Quốc văn trích diễm/105

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
105 — Bài hịch các tướng-sĩ của Trần Quốc Tuấn, Trần Trọng Kim dịch

VĂN XUÔI CỔ

(Nguyên-văn chữ Hán dịch ra lời nôm)


105 — BÀI HỊCH CÁC TƯỚNG-SĨ[1]

TIỂU DẪN. — Đời vua Trần Nhân-Tôn (1279-1293) có giặc Mông-cổ sang đánh ta. Ông Trần-quốc-Tuấn thống-lĩnh cả các đạo quân của ta đánh nhau một trận đầu với quân Nguyên phải thua, lui về Vạn-kiếp. Bấy giờ ngài chiêu quân tập mã, thế lại nổi to. Nhân ngài tra-cứu các sách binh-thư soạn ra bộ « Binh-thư yếu-lược » cốt để cho quân-sĩ ta xem. Lúc phát sách ấy cho các tướng-sĩ ngài bèn làm bài hịch này mà khuyên-răn các người ấy. Nhờ bộ binh-thư ấy mà quân tốt luyện-tập được giỏi, nhờ bài hịch này mà tướng-sĩ phấn-khởi trong lòng, về việc bình Nguyên, bài hịch này cũng có ảnh-hưởng to, thật là một đoạn văn đáng ghi trong lịch-sử nước nhà và lưu-truyền đến nghìn muôn đời về sau.

Ta thường nghe chuyện: Kỷ-Tín 紀 信 1 liều thân chịu chết thay cho vua Cao-đế; Do-Vu 由 于 2 lấy mình đỡ ngọn dáo cho vua Chiêu-vương; Dự-Nhượng 豫 讓 3 nuốt than để báo thù cho chủ; Thân-Khoái 申 蒯 4 chặt tay để cứu nạn cho nước; Kính-Đức 敬 德 là một chức quan còn nhỏ, mà liều thân cứu vua Thái-Tôn 5 được thoát vòng vây; Kiểu-Khanh 杲 卿 6 là một bề-tôi ở xa, mà kể tội mắng thằng Lộc-Sơn 祿 山 6 là quân nghịch tặc. Các bậc trung-thần nghĩa-sĩ ngày xưa, bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả-sử mấy ông ấy cũng cứ bo-bo theo lối thường tình, chết già ở só nhà, thì sao cho lưu danh sử sách đến nghìn muôn đời như thế được?

Nay các ngươi vốn dòng vũ-tướng, không hiểu văn nghĩa nghe những chuyện cổ-tích ấy nửa tin nửa ngờ, ta không nói làm gì nữa; ta hãy đem chuyện đời Tống, Nguyên mới rồi mà nói: Vương-công-Kiên 王 公 堅 7 là người thế nào? Tì-tướng của Vương-công-Kiên là Nguyễn-văn-Lập 阮 文 立 8 lại là người thế nào? Mà giữ một thành Điếu-ngư 9 nhỏ mọn, chống với quân Mông-Kha 10 kể hàng trăm vạn, khiến cho dân sự đời Tống đến nay còn đội ơn sâu. Đường-ngột-Ngại 唐 兀 礙 11 là người thế nào? Tùy-tướng của Đường-ngột-Ngại là Xích-tuy-Tư 赤 綏 思 lại là người thế nào? Mà xông vào chỗ lam chướng xa xôi, đánh được quân Nam-chiếu trong vài ba tuần, khiến cho quan trưởng đời Nguyên đến nay còn lưu tiếng tốt.

Huống chi ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu-nhương, gặp phải buổi gian-nan này, trông thấy những ngụy-sứ đi lại rầm-rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều-đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể-phụ; lại cạy thế Hốt-tất-Liệt 忽 必 烈 12 mà đòi ngọc lụa, ỷ thế Vân-nam vương 13 để vét bạc vàng; của kho có hạn, lòng tham không cùng; khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau!

Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ; ruột đau như cắt, nước mắt đầm-đìa; chỉ căm tức rằng chưa được sả thịt lột da của quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng. Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh-quyền, cũng đã lâu ngày, không có áo thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn; quan còn nhỏ thì ta thăng thưởng, lương có ít thì ta tăng cấp; đi thủy thì ta cho thuyền[2], đi bộ thì ta cho ngựa; lúc hoạn-nạn thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn-hạ thì cùng nhau vui cười; những cách cư-sử so với Vương-công-Kiên, Đường-ngột-Ngại ngày xưa cũng chẳng kém gì.

Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn: thân làm tướng phải hầu quân giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy-sứ, mà không biết căm; hoặc lấy việc trọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu-khiển; hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến-luyến về vợ con; hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham về săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc đến thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo giáp; mẹo cờ bạc sao cho dùng nổi được quân mưu; dẫu rằng ruộng lắm tiền nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu con díu, nước này trăm sự nghĩ sao; tiền của đâu mà mua cho được đầu giặc; chó săn ấy thì địch sao nổi quân thù; chén rượu ngon không làm được cho giặc say chết; tiếng hát hay không làm được cho giặc điếc tai; khi bấy giờ chẳng những là thái-ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng hết; chẳng những là gia-quyến của ta bị đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy; chẳng những là ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mãi, mà gia-thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng nhục; đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui vẻ, phỏng có được hay không?

