là chỉ về nhứt như. Thiên Thai tông chủ trương rằng: « Chư pháp duy nhứt tâm.» Tâm ấy như thế nào?

Đáp rằng: không nói tâm ở trước, còn nhứt thiết pháp ở sau. Cũng không nói nhứt thiết pháp ở sau, còn tâm ở trước. Nếu bảo rằng nhứt tâm sanh ra nhứt thiết pháp thì không được. Nếu bảo rằng tâm nhứt thời bao hàm nhứt thiết pháp thì cũng không được. Tâm vốn là nhứt thiết pháp, nhứt thiết pháp ấy là tâm. Hai cái không phải là khác, cũng không phải là một.

« Chư pháp duy nhứt tâm.» Tâm ấy tức là chúng sanh. Tâm ấy tức là Bồ tát phật. Sanh tử cũng là ở nơi tâm ấy. Niết bàn cũng là ở nơi tâm ấy.

Tâm bao tàng tất cả.

Mà luận cứu đến nhứt tâm, phải lấy tam quan: không quan, giả quan, trung quan.

Trong không quan có giả với trung, không phải tuyệt nhiên là không. Trong giả quan có không với trung, không phải tuyệt nhiên là giả. Trung quan phải dung nạp hết hai cái không với giả không thế, không phải là trung đạo.

Nếu cứ giả mà xem, thì có chi là không giả? Nếu cứ không mà xem, thì chi không phải là không? Trung, thì thống hiệp cả giả với không. Ngoài cái trung ra không có giả không gì cả.

Lấy một trong ba, tức là gồm hết cả ba, không có cái nào sau cái nào trước, không có cái nào sanh ra cái nào.

Xét về lý thể của chân như với tâm và vật, ba cái ấy quan hệ nhau, thí dụ như thấp tánh (hygrométricité), nước và sóng. Lý thể của chân như cũng như thấp tánh. Tâm cũng như nước. Vật cũng như sóng.

Ngoài thấp tánh không có nước. Ngoài nước không có sóng. Ngoài chân như không có tâm. Ngoài tâm không có vật.

Chân như, tâm với vật, ba cái quan hệ nhau như thế, cho nên ba cái không rời nhau, mà không là một, không là khác.

Nhân sanh quan.— Về nhân sanh quan Thiên Thai tông không có chủ trương yếm thế, mà thật là lạc thiên (optimisme).

Các phái đều cho hiện tại là mê vọng, cho nên chung cuộc giải thoát phải ra khỏi thế gian. Thiên Thai tông thì cứ trong hiện tại mà tìm chỗ lý tưởng. Thiện, ác, chân, vọng, đối với tông nầy chỉ là một sự hoạt động của thật tại. Vì thế cho nên không cưỡng cầu giải thoát khỏi cái hiện tượng giới sanh diệt chuyển biến.

Trong cõi sanh diệt vô thường, tìm đến cái lực thường trụ, bất sanh bất diệt của thật tại. Hiện thân tức phật, bà-sa tức là tịch tịnh.

Như thế thì nhân tâm, trong hiện tượng giới, gồm cả thiện ác hai tánh. Muốn dứt điều ác, không thể không lìa điều thiện. Bởi thiện ác chỉ do một tâm tác dụng mà thôi, hai cái không có cái nào độc tồn được. Cho nên Phật chẳng làm lành, chẳng làm dữ.

Cõi thế gian phải có dinh hư tiêu trưởng, vinh khô thạnh suy, tập hiệp ly tán. Vô thường như thế là chân tướng của thế giới sống. Nếu không sanh diệt chuyển biến, thì là thế giới chết.

Vì thế nếu cưỡng cầu hữu thường trong cõi vô thường thì là ngu đã đến mực. Đã là vô thường thì cứ nhận nó là vô thường, đã là sanh diệt thì cứ nhận nó là sanh diệt. Như thế mới là thánh nhân, khác với phàm phu.

Nghịch với lý của thật tại là phàm, thuận với là thánh. Cho nên nếu cầu thánh ở « bỉ ngạn » là ngu đã đến mực.

Bổn nghĩa của nhân sanh là phải thuận ứng với hiện tại thế gian mà hoạt động.

Giải thoát luận.— Thế gian như trên đã xét ra thì muốn giải thoát phải cầu ở nơi thấu suốt chân lý, thoát ly chấp trước. Kết cuộc phải triệt ngộ thật tướng của vũ trụ, mà do vô vi, vô niệm, đạt đến hoạt động của đại ngã, đại vi. Ấy là tích cực giải thoát vậy.

Giải thoát như thế, thì đối với xã hội không lấy thái độ tiêu cực mà bỏ trách nhiệm; còn đối với tâm, mặc dầu có tánh chất tiêu cực, nhưng lại dùng phương pháp tích cực của văn tự ngôn ngữ mà cầu đạt đến thật tại, lấy nhứt trí với thật tại làm mãn quả.