Bước tới nội dung

Sử ký Tư Mã Thiên/IV-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
Lời bình của Lâm Tây Trọng

Lời bình của Lâm Tây Trọng

Thế-biểu của Ba-Đời, lấy Thượng-Thư làm chứng. Niên-biểu của mười hai nước Chư-Hầu, lấy Xuân Thu làm chứng. Còn các niên-biểu, nguyệt-biểu từ khoảng Hán-Sở trở xuống, lại lấy Hán-Sử làm chứng. Đều là rõ ràng đáng tin, cái đó đã xong rồi. Riêng từ sáu đời Xuân Thu. cho đến đời vua Nhị-Thế nhà Tần, gồm hai trăm bẩy mươi năm, những thứ mà các nước chép lại, nhà Chu chứa lại, đều cháy trong mớ lửa Tần. Đã không có nơi tra xét, lại không tiện để thiếu riêng, đành phải mượn sử Tần để biểu ra thời-sự của Sáu Nước. Lại nhân trong sử không chép ngày, tháng văn lại sơ-lược không đủ, cho nên không gọi là Niên-biểu, mà chỉ gọi là biểu không. Biểu mượn sử Tần mà làm, cho nên đầu bài kể lúc Tần mạnh, cuối bài kể lúc Tần lên, mà Sáu Nước chỉ nói kèm một đoạn vào giữa. Những chuyện kể trong biểu, vốn có Tần ở trong. Vì Tần đã có Sử riêng, đây chỉ biểu riêng có thời sự của Sáu Nước, cho nên không gọi là Bẩy Nước, mà chỉ gọi là Sáu Nước. Thời-sự Sáu Nước đã cốt ở chiến công, mưu mẹo, mà Tần lấy Sáu Nước lại trọng dữ-dội mà khinh nhân-nghĩa, nếu so với đạo đời Thượng-Cổ, thì đều không đáng dậy. Thế nhưng ở sau khi đổi đời, những quyền-biến ở đời Chiến-quốc cũng có cái hợp thời, ta không có quyền nệ cổ mà sót kim, đó là bản-ý người viết « biểu Sáu Nước ». Cuối cùng lấy bốn chữ « duyên cớ thịnh suy » làm câu kết, cũng là nói về mặt cứu đời, vì nhà Hán cách đời Tần, chưa có bao xa. Văn viết biến hóa dọc ngang, các nhà bình cũ chả hiểu gì hết!