Quan niệm về cuộc nhân sinh

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quan niệm về cuộc nhân sinh  (1936) 
của Trần Trọng Kim
SOCIÉTÉ D'ENSEIGNEMENT MUTUEL DU TONKIN
COMITÉ DE NAMDINH

QUAN-NIỆM VỀ CUỘC NHÂN-SINH

Bài diễn-thuyết của ông
Trần Trọng-Kim diễn hồi
8 giờ tối ngày 18 Janvier 1936
ở tại Hội-quán, hội Trí-tri,
phố Hàng-Đồng, Nam-định



IMP. TRUNG-BAC TAN-VAN
61-63, Rue du Coton, Hanoi

QUAN-NIỆM VỀ CUỘC NHÂN-SINH

Bài diễn-thuyết của ông
Trần Trọng-Kim diễn hồi
8 giờ tối ngày 18 Janvier 1936
ở tại Hội-quán, hội Trí-tri,
phố Hàng-Đồng, Nam-định

Thưa các ngài,

Bản tính tôi không ưa ra phô-diễn ở nơi công chúng, mà nhất là ở những nơi có các bậc thượng-lưu như các ngài đến trông nghe, thì tôi lại càng lấy làm e-lệ lắm. Bởi thế cho nên trừ một đôi khi, thế bất-đắc-dĩ, không sao từ chối được, thì phải cố gắng ép mình mà làm cho trọn bổn-phận, còn là tôi chỉ cầu lấy được sự yên lặng để tìm vui ở việc học. Nay vì có mấy ông bạn là ông Đốc Độ và quan Đốc Quỳ, hơi có ý éo-le, biết rằng tôi là người vụng-về hay e-lệ, cứ cố nài ép, bắt tôi thế nào cũng phải đến nói chuyện hầu các ngài một buổi. Tôi từ chối không được, phần thì nể bạn, phần thì sợ các ngài không hiểu, lại cho tôi là bắc bậc làm kiêu gì chăng, cho nên tôi phải nhận lời với bạn mà đến hầu chuyện các ngài ở đây.

Chiều được ý bạn đã là một sự khó rồi, còn lo làm thế nào cho xứng ý của bạn và lại không phụ cái lòng quí hóa của các ngài không quản mất thì-giờ đến chứng cho như thế này, ấy mới là một sự khó lắm nữa. Nguyên cái lối diễn-thuyết của ta khi xưa không có. Cứ theo cho đúng cái tinh-thần học cũ của phương Đông ta, thì sự học cốt ở việc làm, chứ không cốt ở lời nói. Đã học được điều gì, thì phải làm ra như thế, cho nên chữ học bao giờ cũng đi đôi với chữ hành. Sau dần dần cái tinh-thần ấy mất đi, người ta đem cái học thực-tiễn đổi làm cái học hư-văn: học trau-truốt lấy lời văn cho hay cho đẹp, chứ không mấy khi lo đem cái học mà thi-thố ra ở việc làm. Bởi thế mới thành ra có nhiều người nói một đường làm một nẻo. Song sự sinh-hoạt của ta khi xưa còn giản-ước, kẻ học-giả chỉ vụ dùng lời nói để làm câu văn cho hay mà thôi, chứ không dùng để giải-quyết những cái vấn-đề tư-tưởng hay thực-tế, hoặc để phát-minh ra một cái chân-lý nào. Đến nay phong-trào thay đổi, ta cũng theo đòi, mở ra các cuộc giảng-diễn, nghĩa là lấy lời nói mà bày tỏ hết các ý-kiến của mình về một việc gì. Kể như thế cũng đã là có phần tiến-bộ lắm rồi. Song cái khó trong cuộc giảng-diễn là ở sự tìm ra được cái vấn-đề gì để giảng-diễn. Đó là một điều rất nguy hiểm cho những người đã đảm nhận lấy việc diễn-thuyết.

Nói đến sự khó-khăn ấy, tôi nghĩ đến sự lo-lắng của tôi trước khi ra ngồi thưa chuyện với các ngài ở đây. Đã nhận làm bài diễn-thuyết rồi, nghĩ-ngợi mãi, không biết nói về vấn-đề gì cho phải. Nói về lịch-sử chăng? Phải có chuyện gì mới lạ chưa ai nghe bao giờ, thì câu chuyện mới có thú vị, chứ đem chuyện trong sách ra mà nói, chẳng bõ làm cho các ngài buồn ngủ. Nói về địa-dư chăng? Cần phải có lịch-lãm nhiều nơi, có quan-sát tinh-tường, hoặc có tranh có ảnh chiếu lên, thì câu chuyện của mình nói mới không tẻ không chán. Nói về khoa-học chuyên-môn chăng? Lại phải là người có sành khoa-học mới nói được, và những thính-giả cũng phải là người đã biết qua khoa-học thì mới nghe ra được. Hay là nói về công-nghệ thương-mại chăng? Cũng phải là người đã lịch-duyệt về những việc ấy, thì câu chuyện mới đặm-đà. Nói về văn-chương chăng? Nhưng phải biết nhiều, nhớ nhiều và lại cần có tốt giọng, thì nói mới nghe được. Nói về mỹ-thuật thì sao? Cần phải có kiểu-mẫu bày ra trước mắt như ở trong bảo-tàng, thì người ta mới biết thế nào là đẹp là xấu. Vậy thì nói gì? Nghĩ quanh nghĩ quẩn không biết nói về việc gì. Sau cùng tôi nghĩ đến cái vấn-đề nhân-sinh cũng quan-thiết lắm, mà nói ra có lẽ ai cũng hiểu được. Ấy thế thành ra câu chuyện Quan-niệm về cuộc nhân-sinh, tôi xin đem hiến các ngài hôm nay đây. Tôi xin thú thật với các ngài rằng: câu chuyện này không phải là câu chuyện nghe vui tai, nhưng nó có thể gây ra các ý-kiến làm cho người ta để ý mà nghĩ-ngợi, mà tìm-tòi ra được nhiều điều hay.

Người ta sinh ra ở đời, giá cứ như các loài thú ở trong rừng, đói thì đi tìm ăn, no thì kiếm chỗ nằm nghỉ, chỉ cần có một ít trí-khôn để đi săn bắt các thú khác và để giữ mình trong khi có nguy nan, rồi cứ sống theo lẽ tự-nhiên, để mặc tạo-hóa xoay vần biến đổi, được thế nào hay thế, không nghĩ gì đến việc sống chết, không lo gì đến việc còn mất. Cứ như thế, tôi tưởng cũng xong, mà có lẽ lại có nhiều thú-vị hơn cuộc đời này, thấy đầy những cảnh khổ não, làm cho ta phải nhiều nỗi âm-thầm đau-đớn, gặp bao nhiêu những sự gian ác dả dối, khiến ta phải ngẩn ngơ, sinh ra lòng hoài-nghi, cho tạo-hóa là một cuộc hí-trường không có ý nghĩa gì cả.

