Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/138

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
138 — Bụng làm dạ chịu của Trương Vĩnh Ký

138 — BỤNG LÀM DẠ CHỊU

Có một anh bất-tài chẳng biết làm gì mà ăn, mới đi học làm thầy bói, bói nhiều quẻ cũng khá ứng, nên thiên-hạ tin đua nhau đem tiền đến xin bói....

Bữa kia trong đền vua có mất con rùa vàng, kiếm thôi đã cùng đã khắp mà không ra.

Người ta mới tâu có anh thầy bói kia có danh, xin cho rước vào tới mà dạy gieo quẻ bói thử, họa có được chăng. Vậy vua giáng chỉ dạy sắm võng giá, quân gia, dù lọng cho đi rước cho được anh ta về.

Thấy quân gia rắn-rộ tới nhà, trong bụng đã có lo có sợ, không biết lành dữ dường nào, chẳng ngờ nghe nói vua đòi đến bói, mà kiếm con rùa vàng của vua mất đi, trong lòng đã bấn bíu, sợ e bói chẳng nhằm, mà có khi bay đầu 1 đi, mà phải vâng phải đi, đánh liều mặc may mặc rủi. Bịt khăn bận áo, bước lên võng ra đi, nằm những thở ra thở vô, không biết liệu phương nào, mới than rằng: Bụng làm dạ chịu, chớ khá than van....

Chẳng ngờ may đâu hai thằng khiêng võng một đứa tên là Bụng, một đứa tên là Dạ, là hai đứa đã đồng-tình ăn cắp con rùa vàng của vua, nghe thấy nói làm vậy thì ngờ là thầy thông-thiên đạt-địa 2 đã biết mình rồi; sợ thầy tới nói tên mình ra, vua chém đi, cho nên để võng xuống lại lạy thầy, xin thương xót đến mình, vì đã dại sinh lòng tham, mới ăn cắp con rùa ấy mà giấu trên máng rồi. Xin thầy làm phúc đừng có nói tên ra mà chúng tôi phải chết tội nghiệp.

Anh thầy nghe nói mới hở hơi được, đem bụng mừng thì mới nói: Thôi tao làm phúc, tao không nói đâu mà hòng sợ. Tới nơi anh ta bói xong, kiếm được rồi vua trọng thưởng, lại phong cho chức sắc về vinh vang.

Mà vốn thiệt là việc may đâu mà nên mà thôi, chẳng phải là tại va 3 có tài nghề chi đâu. Ở đời có nhiều người nhờ vận may mà thôi chớ chẳng phải tài tình chi.

Trương-Vĩnh-Ký (Chuyện đời xưa)

Ông người tỉnh Vĩnh-long trong Nam-kỳ, sinh năm 1837, mất năm 1898. Ông học thông chữ Pháp; hồi ông Phan thanh-Giản sang sứ Pháp, ông có dự đi làm thông-ngôn: đến lúc về ông được sung chức thông sự ở trong kinh, để tiện việc giao thiệp với quan Pháp. Đến năm 1884, ông được bổ làm giáo-viên dạy khoa Đông-phương-ngữ ở trường Cai-trị (Collège des stagiaires) tại Sài-gòn.

Ông là bực kỳ-cựu trong phái Pháp-học và đã có công trong việc truyền bá chữ quốc-ngữ. Ông có làm quyển Pháp-Việt tự-điển, quyển Chuyện khôi-hài, Chuyện đời xưa và nhiều sách giáo-khoa bằng quốc-ngữ. Ông lại am hiểu nhiều thứ tiếng ngoại-quốc: có dịch bộ Tứ thư và mấy quyển sách chữ nho khác ra quốc-ngữ.

CHÚ THÍCH — 1. Chém mất đầu. — 2. Hiểu thấu cả các việc trên trời dưới đất. — 3. Tiếng đường trong như tiếng nói ngoài Bắc.