Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/Biên tập đại ý

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

BIÊN-TẬP ĐẠI-Ý

Trong chương-trình các trường sư-phạm và cao-đẳng tiểu-học bản-sứ có một khoa giảng quốc-văn, mà đã gọi là giảng văn thì phải có bài có sách. Hiện nay quyển sách quốc-văn độc-bản dùng trong các trường ấy không có. Bởi vậy chúng tôi soạn ra quyển này để hiến các bực giáo-sư và các học-sinh dùng.

Đại-ý biên-tập quyển (cuốn) này như sau:

I. Sự chọn bài. — Chúng tôi theo đúng chương-trình nhà nước lựa trong các thơ văn cổ kim lấy những bài hay, có bổ-ích về sự giảng-cứu quốc-văn và thích hợp với trình-độ học-trò các trường ấy. Chia ra từng mục theo các thể văn. Về thể văn vần có trích lục đủ cả các lối như thơ, phú, hát nói, văn tế, bài tuồng, v. v.; trên các bài về một lối nào có tóm tắt những phép tắc về lối ấy. Còn văn xuôi thì chia làm hai phần: phần trên trích-lục các bài văn cổ nguyên viết bằng chữ nho phiên-dịch ra để học-trò được biết qua cái tinh-thần hán-học ở nước ta; phần dưới quan-trọng hơn trích-lục các bài văn kim đủ các lối: nghị-luận, ký-sự, tả cảnh, tiểu-thuyết v. v. để học trò được thiệp-liệp các thể văn thiết-dụng đời nay.

II. Hán-Việt văn-biểu và tác-giả tiểu-truyện — Muốn lĩnh thụ ý-tưởng cùng văn-pháp một bài thơ hoặc một đoạn văn, tất phải biết qua lịch-sử của tác-giả cùng cái địa-vị của tác-giả trong văn-học giới nước nhà. Bởi vậy trên đầu các bài thơ văn của một nhà nào chúng tôi có kê-cứu soạn thành một thiên tiểu-truyện kể qua sự-trạng cùng công trước-tác của nhà ấy. Trên đầu sách lại có chép một thiên Hán-Việt văn-biểu kể rõ các thời-kỳ trong văn-học lịch-sử nước ta và tên các văn-gia cùng các sách vở của các nhà ấy trước thuật ra.

III. Sự giảng nghĩa. — 1º Mỗi bài thường có một đoạn tiểu dẫn kể qua tình tiết nhân đấy tác-giả làm ra bài ấy để giúp về việc giảng nghĩa. Bài nào trích trong một quyển ra lại có nói qua đại-ý và tóm tắt các chi-tiết quyển ấy để rõ mối liên-lạc của đoạn ấy với toàn thiên thế nào.

2• Trong bài có những chữ nào khó nghĩa hoặc có điển-tích gì đều chú-thích rõ ràng để đỡ công tra-cứu của ông thầy cùng học trò.

3• Mỗi bài thường có đặt sẵn câu hỏi về ý-tưởng và lời-văn để giúp cho ông thầy giảng nghĩa và học-trò nghiên-cứu trước.

Chúng tôi lựa chọn trong mỗi thể văn lấy một vài bài đặc-sắc soạn sẵn bài giảng nghĩa để làm mẫu, không dám tự phụ rằng các bài ấy đã hoàn-toàn, song gọi là phỏng theo lối bình-giảng Âu-Tây để giúp các giáo-sư và học-sinh châm chước đó mà biến hóa đặt để thêm ra.

Chúng tôi cũng tự biết rằng việc làm ra đây còn nhiều điều khuyết-điểm, dám mong các bậc cao-minh xem quyển (cuốn) sách này chỉ bảo cho các chỗ sai lầm, điều nên sửa đổi, để giúp vào sự luyện tập quốc-văn của bọn tân-tiến và việc giáo-dục của bọn thiếu-niên nước nhà thì thật là hân-hạnh cho chúng tôi lắm. Đó là một điều kỳ-vọng lớn của chúng tôi khi soạn quyển sách này vậy.




Lời dặn:

1º — Trong các bài thơ văn có bản nào chép khác đều có chua thêm nếu khác có một chữ thì chua ngay bên cạnh ở giữa hai nét ngoặc ( ), nếu khác nhiều chữ thì đánh số chua xuống dưới trang.

2º — Các tiếng Trung, Nam kỳ nếu gặp ở các bài thơ văn thì chua xuống dưới trang; nếu ở các đoạn khác như tiểu-dẫn, chú-thích, v. v. thì chua ngay bên cạnh mà in chữ nghiêng.