Đó chẳng qua là bởi giống người có trí-não, dễ cảm-xúc, hay suy-nghĩ. Lúc đầu nhờ có cái trí-não ấy mà được nhiều điều thắng lợi, bắt các loài thú phải phục tùng mà làm việc cho mình, rồi dần-dà bày đặt ra cách nọ thứ kia để cho tiện việc làm ăn và lại sắp đặt thành đoàn-thể xã-hội, có luật-lệ, có luân-lý, nghiễm-nhiên chiếm giữ lấy cái địa-vị chủ-nhân ông trong thế-gian. Nhưng tạo-hóa lại lừa lọc, đem cái ảo-tưởng làm cho giống người mê-muội, khiến phải chầy-chật trong cuộc nhân-sinh. Ấy mới thành ra bao nhiêu cái vấn-đề bắt buộc người ta phải băn-khoăn tìm-tòi; nhưng hễ tìm ra được mối này thì lại mất mối nọ, tựa như mắc phải lưới, lẩn-quẩn loanh-quanh, không sao gỡ ra được.

Song cuộc đời dù hay dù dở thế nào, ta không thể tránh khỏi được. Ta chỉ biết cuộc đời đã có, thì ta phải tìm lấy một con đường mà đi, mà hành-động cho đúng cái lẽ phải và cho khỏi uổng mất sự sống của ta.

Trong những cái vấn-đề nó bắt ta phải để ý mà suy-nghĩ, mà tìm-tòi đó, có cái vấn-đề nhân-sinh là hệ-trọng hơn cả. Nhân-sinh là người sống ở đời. Sống để làm gì? Tại làm sao mà sống? Sống thế nào cho phải? Sống rồi lại chết; chết thì đi đâu? Ấy là mấy câu hỏi không bao giờ là người ta không nghĩ đến, mà càng nghĩ, càng không tìm thấy câu trả lời.

Sống để làm gì? Người thì nói sống để làm nghĩa-vụ ở đời, kẻ thì nói sống vì tôn-giáo, lại có kẻ nói sống vì khoa-học, v.v.. Ai đi về đằng nào thì viện ra các lẽ mà trưng-chứng cho cái thuyết của mình, rồi bên nào cũng tự-nhận mình là phải và tìm phương lập kế để phá hại bên kia, thậm chí có khi đến giết hại lẫn nhau, làm cho tan nhà hại nước, chỉ vì một điều thiên chấp cái sở kiến của mình. Nghĩ cho cùng thì không có giống gì dại như giống người!

Song cái dại của giống người ta là cũng bởi cái khôn mà ra, là vì có cái khôn, cho nên mới suy nghĩ ra điều nọ lẽ kia, đến khi đã tin theo một cái lý-tưởng nào, thì dù có phá thân hoại thể cũng không tiếc. Đó là bởi ta khao-khát cái chân-lý, muốn biết rõ cuộc đời là cái gì, và cái mục-đích sự sống ở đời để làm gì. Sự khao-khát ấy tỏ ra là trong bản-tính của người ta vẫn có cái thiêng-liêng nó chỉ muốn phá tan cái mờ tối bao bọc chung-quanh ta, để tới đến chỗ quang-minh chính đại.

Nhờ cái thiêng-liêng ấy, cho nên ta mới có sự hiểu biết và mới gây ra một cuộc nhân-sinh hơn cả các loài trong vạn vật. Cuộc nhân-sinh của ta thường biến đổi theo cái chủ động-lực và cái tư-tưởng của từng đời và từng xứ một. Có khi ở thời-đại này thì cho thế này là phải, sang đến thời-đại khác lại cho thế khác là phải hơn, cho nên lắm lúc thành ra phân-vân khó nghĩ. Nay ta muốn biết rõ cuộc nhân-sinh của các dân-tộc từ xưa đến nay là thế nào, ta hãy xét qua các cái học-thuyết nó đã gây thành ra những quan-niệm về những cuộc nhân-sinh ấy.

Ở Á-đông ta, thì cuộc nhân-sinh của các dân-tộc đều ở trong phạm-vi Lão-giáo, Nho-giáo và Phật-giáo. Ba tôn-giáo ấy đều cho cuộc đời là cuộc biến-hóa vô cùng của vũ-trụ và nhân đó mà lập thuyết và thiết giáo. Song Lão-giáo, thì nhận có cuộc biến-hóa và muốn tìm cho đến cái gốc của sự biến-hóa để được yên-lặng mà ngắm cảnh biến-hóa. Dù ta có phải biến-hóa nữa, thì ta cũng để mặc sự biến-hóa tự nó theo thông-lệ mà biến-hóa, và nhất là không nên hành-động tạo-tác gì cả. Ấy là ta có cái vui cái sướng ở đó. Vậy nên Lão-giáo chủ lấy sự thanh-tĩnh vô-vi làm cốt. Theo cái chủ-nghĩa ấy, thì cho vạn vật và vạn sự ở trong thế-gian là một cuộc hí-trường, biến biến hiện hiện, không có gì là chân-thực, là lâu bền cả, thì tội gì mà ta quan tâm ở chỗ biến-hóa đó. Thiên hình vạn trạng rồi chung qui cũng quay về cái Đạo. Vậy thì việc cốt-tử của ta ở đời, là cốt tìm thấy Đạo, ngoại giả không thiết gì cả. Cái học-thuyết ấy thành ra một cái học-thuyết yếm-thế.

Theo cho đúng cái học-thuyết ấy, thì người ta có cái tính-cách chán đời, không có ích gì cho cuộc tiến-hóa nữa. Nhưng kể thực ra, thì chỉ có một hạng người rất ít vì nỗi bi-quan ở đời mà chủ-trương cái thuyết ấy mà thôi. Còn ngoài ra là những người mượn tiếng Lão-giáo mà làm những điều mê-hoặc, hay nói những việc thần-tiên, thì chẳng nói làm gì.

