Bước tới nội dung

Quốc tộ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc tộ - 國祚
của Pháp Thuận

Theo Thiền uyển tập anh, vua Lê Đại Hành hỏi Thiền sư Pháp Thuận: "Vận nước ngắn dài thế nào?". Nhà sư đáp lại bằng bài ngũ ngôn tuyệt cú này. Nhan đề bài thơ theo SGK Ngữ văn 10, Tập 1, NXB Giáo dục ghi là Quốc tộ (國祚) nghĩa là vận nước, có nơi ghi là Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn (答國王國祚之問) nghĩa là trả lời câu hỏi của vua về vận nước. Đây cũng là một trong những bài thơ sớm nhất có tên tác giả của văn học viết Việt Nam.

Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Dịch nghĩa[1]

國祚如藤絡,
南天裏太平。
無為居殿閣,
處處息刀兵。

Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi[2] cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.

Vận nước như dây mây leo quấn quýt,
Ở cõi trời Nam [mở ra] cảnh thái bình.
Vô vi ở nơi cung điện,
[Thì] khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh.

   




Chú thích

  1. Theo SGK Ngữ văn 10, Tập 1, NXB Giáo dục
  2. "Vô vi" nghĩa là không làm gì cả, vốn là lời nói của Lão Tử chỉ lối sống tự nhiên, tuân theo tự nhiên, không làm gì để can thiệp vào tự nhiên. Lão Tử chủ trương người cầm quyền trong nước nếu thực hiện được đạo Vô vi thì đất nước sẽ thịnh trị. Sau này Vô vi được dùng rất rộng rãi nhằm chỉ một đường lối cai trị của một vua sáng, biết tuân theo những quy luật cuộc sống, nhân tình mà đất nước được thịnh trị. Thiên Vệ Linh công sách Luận ngữ của Khổng Tử có câu: "Vô vi nhi trị giả, kỳ Thuấn dã dư?" (Vô vi mà thịnh trị, đó là vua Thuấn chăng?). Chu Hy đời Tống giải ý này như sau: "Vô vi mà thịnh trị vì bậc thánh nhân có đức thịnh nên cảm hóa được nhân dân, không phải làm gì hơn".
    Thuật ngữ vốn của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh, chỉ một thái độ sống thuận theo tự nhiên, được Phật giáo hoá trong các bản kinh dịch để diễn tả khái niệm "Asamskrta" hoặc "asamskrita", "asamskata" hình thành không do nhân duyên tương hợp, vượt lên trên hiện tượng sinh diệt biến hoá, cùng nghĩa với niết bàn