Quốc văn trích diễm/45

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

45. — TỰ TRÁCH MÌNH

Lê-quí-Đôn

Ông Lê-quí-Đôn 黎 貴 惇 người làng Diên-hà (thuộc tỉnh Thái-bình bây giờ) rất thông minh; thuở nhỏ đã nổi tiếng văn thơ; đậu thủ-khoa năm 18 tuổi, đậu bảng-nhỡn năm vua Hiến-Tôn thứ 13 (1752) sau làm quan và có sang sứ bên Tàu hai lần; ứng đối biến báo người Tàu phải phục cả. Sang bên ấy ông kiếm được nhiều sách lạ xem: sách cổ, sách kim, sách Tàu và cả sách ngoại quốc nữa. Ông học lực đã thâm, lại kiến văn rộng, lịch duyệt nhiều, nên khi ông về nước soạn ra rất nhiều sách: dễ trong đời Lê ông là người văn học quảng bác nhất và trước thuật nhiều nhất. Trong các bộ ông soạn ra, uyên-thúy nhất là bộ Vân-đài loại ngữ có thể coi như là một bộ triết-học tự-vựng được. Các bộ khác nữa là: Thánh-mô hiền-phạm lục, Kiến-văn tiểu lục, Hoàng-Việt văn hải, Thượng-kinh phong vật chí, v. v. Ông lại khởi thảo một bộ sử lớn nước ta là bộ Đại-Việt thông sử; nhưng bộ ấy còn dở-dang chưa xong, đến nay lại thất lạc mất nhiều đoạn.

TIỂU DẪN. — Ông thông minh khác thường, lên sáu tuổi đã biết làm thơ làm văn; khi 7, 8 tuổi cởi truồng đi tắm, có một quan Thượng vào chơi với cụ thân-sinh ông là Trung-hiếu công, trông thấy đứa trẻ hỏi thăm nhà; đứa trẻ ấy đứng giạng hai chân ra bảo quan Thượng rằng: Tôi đố ông biết chữ gì đây, hễ ông biết được thì tôi sẽ đưa ông vào nhà. Quan Thượng thấy thằng bé con hỗn xược, không thèm nói gì; đứa trẻ ấy cười ầm lên nói rằng: Chữ thái 太 thế mà không biết! Quan Thượng thấy đứa bé lạ, hỏi ra mới biết là con ông Trung-hiếu công; lúc vào nhà, gọi ông mắng rằng: mày là thằng rắn đầu rắn cổ, phải làm một bài thơ tự trách mình, nếu không làm được thì phải đòn; ông vâng lời làm bài tơ tự trách mình, tức là bài thơ này.

Chẳng phải liu-điu 1, vẫn giống nhà,
Rắn đầu chẳng (biếng) học chẳng ai tha.
Thẹn đèn, hổ lửa, đau lòng mẹ,
Nay thét, mai gầm, rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối,
Lằn lưng cam chịu vết roi tra.
Từ rầy Châu, Lỗ 2 chăm nghề học,
Kẻo hổ mang điều (danh) tiếng thế-gia 3.

CHÚ THÍCH. — 1. Liu điu, hổ lửa, mai gầm, (rắn) ráo, (thằn) lằn, hổ mang vừa là tên rắn vừa có nghĩa trong câu thơ. — 2. Châu 鄒 là chỗ ông Mạnh-tử ở; Lỗ 魯 là nước Lỗ, quê đức Khổng-tử: ý nói học đạo Khổng Mạnh. — 3. Ý nói: chớ để người ta chê là con nhà thế-gia mà dốt.