Nho-giáo cũng nhận rằng vũ-trụ chỉ có sự biến-hóa mà thôi. Nhưng đã biến-hóa là có thế-gian, có vạn-vật. Vạn-vật dù có chuyển-vần thay đổi thế nào mặc lòng, vạn-vật đã phát hiện ra, là có. Có lâu có chóng cũng là có. Đã có là phải hành-động tạo-tác để cho đúng cái lẽ tự-nhiên của tạo-hóa. Cho nên cái tôn-chỉ của Nho-giáo là phải hành-động tạo-tác, nhưng hành-động tạo-tác thế nào mà điều-hòa được với sự biến-hóa ở trong vũ-trụ, thì ta được yên vui. Vậy việc cốt-yếu của Nho-giáo là việc điều-hòa ở trong cuộc biến-hóa, tức là cái thuyết trung-dung, giữ cho hết thảy mọi việc đều có chừng mực, không thái quá, không bất cập. Trung-dung thì điều-hòa, thì yên vui. Còn việc biến-hóa của vũ-trụ là việc tất-nhiên, ta không thể vượt qua được và cũng không thể biết rõ được.

Theo cái học-thuyết của Nho-giáo, là cái học-thuyết xử-thế, cho việc đời là việc người ta phải để ý đến mà tìm cách hành-động cho hợp với cái lẽ điều-hòa ở trong thế-gian. Bởi cái chủ-nghĩa ấy, cho nên mới đặt ra trật-tự tôn-ti, mới định ra cương-thường luân-lý để khiến người ta biết đường biết nẻo mà xử thế tiết vật, ai yên phận người ấy, để không có sự rối loạn, tàn khốc. Ấy là chủ-ý của Nho-giáo, tuy đối với thực-tế thì không hoàn-toàn được như thế, nhưng cái học ấy có cái ảnh-hưởng rất to ở trong những xã-hội đã theo Nho-giáo.

Cái học ấy về đường trì-thủ, thì có nhiều điều rất mỹ-mãn, nhưng về đường tiến-thủ thì có chỗ khuyết-điểm, là vì người ta cho cuộc nhân-sinh là chỉ vụ lấy sự theo tạo-hóa mà điều-hòa, trừ khi có việc thật bất-đắc-dĩ ra, thì không bao giờ nghĩ đến việc để-kháng tạo-hóa. Thành thử việc tiến-thủ của cái văn-hóa Nho-giáo rất chậm. Ta lại nên biết rằng cái học-thuyết của Nho-giáo chỉ chủ-trương việc xử-thế mà thôi, cho nên ít có những cái tư-tưởng siêu-việt cao-xa. Vậy nên cái văn-hóa Nho-giáo có chỗ sở-trường là gây thành một cuộc nhân-sinh êm-đềm có nhiều sinh-thú, khiến cho đời người tuy không có cái vẻ rực-rỡ, nhưng không đến nỗi chật-vật vất-vả lắm, không có những điều chiến-đấu kịch-liệt làm rung động cả thế-gian. Nếu cuộc nhân-sinh của thiên-hạ mà theo cái chủ-nghĩa hòa-bình, thì có lẽ cái học-thuyết của Nho-giáo có phần thắng-lợi hơn cả. Nhưng ở vào thời-đại cạnh-tranh thì cái văn-hóa Nho-giáo thường hay thất-bại. Ấy là chỗ sở đoản của học-thuyết bên Nho-giáo.

Hai cái học-thuyết Lão-giáo và Nho-giáo phát-minh ra ở nước Tàu. Còn cái học-thuyết của Phật-giáo thì khởi phát ra ở đất Ấn-độ, rồi dần dần lan khắp cả các nước bên Á-đông. Tuy Phật-giáo cũng nhận vũ-trụ là một cuộc biến-hóa vô cùng vô tận, nhưng lại không chịu bó mình ở trong cuộc biến-hóa ấy. Vậy nên cái tôn-chỉ của Phật-giáo là chủ ở sự giải-thoát ra ngoài sự biến-hóa của vũ-trụ. Muốn đạt tới cái mục-đích lớn ấy, trước hết phải tìm cho ra cái mối bởi đâu mà có sự biến-hóa. Phật-giáo cho vũ-trụ sở dĩ có, là vì cái công-lệ nhân quả tương duyên mà thành ra, chứ không nhận có vị thần nào sáng tạo ra vũ-trụ cả. Nói cho đúng thì Phật-giáo không nói là vô-thần, thường vẫn nhận ở trong thế-gian có thần, nhưng cho là các vị thần, dù cao đến như Phàn-thiên, Đế-thích, cũng hãy còn ở trong cuộc biến-hóa. Những vị thần uy-linh như Phàn-thiên và Đế-thích, làm chủ-tể trên trời và cả thế-gian, mà còn cần phải giải-thoát, thì sự giải-thoát của ta không phải là ở sự kêu cầu những vị ấy. Thành thử Phật-giáo không có cái tính-cách ỷ-lại thần quyền, mà chỉ cốt tự mình cố tìm lấy sự giải-thoát của mình. Ta muốn giải-thoát thì phải lấy trí-tuệ mà hiểu biết sự biến-hóa bởi đâu mà ra. Hễ ta biết được cái gốc sự biến-hóa, thì ta có thể ra được ngoài sự biến-hóa. Bởi cái cách lập thuyết như thế, cho nên cái học-thuyết của Phật-giáo gồm có đủ cả hai phương-diện: thế-gian và xuất thế-gian.

Về phương-diện thế-gian, thì Phật-giáo cho vạn vật vạn sự đều là ảo-vọng không có gì chân-thực lâu bền hết cả. Tuy là ảo-vọng, nhưng đã có thể cảm-giác và xúc-tiếp được, thì cũng phải nhận là có. Có mà cứ biến-hóa vô-thường, ấy là thành ra cái khổ của thế-gian. Ta là một vật ở trong thế-gian, thì ta phải xử-trí thế nào cho đỡ cái khổ và để dần dần ta ra khỏi cái khổ. Bởi vậy mới có những phương-pháp dạy ta ăn-ở với đời, để thành một cuộc nhân-sinh hợp với đạo lý. Về phương-diện này, thì Phật-giáo và Nho-giáo có nhiều chỗ tương hợp với nhau. Bởi vì đối với việc xử-thế, Phật-giáo cũng lấy trung đạo, nghĩa là cũng lấy luân-thường đạo-lý làm căn-bản của sự nhân-sinh. Song những phương-pháp ấy chỉ là một cái cách ứng-dụng tạm thời mà thôi, chưa phải là cái mục-đích chân-chính của Phật-giáo. Vì người ta cần phải có cái cách ứng-dụng ấy để khiến cái tinh-thần lên cao một bậc nữa là lên tới chỗ xuất thế-gian.

