Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/127

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
127 — Cuộc « nam-tiến » của dân tộc ta của Phạm Quỳnh

127 — CUỘC « NAM-TIẾN » CỦA DÂN TỘC TA

Thử xét cả cuộc lịch-sử dân Annam ta là một cuộc « nam-tiến » vô hồi vô hạn. Giống Giao-chỉ nguyên phát tích tự đất trung-châu xứ Bắc-kỳ, rồi mỗi ngày một bành-trướng mãi ra, mà bành-trướng về phía Bắc không sao được, gặp những rừng núi ngăn trở, lại có giống mạnh hơn không thể tranh nổi, thế tất phải tràn về phía Nam, càng ngày càng lan rộng mãi ra, gặp những dân thổ trước 1 thì tiêu diệt cho tàn, hoặc dung-hóa 2 cho hết: Chiêm-thành, Chân-lạp xưa kia hiển hách biết bao mà nay còn gì? Người đã bị ta diệt, còn sót lại tấm thành cổ góc miếu xưa, để làm cái chứng cho đời sau rằng xưa kia đã có một giống người sinh trưởng trước ta ở chốn đó. Ôi! khốc-liệt 3 thay là cái lẽ sinh-tồn cạnh-tranh 4 của trời đất.

Giống Chiêm-thành không phải là giống hèn: tức là một giống thượng-võ 5 mà cái văn-minh cũng chẳng kém gì mình, cứ xem những đền-đài lăng tháp còn lại thì đủ biết. Chỉ vì mình kiên-nhẫn và mình nhiều người hơn nó, lại bị cái lẽ sinh-tồn nó bắt-buộc phải liều sống liều chết mà tràn vào phía Nam cho được, không thời chật hết chỗ không biết sống vào đâu, nên mình đánh nó mãi nó phải thua, nhưng trước sau biết bao nhiêu thắng phụ, kể đến ngót một nghìn năm mới tiêu-diệt được hết, ước đến thế-kỷ thứ 16 thì đã gồm được suốt giải đất Trung-kỳ, bước tới nơi đồng-bằng Lục-tỉnh. Lục-tỉnh bấy giờ còn là Thủy-chân-lạp, giống Chân-lạp tức là giống Cao-miên ngày nay. Người Chân-lạp còn ở giải giác mọi nơi, thành từng làng sóm nho-nhỏ ở giữa đồng rộng mênh-mông: những tên đất tên tỉnh ở miền tây-nam xứ Nam-kỳ ngày nay phần nhiều là gốc tự tiếng Chân-lạp cả, như Sadec, Sóc-trang, Cần-thơ, Bạc-liêu, vân vân, không phải là tên chữ mà cũng không phải là tiếng nôm của mình.

Người mình tới nơi mỗi ngày một xua đùa dân Cao-miên lên chốn cao-nguyên; còn những bình-nguyên đất tốt mình chiếm cứ lấy. Đến đầu bản-triều thì cả đất Thủy-chân-lạp (tức là Nam-kỳ) đã về tay giống mình rồi. Bấy giờ lại đi ngược lên mà tràn sang cả Lục-chân-lạp, là đất Cao-miên ngày nay. Giống Cao-miên yếu hèn, vả cũng ít người, mình tới đâu nó chạy đó, nên sự cạnh-tranh không kịch-liệt lắm. Nhưng cũng lắm phen người Cao-miên sang cầu cứu ở Xiêm, viện quân Xiêm sang giúp: nên ta phải đánh nhau với Xiêm mấy trận, Xiêm bị thua. Vua Miên chạy trốn, triều-đình ta bèn đặt bảo-hộ ở đất Cao-miên, dựng thành trấn Nam-vang, về triều Thiệu-Trị Tự-Đức, nước ta thường có quan Khâm-sai Tổng-đốc ở Nam-vang (Phnom-Penh). Thử coi cái sức bành-trướng của dân mình có ghê không, khác nào như cái vết dầu trên tờ giấy trắng vậy. Trước còn nhỏ mà sau cứ thấm dần mãi ra, không gì ngăn lại được.

Coi đó thì biết sự « nam-tiến » là cái phép lớn trong lịch-sử giống Việt-Nam ta. Trong hơn hai nghìn năm ta chỉ tiến về phía Nam mà ta mới sống được. Cái cuộc « nam-tiến » đó đến Nguyễn-triều ta đã gọi là tiệm xong. Nhưng nhà Nguyễn cũng còn là mới khai-thác được một nửa xứ Nam-kỳ mà thôi. Còn một nửa nữa từ sông Hậu-giang trở xuống phải đợi đến nhà nước Đại-Pháp sang mới bắt đầu mở mang nốt. Nên xét trong địa-dư xứ Nam-kỳ rõ biệt hẳn ra hai phần: cái phần tự sông « Tiền-giang » (Fleuve Antérieur) trở lên, là phần đất cũ, của bản-triều đã mở mang từ trước, nhân dân tụ họp đã lâu, ruộng đất thành thuộc gần khắp, cách cày cấy trồng trọt nhiều nơi làm mỗi năm hai mùa đã gần giống như ngoài Bắc, người dân cũng đã chịu cảm-hóa của Triều-đình sâu, xưa kia đã từng sản được nhiều người tài giỏi có công với xã-tắc; cái phần tự sông Tiền-giang trở xuống, là phần đất mới, mới khai-thác tự sau khi nhà nước Đại-Pháp sang chiếm-lĩnh, trước sau chưa có một chút lịch-sử gì, có lắm nơi tỉnh-thành chỉ mới thành-lập được mười lăm năm nay; nhưng phần này đất phì-nhiêu có một, hễ phá hoang đến đâu là thành ruộng tới đó, cày cấy tốt quá, thóc gạo không biết bao nhiêu mà kể. Hiện nay những tỉnh giầu nhất, lớn nhất ở Nam-kỳ là thuộc về phần đó, còn phần trên tuy có văn-vật hơn mà đã cho là đất kiệt đất cũ rồi.

CHÚ THÍCH. — 1. Là người dân vốn ở một xứ nào mà bị người giống khác ruồng đuổi đi. — 2. Khai-hóa để dung hợp với mình. — 3. Ghê-gớm dữ-dội. — 4. Ganh đua nhau để mà sống (la lutte pour la vie). — 5. Chuộng nghề võ, thích sự đánh-chác.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Nam-tiến nghĩa là gì? Tại sao dân-tộc ta phải tràn mãi vào phía Nan?

2. Tác-giả lấy những việc gì để chứng việc nam-tiến của dân ta? Kể qua việc ta lấy Chiêm-thành và Chân-lạp.

3. Việc khai thác xứ Nam-kỳ chia ra làm mấy hồi?

II. Lời văn. — 1. Giao-chỉ: nghĩa đen là gì? Chỉ giống người nào? — Nghĩa những chữ bành-trướng, hiển-hách. — Tấm-thành cổ, góc miếu xưa: kể mấy cái tỉ-dụ. — Chữ Lục-tỉnh chỉ xứ nào? Tại sao? — Lục, Thủy Chân-lạp: tai sao gọi thế? — Nghĩa những chữ cao-nguyên, bình-nguyên. — Xã-tắc: nghĩa đen, nghĩa bóng. — Văn vật là thế nào?

2. Nhặt (lặt) trong bài này những đoạn văn nào có giọng kích-thích mãnh-liệt.