Bước tới nội dung

Quốc ngữ của bọn cọng sản

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc ngữ của bọn cọng sản  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6235 (1.9.1930), chuyên mục Những điều nghe thấy.

Cọng sản ở nước nào chẳng biết ra làm sao, chớ ở ta đây [. .. .] tiếng thế mà thôi, còn [. . . .] của họ, về phương diện [. . . . .] của họ, mình [. . . . .] biết đằng [. . . . .]

Đến như [. . . . .] nghệ [ . . . . ] ấy chỉ [. . . . . .] được [. . . . . ] an như vậy mà [. . . . . .] của họ đó, có mà [. . . . . .]

Vậy mà có một việc [. . . . ] họ đáng chú ý là việc sửa [. . . . .][1] quốc ngữ.

Trên bức tường trong cái con hẻm kia ở Sài Gòn, thình lình thấy mấy câu khẩu hiệu của bọn cọng sản, người nào viết bao giờ không biết, mà đã bị cào đi gần mất chữ, nhìn kỹ lắm mới ra.

Đã là người phản cọng mà lại còn sợ họa lây đến mình nữa thì có ai thuật những câu khẩu hiệu ấy ra làm chi. Duy có mấy vần quốc ngữ mà họ đã sửa đi đó thì đáng thuật lại.

Trong một câu khẩu hiệu có chữ “Pháp” là nước Pháp thì họ viết là “Fap”. Ấy là họ đổi vần “ph” ra làm vần “f”. Lại “Fap” đó họ không đánh dấu sắc, thấy vậy thì hiểu rằng phàm chữ gì vần trắc mà gặp dấu sắc thì họ bỏ đi.

Trong một câu khẩu hiệu nữa có chữ “gì” thì họ viết là “zì” ; một câu nữa có chữ “dính dấp” thì họ viết là “zính zâp”, - chữ zâp đây cũng không có dấu sắc. - Thế là biết rằng vần “d” và vần “gi” họ nhập làm một mà đổi ra vần “z”.

Lại bao nhiêu những chữ về vần “đ”, họ không viết “đ” mà viết “d” hết. Ấy là họ định bỏ đứt chữ “đ” trong vần quốc ngữ mà đem chữ “d” thay vào.

Theo như những chữ viết trên bức tường đó thì biết được sự cải cách của bọn cọng sản về chữ Quốc ngữ là như vậy.

Chẳng biết trong những truyền đơn của họ mấy lâu nay có phải toàn dùng thứ quốc ngữ mới ấy không ? Hay là chỉ mấy hàng trên bức tường mà thôi ?

Trong chữ quốc ngữ có chữ “đ” là dễ phiền hơn hết. Trong khi viết phải thêm một nét ngang nữa thành ra lôi thôi ; còn trong khi in thì cái nét ngang ấy nó hay sứt mất, cũng lôi thôi nữa.

Còn bỏ “ph” làm “f”, bỏ “d” và “gi”, đánh nhập một làm “z” nghĩ ra cũng tiện.

Phải chi bọn cọng sản đừng có chủ trương sự chia đất và chia lúa mà chỉ chủ trương nội một sự thay đổi quốc ngữ nầy thôi, thì có hại chi ? Song le, họ sẽ nói rằng : Nếu vậy thì sao gọi là cọng sản ?

THÔNG REO

   




Chú thích

  1. Các chỗ này bản gốc bị rách, mỗi chỗ mất từ 2 đến 8 từ.