Xuất thế-gian là ra ngoài sự biến-hóa của vũ-trụ, đó mới thật là cái chủ-đích của Phật-giáo. Ở trong thế-gian là có nghiệp, có duyên, có sinh, có tử, tức là có biến-hóa vô-thường; ngoài thế-gian là hết nghiệp, hết duyên, không sinh, không tử, tức là đến chỗ tịch-tĩnh bất sinh bất diệt. Phép tu-hành để được giải-thoát thì rất nhiều, nhưng nói rút lại chỉ có ba điều cốt yếu là giới, định, và tuệ. Giới là răn mình không làm điều ác điều bậy, khuyên mình làm điều thiện điều hay; định là không để tâm-thần tán loạn; tuệ là sáng suốt, hiểu thấu hết thảy mọi lẽ. Tu đến cực-điểm ba điều ấy là bậc Bồ-tát, thì giải-thoát ra ngoài biến-hóa, ấy là được tịch-tĩnh bất sinh bất-diệt.

Vậy thì cái gì là cái phải biến-hóa ở trong thế-gian mà đến khi ra ngoài thế gian lại là tịch-tĩnh bất sinh bất diệt? Theo như cái học-thuyết của phái Đại-thặng thì cái ấy ta biết là có mà không thể lấy danh từ mà hình-dung cho đúng được, ta chỉ gọi nó là bản-thểchân-tâm, là chân-ngã, là chân-như, để biểu-hiệu cái có chân-thực tuyệt-đối ấy, cùng một thể với Phật. Cái chân-thực ấy mắc vào biến-hóa là vạn pháp, là chúng-sinh; thoát ra ngoài biến-hóa là Phật.

Đạo Phật phát-minh ra ở nước Ấn-độ, nhưng ngay ở Ấn-độ lại bị các chi phái đạo Bà-la-môn tranh lấn, lâu dần thành ra suy-đồi. Cái tôn-chỉ Bà-la-môn cho Đại Phàn-thiên là chủ-tể cả vũ-trụ. Ngoài Phàn-thiên ra không có gì nữa. Vạn vật sở dĩ có là do vị thần ấy biến-hóa mà thành ra. Vậy cái chủ-đích của người muốn tìm sự giải-thoát được cái khổ-não ở đời, là chung thân phải đem cái tinh-thần chú vào sự cầu-nguyện cho lúc mệnh-chung được nhập làm một với Đại Phàn-thiên. Bởi cái lý-thuyết ấy, cho nên người Ấn-độ thường chuyên trọng về mặt hình-nhi-thượng học, mà không thiết đến việc thực-tế ở đời. Thành thử cái học siêu-việt của người Ấn-độ thì rất cao, mà cái trình-độ tiến-hóa về đàng vật-chất thì lại rất là kém hèn. Vì có sự chếch-lệch như thế, cho nên cuộc nhân-sinh của dân-tộc Ấn-độ phải chịu nhiều sự thiệt-thòi vậy.

Đó là nói tóm tắt những cái lý-thuyết của các học-phái đã gây thành ra cuộc nhân-sinh ở Á-đông cho những dân-tộc đã tin theo những học-phái ấy. Nếu ta lại xét rộng ra đến các dân-tộc khác ở trên địa-cầu, thì ta thấy trước thế-kỷ thứ XVIII, dân-tộc nào cũng sinh-hoạt theo cái lý-thuyết của các tôn-giáo hay các học-thuyết thịnh-hành trong dân-tộc ấy. Ví như người Âu-châu đều có cái quan-niệm nhân-sinh theo cái tư-tưởng của tôn-giáo Cơ-đốc. Dù là cựu-giáo hay tân-giáo mặc lòng, ai cũng tin rằng ở trên trời có một đấng tối cao làm chủ-tể cả vũ-trụ và tạo-tác ra muôn vật. Đấng chủ-tể ấy lại gây ra cho giống người cái linh-hồn, cho xuống ở trong cái xác thịt dưới trần gian, rồi đến khi chết thì cái linh-hồn nào năng cầu nguyện, năng lễ bái đấng chủ-tể, thì đều có phúc, được lên thiên-đường, hưởng sự sung-sướng; còn những linh-hồn nào không theo những điều đã dạy trong tôn-giáo, thì có tội và phải đày xuống địa-ngục để cho quỉ-vương làm tội.

Lại còn những dân-tộc ở Trung-Á và Tây-Á cùng ở phía bắc Phi-châu theo Hồi-giáo cũng có sự tin-tưởng tương tự như Cơ-đốc-giáo. Cơ-đốc-giáo hay là Hồi-giáo đều có nhiều tư-tưởng khác không phải là không cao sâu, nhưng đây ta chỉ nói sự tin-tưởng của số nhiều nhân chúng ở những xứ ấy, nó thành ra cái trào-lưu có ảnh-hưởng đến cuộc nhân-sinh của người ta.

Cuộc nhân-sinh của các dân-tộc tựu trung còn chịu nhiều cái thế-lực khác nữa, như thế-lực của địa-thế, thế-lực của khí-hậu, thế-lực của hoàn-cảnh, v.v.. Nhưng đại để thì cái tinh-thần thường phải chịu cái thế-lực của tôn-giáo mạnh hơn cả, cho nên ta có thể nói rằng: cuộc nhân-sinh khi xưa phần nhiều là theo cái thế-lực của các tôn-giáo.

Từ thế-kỷ thứ XVIII trở đi, ở bên Âu-châu, khoa-học thịnh-hành lên, nhân trí biến thiên đi, những điều trước người ta cho là chân-thực, nay thành ra vọng-hoặc, cuộc nhân-sinh của các dân-tộc cũng bởi đó mà biến-cải hết cả. Dần dần sự sinh-hoạt theo khoa-học lan ra đến đâu, thì cuộc nhân-sinh ở đấy cũng chịu cái ảnh-hưởng của khoa-học mà thay đổi, và cái thế-lực của các tôn-giáo cũng nhân thế mà suy kém đi, không được như trước nữa. Song khoa-học chỉ vẫy-vùng được ở trong cái phạm-vi tương-đối mà thôi, tức là chỉ mở rộng được cái biết về đường vật-chất, chứ không lên tới chỗ hình-nhi-thượng, để giải-quyết được cái vấn-đề sinh tử là cái vấn-đề nó cứ lẩn-quẩn ở trong tâm-thần của ta. Mà các tôn-giáo sở dĩ còn duy-trì được trong cuộc xung-đột của khoa-học là ở chỗ khuyết-điểm ấy. Khoa-học lại có cái liệt-điểm khác nữa, là nó làm cho ai đã mạnh thì lại mạnh thêm, thành thử sự chếch-lệch ở trong nhân quần càng rõ-rệt lắm. Kẻ mạnh nhân có cái thế-năng của mình mà làm cho lòng thị-dục ngày một bốc dẫy lên, cuộc chiến-đấu ngày một kịch-liệt, thành ra cuộc nhân-sinh rất là thê-thảm.

