Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/Phép tắc về lối thơ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
Phép tắc về lối thơ
THƠ

PHÉP-TẮC VỀ LỐI THƠ

Thể-cách văn-chương. — Văn-chương ta có nhiều thể-cách, mỗi thể-cách có phép-tắc riêng. Trước hết nên chia ra làm hai loại lớn: lối có vầnlối không vần.

Trong các lối có vần thì thơ là lối quan-trọng nhất.

Thế nào gọi là thơ? — Thơ là một lối văn có vần (assonance); kể thơ có nhiều lối mà thông-dụng nhất là lối thơ thất-ngôn và lối thơ ngũ-ngôn. Hai lối thơ này có số câu nhất-định, mỗi câu có số chữ nhất-định (mesure), có điệu riêng (rythme), lại phải đối nữa (parallélisme).

§ 1. — Luật thơ

Số chữ. — Ngũ-ngôn mỗi câu 5 chữ; thất-ngôn mỗi câu 7 chữ.

Số câu. — Hoặc thất-ngôn hoặc ngũ-ngôn, gọi là thơ tứ-tuyệt thì mỗi bài 4 câu; gọi là thơ bát-cú thì mỗi bài 8 câu; còn thất-ngôn dài hơn 8 câu, ngũ-ngôn dài hơn 16 câu thì gọi là tràng-thiên hoặc gọi là hành[1].

Làm theo lối thơ nào thì phải đặt đúng số câu và số chữ của lối thơ ấy.

Vần. — a) Vần là gì? Tức là những tiếng đồng âm (identité du son) đứng cuối câu thơ. — Nếu theo vần quốc-ngữ thì những tiếng nào cùng một âm (même son voyelle), hoặc âm bằng, hoặc âm trắc tùy theo lối thơ vần bằng, hoặc vần trắc, không cứ dấu khác nhau đều cùng một vần: như thiên, liên, tiền, biền, cùng một vần; tải, lại, bãi, phái, cùng một vần.

Làm thơ phải hiệp vận cho đúng, nếu trái lệ ấy như nay mà đi với ta hoặc tôilạc-vận không được. Nếu vần hơi sai nhau một tí như tai với ngay hoặc ngươicưỡng-áp (ép gượng) cũng không được.

b) Trong một bài thơ những câu nào phải có vần? Lệ cứ câu đầu và các câu chẵn phải có vần. Vậy trong bài thơ 4 câu có 3 vần (câu 1, 2 và 4), thơ 8 câu có 5 vần (1, 2, 4, 6 và 8). Song lối thơ ngũ-ngôn nếu hai câu đầu đối nhau thì câu đầu không phải vần nữa. — Lối thơ tràng-thiên cũng cứ theo lệ ấy mà đặt dài ra; có khi cả một bài dùng nguyên một vần, hoặc cứ bốn câu, hay tám câu lại đổi dùng vần khác cũng được.

Điệu thơ. — Điệu thơ là cách sắp đặt các tiếng trong câu thơ sao cho êm tai dễ đọc. Tiếng ta có tiếng bằng có tiếng trắc. Muốn phân-biệt tiếng nào là bằng, tiếng nào là trắc, phải biết cách đánh vần.

a) Cách đánh vần. — Như muốn biết tiếng tâm là bằng hay trắc thì phải nói tầm tâm bằng, tấm tẩm (hay tậm) trắc: thế tiếng tâm là bằng. Cách ấy tức là cách đánh vần của các cụ ta ngày xưa. Tập nói thế nhiều lần cho quen, làm thành nhập-tâm, hễ đọc một tiếng lên biết ngay là bằng hay trắc. — Nay theo lối viết chữ quốc-ngữ thì những tiếng gì phải đánh dấu (`) hoặc không phải đánh dấu (bình-thanh) là bằng, mà những tiếng gì phải đánh các dấu (´), (?), (~) (.) là trắc cả.

b) Các điệu thơ. — Bài thơ nào các tiếng trong một câu sắp đặt theo điệu bằng trắc gọi là thơ Đường-luật (vì tự đời nhà Đường bên Tàu đặt ra). Còn bài nào không theo điệu bằng trắc gọi là thơ cổ-thể[2] hoặc cổ-phong (lối cổ: có trước đời nhà Đường).

