Quốc văn trích diễm/Nguyễn Thị Điểm

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

NGUYỄN-THỊ-ĐIỂM 阮 氏 點

Bà người huyện Đường-hào, tỉnh Hải-dương, em gái ông tiến-sĩ Nguyễn-trác-Luân, ở vào khoảng đầu thế-kỷ thứ XVIII, về đời vua Duy-Phương và vua Thuần Tôn nhà Lê.

Bẩm sinh rất thông-minh, năm sáu tuổi học đã giỏi. Mười lăm tuổi, văn-chương đã nổi tiếng, các tay danh-sĩ đời bấy giờ như ông Thái-học-sinh Đặng-trần-Côn cũng phải chịu tài.

Bà kén chồng kỹ không ai lấy được. Ngoài 20 tuổi mới lấy lẽ quan Thượng-thư ở huyện Từ-liêm là Nguyễn-Kiều hiệu Hạo-Hiên; hai vợ chồng quí nhau lắm. Bà thọ 70 tuổi.

Bà thường ở dạy học chốn kinh-thành, học-trò theo học cũng đông, thành-đạt cũng nhiều.

Bà có làm ra bộ sách « Tục truyền kỳ » bằng chữ nho và dịch quyển « Chinh-phụ ngâm » nguyên văn bằng chữ nho ra quốc-âm hay lắm.

CHINH-PHỤ NGÂM

Khúc này nguyên-văn chữ nho của ông Thái-học-sinh Đặng-trần-Côn người làng Nhân-mục, (nay thuộc tỉnh Hà-đông) làm ra. Sau bà Nguyễn-thị-Điểm dịch ra quốc-văn mà bản dịch lại hay hơn bản nguyên-văn.

Đề-mục của khúc này là một đề-mục các nhà thi-sĩ nước Tàu nước ta thường đem ra ngâm vịnh, tức là các lời than-vãn của một người đàn bà còn trẻ tuổi mà chồng đi lính xa lâu không về. Nỗi ly-biệt, tình nhớ thương, phần lo cho chồng phải xông pha trận-mạc, phần tủi nỗi mình phải phấn ủ nhị tàn, ý ý âm-thầm, lời lời thiết-tha, thật tả rõ tình cảnh một người thiếu-phụ vắng chồng mà biết thủ tiết, kết lại một câu rằng mong cho chồng chóng được về để lại được sum vầy vui vẻ.

Lời văn khúc này thật là êm-đềm ảo-não, rõ ra giọng nói một người đàn bà buồn bã, nhưng có vẻ thê-lương hơn là vẻ đau đớn, không đến nỗi réo-rắt sầu khổ như giọng văn Cung oán: thật là lời văn hợp với cảnh vậy. Kể về phần hay thì không kém gì văn Truyện Kiều và văn Cung oán. Nhiều đoạn đặt theo thể liê-hoàn, chữ cuối câu trên láy lại làm chữ đầu câu dưới, cứ thế đặt dài tới mấy câu, cũng thành một giọng riêng và đọc lên nghe cũng có một vẻ hay riêng.