Ta nhờ khoa-học mà có cái biết rộng hơn ra một chút, nhưng lại vì khoa-học mà lại bị nhiều điều cay đắng, thành thử được cái này mất cái nọ, lòng người ta vẫn cứ đau-đớn tê-mê, mà lại không biết đâu là bờ là bến để chạy vào đấy mà náu mình cho được một chút yên lặng. Ấy cái cuộc nhân-sinh của người ta đời nay đại khái như vậy.

Đối với cái hiện-trạng như thế, ta làm thế nào mà giải-quyết được cái vấn-đề nhân-sinh của ta cho thuận thời và hợp cảnh? Muốn giải-quyết được cái vấn-đề ấy, tôi tưởng ta nên biết rõ thế nào là cuộc đời. Cứ như cái học-thuyết của Phật-giáo, thì đời là một cuộc tương-đối (une relativité), sự sống ở đời là một dây tương-tục (une succession). Cuộc đời tựa như giòng nước chảy ở giữa sông, hết lớp này đến lớp khác, trùng-trùng điệp-điệp, chỗ rộng chỗ hẹp, chỗ sâu chỗ nông, lúc mạnh lúc yếu lúc trong lúc đục, vô-thường vô-định. Con sông chảy nhiều và mạnh là con sông lớn, con sông chảy ít và chậm là con sông nhỏ. Con sông là con sông bởi có sự chảy, cũng như cuộc đời là cuộc đời bởi có sự biến-hóa tương-tục. Sự biến-hóa ấy bởi cái lẽ nhân quả tương duyên với nhau, cho nên cứ luân-chuyển mãi không thôi. Muốn biết cho rõ cái lý-thuyết ấy, thì ta hãy đem suy ra ở thân ta: Từ lúc mới sinh ra cho đến khi khôn lớn, ta thấy cái hình-hài và cái trí-não của ta cứ ngày ngày biến đổi luôn. Cái thân của ta lúc mới lên hai lên ba tuổi, và cái thân của ta lúc mười-chín hai-mươi tuổi không có gì là giống nhau cả, mà cái trí của ta lúc lên chín lên mười tuổi và cái trí của ta lúc hai ba mươi tuổi khác nhau hẳn. Thế mà ta vẫn cho là ta có một thân một trí, là bởi sự biến đổi trong thân trong trí của ta nó liên-tiếp nhau thành ra ta không biết và vẫn tưởng là một. Nhưng nếu ta lấy những hiện-trạng đã có cách quãng độ năm bảy năm hoặc mươi mười-lăm năm, mà ta đem so-sánh với nhau, thì ta thấy cái ta có lúc này, lúc trước không có, hoặc cái mà lúc trước ta cho là phải là hay, thì lúc này ta cho là trái là dở. Song phải có sự biến-hóa ấy thì mới có sự sinh-trưởng. Hễ khi đã không lưu-chuyển biến-hóa nữa, là thôi, không sinh-trưởng nữa. Đã không sinh-trưởng nữa, là cứ dần mòn mãi cho đến khi không biến-hóa được, ấy là chết. Người này chết lại có người khác tiếp-tục mà sống, mà sinh-trưởng, cứ tiếp-tục như thế mãi, gọi là cuộc đời của người ta vậy.

Cái cuộc đời ấy có thể nói riêng về một cá-nhân cá-vật, hay có thể nói chung cả một đoàn-thể, một chủng-loại, hoặc cả vạn-vật ở trong vũ-trụ. Vì rằng riêng hay chung cũng chỉ có một sự sinh-hoạt mà thôi. Người ta sở dĩ có, là có sự sinh-hoạt, mà vũ-trụ cũng vậy, không có sinh-hoạt là không có vũ-trụ. Vậy ta có thể gọi cả thế-gian là một vũ-trụ, và một thân-thế của ta cũng là một vũ-trụ. Lớn nhỏ tuy có khác nhau, nhưng cùng là một sự sinh-hoạt, tức là một vũ-trụ vậy.

Sự sinh-hoạt trong một vũ-trụ chỉ là một sự tương-tục mà thôi. Tương-tục là một thái-độ, một thái-độ, lại một thái-độ, hay là một sự, một sự, lại một sự, cứ sinh nảy ra mãi thành một dây liên-tiếp nhau từ đầu chí cuối. Sự sinh nảy ra các thái-độ và các sự như thế là do ở sáu cái gốc: mắt, tai, mũi, lưỡi, thâný, là những cái gốc để xúc-tiếp và để tưởng-nghĩ. Ở sau những gốc ấy, thì có một cái bởi những gốc ấy đã sản-xuất ra để tìm hỏi và sai khiến các sự; cái ấy ta gọi là đại tiềm-lực hay là đại ý-dục. Cái đại ý-dục ấy chủ-trương những sự cảm-giác và những ý-niệm để thành ra các sự. Ở trước những gốc ấy, thì có những sự đã làm rồi, nó thành ra một cái định-cục. Tuy cái định-cục ấy phải tương-tục mà chuyển đi, nhưng cái hình giáng bề ngoài thì trong một kỳ-hạn, một đời người, tựa như là một vũ-trụ chắc-chắn vững-bền. Cái định-cục đã thành, gọi theo tiếng nhà Phật là cái ngã đã thành, mà cái hiện-tại đại ý-dục gọi là cái ngã hiện-tại.

Cái ngã đã thành là cái đã có hình-thức thuộc về phần vật-chất có thể cảm-xúc được, nghĩa là có hình ảnh hiện lộ ra để ta xúc-tiếp và cảm-giác được. Cái ngã hiện-tại của ta là cái ta trông không thấy, nghe không thấy, sờ không thấy; cái ấy không có hình-thức, không thuộc về phần vật-chất, mà ta thường gọi là tâm, hay là tinh-thần. Cái ngã hiện-tại bao giờ cũng hướng tiền mả hoạt-động.

Nói hoạt-động là nói đem cái ngã hiện-tại, tức là cái tâm, cái tinh-thần, mà phấn-đấu với cái ngã đã thành, tức là cái đã thành định-cục. Nói cách khác nữa, là nói đem cái đại ý-dục mà làm mọi sự, để khiến cái cục-diện đã có, biến-cải thành ra cái cục-diện khác. Nói tóm lại, sự sinh-hoạt là sự đem tâm-trí mà làm hết việc này đến việc khác để biến đổi các cái thái-độ đã có ra những cái thái-độ khác có phần tốt đẹp hơn.

