Bước tới nội dung

Phật giáo triết học/IV-7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Hoa nghiêm tông.

Hoa nghiêm tông căn cứ ở kinh Hoa Nghiêm sáng lập ở bên Tàu do hai thầy trò Đỗ Thuận Trí Nghiễm đời Tùy Đường.

Thế giới quan. — Theo Hoa Nghiêm tông thì vạn hữu có sáu tướng, là; tổng, biệt, đồng, dị, thành, hoại.

Sáu tướng ấy do kinh nghiệm sự thật mà nhận ra. Tổng biệt cùng đối nhau, đồng dị cùng đối nhau, thành hoại cùng đối nhau, gọi là tam đối lục tướng.

Tổng, đồng, thành, ba tướng ấy chỉ nghĩa vô sai biệt. Biệt, dị, hoại, ba tướng nầy chỉ nghĩa sai biệt

Vạn vật đều có hai cái nghĩa sai biệt và vô sai biệt ấy. Vạn vật đều có sáu tướng ấy.

Hai nghĩa sai biệt với vô sai biệt cùng làm biểu lý cho nhau, không rời nhau. Khi phát ra thì phân làm hiện tượng giới và thật tại giới. Khi cùng tương y nhau, không rời nhau, thì hiện tượng tức là thật tại, thật tại tức là hiện tượng.

Vạn hữu có tam đối lục tướng là do thập huyền diệu lý duyên khởi.

Thập huyền diệu lý, lục tướng viên dung, mà sanh ra cái lý « sự sự vô ngại ».

Sự sự vô ngại luận là cái đặc trưng trong giáo lý của Hoa Nghiêm tông.

Thập huyền là:

1. Đồng thời cụ-túc tương ứng.

2. Nhứt, đa, tương-dung bất-đồng.

3. Chư pháp tương-tức tự-tại.

4. Nhân đà-la[1] vong cảnh giới.

5. Vi-tế tương-dung an lập.

6. Bí mật ẩn hiển câu thành.

7. Quảng hiệp tự tại vô ngại.

8. Thập thế cách pháp dị thành.

9. Chủ, bạn, viên minh cụ đức.

10. Thác sự hiển pháp sanh giải.

Đó là thập huyền duyên khởi môn. Môn thứ nhứt (Đồng thời cụ túc tương ứng) thuộc về tổng tướng. Chín môn kia thuộc về biệt tướng. Một môn đầu gồm chín môn sau, chín môn sau qui kết nơi môn đầu.

Vạn hữu, tuy là mỗi mỗi biệt lập, mà ở trong vẩn có mạch lạc, có cùng nhau chằn chịt, duyên khởi tồn tại. Cho nên cứ nơi một vật cũng có thể thâu hết vạn vật.

Vạn vật có thể thâu vào nhứt vật, đó là nói về môn « tương nhập » ở nơi tác dụng.

Một vật có, thì bao nhiêu những cái khác, vô thể, gồm vào cái hữu thể kia. Bởi trong vạn vật, cái nầy cái nọ cùng đồng thể nhau không có sai biệt. Một vật có thể nói là vạn vật, vạn vật có thể nói là một vật. Đó là nói về môn « tương tức » ở nơi thật thể. (Tương tức, nghĩa là cùng nhau, cái nầy tức là cái nọ, cái nọ tức là cái nầy.)

Dị thể tương nhập, đồng thể tương tức, đó là cái lý của « sự sự vô ngại ». Trong không gian, trong thời gian, một với nhiều cùng dung nhau (nhứt, đa, tương dung), dài với vắn cùng dung thông nhau, chủ với bạn đều cụ túc.

Lục tướng viên dung, thập huyền môn tương tức, tương nhập, cho nên đa tức là nhứt, nhứt tức là đa. Cá tâm, bởi đó cũng tức là phổ biến tâm; cá nhân tức là quốc gia, tức là vũ trụ. Một vật tồn tại, là do lực của vô lượng vật khắp thập phương ở quá khứ, hiện tại, vị lai. Đồng thời, một vật ấy, cũng lại cùng với nhứt thiết vạn hữu ở tam thế thập phương, cùng giao thiệp nhau. Một vật ấy làm chủ, vạn vật làm bạn. Một vật ấy lại làm bạn của vạn vật ở tam thế thập phương. Như thế chủ bạn cụ túc, quan liên nhau trùng trùng vô tận,

Tóm lại, thế giới quan của Hoa Nghiêm tông có hai phương diện. Một luận về « nhứt tâm pháp giới », hai luận về « duyên khởi vô tận của pháp giới ».

« Nhứt tâm pháp giới » gồm lý và sự trong ấy. Mà trong sự sự đều có thập huyền diệu lý, lục tướng viên dung, cho nên rằng « sự sự vô ngại »

Nói rằng: nhứt đa tương dung, chủ bạn cụ túc, sự sự vô ngại, là không phải phá hoại tánh chất riêng của mỗi vật, cũng không phải biệt lập tánh chất của một vật.

Nếu biệt lập một vật thì phá hoại nhứt thiết vật khác, như thế có gì là còn. Như nếu lấy cá nhân làm chủ, thì ngoài cá nhân không có quốc gia. Nếu lấy quốc gia làm chủ, thì ngoài quốc gia, cá nhân sao có biệt lập được. Hai cái phải cùng nhau chủ bạn cụ túc, cùng nhau tương dung.

Nhân sanh quan — Do thế giới quan trên đó nhân sanh quan trong Hoa Nghiêm tông không khác nơi Thiên Thai tông. Hai tông đều không phá thế gian tướng. Chánh trị, pháp luật, quân quốc, đều vào trong luận nghị, không xem tông giáo với chánh trị riêng biệt nhau.

Giải thoát quan.— Theo Hoa Nghiêm tông giải thoát vẫn không phá hoại thế gian tướng, mà vẫn lập thành thế gian tướng. Xét được mà phân biệt chân vọng, khử trừ điên đảo, khiến cho tâm thanh tịnh, để cùng thật tại nhứt trí: giải thoát ở chỗ đó.

  1. Đà la (dhara) nghĩa là cầm trong tay, đựng chứa.