Sử ký Tư Mã Thiên/IV-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
IV. — Biểu sáu nước

IV. — BIỂU SÁU NƯỚC

Ông Thái-Sử đọc Sử nước Tần, đến đoạn: « Rợ Khuyển-Nhung đánh bại U-Vương nhà Chu; nhà Chu đông dời đô sang Lạc-Ấp; Tương-Công nước Tần mới được phong làm Chư-hầu, lập đàn Tây-Trĩ để thờ Thượng-Đế »; thì đã thấy bắt đầu có sự lấn quyền rồi... Kinh-Lễ dậy rằng: « Thiên-Tử tế Trời, Đất. Chư-hầu tế các thần núi to, sông lớn ở trong nước mình ». Nay nước Tần còn lẫn những phong-tục mọi rợ; trước dữ-tợn, sau nhân-nghĩa; ở ngôi phiên-thuộc mà dám bầy lễ tế Giao! Quân-tử lấy làm sợ... Đến đời Văn-công, vượt qua đất Lũng, đánh rẹp bọn Mường-mán, tôn thờ thần Trần-Bảo, kinh-dinh trong khoảng đất Kỳ, đất Ung. Mục-công sửa sang chính-trị, đông sang mãi đến Hoàng-hà, thì đã ngang hàng với Tề-Hoàn, Tấn-Văn, với các hầu-bá ở Trung-quốc rồi vậy.

Sau đó bọn bồi-thần cầm-quyền, các đại-phu đời đời ăn lộc. Sáu viên Khanh chuyên quyền ở nước Tấn, nào họp thề, nào đánh-rẹp, oai lại to hơn các vua Chư-hầu! Kịp khi Điền-Hằng giết Giản-công mà làm tướng nước Tề, Chư-hầu làm thinh không trị tội, thì trong bốn bể chỉ đua nhau về chiến công mà thôi! Rút lại ba nước chia nhau lấy nước Tấn. Điền Hòa cũng giệt nhà vua mà chiếm nước Tề. Sáu nước thịnh lên bắt đầu từ đó. Họ cốt sao cho mạnh được quân, nuốt được địch quốc. Mưu trá được trọng dụng, mà nẩy ra những thuyết ngang, dọc, vắn, dài... mẹo lừa, chước dối nổi rậy như ong! Thề thốt không còn thật! Dù đặt con tin, khắc con dấu cũng không ràng buộc nổi...

Tần trước là nước nhỏ. Các nước hoa-hạ coi khinh, ngang với mọi-rợ! Từ đời Hiến-công trở về sau, thường mạnh hơn Chư-Hầu Kể đức-nghĩa của Tần, không bằng hạng ngang trái ở Lỗ, Vệ. Lượng binh-lực của Tần, không mạnh bằng ba nước Tấn. Vậy mà rút lại gồm được cả thiên-hạ, vị-tất là bởi hiểm-trở tiện, hay hình thế lợi đâu: chừng như là có Trời giúp cho...

Hoặc có kẻ nói:

— Phương Đông là nơi mọi vật bắt đầu sinh. Phương Tây là nơi mọi vật đến lúc thành-thục. Cho nên kẻ gây việc tất ở miền Đông Nam, mà kẻ thu công thường ở miền Tây Bắc. Cho nên vua Vũ rấy từ Tây-Khương; vua Thang rấy từ Bắc, Nhà Chu lúc làm Vương đem Phong, Cảo mà đánh Ân; nhà Tần lúc làm Đế nổi từ Ung-châu; nhà Hán nổi lên cũng từ Ba-Thục...

Khi nhà Tần đã đắc-ý, liền đốt sách vở thiên-hạ, nhất là sử-ký của Chư-hầu, vì các sách ấy có nhiều chỗ mỉa-mai đến nó! Các sách vở sở-dĩ sau lại được thấy, phần nhiều là giấu ở mọi nhà. Riêng sách Sử-ký chứa ở nhà Chu, vì thế mất hẳn! Tiếc thay! Tiếc thay! Còn lại chỉ có sử nước Tần, lại không chép ngày tháng; văn thì sơ-lược không đủ. Thế nhưng những quyền biến ở đời Chiến-quốc cũng có nhiều điều đáng lượm nhặt, có cứ gì là Thượng-Cổ! Nhà Tần lấy thiên-hạ hạ, nhiều cách dữ-tợn! Thế nhưng biến đời khác mà thành công to! Truyện dậy rằng: « Bắt chước lấy các vua đời sau », Sao vậy? Vì các đời ấy gần ta, tục đổi giống nhau, lời bàn thì thấp mà dễ làm. Kẻ học-giả thiên về những điều mình nghe, thấy Tần ở ngôi Đế không được mấy ngày, không chịu xét kỹ trước sau, nhân đem mà cười chê tất cả, không dám nói đến! Như vậy, không khác gì là kẻ « ăn bằng tai! » Thương ôi! Tôi vì thế, theo vào sử Tần, tiếp sau đời Xuân-Thu, bắt đầu từ Nguyên Vương nhà Chu, biểu những việc đương thời của Sáu Nước, cho đến vua Nhị-Thế, gồm hai trăm bẩy mươi năm; chép rõ những duyên cớ thịnh, suy mà mình được nghe, để các quân-tử đời sau có chỗ mà xem xét...