Vậy sinh-hoạt là dùng cái tâm, cái tinh-thần, mà phấn-đấu với cái định-cục. Tại sao lại có sự phấn-đấu? Phàm khi nào cái ý-dục yêu-cầu hướng tiền mà hoạt-động, thì có cái định-cục làm ngại-trở. Ví như đang đi đường bỗng có tảng đá lớn chắn ngang đường đi không được, ta muốn đi, thì tất phải dùng sức mà lăn tảng đá ấy đi chỗ khác. Ấy tảng đá là cái ngại-trở, là cái cục-diện đã định. Nếu cái tâm muốn yêu-cầu được như ý-nguyện, thì cái tâm khiến ta nỗ-lực mà biến-cải cái cục-diện kia. Sự nỗ-lực để biến-cải cục-diện như thế gọi là phấn-đấu.

Đó là sự phấn-đấu với phần vật-chất. Lại còn thứ phấn-đấu với phần tinh-thần nữa. Thí-dụ một người, có ý-kiến muốn yêu-cầu mọi người cũng đồng ý với mình, nhưng chưa biết mọi người có đồng ý với mình hay không. Cái ngại-trở là cái tâm của mọi người. Nếu muốn được mọi người đồng ý với mình, thì mình phải dụng lực mà bày tỏ hết các lẽ, viện chứng cớ phân-minh, để biến-cải được cái diện-cục của cái tâm mọi người. Sự dụng-lực ấy cũng là một sự phấn-đấu.

Phàm khi nào có dụng-lực là có phấn-đấu. Mà sự sinh-hoạt của ta là không lúc nào là không dụng-lực, tức là không lúc nào là không phấn-đấu. Phấn-đấu là ứng-phó cái khó-khăn để giải-quyết một vấn-đề. Sự sinh-hoạt của mọi người đều như thế cả, mà không những chỉ có giống người như thế mà thôi, các giống vật khác cũng như thế cả. Thí-dụ như con ruồi xanh sở dĩ có sáu chân và nhiều mắt, là bởi sự phải ứng-phó những việc khó-khăn, cho nên nó phải đem cái ngã đã thành của nó mà biến ra hình dạng như thế, để cho thích-ứng với hoàn-cảnh. Những sự sinh-hoạt như thế là phần nhiều do ở cái bản-năng, nghĩa là cái « bất học chi năng »; song do bản-năng hay do ý-thức mặc lòng, đều là sự phải dụng-lực mà phấn-đấu với các cái ngại-trở để mà sinh-hoạt.

Đại khái cái công-lệ của sự sinh-hoạt là phải biến-hóa luôn và phải theo hoàn-cảnh mà phấn-đấu để chiếm lấy phần thắng lợi, cả về đường vật-chất và về đường tinh-thần. Đó là cái vấn-đề cốt-yếu trong cuộc nhân-sinh vậy.

Ta nay phải làm thế nào cho thích-ứng với hoàn-cảnh để mà sinh-tồn mà tiến-thủ? Hiện như người Việt-Nam ta đây, dù lớn nhỏ thế nào mặc lòng, ta cũng là một phần-tử trong nhân loại, tất là phải chịu cái ảnh-hưởng chung cả thiên-hạ. Ta cũng đua tranh muốn tiến-hóa như các dân-tộc khác. Hiềm vì trước kia ta quen ở trong một cái phạm-vi hòa-bình, cứ theo tạo-hóa mà yên vui, miễn là ai nấy giữ được cương-thường đạo-lý là những điều cốt-yếu ở trong xã-hội. Nay hốt-nhiên cuộc đời biến-đổi đi, luồng sóng Âu-hóa ngày một mạnh lên và tràn khắp mọi nơi. Ta lại thấy cái khuôn phép cũ của ta bó buộc ta ở trong cái phạm-vi khô-khan chật-hẹp. Lẽ tự-nhiên là ta muốn bỏ cái khuôn phép ấy đi mà mở rộng cái phạm-vi ra cho đúng với cái dịp tăng-tiến của các xã-hội khác. Nhưng ta lại hiểu lầm rằng sự tiến-hóa của nhân-quần xã-hội chỉ cốt ở phần vật-chất mà thôi, chứ không cần đến tinh-thần, thành thử việc biến-thiên trong cuộc nhân-sinh của ta có nhiều điều chếch-lệch. Ta sở dĩ có những điều lầm lẫn ấy, là bởi ta chỉ trông thấy cái định-cục đã thành mà thôi, chứ ta không tìm đến cái nó đã khiến cho thành ra cái định-cục ấy. Thí-dụ ta thấy người Âu người Mỹ cường thịnh, thì ta chỉ lo bắt-chước sự cử-chỉ hành-động của người Âu người Mỹ. Ta biết rằng sự cường thịnh ấy nhờ có khoa-học, thì ta cũng kêu gào khoa-học. Nhưng ta không biết rằng ở trong sự cử-chỉ hành-động ấy và ở trong sự khoa-học có cái tiềm-lực rất mạnh, và nhờ có cái tiềm-lực ấy cho nên mới có cái thế-lực hiện-tại. Cái tiềm-lực ấy là cái tinh-thần, hay là cái tâm như đã nói ở trên, tự nó phải phấn-đấu luôn để tạo-tác các định-cục. Nếu ta không có cái tiềm-lực ấy, thì dù ta khéo bắt-chước thế nào cũng chỉ là sự bắt-chước ở bề ngoài mà thôi, chứ kết cục vị tất đã có hiệu-quả gì mấy; mà nói khoa-học, thì ta có thể học được khoa-học, nhưng chưa chắc đã dùng được khoa-học cho đúng như tinh-thần khoa-học. Vậy ta muốn tiến-hóa cho đúng lẽ phải, thì ta lo gây lấy cái tinh-thần cho thật mạnh. Cái tinh-thần ấy cốt ở cái thái-độ đặc-biệt của người ta đối với các định-cục đã thành ở trong thế-gian. Đối với các sự vật, ta phải có cái trí sáng suốt để suy xét và cân nhắc mọi lẽ phải trái, mọi việc chính tà, rồi nhất quyết theo cái chính và làm điều phải.

Về mặt thao-thủ, thì ta phải vững bền như gang như sắt, mà về mặt tiến-thủ, thì ngoài cái thái-độ cương-nghị để mà phấn-đấu với các cái định-cục đã thành, ta lại phải có lòng khoan-hồng để dung-nạp được hết thảy những điều phải, điều hay, bất luận cổ hay kim, đông hay tây, hễ có điều gì thích-hợp với sự tiến-hóa và có thể nâng cao được cái phẩm-giá của con người ta lên, là ta dung-nạp hết cả, mà dung-nạp một cách có ý-thức, có điều-hòa đối với tình-thế, với hoàn-cảnh, khiến sự hành-động không chếch-lệch và các việc có cái chủ-đích phân-minh.