Nay ta bảo thật các ngươi: nên cẩn thận như nơi củi lửa, nên giữ gìn như kẻ húp canh; dạy bảo quân sĩ, luyện tập cung tên; khiến cho người nào cũng có sức khỏe như Bàng-Mông và Hậu-Nghệ 14 thì mới có thể dẹp tan được quân giặc, mà lập nên được công-danh. Chẳng những là thái-ấp của ta được vững bền, mà các ngươi cũng đều được hưởng bổng lộc; chẳng những là gia-quyến của ta được yên ổn, mà các ngươi cũng đều được vui vợ con; chẳng những là tiên-nhân ta được vẻ-vang, mà các ngươi cũng được phụng thờ tổ-phụ, trăm năm vinh-hiển; chẳng những là một mình ta được sung sướng, mà các ngươi cũng được lưu truyền sử sách, nghìn đời thơm tho; đến bấy giờ các ngươi dẫu không vui vẻ, cũng tự khắc được vui vẻ.

Nay ta soạn hết các binh pháp của các nhà danh-gia hợp lại làm một quyển, gọi là « Binh thư yếu lược ». Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo, thì mới phải đạo thần-tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo, thì tức là kẻ nghịch thù.

Bởi cớ sao? Bởi giặc Nguyên cùng ta, là kẻ thù không đội trời ở chung, thế mà các ngươi cứ điềm-nhiên không nghĩ đến việc báo thù, lại không biết dạy quân sĩ, khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù, giơ tay không mà chịu thua quân giặc; khiến cho sau trận Bình-lỗ 15 mà ta phải chịu tiếng xấu muôn đời, thì còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa. Vậy nên ta phải làm ra bài hịch này để cho các ngươi biết bụng ta.

Trần-quốc-Tuấn

(Bản dịch nguyên-văn chữ nho của ông Trần-trọng-Kim trong quyển Việt-nam sử-lược I, trang 113-116).

CHÚ THÍCH. — 1. Đây tác-giả kể tên các người trung-thần nghĩa-sĩ đời xưa ở bên Tàu. Kỷ-Tín là một người bầy tôi vua Hán Cao-tổ, lúc vua bị Hạng-Vũ vây ở Vinh-dương nguy cấp lắm, Tín giả làm vua Cao-tổ ra hàng, bị giết, nhân thế vua được thoát nạn. — 2. Bầy tôi vua Sở Chiêu-vương về đời Xuân-thu. — 3 và 4. Người đời Chiến-quốc bên Tàu. — 5. Một ông vua nhà Đường. — 6. Người đời Đường. — 7 và 8. Người đời Tống. — 9. Tên một quả (trái) núi ở tỉnh Tứ-xuyên bên Tàu, quân Tống và quân Mông-cổ đánh nhau một trận to ở đấy. — 10. Mông-Kha (Mungke) là tướng Mông-cổ và là anh Hốt-tất-Liệt đánh nhà Tống lấy nước Tàu. — 11. Tướng Mông-cổ đánh lấy Nam-chiếu (tức là Vân-nam). — 12. Hốt-tất-Liệt (Koubilai) là tướng Mông-cổ, sau lên làm vua nước Tàu, tức là Nguyên Thế-tổ. — 13. Vân-nam-vương tức là con Hốt-tất-Liệt. — 14. Hai tay bắn cung giỏi có tiếng về đời Hạ. — 15. Tên thành ở tỉnh Thái-nguyên, ông Lý-thường-Kiệt phá quân Tống ở đấy.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — Hịch là gì? Mục đích bài này thế nào? Tác-giả dùng những cách gì để khuyến-khích tướng-sĩ? Đọc bài này thấy xúc-động những cảm tình gì?

2. Chia các đoạn mạch trong bài này: — 1. Dẫn tích xưa để khuyến khích tướng sĩ: a) gương tốt của các người đời xưa; b) gương tốt của các người gần đây (Tống, Nguyên). — 2. Nói nỗi nhục khổ bấy giờ. — 3. Cách ngài hậu đãi tướng sĩ. — 4. Trách bọn tướng sĩ không biết lo và nói nỗi nguy-nan thế nào. — 5. Khuyên nên cẩn thận luyện tập để đánh tan quân giặc hưởng phần vinh dự. — 6. Giục tướng sĩ nên luyện tập theo quyển « Binh-thư yếu-lược ».

II. Lời văn. — 1. Nói qua về các điển-tích trong bài này: Kỷ-Tín, Do-Vu, Dự-Nhượng, Thân-Khoái v. v. — Nghĩa những chữ lam chướng, nhiễu-nhương. — Ngụy-sứ là nói ai? — Lưỡi cú diều, thân dê chó: ý nói gì? — Của kho có hạn, lòng tham không cùng: nói rõ hai câu ấy tương-phản với nhau (antithèse). — Tác-giả tả nỗi căm tức của mình thế nào? — Trong đoạn thứ 4 tác-giả đem các cái ham mê của tướng sĩ mà đối với các cái tai họa sau này: nói rõ những cái ấy ra. — Nghĩa những chữ: thái-ấp, gia-thanh. — Trong đoạn thứ 5 có một đoạn trái hẳn lại với quãng cuối đoạn trên (4): nói rõ sự tương-phản ấy.

2. Trong bài này có nhiều câu đối nhau (nói rõ ra) và nhiều chữ lắp đi lắp lại (nói rõ những chữ trùng điệp ấy làm cho hơi văn mạnh ra.

3. Lời văn bài này có giọng gì? Đọc lên trong thần-trí cảm-giác thế nào?

   




Chú thích

  1. Nguyên-văn chữ nho đã đăng trong Nam-phong tạp-chí, số 151, tr. 606-608.
  2. Ghe