Quốc văn trích diễm/15

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

15. — QUA ĐÈO-NGANG

Bước tới Đèo Ngang bóng đã (xế) tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc-quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia-gia.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

GIẢNG NGHĨA. — Đèo Ngang thuộc về dặng núi Hoành-sơn tức là một nhánh núi của dẫy Trường-sơn trong Trung-kỳ chạy thẳng ra bể làm giới hạn cho hai tỉnh Hà-tĩnh và Quảng-bình. Núi ấy chắn ngang đường Thiên-lý tự ngoài Bắc vào trong Nam. Xưa kia khách bộ-hành đi đến đấy tất phải trèo qua đèo ấy.

Đại phàm con người ta đứng trước một cái cảnh-tượng vũ-hùng của tạo-hóa, trong lòng tất có cảm-xúc. Chốn đèo Ngang này không những là một nơi phong-cảnh đẹp, lại là một nơi rất có liên-lạc với lịch-sử nước nhà, nên bà huyện Thanh Quan là một người có văn học đi qua đấy ngắm cảnh ấy mà cảm-tình chan chứa trong lòng, mới thổ-lộ ra lời thơ âm-thầm tao-nhã, trong bài thơ bà vừa tả cảnh-tượng chỗ đèo Ngang, vừa giãi bày mối cảm-xúc của mình, thuộc về thể thơ tức-cảnh mà ngụ-ý cảm-hoài.

Câu phá bà nói rõ bà đến chỗ đèo Ngang về buổi chiều (bóng đã tà là bóng mặt trời về buổi chiều). Phép tả cảnh không những phải nói rõ cảnh ấy ở chỗ nào mà nhiều khi lại phải nói mình ngắm cảnh ấy về lúc nào, vì cũng một phong-cảnh mà cái cảnh mỗi mùa mỗi khác, mỗi lúc mỗi khác, nên cảm-xúc đến người ta cũng không giống nhau. Chỗ đèo Ngang đã là cảnh núi non mà lại gặp buổi chiều, thường có vẻ thê-lương, làm cho kẻ lữ-thứ dễ sinh lòng cảm-động.

Nay cái cảnh-sắc chỗ ấy thế nào? Xem câu thừa:

Cỏ cây chen đá lá chen hoa,

thì biết cảnh ấy cũng không phải là cảnh đá chọi cây cằn, tiêu-điều thảm-đạm. Có núi non nhưng cũng có cây cỏ hoa lá, đủ làm cho vui mắt người ta mà không đến nỗi làm cho người ta sợ hãi. Nên nhận âm điệu câu thơ này: hai chữ chen láy đi láy lại với hai chữ đá lá đồng âm với nhau làm cho thanh-hưởng câu thơ rất là êm đềm réo rắt.

Hai câu thực bà chọn hai cái cảnh-tượng ở chốn ấy mà mô tả ra: một bên thì có mấy người kiếm củi lom-khom ở dưới núi, một bên thì có mấy cái nhà ở lác đác bên con sông, thật là hợp với cái cảnh sắc đã tả trong câu thừa đề, vì cảnh tượng không tiêu điều lắm nên có nhà ở có người đi.

Đứng trước cảnh tượng-ấy thì mối cảm-tình của bà thế nào? Xem hai câu luận thì ta biết. Cảnh vật thường cảm-xúc lòng người; bà nghe tiếng quốc kêu mà bà sinh lòng nhớ nước, (chữ quốc vừa là tên một giống chim vừa nghĩa là nước), nghe tiếng con gia kêu mà bà sinh lòng nhớ nhà (chữ gia vừa là tên một giống chim vừa nghĩa là nhà).

Rồi bà kết lại hai câu ý nói rằng: đứng giữa cảnh vừa trời, vừa nước, vừa non, mà thui-thủi một thân không ai trò chuyện, nỗi lòng chan chứa, một mình mình biết, một mình mình hay.

Bài thơ này thiệt là một bức tranh tuyệt-diệu hình-dung được cả cái ngoại-cảnh của tạo-hóa, cả cái nội-cảnh của tâm-giới mà lời tao-nhã giọng âm-thầm. Khéo nhất là suốt trong bài thơ bà không phải dùng một điển-tích nào, một chữ nho nào mà lời vẫn chải-chuốt, thiệt là một bài thơ nôm hiếm có vậy.