Quốc văn trích diễm/120
120 — LUẬN VỀ LÝ-THÚ VĂN-CHƯƠNG
Phàm về các cuộc chơi của thiên-hạ, cuộc nào cũng có một lý-thú riêng, như đánh cờ, uống rượu, gẩy đàn, chơi cảnh v.v., tuy là một cách tiêu-khiển nhỏ-nhặt, nhưng ngẫm ra thì cũng đều có một lý-thú. Mưu tính nước cao nước thấp, có thể nghiệm ra được các sự khôn dại ở đời; ngật-ngù chén tạc chén thù 1, có thể quên hết được các sự phiền não ở đời. Nước chẩy non cao, tính tình nẩy ra ngoài mấy tiếng nỉ-non thánh-thót; hoa thơm cỏ rậm, hứng thú gửi vào trong đám nghìn tía muôn hồng. Cái lý-thú đó dẫu tầm thường, nhưng cũng có thể di dưỡng được tinh-thần của người ta, mà cũng phải là người đạt-giả mới lĩnh-hội được.
Văn-chương cũng là một nghề chơi, mà nghề chơi lại thanh-nhã, lại hữu-dụng, cho nên cái lý-thú cũng to hơn các cuộc chơi khác. Muốn biết cái lý-thú của văn-chương thì trước hết phải biết cái hay của văn-chương.
Thế nào là cái hay của văn-chương?
Văn-chương không phải gọt từng chữ luyện từng câu là hay, không phải đặt lấy kênh-kiệu, đọc lấy rền-rĩ là hay, cũng không phải chắp chỉnh câu biền câu ngẫu 2, kỳ khu trổ phượng chạm rồng 3 là hay. Hay là hay ở tư-tưởng cao, hay là hay ở kiến-thức rộng, hay là hay ở lời bàn thấu lý, hay là hay ở câu nói đạt tình.
Có cái hay kỳ-cổ, có cái hay hùng-kiệt, có cái hay hồn-hậu, có cái hay thanh-sảng, có cái hay bóng-bẩy như vầng trăng dưới nước, như cành hoa[1] trong gương; có cái hay man-mác như gió phẩy mặt nước, như sao mọc trên trời; có cái hay rực-rỡ như thêu hoa dệt gấm, có cái hay quí báu như nhả ngọc phun châu.
Văn-chương lại hay ở tự tâm-khí nữa. Ông Mạnh-đông-Giã 4 có nói rằng: « Văn-chương là tâm-khí của hiền-nhân, tâm-khí vui thì văn-chương chính, tâm-khí trái thì văn-chương không chính ».
Văn-chương lại hay ở tự học-thức nhiều. Ông Phó-cảnh-Nhân 5 có nói rằng: « Tay áo dài khéo múa, lắm tiền khéo buôn. Ta chỉ nên lấy sách cổ-nhân, học cho thuộc và hiểu cho đến nghĩa tinh-vi, thì tự-nhiên nẩy ra văn-chương, rõ ràng như dáng mùa xuân, thơm tho như mùi lan huệ ».
Văn-chương lại hay ở sự lịch-duyệt nữa. Xem bài tựa của Mã-Tồn 5 kể cái hay của Tư-mã-Thiên 6 nói rằng: « Tử-Trường bình sinh tính hay chơi, đang lúc còn trẻ tuổi, hăng hái tự phụ, không dừng chân ở nhà mấy khi, không phải là đắm mê chơi dong đâu, nghĩa là xem cho trải biết cảnh lạ-lùng thiên-hạ, để giúp cho cái khí văn-chương, rồi mới nhả ra làm sách. Nay xem trong sách của ông ấy thì tựa như trông thấy cảnh tượng lúc đi chơi...
« Phàm muôn vật ở trong trời đất, những cảnh đáng sợ đáng hãi, hoặc đáng vui lòng, làm cho người ta sinh mừng sinh sợ, sinh lo sinh buồn, hết thẩy đem dùng làm văn-chương, vậy nên biến hóa ra vào như muôn thứ cảnh-tượng bày trong bốn mùa, không lúc nào hết. Muốn học cái văn-chương của Tử-Trường, trước hết nên học cái chơi của Tử-Trường mới được ».
