Quốc văn trích diễm/79

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
79 — Kiều ở lầu Ngưng-bích của Nguyễn Du

79 — KIỀU Ở LẦU NGƯNG-BÍCH

TIỂU DẪN. — Kiều theo Mã-giám-Sinh đi Lâm-tri, không ngờ lại mắc vào tay Tú-Bà là người mụ dầu bắt nàng ở thanh-lâu tiếp khách; nàng bèn toan bề tự tận. Tú-Bà sợ, mới thuốc thang cho nàng khỏi, rồi để nàng ở riêng lầu Ngưng-bích, hứa sẽ tìm nơi xứng đáng mà gả cho. Đoạn này là tả nỗi buồn của nàng lúc đương ở lầu ấy mà nhớ đến cha mẹ cùng tình-nhân.

Trước lầu Ngưng-bích 1 khóa xuân 2,
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát-ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng 3,
Tin sương 4 luống những rày mong mai chờ.
Bên trời góc bể bơ-vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai!
Xót người tựa cửa hôm mai 4,
Quạt nồng ấp lạnh 5 những ai đó giờ?
Sân Lai 6 cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử 7 đã vừa người ôm!
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp-thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man-mác, biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu-dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh-xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh (duềnh),
Ầm-ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

CHÚ THÍCH. — 1. Là tên lầu: nghĩa đen là sắc biếc đọng lại. — 2. Ý nói nàng Kiều. — 3. Là chén cùng với tình-nhân uống rượu mà thề chữ đồng (đồng sinh đồng tử). — 4. Là mẹ. Điển cũ: mẹ Vương-tôn-Giả đời Chiến-quốc bảo con: « Mày đi, tao tựa cửa đứng mong ». — 5. Là đạo con thờ cha mẹ. Chữ trong kinh Lễ: « Con thờ cha mẹ quạt khi nồng, ấp khi lạnh ». — 6. Là sân nhà cha mẹ. Điển cũ: Ông Lão-Lai đời nhà Chu đã 70 tuổi, một hôm mặc áo sặc-sỡ ra ngoài sân múa làm bộ như trẻ con để cha mẹ trông thấy được vui lòng. — 7. Gốc tử: Điển trong kinh Thi: « Duy tang dữ tử, tất cung kính chỉ » (Phải kính trọng từ cây dâu cây tử cha mẹ ta đã giồng). Gốc cây tử đã to rồi, ý câu ấy nói dễ cha đã già rồi.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Đoạn này thuộc về thể văn gì? — 2. Chia các đoạn mạch trong bài này.

3. Nàng Kiều ở trước lầu Ngưng-bích, xúc cảnh cảm hoài ra làm sao?

4. Phong-cảnh với người ta có liên-lạc thế nào? Khi buồn trông ngoại-cảnh ra thế nào? Giải-thích và bình-luận câu Kiều: « Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. »

II. Lời văn. — 1. Cắt nghĩa câu thứ nhì. — Mây sớm đèn khuya: nghĩa. — Chia tấm lòng: Ý nói gì? — Nghĩa câu thứ 10. — Nhặt (lặt) những tiếng điệp-tự trong bài này và nói giá-trị những tiếng ấy về sự hình dung các sự vật.

2. Tác-giả tả nỗi buồn của nàng Kiều thế nào? Chữ buồn trông láy đi láy lại bốn lần có hiệu-lực gì?