Phật lục/III-3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

QUAN-THẾ-ÂM BỒ-TÁT

觀 世 音 菩 薩

Quan-thế-âm là một vị Đại Bồ-tát rất có lòng từ-bi hay cứu khổ cứu nạn, cho nên ở đâu đâu cũng thờ Ngài và tụng niệm đến danh-hiệu của Ngài. Ba chữ Quan-thế-âm 觀 世 音 có cái nghĩa rất sâu-sa, tỏ ra là trong thế-gian chỗ nào, lúc nào, cũng có tiếng kêu đau, kêu khổ, thật là đáng thương đáng xót. Nhờ có Phật và có Bồ-tát mở lòng từ-mẫn đem phép mầu-nhiệm mà cứu vớt chúng sinh, cho nên đạo Phật là đạo từ-bi bác-ái vô cùng.

Kinh Pháp-hoa nói rằng: Khổ não chúng sinh, nhất tâm xưng danh, Bồ-tát tức thì quan kỳ âm thanh, giai đắc giải-thoát. Dĩ thị danh Quan-thế-âm 苦 惱 衆 生 一 心 稱 名,菩 薩 即 時 觀 其 音 聲,皆 得 解 脫. 以 是 名 觀 世 音: Những chúng sinh bị khổ-não mà nhất tâm đọc đến tên Bồ-tát, tức thì Ngài xem âm thanh của chúng sinh mà độ cho được giải-thoát. Bởi thế gọi tên Ngài là Quan-thế-âm.

Đức Quan-thế-âm mà có cái danh-hiệu ấy là do một đức Phật đã thụ-ký cho Ngài, cho nên chính Ngài nói trong kinh Lăng-nghiêm rằng: « Về vô-số kiếp đời xưa có đức Phật ra đời hiệu là Quan-thế-âm Như-lai 觀 世 音 如 來. Ta đến trước Phật mà phát bồ-đề tâm. Phật dạy ta theo ba phép văn 聞, 思, tu 修, nghĩa là nghe lời giảng dạy, suy nghĩ về đạo lý và tu-hành mà vào tam-ma-đề (Samadhi). Phật khen ta chóng được viên-thông pháp-môn và tức thì ở ngay chỗ đại hội thụ-ký cho ta cái hiệu là Quan-thế-âm ». Như thế là Ngài được lấy cái danh-hiệu của bản-sư làm danh-hiệu của mình vậy.

Người đời thường gọi tắt là Quan-âm có người cho là về đời nhà Đường bên Tàu, người trong nước kiêng chữ thế 世, là tên vua Thái-tôn, cho nên mới bỏ chữ ấy đi, rồi sau thành quen.

Quan-thế-âm Bồ-tát còn có hiệu là Quan-tự-tại Bồ-tát 觀 自 在 菩 薩, lấy nghĩa chữ quan 觀 là khảo xét khắp trong thế-giới, và chữ tự tại 自 在, là bao giờ cũng tự kỷ thường tại để trừ sự khổ, ban sự vui cho chúng sinh. Quan-thế-âm Bồ-tát hay Quan-tự-tại Bồ-tát đều do nghĩa chữ phạm là Avalokitésvara Bodhisattva mà dịch ra. Tiếng phạm còn gọi Quan-thế-âm là Padmapâni, dịch nghĩa ra là Liên-hoa-thủ 蓮 花 手.

Bởi vì đức Quan-thế-âm có phép thần-thông quảng đại, thường hay biến hiện ra nhiều sắc-tướng để trừ sự khổ-não, cho nên trong kinh nhà Phật có nơi nói có sáu vị Quan-thế-âm, có nơi nói có bảy vị Quan-thế-âm, lại có nơi nói có ba-mươi-ba vị Quan-thế-âm. Nhưng thường thì chỉ xưng-hô một tiếng Quan-thế-âm, tức là gồm hết cả các vị Quan-thế-âm khác.

Trong các danh-hiệu và sắc-tướng của đức Quan-thế-âm, ta nên biết mấy danh-hiệu sau này:

1.— Quan-âm vô-úy 觀 音 無 畏. Danh-hiệu này là do ở phẩm Phổ-môn trong kinh Pháp-hoa nói rằng: « Quan-thế-âm Đại Bồ-tát thường dùng phép bố-thí vô-úy để cứu chúng sinh trong cơn cấp-nạn sợ-hãi.

