Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/128

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
128 — Đi tầu thủy tự Mỹ-tho lên Long-xuyên của Phạm Quỳnh

128 — ĐI TẦU THỦY TỰ MỸ-THO LÊN LONG-XUYÊN

Tự Mỹ-tho lên Long-xuyên phải đi ngược sông Tiền-giang (Fleuve Antérieur), đi tầu chạy thường vừa mất đày một ngày, từ sáng sớm đến tối mịt. Vậy suốt một ngày được ngắm phong-cảnh sông Mê-kông. Nhưng thật đi trên sông Mê-kông mà không ngờ là sông Mê-kông, lắm khi tưởng ở trong cái kênh cái lạch nào, không mấy lúc có cái cảm-giác là ở giữa chốn tràng-giang. Vì trong khoảng từ Mỹ-tho lên Châu-đốc, trong sông đầy những cù-lao cùng bãi cát, lắm nơi to rộng lắm từng làng từng tổng ở vừa, đầy những cây cỏ um-tùm, chật mất cả lòng sông, cho nên coi hẹp đi; tầu lại thường chạy len lỏi ở trong kênh, trong vàm gần những nơi có dân-cư, để đỗ khách đón khách, không mấy khi ra đến mặt ngoài sông, nên không biết sông rộng chừng nào. Cách nửa giờ, một giờ, tầu lại đậu vài ba phút, có khi đậu ngoài xa xa, khách lên xuống phải thuê đò ngang để đáp tầu hay là ghé bờ, có khi đậu ngay bên bờ, nhìn vào thấy nhà cửa san-sát, phố xá đông-đảo, thường những cây cối um-tùm che lấp, đứng ngoài xa trông không rõ. Có khi tưởng tầu ở trước cái bãi bỏ hoang, chỉ trông thấy những cây cỏ xanh rì, nhìn kỹ mới biết là có làng xóm ở trong đám cây đó, và chắc là làng xóm to nên tầu mới dừng như vậy. Coi đó thì biết cây cối trong này xầm-uất là chừng nào, không phải là những cây cao cối lớn như các miền rừng núi, nhưng là những cây cỏ tốt tươi rậm rạp như thi nhau mà mọc, đủ biết chất đất mầu mỡ biết bao nhiêu. Lắm khi chiếc tầu như đi ở giữa hai bức tường cây vậy. Mà ở trong đó là có các làng xóm ngưòi ở cả, vì những đất ở bờ sông này dễ cày cấy nên không mấy chỗ bỏ hoang. Chưa khai-khẩn đến là phần nhiều những đất ở xa sông lớn, đào kênh thoát nước khó và đi lại giao thông cũng chưa tiện; chớ đất gần sông mầu mỡ đệ nhất, tiện lợi có một, thường là những nơi giầu có trù-mật cả. Thường trông bên bờ có những nhà ngói nền cao, cửa kính cửa chớp, hàng rào sắt chạy dài, thềm xây ngay trên mặt nước, ngoài đặt cái cầu nhỏ dựng nhà thủy-tọa 1 con, lại thấy vài ba cái « thuyền máy » (canots automobiles), để chung quanh; hỏi ra thời là nhà thầy cai-tổng, cụ điền-chủ hay ông « hội-đồng » nào toàn là những mặt phú-hào trong một xứ. Coi những cơ ngơi đó thì đủ biết các bực chủ-nhân-ông giầu có là dường nào. Có nơi xây trên bờ sông dài đến mấy trăm thước trông những nhà những vườn, những lầu những gác, nhấp-nhô như mặt cái thành nhỏ, tầu chạy một thôi thời hết, mà toàn là dinh cơ của một người! Thôi, đến sự phong-lưu sa-sỉ của các bậc giầu có trong này, về đường ăn ở tiêu xài thì thật không kể sao cho xiết được, mỗi lúc như trông thấy cái biểu-chứng 2 hiển-nhiên vậy....

Suốt một ngày ngồi trong tầu mà không mỏi không chán, rất lạ rất vui, tầu chạy dưới sông như cái xe chạy trên phố, tựa hồ như hai bên là cửa nhà phố xá đông-đúc cả, chốc chốc lại đỗ một lát, kẻ lên người xuống, coi rất ngoạn-mục; lúc nào cũng có cái cảm-giác một sự sinh-hoạt mạnh-mẽ của tạo-vật phát hiện ra cây cỏ tốt tươi, đất bùn mầu mỡ, đối với sự sinh-hoạt êm-đềm của người dân, hoặc đi lại ung-dung trên đường phố không vội không vàng, hoặc đứng ngồi nhàn-hạ trong những chốn nhà lầu ủ-ê kia xây ngay trên bờ sông dưới bóng mát. Trời thì sáng sủa ấm áp, nước sông lấp-loáng, cây cỏ xanh tươi, người ta hớn-hở, thư thả dong chơi, thật là một cảnh rất êm-đềm, tựa hồ như cảnh vật hết sức chiều đãi người ta cho được nhẹ nhàng sự sống và biết hưởng cái thú ở đời, một cái cảnh như cảnh này không thể nào khiến cho người ta đem lòng « yếm thế 3 » được; tạo vật tươi cười, không lẽ người đời ủ-dột, cảnh này là cảnh tối « lạc sinh 4 » vậy.

CHÚ THÍCH. — 1. Nhà làm để ngồi chơi trên mặt nước. — 2. Chứng cớ rõ-rệt. — 3. Chán đời. — 4. Vui về sự sống.