Xem các lời trên này thì cái hay của văn-chương có nhiều lẽ, mà có hiểu được cái hay của văn-chương thì mới hội được cái thú của văn-chương. Cái thú tức ở trong cái hay mà ra. Kìa như những cảnh-tượng của tạo-hóa, ảo ảo huyền huyền, 8 kỳ kỳ quái quái, nghìn hình muôn trạng, biến hóa vô cùng, ai trông cho hết, ai biết cho đủ, nhờ có văn-chương mà biết được hầu không sót điều gì. Kìa như nhân-tình thế-thái, nào thiện, nào ác, nào nịnh, nào trung, nào những dạ ngoắt-ngoéo khắt khe, nào những thói thâm-trầm nham-hiểm, ai nói cho xuể, ai kể cho xiết, nhờ có văn-chương mà vẽ ra không thiếu một nét nào. Ngồi trong xó nhà, ma lịch-lãm được hết các nơi danh-thắng ở thiên-hạ; xem trên mảnh giấy, mà tinh tường được hết các việc hay dở của thế-gian; sinh ở dưới mấy nghìn năm, mà tựa hồ như được đối diện và được nghe tiếng bàn bạc của người sinh trước mấy nghìn năm, cũng đều nhờ có văn-chương cả.
Huống hồ ta nghe những câu cảnh-tỉnh 9, làm cho ta sực tỉnh được giấc mơ màng; ta nghe những lời cảm-thiết, làm cho ta kích động đến lòng khảng khái; ta nghe những lời đạo nghĩa, làm cho ta hứng khởi cái mối thiện tâm; ta nghe những chuyện khoáng-đạt, làm cho ta phát sinh ra chí cao-thượng; ta nghe những nỗi chua cay của người đời, làm cho ta phải ứa nước mắt khóc, ta thấy những thói lạ lùng của nhân-thế làm cho ta phải bật tiếng buồn cười; đó là những cái lý-thú của văn-chương cả...
Tuy vậy, cái thú văn-chương không phải dễ mà ai ai cũng hiểu được; duy người nào lĩnh-hội được thì mới được hưởng. Người không biết lĩnh-hội dù hay đến đâu cũng không biết là hay, dù thú đến đâu cũng không biết là thú; mà thường những câu của người ấy cho là hay là thú, thì lại là những câu không thú vị gì. Còn như người lĩnh-hội được thì bất cứ câu văn tinh-diệu hay câu tầm-thường, câu văn cao-kỳ hay câu thiển-cận, lắm khi tự-nhiên nhân câu văn mà hội được cái thú riêng; có khi lại hội được ở ngoài câu văn nữa.
CHÚ THÍCH. — 1. Là chén mời chén trả. — 2. Lối văn biền-ngẫu là lối văn chữ nọ đối chữ kia, câu trên đối câu dưới, chỉnh-tề khéo-léo. — 3. Là vẽ vời hoa hoét. — 4. Là một bực văn-hào về đời Đường bên Tàu. — 5. Là một nhà làm văn về đời Minh. — 6. Là một nhà làm văn về đời Tống. — 7. Là một bực văn-hào về đời Hán, làm ra bộ Sử-ký. — 8. Là bí-mật thần-diệu. — 9. Câu gióng giả khuyên răn.
CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Chia các đoạn mạch trong bài này.
2. Các cuộc chơi vui của các cụ ta là những gì — Lý-thú của văn-chương ở đâu mà ra? Cái hay của văn-chương những thế nào? — Văn-chương hay bởi đâu? Thế nào là tâm-khí? là lịch-duyệt? Tại sao phải có hai điều ấy mới làm được văn hay?
3. Lý-thú của văn-chương những gì? Sự bổ-ích của văn-chương thế nào? Muốn hưởng cái lý-thú của văn-chương phải thế nào?
4. Xem văn phải thế nào cho có ích mà không hại?
II. Lời văn. — 1. Thích nghĩa chữ tiêu-khiển và kể mấy cuộc tiêu-khiển. — Nước cờ thế nào là cao? là thấp? — Chữ ngật-ngù nói ý gì? Nghìn tía muôn hồng: bốn chữ ấy tả cảnh gì? Cắt nghĩa những chữ di-dưỡng, tinh-thần, đạt-giả, lĩnh-hội — Thấu-lý, đạt-tình nghĩa gì? — Cắt nghĩa mấy chữ chỉ các tính-chất hay của văn-chương: kỳ-cổ, hùng-kiệt, hồn-hậu, v. v. — Cắt nghĩa chữ nhân-tình, thế-thái, nơi danh-thắng, chuyện khoáng-đạt.
2. Trong đoạn văn này có nhiều câu đối nhau không? — Có nhiều chỗ so sánh (comparaisons), chữ bóng bẩy (images) không? Trích ra mấy chỗ xem tác-giả dùng chữ có khéo, có xứng không? — Trong bài này tác-giả dẫn những lời nói của ai? Phép làm văn khi nào nên dẫn lời người trước (citations) như thế?
Chú thích
- ▲ Huê.