Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/112

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
112 — Ông Nguyễn-đình-Tế của Hoàng Cao Khải

VĂN XUÔI KIM


HOÀNG-CAO-KHẢI[1]

GƯƠNG HIẾU HẠNH

Những bài sau này trích ở quyển « Làm con phải hiếu[2] » của cụ Thái-Xuyên Hoàng quận-công. Trong quyển ấy cụ chọn 24 chuyện hiếu hạnh ở nước ta chép ra và bàn thêm. Chuyện là chuyện của người nước nhà, văn là văn một bực đại-gia, thật là một quyển sách gia-huấn rất hay. Xưa nay ta chỉ thường đọc chuyện « Nhị-thập tứ-hiếu » của người Tàu, ta cũng nên biết những gương hiếu-hạnh ở nước Nam ta nữa.

I

112 — ÔNG NGUYỄN-ĐÌNH-TẾ

Ông Nguyễn-đình-Tế, người huyện Bạch-hạc thuộc về tỉnh Sơn-tây, cha ông là Nguyễn-đình-Cửu trước lấy mẹ ông sinh ra ông cùng em là ngươi Quí-Bình; sau lại lấy một người thiếp sinh ra con là ngươi Soạn. Ông Đình-Cửu ghét người vợ cả mà thương người vợ thiếp. Bởi thế gia sản trong nhà, nhất thiết là giao cho người thiếp cai quản coi sóc, mà thiếp tự cậy có thế chồng yêu, không cho người vợ cả ở chung. Anh em ông ấy đều phải theo mẹ ở riêng làm ăn, thường đi lại thăm viếng cha, kính dì như mẹ, yêu con dì cũng như em ruột mình, không còn có chê trách gì được.

Khi cha mẹ ông ấy đã mất rồi, ông ấy xin về ở chung với dì, thờ dì rất là hiếu kính. Từ đó người dì ông ấy cũng hóa ra từ-mẫu, coi ông ấy cũng như con. Việc ấy chép ở Đại-Nam liệt-truyện

Thường tình người ta, bởi mẹ sinh ra mà giữ sự hiếu thời là dễ, không phải mẹ sinh ra mà giữ sự hiếu mới thực là khó.

Tục-ngữ đã có câu rằng: « Mẹ ghẻ con chồng » ấy là bảo rằng không có tình thương yêu nhau gì cả. Phương chi gặp những người bạc ác, thời cũng là những sự biến cố trong nhà. Nhưng ta xem ông Mẫn-tử-Khiên[3] tuy rằng mẹ là người bạc ác, nhưng còn may nhờ cha có đức nhân từ, nên chỉ lấy một lời hiếu hạnh mà làm cho trên thì cảm động lòng cha, dưới thì thay đổi tính mẹ, đến như ông Nguyễn-đình-Tế, cha thời yêu hầu mà bỏ vợ cả, dì thì cậy thế mà bỏ con chồng, cảnh ngộ như thế, chẳng là khó xử ru? Thế mà ông ấy khi cha đương còn thì cam ở riêng với mẹ, mà thần hôn chẳng bỏ lễ thường, khi cha đã mất thì về kẻ chung với dì, mà thảo thuận cũng như mẹ đẻ, bởi một lòng hiếu kính ấy mà làm cho dì đã khỏi được tiếng ghen từ trước, mà cha cũng khỏi mang tiếng ác về sau. Thế mới biết rằng cái sự hiếu ấy càng khó hơn ông Mẫn-tử-Khiên vậy.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Bài này thuộc về thể văn gì?

2. Cảnh-ngộ ông Đình-Tế thế nào? — Khi cha mẹ ông còn sống ông cư sử với dì thế nào? Khi cha mẹ ông mất rồi ông ăn ở với dì thế nào?

3. Thường tình người ta con chồng đối với mẹ ghẻ thế nào? Kể qua chuyện ông Mẫn-tử-Khiên bên Tàu và so sánh chuyện ấy với chuyện ông Đình-Tế.

II. Lời văn. — Nghĩa chữ từ-mẫu. Kể những chữ đồng-nghĩa và phản nghĩa. — Nói qua về quyển Đại-Nam liệt-truyện. — Kể các câu tục-ngữ ca-dao của ta nói về « mẹ ghẻ con chồng ». — Nghĩa chữ thần-hôn. Kể các thành-ngữ nói về đạo làm con.

2. Lối văn truyện-ký thế nào là hay? — Lời bàn trong bài này có sác lý không?

   




Chú thích

  1. Coi tiểu-truyện Tướng-công ở tr. 27.
  2. Tập này đã in trong Đông-dương tạp-chí.
  3. Xem truyện ông Mẫn-tử-Khiên ở tr. 117.