Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/126

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
126 — Lăng đức Gia-Long của Phạm Quỳnh

126 — LĂNG ĐỨC GIA-LONG

Đến điện trước rồi mới đến lăng, điện ở bên hữu lăng, gọi là Minh-thành-điện. Điện trông rất là nguy-nga, trước mặt có sân rộng giồng[1] mấy cây đại to; lại có một thứ cây không biết tên là gì mà hình rất cổ-kính thực là hợp với cái cảnh trang-nghiêm ở chỗ ấy. Trèo bệ đá lên cửa điện, bước vào một cái sân rộng nữa, trong bày mấy cái thống bằng sứ cực lớn. Thường trong các miếu-điện ngoài sân hay bày những thống như thế. Chắc là đồ tàu, nhưng không phải đồ thường, hoặc giả Triều-đình ta khi xưa đặt kiểu riêng tự nơi « thổ-sản » chăng. Vì ngày nay không thấy đâu có những chiếc thống lớn như thế. Hai bên là tả-vu hữu-vu, giữa là chính-điện. Vào chính-điện phải nói với các « mệ » coi trong ấy. Các « mệ » là những bực cung-nữ của tiên-đế khi xưa, hoặc là những bực công tôn-nữ giở về già xin vào lăng để trông nom việc hương lửa hôm mai. Ở lăng Thiên-thụ này chắc không còn những bực cung-nữ nữa. Trong điện có cái khám đặt bài vị đức tiên-đế, ngoài bày cái sập giải chiếu để những đồ ngự dụng như khi sinh thời: cái khăn mặt, cái thau, bộ đồ trà, cái tráp giầu[2] v. v. Hai bên lại bày những đồ pha-lê cùng đồ sứ tây, chắc là những đồ của các ông sứ-thần Pháp đem sang cống vua ta khi xưa. Đại-khái cách bài-trí trong tẩm-điện các lăng đều như thế cả, chỉ khác nhau có ít hay nhiều mà thôi. Điện lăng Thiên-thụ này là ít đồ bày hơn cả: nhiều nhất là điện Khiêm-lăng.

Xem xong trong điện mới ra xem ngoài lăng. Sánh với các lăng kia thì lăng Thiên-thụ là giản-dị hơn cả, nhưng có cái vẻ hùng tráng, thực là biểu được cái trí to-tát một ông vua sáng-nghiệp. Bốn bề là núi cả, trong sách nói cả thẩy 36 ngọn đều quây quần về đấy. Giữa mấy từng sân đá rộng thênh-thang, thềm cao rộng chạy; trên một tòa thành tròn ba bề xây như hình cái ngai, trong hai nấm đá hình chữ nhật, tức là mộ đức Thế-tổ Cao-hoàng-đế cùng đức Thừa-thiên Cao-hoàng-hậu, hai ông bà nằm song-song ở giữa khoảng trời rộng núi cao, như muốn chứng cùng với trời đất rằng công ta đã đánh đông giẹp bắc mà gây dựng nên cái nền nhất thống của nước Đại-Việt này, từ nay vững như bàn-thạch, bền như Thái-sơn vậy. Không có đình, không có tạ, không có lâu, không có đài, chỉ trơ trơ một tấm sân đá mênh mông ngoài xa hai cột đồng-trụ cao ngất trời! Hùng thay! Thực rõ cái chí một bực khai-quốc đại-anh-hùng, không ưa những sự hư-văn vô-ích. Phàm lăng là xây tự sinh-thời vua, chớ không phải khi vua thăng-hà rồi mới xây, cho nên mỗi cái lăng là biểu tinh-thần tính-cách riêng của mỗi ông vua, tự tay đặt kiểu lấy cái nhà ở sau cùng của mình. Như thế thời lăng Thiên-thụ này thực là tấm gương phản-chiếu cái khí-tượng anh-hùng của đức Gia-Long ta vậy.

Có người cho lăng đức Minh-Mệnh[3] là đẹp, có người cho lăng đức Tự-Đức là khéo. Tôi lấy lăng đức Gia-Long là hùng hơn cả. Nhưng một triều được mấy vua sáng-nghiệp? Công khai sáng chỉ có một đời, mà nền bình-trị thực muôn thủa. Cho nên các lăng sau này có văn vẻ hơn nhiều mà thực là kém bề hùng tráng vậy.

(Giở lên 2 bài, trích ở bài Mười ngày ở Huế trong Nam-phong, số 10)

   




Chú thích

  1. Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên c1
  2. Trầu.
  3. Mạng.