Bước tới nội dung

Phụ nữ Thời đàm đổi làm tuần báo

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Phụ nữ Thời đàm đổi làm tuần báo  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 1 (17. 9. 1933), trang 1-3.

Phụ nữ Thời đàm ra hằng ngày được 24 tháng rồi tạm đình bản một độ. Nay ra lại, lại đổi làm tuần báo.

Từ nhật báo biến làm tuần báo, người ngoài trông vào có thể cho là một sự thoái hóa. Nhưng chưa chắc. Nếu là thoái hóa hay nếu là tiến hóa, cũng còn đợi sau này mới biết: hôm nay chưa nên lấy một sự thay đổi như thế mà phê bình vội.

Sự cải cách bao giờ cũng là sự tiến hóa. Bằng như chẳng tiến hóa thì có cần cải cách làm chi? Theo nghĩa ấy thì sự thay đổi của Phụ nữ Thời đàm lần này có lẽ quyết cho nó là tiến hóa.

Thế nhưng đã đợi thì hẵng đợi xem. Hôm nay việc cần nhất là chúng tôi nên bày tỏ cái việc thay đổi mà chúng tôi đương làm.

Ra mắt độc giả 24 tháng, mỗi ngày bốn trang lớn, tờ Phụ nữ này trước kia cũng như các báo hằng ngày khác, chẳng lấy gì đặc biệt làm một tờ báo thuộc về phụ nữ. Vì cớ ấy mới thay đổi: đổi ra tuần báo, ắt có vẻ đặc biệt hơn, ấy là theo chúng tôi tin.

Cái tôn chỉ của bản báo, từ nay mà đi, là cốt để nâng cao tri thức của phụ nữ và để bênh vực quyền lợi cho phụ nữ.

Nâng cao tri thức, nghĩa là tuỳ theo trình độ của chị em mà chúng tôi sẽ hiến cho những điều thiết thực ở đời, cần phải biết; hầu cho khi đọc xong tờ báo này, chị em cũng được bổ ích về tinh thần như được bổ ích sau khi ở lớp học mà ra. Nhờ những bài nghiên cứu, phê bình trong này, chúng tôi sẽ đưa chị em đến một cõi tư tưởng chính đáng mà xác thực; mong rằng nếu có ai lâu nay sống trong chiêm bao thì, sau khi đọc Bản báo, sẽ biết sống trong một cái đời thực tại.

Bênh vực quyền lợi, nghĩa là chúng tôi không đánh đổ hiện trạng của xã hội mà cứ tùy theo hiện trạng để yêu cầu cho chị em những quyền lợi đáng được và vãn hồi cho những quyền lợi đã mất. Cái quyền lợi nào mà bên nam giới chưa hưởng được thì chúng tôi không dại gì đòi cho nữ giới được hưởng; vì chúng tôi nghĩ làm như thế là vu khoát mà chẳng ích chi. Nói vậy để cho độc giả biết rằng những cái thuyết “nam nữ bình quyền” hay “hôn nhân tự do” mà có kẻ đã phao đồn lên trong xứ này, đều là cái ở ngoài sự đề xướng của chúng tôi.

Như vậy chẳng phải chúng tôi kéo chị em đi giật lùi đâu. Ở đời có hai phương diện: lý tưởng và thực sự. Về lý tưởng thì bao giờ chúng tôi cũng hăm hở mà đi tới, nhưng về thực sự thì cần phải đạp chân sát đất mà bước từng bước một, một bước chắc một bước.

Hai cái đó ‒ tri thức và quyền lợi ‒ là hai cái đại cương của Bản báo, phải cho nó đi song song cùng nhau. Tuy vậy, tri thức lại là phần đáng chú trọng hơn; như chị em vẫn biết, hễ tri thức càng ngày càng cao thì quyền lợi càng ngày càng có, là sự tự nhiên lắm.

Đó là cái tôn chỉ mà Bản báo đã nêu lên như một cái đích để noi theo. Còn kể về nội dung trong tập báo thì từ nay chúng tôi làm mới hẳn, mà về sau còn cứ mỗi ngày một mới thêm ra, hầu cho hợp với cái thời đại mới này.

Mỗi kỳ, ngoài những bài xã thuyết và bình luận thời sự ra, có một bài đại luận thuộc về tính chất nghiên cứu hoặc tư tưởng, vừa tầm với trình độ tri thức của bạn gái ngày nay; lại có những mục “Chuyện cũ nước nhà” để nhắc chừng cho thanh niên về lịch sử bản quốc; mục “Tiểu phê bình” để gợi cái trí phê bình: ấy đều là những mục hệ trọng tỏ ra cái đặc sắc của tờ báo này vậy.

Chúng tôi cũng chú ý đến sự ngu lạc[1] của độc giả nữa. Không muốn để ai đọc tập báo này rồi mà nói rằng “buồn quá” nên thường có đăng những bài vận văn mua vui cùng những bức vẽ đáng phì cười. Ấy không phải là chiều theo tâm lý xã hội, nhưng là gốc bởi cái chủ nghĩa của Bản báo muốn đặt người đời ở trong cõi lạc quan.

Những mục “Gia chánh”, “Nữ công”, “Vệ sinh”, có khi lại thêm “Pháp luật” nữa, đều là những mục các báo phụ nữ khác phải có thì báo này cũng có. Những mục này đều do tay chuyên môn viết ra, không một chữ nào là cẩu thả.

Mục “Nhi đồng” phụ theo, để riêng cho trẻ con, chúng tôi đã nhờ mấy nhà sư phạm biên tập, cốt ở hai ý: làm cho trẻ con vui và làm cho trẻ con khôn.

“Tiểu thuyết” mỗi kỳ hai cái: một đoản thiên, một trường thiên, đều là chuyện quan hệ với phụ nữ. Dầu vậy, chẳng phải ngoài phụ nữ ra thì đọc đến chẳng thấy hay đâu, vì nếu cái bản chất của tiểu thuyết là hay thì hay cả cho mọi người.

*

* *

Lần thứ hai ra mắt độc giả mà cũng kể như lần đầu, Bản báo có mấy lời phi lộ này, mong chị em cùng hết thảy độc giả chú ý đến cho.

Chúng tôi chẳng dám cầu cho ai nấy tin ngay mấy lời chúng tôi phi lộ ở đây. Chúng tôi chỉ cầu cho, sau khi ra ít nhiều số rồi, ai nấy nếu thấy tờ báo này là đáng tin thì đừng phụ!

PHỤ NỮ THỜI ĐÀM[2]

   




Chú thích

  1. ngu lạc: mua vui.
  2. Bài này ký tên tòa soạn, do Phan Khôi chủ trì; vậy có thể tin rằng do P.K. viết.