Đường-luật lại chia làm hai thể: thể bằng hoặc luật bằng là thể thơ bắt đầu hai tiếng bằng; thể trắc hoặc luật trắc là thể thơ bắt đầu hai tiếng trắc.

c) Các thể bằng trắc. — Nay lấy chữ b thay tiếng bằng chữ t thay tiếng trắc, chữ v thay tiếng vần mà kể các cách sắp đặt tiếng bằng tiếng trắc trong các thể thơ như vầy:

I — THỂ BẰNG VẦN BẰNG

(Vần bằng nghĩa là các tiếng vần đều đặt tiếng bằng cả).

1• Ngũ-ngôn (bát cú)

b b t t v
t t t b v
t t b b t
b b t t v
b b b t t
t t t b v
t t b b t
b b t t v

2• Thất-ngôn (bát cú)[3]

b b t t t b v
t t b b t t v
t t b b b t t
b b t t t b v
b b t t b b t
t t b b t t v
t t b b b t t
b b t t t b v

THỂ TRẮC VẦN BẰNG

1• Ngũ-ngôn (bát cú)

t t t b v
b b t t v
b b b t t
t t t b v
t t b b t
b b t t v
b b b t t
t t t b v

2• Thất-ngôn (bát cú)[4]

t t b b t t v
b b t t t b v
b b t t b b t
t t b b t t v
t t b b b t t
b b t t t b v
b b t t b b t
t t b b t t v

III — THỂ BẰNG VẦN TRẮC

Ngũ-ngôn (bát cú)

b b b t v
t t b b v
t t t b b
b b b t v
b b t t b
t t b b v
t t t b b
b b b t v

IV — THỂ TRẮC VẦN TRẮC

Thất-ngôn (bát cú)

t t b b b t v
b b t t b b v
b b t t t b b
t t b b b t v
t t b b t t b
b b t t b b v
b b t t t b b
t t b b b t v

(Vần trắc là các chữ vần phải đặt tiếng trắc cả)

Muốn làm thơ tứ tuyệt[5] cũng cứ theo cách sắp đặt 4 câu đầu trong các thể trên này.

Luật bằng luật trắc tuy rằng như vậy, song trong câu thơ thất-ngôn chữ thứ 1 và thứ 3 không cần phải đúng điệu bằng trắc; tức gọi là nhất tam bất luận (chữ thứ nhất thứ ba không kể); một đôi khi chữ thứ 5 không đúng luật cũng được; tức gọi là ngũ bất luận. Còn thơ ngũ-ngôn thì chỉ chữ thứ nhất được sai điệu thôi — Song chữ thứ nhất trong thơ ngũ-ngôn và chữ thứ ba trong thơ thất-ngôn đáng trắc mà đặt bằng thì được, chớ đáng bằng mà đặt trắc thì gọi là khổ đọc (khó đọc) không được.

Thơ ngũ-ngôn chữ thứ hai và thứ năm, thơ thất-ngôn chữ thứ tư và thứ bảy không được chùng một âm, nếu chùng âm là phạm phải tội phong-yêu hạc tất (lưng ong gối hạc) không được.

Làm thơ sai điệu bằng trắc gọi là thất-luật (sai luật) — Câu tiếp theo đáng đặt bằng bằng mà đặt trắc trắc, hoặc đáng đặt trắc trắc mà đặt bằng bằng gọi là thất-niêm (điệu không dính nhau) đều là hỏng cả.

Đối. — Cái đặc-sắc của thơ ta và thơ Tàu là phép đối. Thơ các nước Âu-châu (Pháp, Anh, Nga, Đức, v. v.) không có phép ấy.

a) Thế nào là đối? — Đối vừa phải đối ý vừa phải đối chữ.

Đối ý là chọn hai ý tưởng sóng nhau mà đặt ngang nhau. Như trong bài « Qua đèo Ngang tức cảnh » của Bà huyện Thanh-Quan, (tr. 16) muốn tả cảnh núi non thì lấy hai ý này đối với nhau: 1• mấy người kiếm củi lom khom ở dưới núi; 2• vài nóc nhà lác đác ở bên sông.

