Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/134

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
134 — Danh-dự với hư-vinh của Dương Bá Trạc

DƯƠNG-BÁ-TRẠC 楊 伯 濯

134 — DANH-DỰ VỚI HƯ-VINH

Danh-dự với hư-vinh khác nhau thế nào? Danh-dự là có tài, có đức, có công-nghiệp, có khí tiết thực, mà được tiếng khen với thiên-hạ, tiếng tốt để đời sau; mà dù có gặp phải cái xã-hội nhóa-nhem, mắc phải cái miệng đời chênh-lệch, thiên-hạ đời sau có không biết đến cái hay cái tốt cho mình đi nữa, thì nghĩ được một điều hay, làm được một việc phải, trong lương-tâm mình đã hình như là có trời đất chứng tri, thần-minh an ủi, được ngay cái phần thưởng vô-hình, mà hữu xạ tự nhiên hương 1, tự mình thấy cái nhân-cách của mình cao cả sang trọng hơn lên, đứng giữa cái vòng đời quay-cuồng xăng-xít, những lũ nhặng bầy ruồi mà biết trên trời dưới đất chỉ một mình tôn, không khác gì cá côn cá kình vẫy vùng ngoài biển lớn mà ngó vào cái tép con tôm, chim hồng chim hạc bay liệng trên tầng mây mà nhòm xuống chích-chòe se-sẻ thì cái phẩm giá tôn trọng còn gì bằng. Ấy danh-dự là thế. Hư-vinh thì tự mình không có được cái tài, cái đức, cái công-nghiệp, cái khí tiết gì đáng quí đáng trọng cả, chỉ lòa quáng về những cái phẩm-hàm, cái chức-vị, cái danh sắc kia nọ là những cái xưa nay trong xã-hội bày đặt ra vốn để biểu-dương kẻ có tài, có đức, có công-nghiệp, có khí-tiết khác thường, mà nhận lầm rằng hễ cứ có được cái phẩm-hàm, cái chức-vị, cái danh-sắc gì thì tức cũng đáng quí đáng trọng đáng mừng rỡ vẻ vang, như những bực đóng vai chính trong cái địa-vị đó, xưa nay là những bực thực đức, thực tài, thực có công-nghiệp, thực có khí-tiết; bấy giờ mới đâm đầu đâm đuôi, chạy xuôi chạy ngược, để cầu cạnh chen-chúc, làm sao cho có cái mã ngoài ấy thì tất là lận sòng 2 được với cái chân giá-trị kia; thấy những bố cu mẹ đĩ sợ cái tiếng quan lớn quan bé, thì cố làm sao cho cũng có được cái tiếng quan lớn quan bé; thấy những đàn bà con gái ham cái tiếng ông nọ ông kia thì cố làm sao cũng kiếm được cái tiếng ông nọ ông kia; dành-dật nhau, xâu-xé nhau, tâng-bốc nhau, hí-ha hí-hởn với nhau, miễn là khỏi chân trắng ngực trần là vinh, được có chút hàm thấp hàm cao, cuống xanh cuống tím 3 là vinh, chứ không còn nghĩ gì tới cái chân giá-trị của những cái đó là cái tài thực, đức thực, công-nghiệp thực, khí-tiết thực nữa. Ấy hư-vinh khác với danh-dự như thế.

Người ta ai cũng có cái lòng danh-dự, mà vì cái danh-dự thực muốn làm cho được, kiếm cho ra phải khó khăn cực nhọc, bền chí cố công lắm, không mấy người chịu khó khăn cực nhọc, bền chí cố công mà làm cho được, kiếm cho ra cái danh-dự thực; đã không làm được, không kiếm ra cái danh-dự thực mà cái máu tham danh-dự lại sôi nổi đến quá độ thường, mới bỏ đường khó mà quay ra đường dễ, chẳng cần gì luyện tài, tu đức, gây dựng công-nghiệp, giữ gìn khí-tiết, mà chỉ chuốc-lách cho được cái phẩm-hàm, cái chức-vị, hay cái danh-sắc chi chi; xã-hội cũng vì cái thói quen trọng danh-dự đã lâu, mà trong một xã-hội bao giờ thì cũng người hay có ít, kẻ dở có nhiều, được mấy ai là biết cân nhắc so-sánh cái chân giá-trị của người ta, mà cũng thường lầm cái hư-vinh là cái danh-dự thực; lâu dần cái danh-dự thực là cái tài thực, cái đức thực, cái công-nghiệp thực, cái khí-tiết thực, không ai kể đến, không ai bình-phẩm đến nữa, mà cũng chỉ biết cái hư-vinh làm cái thước đo nhân-phẩm mà thôi. Suốt trong xã-hội, hỏi trọng gì? tất là võng lọng đai cân; hỏi quí ai? tất là ông cả bà lớn; cái gì là sang? tất là xe ngựa lâu đài, ngọc ngà gấm vóc; cái gì là sướng? tất là ăn trên ngồi chốc, nhận lễ thu tiền; su-phụ khéo, luồn lọt bợm để cầu vinh, ấy là người giỏi; giết người tợn, tấn công khỏe để cầu vinh, ấy là người tài; lắm quan thầy, tốt thần thế, lo gì cũng xong, xin gì cũng được, ấy là tay anh-hùng; nạt con em, hiếp làng xóm, anh làm ông nọ, em làm ông kia, ấy là nhà có phúc; khao phẩm-hàm, vọng ngôi thứ, ấy là vẻ-vang; cổ kim-khánh, ngực mền-đay, ấy là danh-giá; một người như thế, trăm người đều như thế, đời trước như thế, đời sau cũng như thế, mà thành ra có cái tệ hiếu hư-vinh.

CHÚ THÍCH. — 1. Nghĩa là có xạ tự-nhiên mùi thơm đưa ra. — 2. Đánh cháo, đánh lừa. — 3. Chỉ các thứ huy-chương bội tinh.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Trong bài này tác-giả định phân-biệt hai thứ gì? Thế nào là thực danh? là hư vinh?

2. Quan niệm của người thường về danh dự thế nao? Tại sao người ta lại thường chuốc hư-danh mà không biết chuộng thực-danh?

3. Muốn có danh-dự phải làm thế nào?

II. Lời văn. — 1. Nhân-cách là gì? — Lũ nhặng bầy ruồi: nghĩa bóng nói gì? — Cá côn cá kình, chim hồng chim hạc: những giống ấy thế nào? Đây nói hạng người nào? — Phẩm-hàm: nghĩa hai chữ ấy? Nói qua về phẩm-hàm của ta. — Bố cu mẹ đĩ: gốc tích những tiếng ấy. — Chân trắng ngực trần: nghĩa bóng. — Khao vọng: nghĩa; nói qua về tục khao vọng của ta.

2. Lời văn bài này có những điều gì là đặc sắc?