Sử ký Tư Mã Thiên/V-2
Lời bình của Lâm Tây Trọng
Đào Chu Công ba lần dời đổi đều nên danh, xem ra bản-lĩnh chỉ là ở chỗ: Khi không biết lấy mà khi có biết bỏ. Kỳ thực thì biết bỏ cũng là cách để giúp cho sự biết lấy... Người con cả biết lấy không biết bỏ. Người con út biết bỏ không biết lấy. Đều có chỗ kém. Chu-Công thì chỉ dùng chỗ giỏi, của các con. Như làm giầu thì tất cùng làm với người con cả. Đến lúc sang Sở thăm con thứ đưa thư cho Trang-sinh thì sai riêng người con út. Thật đáng là « biết con không ai bằng cha »! Xưa nay kẻ làm nên việc lớn, có kể gì tốn-kém! Ví như vua Cao-Tổ nhà Hán đưa bốn vạn cân vàng cho Trần-Bình để làm kế phản-gián ở Sở, không hỏi gì đến việc chi-tiêu! Vì thế mà nhà Hán mới lên... Xét chuyện Cao-Tổ, ông vốn là người chẳng thiết gì làm ăn, giầu có! Mà Trần-Bình lúc nhỏ, người chị dâu cũng ghét ông không nhìn gì đến tài-sản trong nhà. Ví phỏng trong bọn vua tôi lúc ấy, lại có một người đã từng quen thói con buôn, dè-xẻn trong sự chi-tiêu; rồi kẻ đưa không dám coi thường, kẻ nhận không chịu làm ngay, thì chẳng qua lại thêm một trò cười, như con cả Chu-công đưa ma về nhà mà thôi! Trong văn chỗ tả người con cả, chính là để tả cái khôn-khéo của Chu-công. Hoặc có người nói: Trang-sinh đã quen với Chu-công, thì chẳng nên vì cớ người con cả mà làm hại người con thứ. Thế nhưng Trang-sinh tuy được tiếng là liêm và thẳng, cũng chẳng qua là bọn nghĩa-hiệp, chứ nào phải thánh-hiền! Ý ông tất cho là: kẻ người lớn làm việc, không thể để cho người nghi... Vậy mà tên mọi giữ-của lại vì cớ nhà nghèo, dám coi ta không vào đâu cả! Lại còn đoán là ta may nhờ lệnh xá mà vớ món bổng to, rồi lấy vàng cút thẳng! Thử hỏi như lúc ấy, còn biết để mặt mũi vào đâu? Vả lại đứa con thứ tội vốn đáng chết, mà lệnh xá thực là do ở một lời nói của Trang-sinh. Vậy khi lại vào ra mắt vua Sở, cũng kể như trước kia chưa vào ra mắt vua Sở mà thôi! Nào phải nó không đáng chết mà làm hại nó! Giá thánh-hiền xử vào cảnh ấy, thì tất không thèm chấp. Thế nhưng « giết người thì phải tội chết » lại chưa chắc đã chịu lời của người cũ, để đánh lừa cho nhà vua ra lệnh xá nào! Chu-Công khi con cả sắp đi, đã căn-dặn kỹ-càng, tức là đã biết rõ nhân-cách của Trang-sinh, nào phải là ủy-thác không phải người xứng đáng!