Ý đã đối, lại phải tìm chữ sóng nhau mà đối Trong một câu, ta thường chia ra làm chữ nặng chữ nhẹ: như trời cao, đất thấp, thì chữ trời chữ đất là nặng mà chữ cao chữ thấp là nhẹ; cao lắm, thấp vừa, thì hai chữ cao, thấp lại là nặng mà hai chữ lắm, vừa lại là nhẹ. Đối tức là lấy chữ nặng đặt sóng với chữ nặng, chữ nhẹ đặt sóng với chữ nhẹ. Song cách phân-biệt ấy không được rõ-ràng lắm. Nay nếu theo văn-phạm Âu-Tây mà phân các tiếng ra thành từng loại-mục (espèce de mots) thời đối chữ tức là chọn hai tiếng cùng một loại-mục mà đặt ngang nhau, như hai chữ danh-từ (noms), hình-dung từ (adjectifs), động-từ (verbes), v. v.: tỉ dụ sông đối với núi, lác-đác với lom-khom, luyến chúa với thương nhà, v. v. Nếu có đặt chữ nho thì phải chữ nho đối với chữ nho: như hồn thu-thảo đối với bóng tịch-dương.

b) Trong bài thơ những câu nào phải đối? — Trong bài thơ bát-cú, trừ hai câu đầu, hai câu cuối, còn bốn câu giữa cứ hai câu đối nhau: 3 với 4, 5 với 6. — Lối thơ tràng-thiên cũng cứ theo thế mà đặt dài ra. — Còn thơ tứ-tuyệt thì hoặc hai câu đầu đối nhau, hoặc hai câu cuối đối nhau, hoặc cả 4 câu đối nhau, hoặc cả 4 câu không đối cũng được; song cả bốn câu không đối thì phải đặt cho xuốt một hơi mới được.

§ 2. — Các lối thơ

Các lối chính thức. — a) Như trên đã nói, theo số chữ thì có hai lối thơ: 1• ngũ-ngôn (5 chữ); 2• thất-ngôn (7 chữ).

b) Theo số câu thì có ba lối thơ: 1• tứ-tuyệt (4 câu); 2• bát-cú (8 câu); 3• tràng-thiên (dài hơn khổ thường)

c) Theo điệu thì có lối thơ cổ-thể (không theo điệu bằng trắc) và thơ Đường-luật (có theo điệu bằng trắc). — Đường-luật lại chia ra làm thể bằng (bắt đầu hai chữ bằng bằng) và thể trắc (bắt đầu hai chữ trắc trắc); mỗi thể ấy có thể đặt vần bằng (các vần đều tiếng bằng), hay vần trắc (các vần đều tiếng trắc).

Các lối riêng. — Ngoại các lối chính-thức ấy thường dùng về các việc nghiêm-trang kính-cẩn (thông dụng nhất là lối thất-ngôn Đường-luật), còn có nhiều lối thơ riêng dùng để ngâm-vịnh chơi bời hoặc những người có tính hiếu-kỳ mới dùng đến, kể như sau này:

1• Thú-vĩ-ngâm[6] (ngâm đầu đuôi) là lối thơ câu đầu câu cuối giống nhau.

2• Liên-hoàn[7] (liền vòng) là lối có nhiều bài thơ mà cứ câu cuối bài trước đem làm câu đầu bài sau.

3• Liên-châu (liền hạt châu) là một bài thơ tràng-thiên dùng nguyên một vần mà mỗi câu mỗi hạ vần.

4• Họa-vận là bài thơ làm theo đúng vần một bài khác. Một người trước làm một bài xướng dùng những vần gì thì người làm bài họa lại phải theo hệt những vần ấy; mà trong bài họa lại phải xem ý bài xướng nói thế nào để đáp lại, hoặc bàn thêm, hoặc khen hoặc chê.

5• Liên-ngâm là trong ba bốn người ngồi chơi cứ lân lượt mỗi người ngâm một hai câu cho thành một bài thơ.

6• Thuận-nghịch-đọc hay hồi-văn là lối thơ đọc xuôi đọc ngược cũng thành câu có nghĩa cả.

7• Yết-hậu (câm đằng sau) là lối thơ bốn câu, ba câu trên đủ chữ còn câu cuối chỉ có một chữ.

8• Vĩ-tam thanh là bài thơ ba tiếng cuối câu cùng một âm với nhau.

9• Triết-hạ là bài thơ câu nào cũng bỏ lửng nhưng ý-nghĩa rõ rệt, người đọc đoán mà hiểu được.