Đem cái tinh-thần ấy ra mà dùng khoa-học mà biến-cải những điều hủ lậu, nó làm ngăn trở sự tiến-hành của sự nhân-sinh, thì việc gì là việc chẳng hay, điều gì là điều chẳng phải, và sự nhân-sinh của ta cũng bởi đó mà thành ra có nghĩa lý.

Muốn có cái tinh-thần ấy thì ta đừng để cái tư-tâm che lấp mất cái công-lý và làm việc gì ta cũng đừng hấp-tấp nóng-nảy, mong có hiệu-quả ngay trước mắt, đến nỗi bỏ mất cái tôn-chỉ chính đáng trong những việc ta làm. Việc làm đã là hay và phải, thì dù lâu dù chậm thế nào rồi cũng có hiệu-quả, tựa như người đã biết trồng cây, chỉ cốt lo trồng thế nào cho cây tốt, hễ cây đã tốt thì tự-nhiên là có hoa có quả. Ta đã làm việc gì, cần phải có cái sức dũng-mãnh, và cái lòng nhẫn-nại không gì biến đổi đi được. Ấy là một điều rất hệ-trọng trong sự sinh-hoạt của người ta vậy.

Song đó chỉ nói về cái thái-độ của cái ngã hiện-tại, tức là chỉ nói về cái tâm, cái tinh-thần của người ta cần phải có mà thôi. Còn cái phương-pháp dùng để đối phó với các cái định-cục đã thành, thì cần phải phấn-đấu cách thế nào cho được như ý-nguyện của ta. Đời bây giờ là đời khoa-học, ta không thể nói không cần khoa-học được. Nhưng dùng khoa-học thì phải biết khoa-học sở chủ ở những điều gì. Cứ như thiển kiến của tôi, thì khoa-học phải chủ ở sự tổ-chức và ở phương-pháp, là hai điều rất trọng-yếu. Hễ không có hai điều ấy là không có khoa-học.

Tổ-chức là xếp đặt đâu ra đấy, mỗi một cơ-quan phải có một phận-sự nhất-định, và các cơ-quan đều liên-tiếp với nhau và do một cơ-quan tối cao chủ-trương hết cả. Tựa như trong thân-thể người ta có ngũ-quan, tứ-chi, lục-phủ, ngũ-tạng, và mỗi một cơ-thể ấy làm một phần việc, nhưng hết thảy các cơ-thể đều liên-lạc mật-thiết với nhau, do trí-não cai-quản và đốc-suất. Nhỡ khi có một cơ-thể nào hư-hỏng, không thi-hành được cái mệnh-lệnh của trí-não, thì cả thân-thể bị sự thiệt-hại. Việc hành-động trong sự sinh-hoạt của người ta cũng vậy, nếu theo cho đúng phương-pháp của khoa-học, thì bất cứ việc gì cũng phải có sự tổ-chức như thế. Không có tổ-chức, tất là cẩu-thả, gặp đâu hay đấy, không phải là khoa-học nữa.

Đã có tổ-chức là phải có kỷ-luật, nghĩa là phải có khuôn-phép nhất-định để cho các phần-tử trong cuộc tổ-chức đều phải tuân-theo. Khi cái mệnh-lệnh của chủ-quyền đã tuyên-truyền ra, thì dù thế nào các phần tử cũng phải phục-tùng, chứ không được lấy cớ gì mà để-kháng lại. Ví như một cái máy, khi máy đã chạy là các bộ-phận trong máy đều phải chạy cả, nhỡ khi có một bộ-phận nào không chạy được là máy hỏng. Kỷ-luật là một điều rất hệ-trọng trong sự tổ-chức. Nhưng ta là người có ý-thức, không phải như vật vô ý-thức, cứ một mặt thuận-thụ cái sức đàn-áp ở ngoài, mà tự mình không có chủ-kiến gì cả. Người có ý-thức biết rằng không có kỷ-luật thì không có tổ-chức, cho nên tự mình ưng-thuận theo kỷ-luật. Nhờ có sự tự ưng-thuận ấy, cho nên việc theo kỷ-luật là một việc chung cả đoàn-thể từ trên chí dưới, chứ không riêng cho một ai, mà vẫn không xâm-phạm đến cái quyền tự-do của cá-nhân. Đó là những điều các nhà muốn theo khoa-học cần phải biết trước hết cả.

Theo khoa-học thì phải biết phương-pháp của khoa-học. Phương-pháp là đường lối, phép tắc, ta theo mà làm một việc gì cho đúng cái mục-đích đã định, hoặc là giải-quyết một vấn-đề nào cho hợp với chân-lý. Thí-dụ muốn biết một việc gì, trước hết phải biết căn-nguyên việc ấy bởi đâu mà có; việc ấy có được như thế là bởi những cơ-hội nào và ở vào cảnh-huống nào; nếu việc ấy ở sang cảnh-huống khác, thì nó biến đổi ra làm sao. Hoặc việc ấy có những cái lợi và cái hại gì và nó quan-hệ với việc khác là thế nào. Bao nhiêu những phương-diện ấy cần phải xét cho rõ và phải có chứng cớ phân-minh. Những điều nói phỏng, những lời ức-thuyết và những ý-kiến vu-vơ không sở-cứ vào lý-thuyết nào chắc-chắn, đều không phải là phương-pháp khoa-học. Ấy là nói qua cái đại-lược để ta hiểu rằng khi đã dùng những phương-pháp khoa-học là cần phải cho tinh-mật: Xét một điều gì là xét đi xét lại, phải phân-tích, phải tổng-hợp, phải thí-nghiệm, xem có thật đích-xác, rồi mới nhận là chân-thực và định thành công-lệ. Việc gì đã thuộc về khoa-học là xác-thực. Cho nên khoa-học có thể giúp ta về việc phấn-đấu ở cuộc đời để tìm ra các chân-lý hoặc để gây thành cái định-cục mới lạ.