2.— Nam-hải viên-thông giáo-chủ đại-từ đại-bi, tầm thanh cứu khổ linh-cảm Quan-thế-âm Bồ-tát 南 海 圓 通 教 主,大 慈 大 悲,尋 聲 救 苦,靈 感 觀 世 音 菩 薩. Nghĩa là đức Quan-thế-âm làm giáo-chủ đạo viên-thông ở miền Nam-hải, thường tìm tiếng kêu mà cứu khổ, rất cảm-ứng và rất thiêng-liêng. Bởi vì ngài tuy đã gần thành Phật, nhưng vì lòng thương-xót chúng sinh, muốn ở miền thế-gian để cứu khổ cứu nạn. Vậy nên trong kinh nói rằng ngài thường trụ ở miền Nam-hải.

Tượng đức Quan-âm có 32 tay

3.— Thiên-thủ thiên-nhỡn Quan-thế-âm Bồ-tát 千 手 千 眼 觀 世 音 菩 薩. Ngài có thần-thông quảng-đại, cứu-độ chúng-sinh, không đâu là Ngài không thấy, không việc gì là Ngài không làm được, cho nên Ngài có sắc-tướng là một vị có nghìn tay nghìn mắt.

4.— Chuẩn-đề Quan-âm 準 提 觀 音. Ngài là một ứng-thân trong sáu Quan-âm. Theo đúng trong sách thì tượng Ngài tạc có ba mắt và mười-tám tay, mình mặc áo sắc trắng vẽ hoa.

5.— Phật-bà Quan-âm. Xem trong các kinh-điển và những bức tranh vẽ của các nhà danh-họa từ đời Đường về trước, thì không đâu tỏ ra đức Quan-âm có tướng đàn-bà. Bởi vì Phật và Bồ-tát không có phân biệt nam tướng hay nữ tướng gì hết cả.

Thế mà ta thường nghe gọi là đức Phật-bà Quan-âm và lại thấy các tượng của Ngài hình-dung là người đàn-bà.

Nguyên về đời nhà Nguyên bên Tàu có tăng-nhân, tức là Đạo-tuyên luật-sư 道 宣 律 師 ở Nam-sơn làm ra một truyện nói rằng: « Luật sư thường hỏi thiên-thần về cái duyên khởi của đức Quan-thế-âm. Thiên-thần đáp lại rằng: Về kiếp quá-khứ có một người tên là Hoa-nghiêm, vợ là Báo-ứng, sinh ra được ba người con gái. Người chị cả tên là Diệu-Nhan 妙 顏, chị thứ tên là Diệu-Âm 妙 音, em thứ ba tên là Diệu-Thiện 妙 善. Diệu-Thiện đi tu đắc-đạo có tướng thiên-thủ thiên-nhỡn, tức là tượng của đức Quan-thế-âm. Về sau có nhà làm tiểu-thuyết nhân truyện ấy mà đặt ra một truyện nói vua Trang-vương nước Sở có ba người con gái, người con út tên là Diệu-Thiện đi tu thành Phật. Người Việt-nam ta cũng nhân truyện ấy mà làm ra truyện Phật-bà Quan-âm, nói rằng Ngài tu ở động Hương-tích, thành Phật, có thiên-thủ thiên-nhỡn. Bởi vậy ở trong truyện ấy có câu:

Rằng trong cõi nước Nam ta.
Bể Nam có đức Phật-bà Quan-âm.

Truyện ấy lưu truyền ra ở chỗ dân-gian, ai cũng cho đức Quan-âm là Phật-bà, và khi vào các chùa thấy pho tượng có nhiều tay nhiều mắt, thì người ta gọi là tượng Mụ-Thiện, hay tượng Phật-bà.

Lại xét trong các sách của người Tàu, có nhiều chuyện nói đức Quan-âm hiện ra hình-dung người đàn-bà đẹp để cứu-độ những người mắc phải tai-nạn hoặc để giáo-hóa người đời. Ngay như truyện Thị-Kính là truyện người đàn bà có tính nhẫn-nhục mà tu đắc-đạo, người ta cũng nói là đức Quan-âm hiện hình ra, cho nên ta vẫn gọi là đức Quan-âm Thị-Kính, và cũng có tượng để thờ ở trong chùa. Tượng đức Quan-âm Thị-Kính thường gọi là tượng Quan-âm tông-tử.