10• Song-điệp là bài thơ mỗi câu hoặc ở đầu, hoặc ở giữa có đặt hai cặp điệp-tự (chữ lắp lại).

Đó là theo thể-cách mà chia thơ. Còn theo tình-ý thời thơ có lối tả-cảnh (tả phong-cảnh), tả tình (tả tính-tình), cảm-hứng (trông thấy một cảnh-tượng gì mà cảm động trong lòng), thuật-hoài (nói chí-ý của mình), phúng-thế (chỉ thích thói đời), thù-thế (giao thiệp với đời), vịnh-vật (tả các đồ đạc, cây cối, cầm thú v. v.), vịnh-sử (đem các nhân-vật cùng công việc trong lịch-sử ra mà bàn bạc khen chê). Cũng có bài gồm nhiều lối như vừa tả-cảnh, vừa tả-tình, cốt cách là vịnh-vật mà ngụ ý có thuật hoài.

§ 3. — Nội-dung một bài thơ

Làm thơ theo đúng luật thơ chưa đủ. Lại phải theo phép tắc đã định mà kết cấu các bộ-phận trong bài thơ.

Một bài thơ tức cũng như một bức tranh. Trong cái khung khổ ngần ấy câu, ngần ấy chữ đã nhất định, làm sao vẽ thành một bức tranh hoàn-toàn, hình dung được ngoại-cảnh của tạo-vật, hoặc nội-cảnh trong tâm giới. Bởi vậy phải sắp đặt các bộ-phận cho khéo. Có bốn bộ-phận là đề, thực, luậnkết[8].

1• Đề thì có phá đề là câu mở bài nói lung-động cai quát cả ý-nghĩa trong bài (introduction) và thừa đề là câu nối với câu phá mà nói đến đầu bài (position du sujet).

2• Thích-thực (définition) là giải thích đầu bài cho rõ ràng. Nếu là thơ tả cảnh thì chọn các cảnh-tượng xinh đẹp đặc-sắc mà mô-tả ra; nếu là thơ tả tình thì đem các tình tự mà giãi bày ra; nếu là thơ vịnh-sử thì lấy công trạng đức-hạnh của người mình muốn vịnh mà kể ra.

3• Luận (commentaire) là bàn bạc. Phải đem ý đầu bài mà bàn rộng ra. Như tả cảnh thì nói cảnh ấy xinh đẹp thế nào, cảm súc người ta thế nào; vịnh sử thì hoặc khen hoặc chê, hoặc so sánh người ấy việc ấy với người khác việc khác.

4• Kết (conclusion) là tóm ý nghĩa cả bài mà kết lại cho mạnh mẽ, dắn dỏi.

Trong bài thơ tứ-tuyệt chỉ phải làm một câu đề, một câu thực, một câu luận và một câu kết. Trong bài thơ bát-cú thì phải một câu phá, một câu thừa, hai câu thực và hai câu luận đều đối sóng nhau; sau cùng đến hai câu kết không phải đối nữa.

Đó là nói đại khái, chứ mỗi bài mỗi khác, mỗi người mỗi ý, tùy người làm thơ châm chước. Vả chăng làm thơ cũng như làm các lối văn khác, không phải cứ làm đúng luật hợp phép là thành được thơ văn hay. Cái hay là ở như người làm thơ làm văn. Thuộc luật thơ chỉ làm một người thợ thơ (versificateur) chưa thể làm được một nhà thi-sĩ (poète) vậy.

   




Chú thích

  1. Xem bài Vịnh hai bà Trưng, trang 31.
  2. Xem bài Vịnh hai bà Trưng, trang 31.
  3. Xem bài thơ mẫu: Cảm-hứng của cụ Trạng Trình, trang 9.
  4. Xem bài: Người bồ-nhìn của vua Lê Thánh-Tôn, trang 7.
  5. Mẫu lối thơ thất-ngôn tứ-tuyệt thể bằng: Dệt vải, trang 7.
    Mẫu lối thơ thất-ngôn tứ-tuyệt thể trắc: Chúc tết I, trang 22.
  6. Xem bài Vịnh ông Nguyễn-văn-Quyên, trang 33.
  7. Xem bài Than nghèo của cụ Thượng-Trứ, trang 13.
  8. Xem bài Quan-niệm về thơ của người ta và người Tàu, tr. 192.