Song đã nói rằng khoa-học chỉ làm cho ta biết được những sự vật tương-đối ở trong tạo-hóa mà thôi, chứ không lên tới chỗ vô-hình tuyệt-đối ở ngoài tạo-hóa. Vậy nên có nhiều cái vấn-đề ta không thể lấy khoa-học mà giải-quyết được. Về những vấn-đề hình-nhi-thượng ta chỉ nhờ có cái trực-giác là cái tia sáng tự-nhiên và rất mẫn-tiệp ở trong tâm ta, khiến ta có thể hiểu biết mà không thể giải-thích ra được. Vì những vấn-đề ấy đã ra ngoài cái phạm-vi ngôn từ của ta rồi, thì ta làm thế nào mà giải-thích những vấn-đề ấy bằng ngôn-từ được? Bởi vậy, đối với những cái tư-tưởng cao xa và những quan-niệm huyền-diệu ta không nên cố-chấp. Muốn cho khỏi có những điều lầm lỗi, thì ta chỉ nên giữ cái tâm của ta cho sáng suốt, cái trí của ta cho minh mẫn, điều gì ta có thể biết được đích-xác, hãy cho là biết; điều gì ta không thể biết được đích-xác, thì cho là không biết. Giữ được cái thái-độ ấy, tôi tưởng cũng đủ làm một người chân-chính quân-tử vậy.

Nói rút lại, cuộc nhân-sinh của người ta là cuộc cứ phải nỗ-lực phấn-đấu không lúc nào nghỉ. Phấn-đấu để trừ bỏ những sự hèn nhát, để tránh khỏi những sự sai lầm, để phá tan những sự mờ tối, để cho bớt những sự tàn khốc, cứu-cánh là phấn-đấu để làm rõ-rệt cái chân-lý ra, để làm cho sáng tỏ cái phần quang-minh ở trong lòng ta. Người đã có cái tâm lực ấy, thì cái quan-niệm về cuộc nhân-sinh thành ra có thú-vị, có nghĩa lý, đối với đời lúc nào ta cũng phải theo đời mà biến-đổi, nhưng biến-đổi một cách chính đáng rất hợp lẽ phải, có ý-thức, có phương-pháp, không lờ-mờ vơ-vẩn, không quàng xiên cuồng dại, mà bao giờ cũng ung-dung thư-thái, không câu-nệ những điều nhỏ hẹp mà cũng không khờ dại làm những điều trái ngược.

Về đường tinh-thần, thì ta giữ cái tâm của ta cho sáng suốt và cái chí của ta cho vững bền. Ta biết rằng ở đời cần phải có sự tiến-thủ, mà muốn tiến-thủ thì cần phải có cái tinh-thần rất mạnh. Vậy ta nuôi cái tinh-thần của ta bằng sự học-vấn, đem những cái tư-tưởng cao-xa rộng-rãi mà làm cho cái tinh-thần của ta ngày một thêm tốt thêm tươi, để lúc nào cũng ứng-phó được với ngoại cảnh cho mỹ-mãn.

Về đường thực-tế, thì ta đem cái tinh-thần mạnh-mẽ đã có của ta mà dùng khoa-học trong những việc làm của ta, mà lợi-dụng những sự tiến-hóa của nhân-quần đã sáng-kiến ra để gây nên cái cuộc nhân-sinh bớt được những nỗi khổ-não ở đời. Làm việc gì thì lấy lòng thành-thực mà nỗ-lực làm cho đến nơi đến chốn, bao giờ cũng vụ lấy sự thực, chứ không cầu hư-danh để huyễn-hoặc người ta. Nói điều gì thì cốt lấy sự ngay-chính thực-thà, chứ không dùng lời xảo-ngôn ỷ-ngữ để lừa đảo thiên-hạ.

Về đường tư-tưởng, thì khoan-dung hoằng-đại, chư không bó buộc ở những điều nhỏ-mọn hẹp-hòi. Bao giờ cũng có lòng dung-thứ mà không thiên chấp cái sở kiến của mình. Phàm những điều quan-hệ đến tôn-giáo, hễ khi nào không có sự mê-tín nhảm-nhí, thì cứ để sự tín-ngưỡng tự-do, ta không nên buông lời phỉ-báng. Bởi vì những việc cao-xa huyền-bí, mỗi người hiểu ra một cách, ta không nên cố chấp là chỉ có ta hiểu rõ được chân-lý mà người khác là lầm lẫn hết cả.

Về đường xử thế tiếp vật, thì ta đem lòng nhân-từ bác-ái mà đối với mọi người và mọi vật, khiến cho không có người nào hay vật nào vì ta mà có sự khổ-não. Được như thế, há lại không đủ vui trong một đời người hay sao?

Nếu ai cũng hiểu cuộc nhân-sinh như thế, thì tự trong cuộc đời đã có cái sinh-thú rồi, bất tất phải hỏi sống để làm gì, và chết thì đi đâu. Việc sống chết là việc biến-hóa thay đổi theo cái lẽ nhân quả nghiệp duyên. Nếu ta sống mà chỉ làm những điều lành điều phải, thì việc gì mà lo cái chết? Sự báo-ứng là lẽ tất-nhiên, thì tất-nhiên làm lành gặp lành, làm dữ phải dữ. Trời thánh cũng không qua được cái lẽ chí công chí chính ấy, ắt là không có vì sự kêu-cầu nịnh-nọt mà làm trái công-lý vậy. Thành thử cái vấn-đề sinh-tử tuy không thể giải-quyết được mà hóa ra tự nó vốn có cái giải-quyết. Chỉ vì ta muốn giải-quyết theo cái ý-kiến hẹp-hòi của ta, cho nên nó mới vẩn-vơ ở trong lòng ta, lâu thành ra sự tin xằng tưởng bậy. Ấy cứ như thiển kiến của tôi, thì tôi tin ở trong vũ-trụ có một cái chân-lý bất sinh bất diệt, nhưng cái chân-lý ấy rất huyền-bí ta không thể nào biết rõ được. Ta chỉ nhờ có một chút ánh-sáng ở trong lòng ta mà biết là cái chân-lý ấy có, và biết cố tìm cách mà tư-tưởng và hành-động cho hợp với cái chân-lý ấy. Cứ một sự tin đó cũng đủ làm cho ta yên vui ở trong cuộc đời biến-hóa vô-thường này vậy.

Thưa các ngài,

Câu chuyện của tôi nói cũng đã khá dài rồi mà lại là câu chuyện nói không được vui. Thế mà các ngài cũng chịu khó để tai nghe từ nãy đến giờ, thật là các ngài rất có độ-lượng, tôi xin cảm tạ cái nhã ý của các ngài. Tôi chỉ mong rằng bởi câu chuyện nhạt-nhẽo của tôi nói hôm nay, nhưng vì nó có khêu gợi ra một vài ý nghĩa, các ngài nhân đó mà để ý suy nghĩ ra được điều gì hay, ấy thật là sự dở do ở tôi, mà thành ra sự hay do ở các ngài. Vậy thì dù tôi có làm mất thì-giờ của các ngài một lúc, song cũng không phải là cái thì-giờ mất uổng. Được như thế tôi rất lấy làm mãn-nguyện lắm vậy.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)