Bởi những chuyện như thế lưu truyền ở dân-gian, và lại có những nơi khuê-các, các bà thờ tượng đức Quan-âm làm thành nữ-thân, lâu dần người ta tin ngài là đàn-bà. Song xét kỹ ra, sự tin ấy không phải là sự sai lầm hẳn, là vì xem ở trong kinh Lăng-nghiêm có chỗ nói rằng: « Đức Quan-âm tu được cái thể viên-thông, trên hợp với cái diệu-tâm của chư Phật, dưới đồng với sự trông ngóng xót-thương của chúng-sinh, mà hiện ra ba-mươi hai sự ứng-hóa và làm mười-bốn phép bố-thí vô-úy để tế-độ chúng-sinh ». Vì thế có khi Ngài hiện ra làm Phạm-thiên-vương hoặc làm Đế-Thích; có khi Ngài hiện ra làm một vị Thiên-vương hoặc làm một vị Thiên-tướng; có khi Ngài hiện ra làm ông vua, hoặc làm ông quan; có khi Ngài hiện ra làm người trưởng-giả, hoặc người cư-sĩ, hoặc người tu-hành; có khi Ngài hiện ra làm vị sư-ni, hoặc làm người đàn-bà, hoặc người con gái vân vân. Ngài dùng đủ 32 phép ứng-hóa ấy để ở đâu và hạng người nào có sự khổ-não, thì Ngài theo hạng người ấy mà hiện ra ở đấy, hoặc để thuyết-pháp giảng đạo, hoặc để cứu vớt những người bị khổ-ách. Nếu vậy dù người ta có tin ngài là nữ-thân, thì cũng chỉ là một cái ảnh-tượng về cái hóa-thân của Ngài mà thôi. Và trong kinh Đình-thủy 停 水 經 nói rằng: đức Quan-âm có năm trăm hóa-thân, vậy thì dù Ngài có là nữ-thân nữa, cũng không phải là một hóa-thân nhất định của Ngài.

Xét về những công-đức và sự-trạng của đức Quan-thế-âm Bồ-tát ở trong Phật-giáo, thì phái Đại-thặng có thuyết nói rằng: đức Quan-thế-âm là do đức Phật A-di-đà phát hiện ra để trông coi sự sinh-hóa của thế-gian hiện-tại bây giờ; có thuyết thì nói rằng: đức Quan-thế-âm là một vị Bồ-tát hiện ra sau khi đức Thích-ca-mầu-ni Phật đã vào nát-bàn rồi, để hộ-trì Phật pháp, cho đến khi đức Di-lặc giáng thế thành Phật. Nhất là ở bên Tây-tạng, người ta cho là Ngài hóa thân làm Đạt-lại La-ma 達 賴 喇 嘛 (Dalai Lama) tức là vị Phật-sống ở xứ ấy. Mỗi khi vị Đạt-lại La-ma mất, thì Ngài lại hiện vào một đứa trẻ, để dân Tây-tạng tìm mà rước về tôn lên làm Đạt-lại La-ma khác. Hiện nay tục ấy hãy còn.

Câu thần-chú rất linh-diệu của Quan-thế-âm Bồ-tát là: Úm ma-ni bát-mê hùm! 唵 嚤 呢 叭 𡁠 吽 (Om mani padmê hùm).

Nay ở các chùa thờ Di-đà tam-tôn, để tượng đức A-di-đà ở giữa, tượng đức Quan-thế-âm bên tả, và tượng đức Đại-thế-chí bên hữu, và người ta vẫn tin theo cái thuyết đã nói ở trong kinh Bi-hoa, cho đức Phật A-di-đà là vua Vô-tránh-niệm, mà đức Quan-thế-âm Bồ-tát là người con trưởng và đức Đại-thế-chí là người con thứ của vua. Song đạo pháp của Phật vô-thượng vô-biên, ta không thể lấy cái trí thấp hèn mà suy lượng cho hết các ý nghĩa được. Ta chỉ biết rằng đức Quan-thế-âm là một bậc đại Bồ-tát đã tu gần thành Phật, có thần-thông rất lớn, thế mà chỉ vì trông thấy chúng sinh đau-đớn khổ-sở ở chỗ trần gian, đem lòng đại-từ đại-bi, phát lời thệ-nguyện cứu cho hết mọi loài, rồi mới thành Phật. Ngài nói rằng; « Hễ ở đâu có con ruồi con muỗi phải đau khổ là có ta ở đó ». Mấy lời từ-ái chứa-chan ấy, thật là chứng rõ đạo Phật là đạo từ-bi bác-ái vô-cùng vậy.