Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/Đối liên

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

ĐỐI-LIÊN


I. Thích nghĩa và phép làm đối-liên. — Đối-liên, hay gọi nôm là câu đối, tức là những câu nho-nhỏ chia làm hai vế, vế nọ phải đối với vế kia, vừa đối ý vừa đối chữ, cả điệu bằng trắc cũng phải đối nhau nữa.

a) Đối ý là đem hai ý gì sóng với nhau mà đặt làm hai vế cho cân.

b) Đối chữ là lấy hai chữ đồng-loại mà đặt ngang với nhau như chữ danh-từ đối với chữ danh-từ, chữ động-từ đối với chữ động-từ, v. v. (xem đoạn giải-thích phép đối về lối thơ tr. 4).

c) Điệu bằng trắc trong đối-liên cũng theo như điệu thơ (xem: tr. 2 3): nếu làm câu đối năm chữ thì theo như thơ ngũ-ngôn, nếu làm câu đối bảy chữ thì theo như thơ thất-ngôn. Nói tóm lại hễ vế trên đã bắt đầu đặt bằng bằng thì vế dưới phải bắt đầu đặt trắc trắc.

II. Các lối đối-liên.

a) Theo về hình-thức ngắn (vắn) dài thì câu đối 4, 5 chữ gọi là câu tiểu đối; 7 chữ gọi là câu đối thơ; câu đối dài mỗi vế chia làm hai đoạn, một đoạn ngắn (vắn) một đoạn dài, gọi là câu đối phú; cũng có khi dài hơn nữa mà mỗi vế có hơn hai đoạn.

b) Theo về ý nghĩa thì có câu tức-cảnh là trông thấy cảnh gì vịnh ngay cảnh ấy, có câu triết-tự là lấy ý trong hình chữ hoặc nghĩa chữ mà đối nhau. Đó là hai lối riêng. Ngoài ra còn nhiều lối khác: câu đối hoặc dùng để bày tỏ cái chí-ý của mình (câu thuật hoài); hoặc để mừng các bậc tôn-trưởng, hay tặng bà con anh em trong những dịp vui mừng (câu đối mừng); hoặc để tỏ lòng thương tiếc người chết (câu đối viếng); hoặc để tán-tụng công-đức tổ-tiên và các vị thần (câu đối thờ). Nhiều khi người ta đặt những câu cầu kỳ cho khó đối, cũng có khi người ta dùng câu đối để châm-chích mỉa-mai nhau.