Sẽ làm gì, ngạch nông quan?

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sẽ làm gì, ngạch nông quan?  (1938) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Thời vụ, Hà Nội, số 54 (16 Août 1938), trang 3, 6.

Mong nó đừng như bộ Kinh tế của triều Huế

Chính phủ Bắc Kỳ sắp đặt ra ngạch nông quan.

Một bạn đồng nghiệp chúng tôi, báo Dư luận, phản đối việc ấy tận gốc: bảo rằng chính phủ chẳng nên đặt thêm ngạch quan gì nữa hết, ngạch nông quan cũng không nên có.

Chúng tôi thì không đến nỗi trực triệt như vậy.

Theo chúng tôi, ngạch nông quan đặt ra, nếu có những phương pháp làm cho nghề nông xứ này thêm tiến bộ, dân thêm giàu, thì hãy nên đặt; bằng không, đặt ra cốt chỉ rộng đường làm quan cho người Việt Nam thôi, thì chẳng nên đặt làm chi.

Năm chục năm về trước, ở đây có một ông Toàn quyền, trị vì lâu năm, đến chừng sắp về Pháp, ông có viết ra một cuốn sách nói về những điều cốt yếu trong sự cai trị xứ này, để lại cho các quan kế nhậm mình, cũng như Gia cát Khổng Minh thảo ra “cẩm nang bí kế” truyền cho chư tướng.

Riêng về điều đãi ngộ người Việt Nam, ông ấy dạy:

“Người Việt Nam đại để cũng chia ra ba giai cấp: thượng lưu, trung lưu và hạ lưu.

Thượng lưu là những hàng quan lớn, những nhà công hầu thế phiệt, bao giờ họ cũng trung thành với chính phủ. Còn hạ lưu là đám dân hèn, u mê ám chướng, không biết chi. Chỉ có bọn trung lưu, những người có nhiều tri thức mà lại không giàu sang cho lắm, những người mà giữa họ gọi bằng “sĩ phu”, là khó cai trị.

Trong xứ nếu có xảy ra sự biến động gì, toàn tại bọn ấy đầu têu, xướng xuất lên cả.

Vậy chúng ta chỉ phải để ý ở bọn trung lưu ấy cho lắm mới được.

Không nên bít mất con đường tiến thân của họ; trái lại, nếu có thể mở thêm ra được càng hay”.

Cái “cẩm nang bí kế” ấy dù có thật thì cũng chỉ những người Pháp nào làm Toàn quyền hay có địa vị lớn ở trong phủ Toàn quyền thì mới biết; chứ chúng tôi làm gì biết được? Nhưng chúng tôi có nghe nói. Và chúng tôi tin.

Chúng tôi tin quả có cái “cẩm nang” ấy là vì, năm chục năm nay, chúng tôi thấy cái chính sách của các quan Toàn quyền làm ra, về sự đãi ngộ hạng người trung lưu Việt Nam, thật ám hợp với cái “cẩm nang” ấy đã dạy, không sai một mảy.

Khoa cử là một cái chế độ thối tha mục nát, các quan Toàn quyền há lại chẳng biết sao? Thế mà cứ để mãi, để cho đến người Việt Nam chúng tôi chán chê và kêu van lắm rồi mới bỏ; bỏ vào hồi giữa triều Khải Định, sau bên Tàu đến hơn hai chục năm! Thế có phải vì khoa cử là con đường tiến thân của sĩ phu chúng tôi, các ngài không muốn bít?

Giữa lúc khoa cử còn chưa bỏ, đã thấy trường sĩ hoạn, trường hậu bổ, đâu đó lập ra rồi.

Rồi còn đặt thêm ngạch học quan cho cả Trung, Bắc hai kỳ. Mà trước khi chưa có ngạch ấy, việc học không phải là không tiến hành, không phải là không có những người để dạy học trò và để coi sóc sự dạy dỗ!

Rồi, riêng cho Trung Kỳ, còn đặt thêm bộ Kinh tế nữa. Bộ ấy lập lên, chỉ có một điều ích lợi là rộng đường cho ba vị đường quan, vài mươi thuộc viên có chỗ thăng bổ mà thôi!

“Nếu có thể mở thêm ra được càng hay”. Thì đã “càng hay” lắm rồi! Vì đã “mở thêm ra” lắm rồi! 

Đến ngày nay, chính phủ còn đặt thêm ngạch nông quan, chúng tôi ngại lắm, ngại rằng các ngài chỉ thi hành cái “cẩm nang bí kế” ấy thêm một lần nữa!

Các quan trong ngạch nông quan về sau này sẽ làm gì? Đó không phải là câu hỏi chúng tôi đặt ra để cầu có người trả lời ngay bây giờ, mà là một cái nghi điểm bảo chúng tôi sẽ xem ở thực sự trong ngày mai.

Bộ Kinh tế vừa nói trên đây, từ hồi lập ra đến giờ, đã làm khổ cho người Trung Kỳ lắm lắm, người ta đã nhàm nó lắm lắm; chúng tôi mong cho ngạch nông quan của Bắc Kỳ bữa sau sẽ đừng như bộ Kinh tế cũng làm khổ cho dân Bắc Kỳ.

Không phải dân Trung Kỳ phải gánh vác thêm trong sổ dự toán về món tiền lương của các quan bộ ấy mà nói rằng làm khổ. Điều ấy đã đành đứt đi rồi. Người ta vẫn cầu cho các ông quan ấy nếu không có việc làm thì cứ ăn lộc mà ngồi không, chứ đừng báo hại đến người ta, thế mà cũng chẳng được cho!

Người ta tính ra, một năm chỉ có 12 tháng, chứ phỏng sử có đến 13 tháng là những ngày ấy cũng chỉ vừa đủ cho các chánh phó tổng, các lý trưởng chốn hương thôn Trung Kỳ dùng mà làm việc với bộ Kinh tế! Mà thảm hại thay, việc nào có ra việc! Đại khái hôm nay chỉ sức về hỏi: mỗi làng có mấy trăm cái khung cửi, bao nhiêu cái dệt vải, bao nhiêu cái dệt tơ; ngày mai sức về hỏi: những nơi nào trồng dừa, những nơi nào trồng đỗ lạc; ngày kia một cái trát bảo phải lập “vườn mô phạm”; ngày kìa một cái trát dạy người làm ruộng nên cày cấy thế nào, nên bón phân thế nào, nên lựa hạt giống thế nào… Thế là việc đó, làm mãi quanh năm không hết!

Tổng lý còn là phận sự của họ; báo hại nhất là cho những người dân quê có nghề làm ăn. Đã mang khăn gói lên vai, sắp đi xa ba bốn ngày đường để bán những tấm vải dệt ra, còn bị ông xã gọi dật ngược lại, bảo phải ở nhà khai số khung cửi. Đương vác cái cày ra đồng, giữa đường bị chú Giáp bắt lên đình khai về khoản trồng đỗ lạc, không trồng còn phải “kiết”. Đó, cái kết quả sự “làm việc” của bộ Kinh tế là thế đó: làm để mà khuấy rối dân lành, không cho họ làm ăn vậy!

Đặt một cái bộ ra, không cốt làm ích lợi cho nước cho dân, chỉ cốt có thêm chỗ cho người làm quan khỏi bị đường bay nhảy, thì nó phải như thế, chúng tôi không trách họ. Chúng tôi chỉ cầu cho sự an ủy khôn khéo ấy chỉ vừa vừa thôi, đừng có mỗi ngày một nhiều mãi ra.

Về ngạch nông quan, chúng tôi còn có chỗ tin cậy và trông mong, có lẽ nó không đến báo hại người ta như bộ Kinh tế, là những ông quan trong ngạch ấy sẽ là người có cái học chuyên môn. Những kỹ sư về nông học, những người tốt nghiệp ở trường nông nghiệp thực hành ra, chả có lẽ nào chỉ làm việc trên giấy và bằng miệng. Nếu sau này, ngạch quan ấy lập ra rồi, mà nông nghiệp xứ Bắc Kỳ tiến bộ lên, mỗi năm có hiệu quả cho người ta trông thấy, thì thiên hạ hoan nghênh lắm, còn có ai phản đối?

Nhưng phàm mọi việc đều quan hệ ở cái động cơ. Cái động cơ của nó là thế này, thì không thể mong cái thành hiệu của nó là thế khác được. Việc đặt ra ngạch nông quan nếu chỉ để thêm nhiều ông quan thì khó mà mong nó làm tăng số gạo xuất cảng.

PHAN KHÔI